Banner trang chủ

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam

20/07/2016

   Lãnh thổ Việt Nam có 3/4 là địa hình đồi núi và cao nguyên, với hơn 3.200 km đường bờ biển, hàng nghìn hòn đảo… là nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc giàu truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa độc đáo, cũng như các hệ sinh thái (HST) đặc trưng… Đó là những điều kiện thuận lợi để du lịch sinh thái (DLST) phát triển tại Việt Nam.

Vẻ đẹp hoang sơ của vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh)

   Giá trị tự nhiên và nhân văn đặc sắc

   Việt Nam có sự đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, với 14.624 loài thực vật thuộc gần 300 họ; về động vật, có 11.217 loài và phân loài… cùng với các HST đặc trưng như HST san hô; HST đất ngập nước, nổi bật là các HST ngập mặn ven biển trải dài dọc bờ biển từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Mũi Nai (Kiên Giang); HST vùng cát ven biển với 60 vạn ha, chủ yếu ở ven biển miền Trung (30% tổng diện tích)…

   Ngoài ra, Việt Nam có nền văn hóa giàu bản sắc, với nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo, nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc cùng với nghệ thuật ẩm thực tinh túy và các kiến trúc phong cảnh có giá trị triết học phương Đông, tạo cho du lịch Việt Nam sức hấp dẫn lớn.

   Tổ chức không gian cho hoạt động DLST

   Tại Việt Nam, DLST vẫn còn mới cả về khái niệm lẫn tổ chức quản lý và khai thác sử dụng tài nguyên phục vụ cho mục đích du lịch. Trong khi, công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và quy hoạch phát triển DLST còn hạn chế. Mặc dù, nhiều địa phương, công ty lữ hành đã xây dựng các chương trình, tuyến du lịch mang sắc thái của DLST, nhưng quy mô và hình thức còn đơn điệu, sản phẩm và đối tượng thị trường chưa rõ nên chưa thu hút được khách du lịch. Mặt khác, việc đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ điều hành quản lý, hướng dẫn viên DLST chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

VQG Tràm Chim được xem là Đồng Tháp Mười thu nhỏ với HST đặc trưng của vùng đất ngập nước

   Tuy nhiên, tại một số nơi hoạt động DLST đã hình thành dưới các hình thức khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch tự nhiên như du lịch tham quan, nghiên cứu ở một số vườn quốc gia (Cát Bà, Cúc Phương, Ba Bể, Nam Cát Tiên, Tam Nông, U Minh...); du lịch thám hiểm, nghiên cứu vùng núi cao (Fansipan); du lịch tham quan miệt vườn, sông nước đồng bằng sông Cửu Long; du lịch lặn biển (Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang); thám hiểm hang động (Phong Nha)... Thị trường khách của loại hình DLST ở Việt Nam còn rất hạn chế. Hàng năm, chỉ có 5 - 8% du khách quốc tế đến Việt Nam tham gia vào các tour DLST tự nhiên và khoảng 40 - 45% du lịch tham quan - sinh thái nhân văn.

   Nhận thức được vai trò của DLST đối với sự phát triển của ngành du lịch và bảo vệ tài nguyên, môi trường, từ tháng 9/1999, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) và Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức Hội thảo quốc tế về xây dựng khung chiến lược phát triển DLST làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, cũng như đẩy mạnh hợp tác phát triển DLST của Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế. Hội thảo đã đưa ra định nghĩa DLST: “DLST là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương”. Đây là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển DLST trong thời gian tới.

   Để đẩy mạnh phát triển DLST tại Việt Nam, căn cứ vào sự phân bố của các vùng sinh thái đặc thù với các loài sinh vật đặc hữu, cũng như các điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng..., việc tổ chức không gian cho hoạt động DLST có thể thực hiện theo các hướng sau:

   Vùng núi và ven biển Đông Bắc: Ở khu vực này, các giá trị DLST là các HST trên núi đá vôi, đất ngập nước, san hô... Tiêu biểu là Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Sơn, Hữu Liên - Lạng Sơn; VQG Ba Bể - Bắc Kạn; hồ Núi Cốc - Thái Nguyên; VQG Bái Tử Long - Quảng Ninh; VQG Cát Bà - Hải Phòng; HST san hô ở khu vực Hạ Long và Cát Bà... Các loại hình DLST có thể tổ chức là tham quan nghiên cứu các HST đặc thù, du lịch mạo hiểm, du lịch lặn biển.

