Banner trang chủ

Thúc đẩy hợp tác về bảo vệ các loài động vật hoang dã quý, hiếm

03/10/2018

     Việc chuyển giao, cứu hộ và bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD) được xem là giải pháp thiết thực, góp phần bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và các nguồn gen động vật quý, hiếm. Nhận thức được điều này, ngày 30/8/2018, Tổng cục Môi trường và Tổ chức Four Paws International đã ký kết Thỏa thuận hợp tác khung về Bảo vệ ĐVHD nguy cấp. Bên lề Lễ ký kết, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Ioana Dungler - Giám đốc Khối ĐVHD của Tổ chức Four Paws International về công tác bảo tồn và duy trì sự sống cho các loài ĐVHD nguy cấp đang bị đe dọa ở Việt Nam.

     PV: Xin bà cho biết đôi nét về Tổ chức Four Paws International?

     Bà Ioana Dungler: Four Paws International là tổ chức phúc lợi động vật quốc tế, thành lập năm 1988, trụ sở chính đặt tại TP. Viên (Áo) và văn phòng đại diện tại 14 nước. Mục tiêu của tổ chức là giúp đỡ các loài động vật đang phải chịu sự tác động trực tiếp của con người và bị nuôi giữ trong điều kiện không phù hợp, thông qua các chiến dịch, dự án trên toàn cầu. Từ năm 2014, Four Paws International đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn ĐVHD Nước Việt xây dựng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình trong khuôn viên dự án Công viên ĐVHD quốc gia (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).

 

Bà Ioana Dungler - Giám đốc Khối ĐVHD của Tổ chức Four Paws International

 

     Năm 2017, Four Paws International tại Việt Nam (Four Paws Việt) chính thức được thành lập, đánh dấu sự tham gia tích cực hơn nữa của tổ chức trong việc bảo vệ ĐVHD. Hiện Four Paws International đang nỗ lực để xây dựng một thế giới mà ở đó ĐVHD được sống trong tự nhiên, không có sự tác động của con người không bị bắt hoặc cho sinh sản vì những lợi ích kinh tế. Không có hành động bảo vệ ĐVHD nào là quá nhỏ nhoi, mỗi hành động đều có ý nghĩa. Chúng ta không thể phục hồi các loài đã mất, nhưng còn có nhiều loài đang bên bờ vực tuyệt chủng, cần sự quan tâm và hành động của con người. Đừng tiếp tay cho vấn nạn này mà hãy giải quyết nó: Hãy quan tâm và bảo vệ ĐVHD trên Trái đất.

     PV: Bà có thể giới thiệu một số dự án mà Four Paws International đã và đang triển khai tại Việt Nam?

     Bà Ioana Dungler: Đến cuối tháng 10/2017, giai đoạn 1 của Dự án xây dựng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, trên diện tích 3,6 ha đã hoàn thành. Cơ sở gồm 2 nhà gấu đôi và 4 khu bán hoang dã, với đầy đủ các hạng mục như khu kiểm dịch, nhà kỹ thuật, nhà bếp cho gấu, phòng lạnh trữ thức ăn, trạm cách ly, nhà quan sát, nhà nuôi gấu… Ngoài ra, còn có phòng khám thú y có các thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy X-quang, kính hiển vi, máy xét nghiệm máu và có bác sỹ thú y thường trú. Ngày 6/11/2017, Four Paws Việt đã cứu hộ thành công 3 cá thể gấu đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và chuyển về Trang trại  bảo tồn gấu Ninh Bình, đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động của Tổ chức. Đây là những con gấu từng bị nuôi nhốt gần 20 năm tại các hộ gia đình ở TP. Ninh Bình. Trong 3 cá thể gấu được cứu hộ, có 2 cá thể gấu đã được một hộ gia đình tại phường Ninh Phong, TP. Ninh Bình nuôi nhốt suốt 16 năm (từ năm 2001), từ khi là gấu con, chỉ nặng 5 - 6 kg. Cá thể gấu còn lại được cứu hộ trong tình trạng sức khỏe yếu và bị mất hai chi trước. Các bác sỹ thú y đã gây mê, khám sức khoẻ và vận chuyển về Trang trại bảo tồn gấu Ninh Bình.

     Nhằm cải thiện điều kiện sống của các loài động vật, Four Paws International cũng đã hợp tác với Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội tại Sóc Sơn. Theo đó, Four Paws Việt tài trợ cho Trung tâm 1,9 tỷ đồng xây dựng chuồng nuôi gấu bán hoang dã với diện tích 1.000 m2. Chuồng nuôi gấu bán hoang dã có sức chứa từ 15 - 20 cá thể gấu, nơi mà các chú gấu được thả sức khám phá, chơi đùa. Với tiêu chí phúc lợi động vật được đặt lên hàng đầu, khu chuồng nuôi được thiết kế khoa học: Phòng nuôi khép kín với cửa bán tự động và không gian thiên nhiên với cây xanh, bể bơi, đồ chơi... Toàn bộ khu chuồng được bao bọc bởi hệ thống tường rào, bên trong còn có hàng rào điện tử bảo vệ. Với thiết kế như vậy, chuồng nuôi đảm bảo không gian thoáng đãng, an toàn cho động vật và tạo sự thân thiện khi chúng tiếp xúc với người. Hiện tại, chuồng nuôi gấu bán hoang dã có 8 cá thể gấu ngựa, được chăm sóc theo quy trình khép kín và đảm bảo vệ sinh, an toàn tuyệt đối. Vào mỗi buổi sáng, nhân viên sẽ cho gấu ăn bí đỏ, chuối, sau đó dọn dẹp vệ sinh, buổi chiều thì cho gấu ăn cháo và thả chúng ra khu bán hoang dã. Thay vì chỉ ăn 2 bữa và nằm, giờ đây gấu còn được vui chơi, từ đó chúng sẽ thân thiện, gần gũi với con người hơn. Sau khi nhốt gấu vào chuồng, nhân viên sẽ dọn dẹp và kiểm tra lại hàng rào điện.

 

Cá thể gấu được Four Paws International cứu hộ thành công

 

     Có thể nói, sau 3 năm đưa vào sử dụng, chuồng nuôi gấu bán hoang dã đã mang lại hiệu quả tích cực. Không chỉ có phúc lợi của động vật được tăng lên rõ rệt mà nhận thức của nhân viên chăm sóc được nâng lên. Chuồng nuôi gấu bán hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đã trở thành “ngôi nhà” thiên nhiên đúng nghĩa của những chú gấu từng bị tổn thương do mắc bẫy, buôn bán trái phép.

     PV: Theo bà, việc ký kết Thỏa thuận hợp tác khung về Bảo vệ ĐVHD nguy cấp có ý nghĩa như thế nào?

     Bà Ioana Dungler: Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng, phong phú về hệ sinh thái, loài và nguồn gen, đặc biệt là các loài ĐVHD quý, hiếm. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý giá này hiện đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, nạn khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD đang là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của toàn cầu và là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng quần thể các loài ĐVHD, làm cho nhiều loài nguy cấp đến bờ vực của sự tuyệt chủng.

     Nhằm ứng phó với vấn nạn này, Tổng cục Môi trường, đầu mối là Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (ĐDSH) đã phối hợp với Tổ chức Four Paws International thúc đẩy hợp tác bảo tồn các loài ĐVHD, trong đó, có việc ký kết Thỏa thuận hợp tác khung. Nội dung Thỏa thuận gồm: Phát triển khung pháp lý cho việc thành lập và quản lý các loại hình cơ sở bảo tồn ĐDSH (như cơ sở bảo tồn động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, trung tâm cứu hộ, vườn thú…); Cung cấp kinh nghiệm quốc tế về yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho các cơ sở để đáp ứng tiêu chuẩn bảo tồn (tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện chuồng trại, diện tích…); Xây dựng quy trình kỹ thuật để nuôi và nhân giống các loài nguy cấp ở cơ sở bảo tồn ĐDSH; Nghiên cứu, xây dựng quy trình cứu hộ, phản ứng nhanh và quy trình chuyển giao cho các cơ sở bảo tồn ĐDSH; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cơ chế quản lý hoạt động trao đổi, mua, bán, tặng, thuê các loài nguy cấp với mục đích bảo tồn ĐDSH; Nghiên cứu, xây dựng các quy định liên quan đến gây nuôi ĐVHD, cơ sở bảo tồn ĐDSH, bảo tồn và phát triển các loài hoang dã để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật ĐDSH cùng văn bản pháp luật có liên quan…

     Việc ký kết Thỏa thuận hợp tác khung về Bảo vệ ĐVHD nguy cấp đánh dấu sự khởi đầu mối quan hệ hợp tác giữa Four Paws International và Tổng cục Môi trường. Thời gian tới, hai bên sẽ triển khai các hành động cụ thể để hiện thực hóa Thỏa thuận.

     Xin cảm ơn bà!

 

Đỗ Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

Ý kiến của bạn