Banner trang chủ

Tài nguyên, môi trường trong chính sách phát triển theo hướng xanh ở Việt Nam

26/06/2018

     Phát triển xanh là xu thế tất yếu của thời đại. Phát triển xanh coi bảo vệ tài nguyên và môi trường (TN&MT) là trung tâm, là nền tảng cho các hoạt động kinh tế và nâng cao chất lượng sống của xã hội. Trong quản lý, quá trình chuyển đổi từ phát triển "nâu" sang "xanh" ở nước ta có nhiều vấn đề đặt ra, trong đó, 3 vấn đề trong chính sách bảo vệ TN&MT cần được quan tâm chú ý, gồm: Xanh hóa chính sách phát triển; xanh hóa các chỉ tiêu phát triển; thực hiện quy hoạch BVMT làm cơ sở cho các quy hoạch phát triển khác.

     1. Mở đầu

Xu hướng phát triển của thế giới, trong đó có Việt Nam, đang chuyển từ “nâu” sang “xanh”, cụ thể từ phát triển ít chú ý, thậm chí còn làm tổn hại tới TN&MT, sang quan tâm nhiều hơn, coi tài nguyên, môi trường là nền tảng của các quyết định phát triển. Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) càng làm tăng mối quan tâm và thúc đẩy hành động để bảo vệ màu xanh cho Trái đất, cũng chính là BVMT sống và phát triển của con người. Phát triển theo hướng xanh là quá trình xanh hóa các hoạt động phát triển, trong đó, bảo vệ TN&MT trở thành trung tâm trong các quyết định phát triển.

     2. Phát triển xanh - Xu thế tất yếu của thời đại

     Năm 1972 được coi là mốc đánh dấu sự thay đổi nhận thức về TN&MT bởi Tuyên bố Stockholm về môi trường con người tại Hội nghị của Liên hợp quốc, diễn ra tại TP. Stockholm, Thụy Điển, với cảnh báo các hệ quả tiêu cực về môi trường do hành động của con người gây ra trong quá trình phát triển. Qua đó chó thấy, con người cần “thận trọng khôn ngoan hơn đối với những hậu quả về môi trường do những hành động của mình gây ra. Nếu làm ngơ hay lãnh đạm, con người có thể gây thiệt hại to lớn và không thể hồi phục đối với môi trường trái đất - nơi có quan hệ mật thiết với cuộc sống và phúc lợi. Ngược lại, nếu được trang bị đầy đủ kiến thức và hành động có ý thức, con người có thể bảo vệ cuộc sống tốt đẹp cho thế hệ mai sau”. Những cảnh báo trên đã thúc đẩy tư duy, nhận thức, đòi hỏi các quốc gia phải thay đổi phương thức tiếp cận và đổi mới trong cách quản lý. Phát triển bền vững (PTBV) là khái niệm mới, xuất hiện đầu tiên vào năm 1987 trong Báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED) với tiêu đề “Tương lai chung của chúng ta”, sau đó được thừa nhận và sử dụng rộng rãi trên thế giới. Khái niệm PTBV thể hiện trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với các thế hệ tiếp theo trong việc duy trì nền tảng tự nhiên cho phát triển là TN&MT. Đây là tư duy phát triển mới, khác hoàn toàn so với tư duy trước đó là tư duy phát triển coi môi trường là tặng vật của tự nhiên, được thừa kế và sử dụng mà không quan tâm chú ý bảo vệ, bù đắp. PTBV xác lập bên cạnh 2 trụ cột vốn được quan tâm phát triển - kinh tế và xã hội, giờ thêm một trụ cột nữa là TN&MT, với nguyên tắc hài hòa các trụ cột này để tạo thế vững chắc, bền lâu cho phát triển. Ngày nay PTBV đã trở thành xu hướng tất yếu được tất cả các quốc gia đồng thuận và cam kết thực hiện.

     BĐKH là hệ quả tất yếu của tư duy coi nhẹ và làm tổn hại, xói mòn nền tảng tự nhiên của phát triển, là thách thức to lớn đối với quá trình phát triển theo hướng bền vững. Tác động ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ của BĐKH trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi con người phải hướng tới các giải pháp PTBV. Xanh hóa phát triển là tiếp cận đáp ứng đòi hỏi này. Xanh hóa là để chỉ rằng, các hoạt động phát triển hướng tới gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, BVMT. Phát triển xanh đối lập với phát triển nâu mà ở đó các hoạt động phát triển thường lạm dụng, tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường. Phát triển theo hướng xanh về thực chất chú ý nhiều hơn vào gìn giữ, bảo vệ TN&MT - nền tảng của PTBV. Các nghiên cứu quốc tế cũng như ở Việt Nam cũng nhận định rằng “Nền kinh tế xanh không thay thế khái niệm phát triển bền vững” mà là phương thức mới thực hiện PTBV và “Tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa chúng ta tới đích”. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) của nước ta cũng xác định “TTX là một nội dung quan trọng của PTBV”. Nghiên cứu gần đây nhất của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng nhận xét, “xét về thực chất thì kinh tế xanh cũng là PTBV, hay rõ ràng hơn, là phương thức để thực hiện PTBV trong bối cảnh BĐKH”, “TTX, kinh tế xanh không thay thế khái niệm PTBV mà là cách thức thể hiện PTBV trong bối cảnh BĐKH, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh TN&MT”.

     Như vậy, phát triển của mọi quốc gia trên thế giới đang chuyển rõ rệt từ phát triển nâu sang PTBV, phát triển xanh như là xu thế tất yếu (Hình 1).

     Hình 1. Xu thế diễn tiến từ phát triển nâu sang phát triển xanh

     3. TN&MT - nền tảng của phát triển xanh

     TN&MT có vai trò quan trọng đối với cuộc sống và phát triển của con người. Nhiều thế kỷ qua, sự phát triển, sự tiến bộ của xã hội loài người, đặc biệt là phát triển kinh tế đều dựa vào khai thác, sử dụng các chức năng của tự nhiên như một nền tảng tất yếu. Các thành tựu trí tuệ của con người trong khoa học, công nghệ, một mặt làm cho việc khai thác, sử dụng các chức năng của tự nhiên trở nên năng suất, hiệu quả hơn về mặt kinh tế và sinh thái, nhưng đồng thời cũng làm cho việc khai thác, sử dụng trở nên quá tải, tận diệt. Hệ quả là tất cả các chức năng của tự nhiên đang bị xói mòn, suy thoái, bất chấp các cảnh báo liên tục của các nhà khoa học và quản lý, dẫn tới trạng thái BĐKH toàn cầu, đe dọa các thành tựu phát triển, sự tồn vong của xã hội loài người. Nhiều minh chứng thực tế cho thấy, sự phát triển hiện nay đang “ăn” vào tự nhiên ngày càng nhiều và cần được cảnh báo, báo động. Nghiên cứu của Mạng lưới Dấu chân toàn cầu (Global Footprint Network - GFN) và Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho thấy, năm 2017, bắt đầu từ ngày 2/8 đến hết năm con người trên Trái đất phải “lạm quỹ” thiên nhiên để đáp ứng các nhu cầu sống của mình trong khi năm 2016 là từ ngày 3/8, năm 1997 là từ ngày 30/9, năm 1985 là từ ngày 5/11. Ngày mà con người trên Trái đất phải “lạm quỹ” thiên nhiên để đáp ứng các nhu cầu sống của mình được gọi là Overshoot Day. Công bố của GFN cho biết tính trung bình từ năm 1970, ngày Overshoot Day của Trái đất đã tới sớm hơn 3 ngày/năm. Nghĩa là, chúng ta hiện đang cần có hơn 1 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu của mình và sự phát triển của con người trên Trái đất đang ngày càng thâm dụng nhiều hơn vào quỹ thiên nhiên (Hình 2).

Hình 2. Dấu chân sinh thái thế giới

     Theo các nhà kinh tế, sai lầm trong các lý thuyết phát triển kinh tế hiện nay là: Các tiến bộ khoa học và công nghệ, cụ thể là vốn vật chất (tri thức, máy móc, công nghệ...) hay vốn tài chính (đầu tư) có thể thay thế cho vốn tự nhiên (TN&MT) và cần được thay đổi bằng lý thuyết phát triển kinh tế bền vững, theo hướng xanh, trong đó TN&MT được coi là một loại vốn nền tảng quan trọng, không thể được thay thế bằng bất kỳ loại vốn nào khác.

     Năm 2007, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra báo cáo “Viễn cảnh môi trường toàn cầu lần thứ tư” (GEO-4) về tình hình môi trường của Trái đất với lời cảnh báo “Trái đất đã trải qua 5 cuộc tuyệt chủng lớn trong 450 triệu năm qua, trong đó sự kiện gần nhất xảy ra cách đây 65 triệu năm. Cuộc tuyệt chủng quy mô lớn lần thứ 6 đang diễn ra - lần này là do chính hành vi của con người gây ra” và kêu gọi “Cách duy nhất để vượt qua thử thách là phải chuyển vấn đề môi trường từ vị trí thứ yếu sang vị trí trung tâm trong việc hoạch định chính sách”.

     Phát triển xanh cũng là PTBV với nội dung đặt TN&MT vào trung tâm các quyết định phát triển. PTBV coi trọng mối quan hệ hài hòa giữa các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, còn phát triển xanh coi bảo vệ TN&MT là trung tâm, là nền tảng cho các hoạt động kinh tế và nâng cao chất lượng sống của xã hội (Hình 3).

Hình 3. Tài nguyên, môi trường là nền tảng

     Trong phát triển theo hướng xanh, TN&MT với vai trò là nền tảng, là trung tâm cần được bảo vệ và củng cố chắc chắn lâu dài cho các thế hệ, đặt ra một nguyên tắc cơ bản cần được tuân thủ nghiêm ngặt trong mọi quyết định phát triển là sự gia tăng của năng suất tài nguyên phải luôn lớn hơn sự gia tăng của GDP, trong đó, mức khai thác tài nguyên tái tạo (h) luôn nhỏ hơn (hoặc bằng) khả năng tái tạo của tài nguyên (y): h < y và mức thải (W) luôn nhỏ hơn (hoặc bằng) khả năng hấp thụ chất thải của môi trường (A): W < A. Nguyên tắc này cũng thể hiện nguyên lý của PTBV là trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với các thế hệ tiếp theo về đảm bảo cơ sở, nền tảng TN&MT cho phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống trong tương lai.

     Ý nghĩa nền tảng cho phát triển của TN&MT còn bao hàm một nội dung quan trọng, có tính chất bao trùm là mọi sự sử dụng, tiêu dùng TN&MT đều phải nằm trong giới hạn khả năng cung cấp của TN&MT. Bởi 2 lý do: Sự phát triển của con người trong tương lai ít ra là hàng nghìn năm nữa vẫn chỉ có thể trông cậy vào TN&MT của Trái đất. Sự tìm kiếm một nền tảng TN&MT khác cho phát triển từ ngoài trái đất vẫn còn chưa hé mở triển vọng rõ ràng và tươi sáng. Thứ hai, kể cả khi tìm kiếm được thì tính hiệu quả về mọi mặt cũng chắc chắn là bvì khoảng cách tiếp cận quá xa (với đơn vị đo lường tính bằng số năm ánh sáng). Chính vì vậy mà lý thuyết PTBV, phát triển xanh đều xác định cách tiếp cận có tính nguyên tắc là mọi quyết định và hành động phát triển của con người về kinh tế (okonomie), xã hội (soziales), sinh thái (okologie) đều phải được nằm trong giới hạn khả năng cung cấp của tự nhiên thay vì cách tiếp cận phát triển hiện nay không tính đến giới hạn này (Hình 4).

Hình 4. PTBV, phát triển xanh trong giới hạn khả năng cung cấp của tự nhiên

     4. Bảo vệ TN&MT trong chính sách phát triển theo hướng xanh ở Việt Nam

     Như đã đề cập ở trên, phát triển xanh là phát triển dựa trên nền tảng TN&MT và cần được quản lý, kiểm soát trong giới hạn khả năng cung cấp của tự nhiên. Do vậy, chính sách phát triển theo hướng xanh trước hết là TN&MT được bảo vệ, giữ gìn cho các thế hệ. Thế hệ hiện tại cần chuyển giao cho thế hệ kế tiếp nền tảng tự nhiên để phát triển.

     Ở nước ta, nền tảng tự nhiên này đang bị xói mòn nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển không chỉ thế hệ hiện tại mà cả thế hệ tiếp theo, trở thành một thách thức to lớn đối với công cuộc PTBV đất nước. Tại phiên họp của Quốc hội ngày 2/11/2016 thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đề cập “Môi trường của chúng ta đạt đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa” và đề nghị cần “xác lập vị trí mới cho môi trường”. Trong bối cảnh phát triển của đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, vị trí mới không phải là đi sau, thậm chí dọn dẹp hậu quả như hiện tại mà ít nhất phải là song hành trong mọi hoạt động phát triển. Thậm chí, có nơi (khu vực, vùng) cần phục hồi môi trường, phục hồi các chức năng của môi trường trước khi tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác.

     Để làm như vậy, có nhiều việc phải làm, từ thay đổi nhận thức, chính sách cho đến thay đổi hành vi thân thiện với môi trường trong toàn xã hội, trong đó có 3 việc sau liên quan trực tiếp tới tạo lập vị trí mới cho môi trường trong quản lý và chính sách phát triển theo hướng xanh ở nước ta và cũng là những gợi ý chính sách đóng góp vào sửa đổi Luật BVMT đang được tiến hành theo yêu cầu của Chính phủ:

     Thứ nhất, xanh hóa chính sách phát triển. Xanh hóa chính sách phát triển, hiểu một cách đơn giản, là chính sách hướng tới hay làm cho các hoạt động phát triển ngày càng trở nên thân thiện với tự nhiên, qua đó củng cố nền tảng tự nhiên cho PTBV. Hiện trạng “môi trường của chúng ta đạt đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa” như Bộ trưởng Bộ TN&MT đã báo cáo trước Quốc hội phản ánh một thực tế là chính sách và thực hiện chính sách phát triển ở nước ta thời gian qua còn chưa/ít thân thiện với môi trường. Chính sách phát triển hiện nay ở nước ta đang được đổi mới, hoàn thiện theo hướng thân thiện với TN&MT. Những cố gắng theo hướng này dường như còn chưa thật căn cơ, đúng với nghĩa xanh hóa chính sách. Lý lẽ cho nhận xét này là: (i) các đổi mới, hoàn thiện chính sách TN&MT chủ yếu mới nhằm vào bảo vệ hơn là xanh hóa; và do vậy, (ii) yêu cầu về nền tảng tự nhiên cho PTBV trong các đổi mới, hoàn thiện chính sách chưa phải là trọng tâm.

     Với thực tế chính sách này, cần đưa nội dung xanh hóa trước tiên vào việc sửa đổi Luật BVMT hiện đang được tiến hành. Cụ thể, tạo lập nền tảng pháp lý trong Luật BVMT (sửa đổi) sắp tới thông qua tuyên ngôn của Nhà nước về chính sách BVMT, cụ thể là tại Điều 5 của Luật BVMT hiện hành bổ sung một khoản mục coi TN&MT là nền tảng của PTBV.

     Thứ hai, xanh hóa các chỉ tiêu phát triển. Việc xanh hóa các chỉ tiêu phát triển nên được tiến hành đồng thời theo cả 2 hướng: (i) tăng cường các chỉ tiêu xanh trong bộ chỉ tiêu PTBV các cấp độ (quốc gia, địa phương). Chỉ tiêu xanh là chỉ tiêu liên quan trực tiếp tới TN&MT, như: Độ che phủ của rừng, mật độ cây xanh ở đô thị, lượng hay tỷ lệ chất thải các loại không được xử lý thải ra môi trường, tỷ lệ đất thoái hóa, đa dạng sinh học... cũng như gián tiếp cho TN&MT, như GDP xanh, đầu tư xanh, tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh...; (ii) tăng cường giá trị hóa các chỉ tiêu về TN&MT. Giá trị hóa chỉ tiêu về TN&MT là “gán các giá trị” cho TN&MT (theo cách diến đạt trong Báo cáo của WB “Phát triển Việt Nam 2010, Quản lý tài nguyên thiên nhiên” hay là lượng giá TN&MT. Cho đến nay chúng ta vẫn còn đang quản lý TN&MT chủ yếu là về mặt vật lý (số lượng, trữ lượng…) mà chưa phải về mặt giá trị. Trong hệ thống tài khoản quốc gia (và địa phương) chúng ta vẫn còn chưa thiết lập được phần giá trị TN&MT. Tài sản xanh (tức TN&MT) cần được lượng giá để theo dõi, giám sát sự biến động, thay đổi và có hành động, tác động điều chỉnh cần thiết.

     Thứ ba, thực hiện quy hoạch BVMT làm cơ sở cho các quy hoạch phát triển khác. Quy hoạch BVMT đã được xác định trong Luật BVMT (tại mục 1, chương II). Cho đến nay, kể từ khi Luật BVMT có hiệu lực thi hành (1/1/2015) vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể thực hiện quy hoạch BVMT. Một khi xác định TN&MT là nền tảng cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội thì tất yếu quy hoạch về TN&MT phải được đi trước làm nền tảng cho các quy hoạch phát triển khác. Luật Quy hoạch (2017) xác định hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó quy hoạch BVMT thuộc loại quy hoạch ngành (Điều 3). Xét theo nội dung quy hoạch BVMT (tại Điều 9, Luật BVMT) thì phân vùng môi trường là một nội dung cơ bản. Về lý luận, phân vùng môi trường là cơ sở quan trọng hàng đầu cho quy hoạch BVMT, vì “về bản chất là tổ chức không gian lãnh thổ dựa trên sự đồng nhất về phát sinh, cấu trúc hình thái và tính thống nhất nội tại của vùng cho mục đích bảo vệ và bảo tồn, khai thác sử dụng và phát triển sao cho thích hợp với sự phân hóa tự nhiên, đặc điểm môi trường và hoàn cảnh kinh tế - xã hội của địa phương phân vùng”. Phân vùng môi trường cùng với khả năng đáp ứng của các chức năng môi trường được thể hiện qua các chỉ báo về khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ TN&MT, năng lực chịu tải, khả năng tiếp nhận chất thải của môi trường là những nội dung cơ bản trong quy hoạch BVMT, để rồi về phần mình quy hoạch BVMT là cơ sở cho các quy hoạch phát triển khác.

     5. Kết luận

     Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó bảo vệ TN&MT cho PTBV trong bối cảnh BĐKH ngày càng được coi trọng. Hiện trạng môi trường của chúng ta đã đạt đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa và đòi hỏi phải có những thay đổi quyết liệt cả từ quản lý, chính sách phát triển cho đến hành động cụ thể của mỗi cộng đồng, người dân trong xã hội. Xanh hóa chính sách phát triển, các chỉ tiêu phát triển và thực hiện quy hoạch BVMT làm cơ sở cho các quy hoạch phát triển khác là những việc cần sớm được quan tâm thực hiện như là hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết của BCH TƯ Đảng lần thứ 7 (khóa XI) số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (2018), Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. H. Rogall (2011), Kinh tế học bền vững - Lý thuyết kinh tế và thực tế của Phát triển bền vững (Nachhaltige Okonomie - Okonomishe Theorie und Praxis einer Nachhaltige Entwicklung, 2009), Bản dịch tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Đức, nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ.
  3. UNEP, 2011, Hướng tới Nền kinh tế xanh - Lộ trình cho PTBV và xóa đói giảm nghèo, Bản dịch tiếng Việt của Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT.

PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn 

Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề II/2018)

Ý kiến của bạn