   Vùng núi Tây Bắc - Hoàng Liên Sơn: Không gian hoạt động DLST chủ yếu ở phía Tây của 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu với vùng sinh thái núi cao Sapa - Fansipan có nhiều loài sinh vật ôn đới, trong đó, VQG Hoàng Liên có 38 loài động vật thuộc loài quý hiếm cần được bảo vệ. Các loại hình DLST có thể tổ chức như tham quan nghiên cứu các HST vùng núi cao, du lịch mạo hiểm.

   Đồng bằng sông Hồng: Trên phạm vi không gian vùng DLST này có 4 VQG (Ba Vì, Tam Đảo, Xuân Thủy và Cúc Phương). Căn cứ vào  đặc điểm sinh thái tự nhiên và điều kiện liên quan, có thể tổ chức hoạt động DLST theo hình thức tham quan nghiên cứu các HST đặc thù, kết hợp với thắng cảnh và du lịch văn hóa.

   Bắc Trung bộ: Địa bàn này có tính ĐDSH cao với nhiều VQG (Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã) là những khu rừng nguyên sinh rộng lớn. Đây cũng là vùng mới phát hiện 3 loài thú quý hiếm là sao la, mang lớn và voọc Hà Tĩnh. Riêng VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã được công nhận là Di sản thế giới. Các loại hình DLST có thể tổ chức ở khu vực này là tham quan nghiên cứu các HST, du lịch mạo hiểm, lặn biển...

   Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Các HST điển hình của vùng bao gồm HST rừng khộp mà tiêu biểu ở Yok Đôn, HST đất ngập nước ở hồ Lắk, HST vùng núi cao ở Ngọc Linh, Bidoup - Núi Bà, HST san hô ở Nha Trang, HST cát ở Mũi Né... Vùng này tập trung nhiều HST điển hình, có tính ĐDSH cao, là nơi duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á có đủ 4 loài bò xám, bò sừng xoắn và nhiều loài chim, thú, bò sát, cá, cùng các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu. Các loại hình DLST có thể tổ chức: tham quan nghiên cứu các HST, du lịch mạo hiểm, lặn biển.

   Đông Nam bộ: Bao gồm khu vực VQG Cát Tiên (Lâm Đồng - Bình Phước - Đồng Nai), VQG Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)... Tính ĐDSH nơi đây cao với nhiều HST điển hình, đáng chú ý là các HST ở Cát Tiên với loài tê giác Java... Các loại hình DLST chủ yếu có thể tổ chức là tham quan nghiên cứu các HST điển hình, du lịch mạo hiểm...

   Đồng bằng sông Cửu Long: Với 2 HST điển hình là đất ngập nước và rừng ngập mặn, không gian hoạt động DLST tập trung ở các tỉnh dọc sông Mê Kông, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Tiêu biểu như rừng ngập mặn Cà Mau; VQG Tràm Chim - Đồng Tháp - nơi bảo tồn loài sếu cổ trụi; các VQG U Minh Thượng, Phú Quốc là những nơi có giá trị đặc biệt cho hoạt động DLST. Ngoài ra, các miệt vườn dọc sông Tiền, sông Hậu... là những điểm DLST hấp dẫn. Tính độc đáo của hoạt động du lịch DLST ở vùng này là du lịch sông nước, miệt vườn.

   Để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung, hoạt động DLST cần được đẩy mạnh trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh, tiềm năng của tài nguyên du lịch Việt Nam. Muốn vậy, cần phải có sự kết hợp đồng bộ giữa chủ trương đường lối chính sách của Nhà nước, quản lý điều hành của chính quyền và tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.

TS. Lê Văn Minh

Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn