Banner trang chủ

Tọa đàm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về một số nội dung sửa đổi của Luật Bảo vệ môi trường

10/06/2020

     Ngày 8/6/2020, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Tọa đàm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về một số nội dung sửa đổi của Luật BVMT. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Nguyễn Hưng Thịnh chủ trì Tọa đàm.

     Tọa đàm còn có sự góp mặt của Lãnh đạo các Đơn vị phụ trách một số nội dung soạn thảo Luật, các nhà khoa học, chuyên gia và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

     Tọa đàm tập trung cung cấp thông tin vào 2 nội dung chuyên sâu về quản lý chất lượng môi trường, quy chuẩn, tiêu chuẩn, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và bảo tồn đa dạng sinh học.

 

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh phát biểu tại Tọa đàm

    Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường nóng, gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Với quan điểm phải đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi hướng đến việc giải quyết ngay những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, bảo vệ các thành phần môi trường, trong đó, có chất lượng không khí. Việc thay đổi cách thức quản lý môi trường, cách quản lý dự án, giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thực hiện việc sàng lọc các dự án đầu tư, đồng bộ các công cụ giải pháp từ hoạch định chính sách, thiết kế dự án, triển khai và kết thúc dự án, khuyến khích các dự án thân thiện với môi trường… Đối với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Dự thảo Luật sẽ đưa được các công cụ để kiểm soát tốt hơn, chặt chẽ hơn…        
    Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) Lê Hoài Nam, việc quy định trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên vùng, liên tỉnh là Thủ tướng Chính phủ và nội tỉnh là UBND cấp tỉnh là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ, trường hợp xảy ra trong nội tỉnh thì UBND đủ thẩm quyền để ra lệnh, điều động các nguồn lực (nhân lực, vật lực ....) tại chỗ của tỉnh để ứng phó, xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời nhất. Riêng đối với trường hợp ô nhiễm không khí liên vùng, liên tỉnh thì phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh chịu ảnh hưởng để huy động nguồn lực từ Trung ương, các địa phương ứng phó, xử lý.

 

Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên, Đa dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn phát biểu tại buổi Tọa đàm

 

    Góp ý cho nội dung này, PGS. TS Nghiêm Trung Dũng - nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, nếu xảy ra tình huống khẩn cấp về ô nhiễm không khí, có 2 trường hợp. Một là, khi xảy ra sự cố môi trường; hai là kết hợp các nguồn thải và các hình thái khí tượng cực đoan. Từ đó, có 2 nhóm biện pháp được đưa ra. Nhóm 1 là bảo vệ người dân (như di dời người dân, cảnh báo người dân không nên ra đường, cho học sinh nghỉ học..); nhóm 2 là kiểm soát nguồn thải gây ra sự cố ô nhiễm (như tìm cách khu biệt các nguồn thải, có những biện pháp giảm thiểu như giảm công suất, giảm cộng tính của nguồn gây ô nhiễm).

    Chia sẻ thông tin về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Phó Cục trưởng C​ục Bảo tồn thiên nhiên, Đa dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn, cho biết về vấn đề quản lý cảnh quan thiên nhiên; đánh giá tác động cảnh quan và đa dạng sinh học; bồi hoàn đa dạng sinh học trong Dự thảo luật BVMT (sửa đổi): Cảnh quan thiên nhiên là cảnh quan được thành tạo từ các thành phần tự nhiên, chưa hoặc rất ít bị tác động của con người, việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên là việc bảo tồn và duy trì hình thái, thành phần, cấu trúc, chức năng quan trọng của cảnh quan thiên nhiên... Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nhằm duy trì được các đặc trưng quan trọng của cảnh quan, bảo đảm cho cân bằng thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị thẩm mỹ, giải trí của cảnh quan. Vấn đề bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dang sinh học ở Dự thảo Luật này được đặt ra ở mức cao, đó là những yêu cầu về bảo vệ cấu trúc chức năng của cảnh quan đối với các dự án phát triển, hy vọng với những văn bản sau này (tầm Nghị định), yêu cầu bảo vệ cảnh quan sẽ ở mức cao hơn, chặt chẽ hơn; Các dự án được xem xét, cấp phép đầu tư phù hợp với các quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản, di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan nhưng có tác động xấu đến các cảnh quan thiên nhiên quan trọng thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật này phải thực hiện và lập báo cáo chuyên đề về đánh giá chi tiết tác động đến hình thái, thành phần, cấu trúc, chức năng và đa dạng sinh học của cảnh quan đính kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường.

   Kết thúc buổi Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp rất tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý và các câu hỏi của nhà báo, phóng viên đưa ra tại buổi Tọa đàm. Đây là những ý kiến xác đáng, là cơ sở quan trọng để Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật. Phó Tổng cục trưởng cũng mong muốn, Ban soạn thảo và Tổ biên tập sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà báo, phóng viên trong thời gian tới để tiếp tục có những buổi tọa đàm chuyên sâu về những nội dung khác trong Dự thảo Luật.

 

Toàn cảnh Tọa đàm

 

Vũ Nhung

 

Ý kiến của bạn