Banner trang chủ

Trồng cây, gây rừng - Nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam mỗi độ Xuân về

06/03/2019

     60 năm qua, “Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trên toàn quốc, hàng triệu cây xanh được trồng, chăm sóc; độ che phủ rừng ngày càng tăng. Trong thành tích chung ấy, có sự đóng góp quan trọng của toàn thể cán bộ, hội viên nông dân cả nước. Hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019, ngày 13/2/2019, tại tiểu khu 74, xóm Kém, xã Lâm Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam phối hợp với Bộ TN&MT; Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Lễ ra quân. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Môi trường Nông thôn (Trung ương HND Việt Nam) về những kết quả nổi bật của Trung ương HND Việt Nam trong công tác BVMT nói chung, trồng cây, gây rừng nói riêng.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Môi trường Nông thôn

 

     PV: Bà có thể chia sẻ một số hoạt động cũng như kết quả nổi bật trong công tác BVMT nông thôn mà Trung ương HND Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và kế hoạch trong những năm tới?

     Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Trong 5 năm qua (từ năm 2013 - 2018), Trung ương HND Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ HND các tỉnh, TP xây dựng nhiều mô hình điểm BVMT, phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn”; “Thí điểm xử lý chất thải trong phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn”; “Nâng cao trách nhiệm của nông dân, ngư dân trong BVMT biển”; “HND tham gia BVMT làng nghề chế biến nông sản nằm xen kẽ trong khu dân cư nông thôn”; Giữ gìn, phát triển làng nghề thủ công gắn với BVMT nông thôn và xây dựng nông thôn mới”… góp phần tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên nông dân trong bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.

     Thực hiện chính sách pháp luật theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 22/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội, Trung ương HND Việt Nam đã tích cực tham gia đoàn giám sát, phản biện thực hiện chính sách phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu của MTTQ Việt Nam với các Bộ NN&PTNT, TN&MT; Phát huy vai trò và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật BVMT, bảo vệ quyền lợi cho nông dân, tham gia xử lý các điểm nóng về môi trường; Xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên là cán bộ Hội các cấp có đủ kiến thức, kỹ năng vận động hội viên nông dân và cộng đồng tham gia BVMT; Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông phổ biến pháp luật về BVMT cho cán bộ Hội.

     Đặc biệt, Trung ương HND Việt Nam và Bộ TN&MT đã ký Nghị quyết Liên tịch về “Tăng cường phối hợp hành động trong lĩnh vực TN&MT nông thôn giai đoạn 2011 - 2017”. Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo hai bên, các hoạt động phối hợp đã đi vào chiều sâu, có tính thiết thực đối với cán bộ, hội viên, nông dân; tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy sức mạnh của HND các cấp, cũng như toàn thể cán bộ, hội viên nông dân tham gia BVMT, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và nhận thức chung của cộng đồng về việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2017, hai bên đã tổ chức Hội nghị Tổng kết và ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2018 - 2023, khẳng định quyết tâm trong việc tìm giải pháp giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc ở nông thôn và trong sản xuất nông nghiệp.

     Năm 2019 và những năm tiếp theo, Trung ương HND Việt Nam và các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện chủ trư­ơng, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật về BVMT của Nhà nư­ớc; nâng cao nhận thức của cán bộ hội viên về sự nguy hại của ô nhiễm rác thải nhựa đối với môi trường; thay đổi hành vi sử dụng túi ni lông khó phân hủy, từng bước thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường; hướng dẫn, vận động hội viên nông dân thu gom, phân loại rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn; giữ gìn và phát triển làng nghề thủ công, làng nghề giết mổ gắn với BVMT; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, cải thiện điều kiện vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, quyết tâm vươn lên làm giàu gắn với BVMT, xây dựng nông thôn mới…

     PV: Ngày nay, phát triển kinh tế bền vững đi đôi với BVMT đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia. Trong bối cảnh đó, việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa chiến lược như thế nào, thưa bà?

     Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Cách đây 60 năm, ngày 28/11/1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Tết trồng cây" đăng trên báo Nhân dân với bút danh Trần Lực, phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Người viết: Chúng tôi đề nghị tổ chức Một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Người chỉ ra, đây là "một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia". Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó tới nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây theo lời Bác.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Trung ương HND Việt Nam

Thào Xuân Sùng (giữa) trồng cây tại tiểu khu 74

 

     Ngày nay, khi nhiệt độ Trái đất ngày càng nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng đang đe dọa cuộc sống của con người, việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược, là yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững gắn với BVMT. Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây; trồng cây ăn quả, lấy gỗ, cây chắn gió bảo vệ đê biển, chống xói mòn đất, chống cát bay; trồng cây trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, vùng ven biển, biên giới, trên các hải đảo, vùng đất trống, đồi trọc... phù hợp với điều kiện của từng nơi. Đồng thời, nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật… Làm tốt điều này là làm theo lời dạy của Bác, chúng ta vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nhân dân, vừa giữ gìn môi trường sống Xanh - Sạch - Đẹp cho muôn đời.

     PV: Để phong trào Tết trồng cây ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng, bà có đề xuất, kiến nghị gì?

     Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Hàng năm, Trung ương HND Việt Nam phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Sau mỗi đợt phát động, hàng triệu cây xanh đã được trồng. Việc trồng cây được nghiên cứu, lựa chọn phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và văn hóa của từng vùng, miền. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, Tết trồng cây cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Trồng cây là hành động thiết thực hay vì thành tích, phô trương? Kế hoạch trồng, chăm sóc và đánh giá kết quả thế nào? Nhiều địa phương chuyển cây từ nơi khác đến trồng ở nơi mong muốn, như cây lưu niệm, nhưng không biết cách chăm sóc nên cây không sống được… Những việc làm ấy đã làm mất đi giá trị tốt đẹp của Tết trồng cây, thậm chí làm méo mó tư tưởng, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc làm ý nghĩa này.

     Theo quan điểm của Người, phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây, gây rừng “trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người căn dặn: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ tiến hành một đợt và một năm thôi, mà không hiểu rằng, Tết trồng cây cũng là kế hoạch kinh tế lâu dài, liên tục”… Người nhận định: “Nơi nào mà cấp bộ Đảng từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, biện pháp rõ ràng (hạt giống, vườn ươm...), kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, biết dựa vào lực lượng phụ lão và thanh niên, nhi đồng, thì nơi đó phong trào Tết trồng cây phát triển tốt”.

     Như vậy, việc trồng cây phải có kế hoạch, quy hoạch rõ ràng; cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, gắn trồng cây với phát triển kinh tế, BVMT. Trồng cây, không phải trồng ồ ạt, thích cây gì trồng cây ấy, mà phải lựa chọn cây trong độ tuổi phù hợp, có biện pháp chăm sóc lâu dài để cây phát triển tự nhiên.

     Thiết nghĩ, cần có một chiến lược quy hoạch trồng cây xanh bài bản, tổng thể, dài hạn trên phạm vi cả nước, trồng theo kế hoạch, đúng số lượng, chủng loại, quy cách, phù hợp thổ nhưỡng, đảm bảo môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế, để Tết trồng cây thực sự có ý nghĩa mỗi dịp Tết đến Xuân về.

     PV: Xin cảm ơn bà!

 

Bùi Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn