Banner trang chủ

Trồng cây năng lượng trên bãi thải - Mô hình kết hợp giữa bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng sinh học

31/05/2018

     Thực hiện chương trình hợp tác giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường,Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân(Cộng hòa Liên bangĐức), từ năm 2016 đến nay, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Viện độc lập các vấn đề môi trường (UfU), Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức thực hiện Dự án thí điểm “Trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác mỏ tại Việt Nam”. Nhằm nghiên cứu, phát triển hệ thống canh tác cây năng lượng phù hợp để cải tạo, phục hồi đất sau khai khác khoáng sản (KTKS), Dự án đã đưa ra cách tiếp cận cả về BVMT và kinh tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về công tác BVMT trong KTKS, tăng cường sử dụng năng lượng sinh học thay thế năng lượng hóa thạch.

     Đặc điểm, loại hình khu vực thí nghiệm và bố trí cây trồng thử nghiệm

     Trong khuôn khổ của Dự án, Tổng cục Môi trường phối hợp với các chuyên gia đến từ CHLB Đức và Việt Nam tiến hành lựa chọn, trồng thử nghiệm các cây trồng năng lượng trên bãi thải của 3 khu vực KTKS tại Thái Nguyên, Lâm Đồng và Quảng Ninh. Trong đó, khu vực 1: Lựa chọn 1,90 ha đất là bãi thải KTKS tại Núi Pháo, (Đại Từ, Thái Nguyên). Đây là khu vực đổ đất đá thải, đã được phủ lên lớp đất mặt độ dày từ 0.5-1m, đường lên bãi thải không quá dốc, thuận tiện nguồn nước.Khu vực 2: Lựa chọn 2 ha là bãi thải mỏ than Hà Tu, Hạ Long (Quảng Ninh). Khu thử nghiệm trên bãi thải dừng hoạt động đổ đá thải, địa điểm cao (khoảng 200m so với mực nước biển); cách xa nguồn nước; tốc độ gió lớn; đường lên bãi thải dốc. Thành phần cơ giới chủ yếu là cát, hàm lượng dinh dưỡng nghèo, không thích hợp cho các loại cây trồng. Khu vực 3: Lựa chọn 1,25 ha nằm trong khu bãi thải khai thác quặng Bauxit tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng).Địa hình khu đất cao 890 m so với mặt nước biển, độ dốc 9% (dốc thoải), đất đỏ vàng đã được phủ 1 lớp đất dày 0,5-1,0m có độ màu mỡ khá. Điều kiện trồng và chăm sóc cây khá tốt.

 

Trồng cây cao lương ngọt trên bãi thải sau KTKStại Núi Pháo (Đại Từ, Thái Nguyên)

 

     Với khái niệm “cây trồng năng lượng” mà Dự án tiếp cận là những cây trồng có thể sử dụng để sản xuất năng lượng sinh học trực tiếp, hoặc các cây trồng làm thức ăn gia súc, tạo năng lượng gián tiếp thông qua sản xuất khí sinh học. Đồng thời, với đặc điểm các bãi thải sau KTKShầu hết là những khu vực đất nghèo dinh dưỡng, đất trống nên cây năng lượng giúp mở rộng diện tích trồng cây, phủ xanh đất trống, chống xói mòn, tăng tính đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu khí nhà kính. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại cây trồng năng lượng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của khu vực bãi thải sau KTKSbằng cách tạo ra nguồn năng lượng mới như khí sinh học, nhiên liệu sinh học để chế biến nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện... và tạo nguồn thức ăn chủ động cho gia súc trong điều kiện đất canh tác có hạn.

     Để đảm bảo những mục tiêu trên,các chuyên gia của Dự án đã tiến hành lựa chọn các cây trồng có khả năng thích ứng cao với điều kiện khô hạn, thiếu dinh dưỡng, có khả năng tạo năng lượng. Theo đó, khu vực 1 được trồng các cây:Keo lai Úc, cao lương, cỏ VA06, sắn trồng xen đậu xanh; Khu vực 2: Cao lương, trồng xen cốt khí vàkeo tai tượng; Khu vực 3: Cây cọc rào, hướng dương, sắn.

     Một số kết quả ban đầu

     Qua việc trồng thử nghiệm các loại cây trồng trên khu vực bãi thải sau KTKSđã cho những kết quả hiệu quả. Với cây cao lương, thích hợp với điều kiện đất đai và khí hậu khu thử nghiệm. Cây có khả năng chịu hạn tốt, vụ đầu cho năng suất sinh khối khá cao, hàm lượng đường cao, có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ethanol. Tuy nhiên, cây sinh trưởng nhanh, đòi hỏi thâm canh cao, dễ bị sâu bệnh, tái sinh kém, chi phí trồng và chăm sóc cao. Đối với VA06, sinh trưởng phát triển rất tốt, khả năng chống chịu hạn cao, không sâu bệnh, ít công trồng và chăm sóc, năng suất cao,xấp xỷ với cỏ trồng trên các loại đất bình thường; Hàm lượng dinh dưỡng (đường tổng số, lượng Protein thô) khá cao; có thể làm thức ăn cho gia súc, lấy phân để sản xuất khí biogas. Các giống sắn KM94; KM98; KM140 được trồng xen với đậu xanh tại Thái Nguyên sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, đòi hỏi chăm sóc ít. Tuy nhiên, sắn lại không phù hợp với đất sau khai thác bauxit tại Lâm Đồng, cây rụng lá, không thể sinh trưởng được.

     Đới với keo lai Úc, có khả năng sinh trưởng tốt, tăng trưởng nhanh, ít sâu bệnh, đòi hỏi chăm sóc ít. Tuy nhiên để đảm bảo đánh giá toàn bộ chu kỳ sinh trưởng của cây cần có thời gian từ 7 - 8 năm.Cây cọc rào, chậm phát triển, phân cành ít, từ tháng 12, cây rụng lá (ngừng sinh trưởng).  Thời điểm trồng thí nghiệm do cường độ mưa lớn nên đất bị xói mòn do vậy ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Vì vậy, để đảm bảo cây sinh trưởng tốt cần phải bổ sung thêm cây phủ đất để chống xói mòn. Riêng cây keo và cốt khí có thể sinh trưởng, cũng như phát triển khá dễ dàng trên các bãi thải đất xấu. Tốc độ sinh trưởng của keo tùy thuộc vào giống, chuẩn bị đất và chế độ chăm sóc. Sau 2 tháng, cốt khí đã sinh trưởng nhanh, hỗ trợ giữ ẩm cho keo.Cây hướng dương, sinh trưởng chậm, mọc không đồng đều do khu vực trồng thử nghiệm có gió to, đất giữ ẩm không tốt, công trồng và chăm sóc cây cao hơn cùng điều kiện trồng keo. Nếu tiếp tục trồng thử nghiệm phải có giải pháp chống gió và giữ ẩm cho đất.

     Qua kết quả trồng thử nghiệm năm 2016 và 2017, một số loại cây trồng đã thể hiện tiềm năng sinh trưởng như cỏ VA06, keo lai Úc, sắn kết hợp trồng xen với đậu xanh, keo trồng xen với cốt khí. Tuy nhiên, tốc độ sinh trưởng và năng suất sinh khối của các loại cây cũng dao động lớn, phụ thuộc vào tính chất vật lý, hóa học của khu vực bãi thải. Trong 3 khu vực trồng thử nghiệm, bãi thải tại Núi Pháo(Thái Nguyên) do đã được phủ đất mặt độ dày từ 0,5-1m nên thuận lợi cho quá trình sinh trưởng của cây trồng.

     Để kết quả có khả năng nhân rộng, nhóm thực hiện Dự án và các chuyên gia kiến nghị cần có những nghiên cứu sâu nhằm đánh giá toàn diện về khả năng sinh trưởng của cây trồng và mức độ cải tạo, phục hồi các bãi thải sau KTKS. Đồng thời, Dự án nên tiếp tục mở rộng các đối tượng nghiên cứu với các khu vực bãi thải sau KTKS khác.

 

Nguyễn Thị Phương Mai

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn