Banner trang chủ

Quy hoạch điện lực VII (điều chỉnh): Cần đẩy mạnh các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả

23/08/2018

     Theo mục tiêu cụ thể của Quy hoạch (điều chỉnh) phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030, (Quy hoạch Điện VII điều chỉnh), từ năm 2016 - 2030 (15 năm) phải đầu tư xây dựng mới 75 Nhà máy nhiệt điện than loại lớn (công suất thường là 600 MW). Như vậy, mỗi năm trung bình có thêm 5 Nhà máy nhiệt điện than mới, với kinh phí đầu tư khoảng 148 tỷ USD và cần phải đáp ứng nhu cầu than lớn (năm 2016 là 1,3 triệu tấn, năm 2020 là 24,5 triệu tấn, năm 2025 là 56,2 triệu tấn và đến năm 2030 lên tới 85,2 triệu tấn, gần bằng 2 lần tổng lượng than được sản xuất ở trong nước)… Điều này cho thấy, Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) có một số bất cập so với đường lối BVMT, phát triển bền vững (PTBV) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) như sau:

1. Tỷ lệ nhiệt điện than quá cao, sẽ gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng, làm suy thoái các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn, gây phát thải khí nhà kính (KNK)

     Về khí thải: Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) đề ra mục tiêu đến năm 2020 nhiệt điện than sẽ đốt 63,5 triệu tấn than và năm 2030 sẽ đốt 129,6 triệu tấn than. Theo số liệu Báo cáo của Viện Năng lượng Việt Nam năm 2015, nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn nhất các chất gây ô nhiễm không khí (ÔNKK), gồm bụi, SO2, NOx, CO và CO2. Dự báo, lượng phát thải các chất gây ÔNKK do nhiệt điện than được tăng liên tục đến năm 2030, phát thải bụi tăng lên khoảng 46,8 nghìn tấn, gấp 11,6 lần so với năm 2014; phát thải SO2 tăng lên khoảng 268,9 nghìn tấn, gấp 7,3 lần so với năm 2014; phát thải khí NOx tăng lên khoảng 362 nghìn tấn, gấp 4,5 lần so với năm 2014. Gia tăng phát thải các chất gây ÔNKK từ nhiệt điện than sẽ gây tác hại tới sức khỏe con người, đặc biệt SO2 và NOx chính là nguyên nhân gây ra mưa và lắng đọng axit, có thể tàn phá rừng và các hệ sinh thái nông nghiệp. Nhiệt điện than phát thải bụi siêu nhỏ PM2,5, PM5, là loại bụi cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người. Đáng chú ý hơn là các chất ÔNKK từ Nhà máy nhiệt điện than thải ra có thể được gió lan truyền đi xa hàng trăm cây số, ảnh hưởng tới các tỉnh/TP lân cận. Như vậy, đến năm 2030, khoảng 150 Nhà máy điện than được xây dựng và vận hành ở khắp 3 miền của cả nước thì đây sẽ gây mức phát thải lớn.

    Hiện nay,ngành năng lượng đang là ngành phát thải KNK lớn nhất, chiếm 53,05% năm 2010. Với kế hoạch phát triển năng lượng trong Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) đến năm 2030 ngành năng lượng sẽ chiếm 80% trong tổng phát thải KNK. Trong khi đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/9/2012 theo Quyết định số1393/QĐ-TTg đã đặt ra: Trong giai đoạn 2011 - 2020, giảm cường độ phát thải KNK 8 - 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1 - 1,5% mỗi năm, giảm lượng phát thải KNK trong các hoạt động năng lượng từ 10 -  20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó, mức tự nguyện khoảng 10%, 10% còn lại là mức phấn đấu, khi có thêm hỗ trợ quốc tế; Định hướng đến năm 2030, giảm mức phát thải KNK mỗi năm ít nhất 1,5 - 2%, giảm lượng phát thải KNK trong các hoạt động năng lượng từ 20 - 30% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 20%, 10% còn lại là mức phấn đấu, khi có thêm hỗ trợ quốc tế. Như vậy, Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) hoàn toàn không phù hợp với Chiến lược quốc gia TTX.

     Nước thải: Hoạt động sản xuất điện than cần sử dụng lượng nước lớn cho quá trình làm mát thiết bị. Một Nhà máy điện than điển hình với công suất 1.200 MW trung bình cần khoảng 4,7 triệu m3 nước/ngày, đêm cho hoạt động làm mát thiết bị (gấp khoảng 4 lần nhu cầu tiêu thụ nước của TP. Hà Nội được quy hoạch vào năm 2020) và thải ra môi trường lượng nước tương tự với nhiệt độ cao hơn khoảng 80C so với nước đầu vào. Sự gia tăng đột ngột nhiệt độ nước sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt đối với các sinh vật sống dưới nước, gia tăng các loài thủy tảo độc và giảm nồng độ ô xy hòa tan (DO) trong nước. Đặc biệt, nhiệt độ nước cao có thể gây nên hiện tượng tẩy trắng san hô, thiệt hại cho bãi nuôi trồng thủy, hải sản và làm suy giảm các hệ sinh thái nhạy cảm trong môi trường nước. Các nhà máy nhiệt điện than còn thải nước nóng, gây tổn hại cho trứng cá, ấu trùng, và sinh vật thủy sinh khác. Đến năm 2030, với công suất điện than dự kiến đạt 55.300 MW, nhu cầu tiêu thụ nước cho mục đích làm mát của các nhà máy nhiệt điện than ước tính lên tới 216 triệu m3/ngày đêm, đây là mối nguy hại lớn đối vơi các hệ sinh thái dưới nước, ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

     Chất thải rắn: Theo số liệu của Viện Năng lượng Việt Nam, năm 2012 tổng lượng tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than khoảng 4 triệu tấn, năm 2013 tăng lên 8,5 triệu tấn (tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 năm). Ước tính, tổng lượng tro xỉ có thể tăng lên khoảng 55 triệu tấn vào năm 2020 và 115,5 triệu tấn vào năm 2030. Hơn nữa, diện tích đất cần thiết để lưu chứa lượng chất thải rắn này cũng tăng lên đến 1.634 ha năm 2020 và lên đến 2.840 ha năm 2030. Hầu hết, diện tích đất này là đất nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến quỹ đất sản xuất đang ngày càng bị thu hẹp của người dân và gia tăng chi phí cho BVMT.

 

Nhà máy nhiệt điện than, tác nhân gây ÔNMT

 

2. Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) chưa tính đến đẩy mạnh biện pháp tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

     Theo thống kê, cường độ tiêu thụ năng lượng (CĐTTNL) của nước ta là lớn nhất, cao gấp 2,9 lần so với Nhật Bản, 2,7 lần so với Cộng hòa Liên Bang Đức, 2,6 lần so với Hàn Quốc, 2,24 lần so với Thái Lan và 2 lần so với Philippin. Tuy HLuật số 50/2010/QH12 “Sử dụng năng lượng và hiệu quả” đã được ban hành từ năm 2010, nhưng đến nay, việc thực thi Luật này còn thiếu nghiêm túc và trong Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) chưa đề ra chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cụ thể và tương xứng đối với mỗi ngành kinh tế. Đối với ngành xây dựng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chủ yếu là bằng cách phát triển công trình xanh (CTX), đô thị xanh, nhưng trong hơn 10 năm qua (từ 2005 đến nay) cả nước ta chỉ có hơn 50 CTX.

    Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tổng tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà dân dụng của nước ta năm 2003 chỉ chiếm 22,4%, năm 2014 khoảng 37-38% tổng lượng tiêu thụ năng lượng của quốc gia và dự báo đến năm 2030 tổng tiêu thụ năng lượng của ngành xây dựng sẽ đạt xấp xỉ 50%. Nếu đến năm 2030 nước ta đạt tỷ lệ 40% công trình xây dựng đạt tiêu chí CTX (bằng ½ tỷ lệ của Singapo) và tỷ lệ tiết kiệm năng lượng của các CTX trung bình là khoảng 20%, ngành xây dựng sẽ đóng góp tiết kiệm 4% tổng lượng năng lượng tiêu thụ, có thể giảm được đầu tư xây dựng 1 dự án nhiệt điện than với công suất 600 MW.

3. Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) đề ra tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) còn thấp so với tiềm năng điện gió và điện mặt trời của nước ta

     Năng lượng mặt trời: Với vị trí địa lý của Việt Nam nằm trong giới hạn giữa xích đạo và chí tuyến Bắc, thuộc vùng nội chí tuyến có ánh nắng mặt trời chiếu xuống quanh năm, nhất là khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ. Với tổng số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 1.400-3.000 giờ, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày, tăng dần từ Bắc vào Nam, với kết quả này có thể đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này còn hạn chế, nhất là sử dụng cho phát điện… Một trong những nguyên nhân cơ bản là giá sử dụng nguồn năng lượng này cao hơn so với nguồn năng lượng nhiệt điện than, mặt khác, cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời còn hạn chế.

    Năng lượng gió: Nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa và có bờ biển dài trên 3.000 km, lãnh hải lớn hơn 3 lần so với lục địa, nước ta có tiềm năng lớn về năng lượng gió. Hiện nay, chưa có số liệu chính xác đánh giá tiềm năng năng lượng gió. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) tiềm năng năng lượng gió của nước ta đạt khoảng trên 100.000 MW. Nước ta đã bắt đầu triển khai một số dự án khai thác nguồn năng lượng này ở Cà Mau, Ninh Thuận và một số huyện đảo không thể đưa điện lưới từ đất liền ra. Thực tế khai thác nguồn năng lượng gió cho thấy, giá thành điện của nguồn năng lượng này khó cạnh tranh trên thị trường so với các nguồn năng lượng khác như thủy điện và nhiệt điện than, nếu không có trợ giá của Nhà nước.

    Năng lượng sinh khối: Nguồn phế thải từ sản phẩm nông nghiệp ở nước ta rất lớn, đây là tiềm năng để sử dụng nguồn năng lượng sinh khối. Mặt khác, năng lượng sinh khối còn được sử dụng từ các phế thải của chăn nuôi, rác thải hữu cơ đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Theo đánh giá của các nghiên cứu gần đây, tiềm năng khai thác năng lượng sinh khối chất thải rắn cho năng lượng và phát điện của Việt Nam có thể đạt mức sản lượng điện 2.000 MW. Thực tế khai thác nguồn năng lượng này đang phát triển, tuy nhiên mới ở quy mô nhỏ, trong tương lai đây cũng là nguồn năng lượng lớn và có nhiều tiềm năng phát triển.

     Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã đặt ra “mục tiêu đến năm 2030, tăng đáng kể tỷ lệ NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Quốc gia, cụ thể là đạt 31% vào năm 2020 và đạt 32,3% vào năm 2030”. Tuy nhiên, trong Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) chỉ đề ra tỷ trọng NLTT (điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối) năm 2020 là 2,3%, năm 2030 là 7,5%. Nếu cộng thêm năng lượng thủy điện thì tỷ trọng tổng NLTT năm 2030 cũng chỉ là 19,9%, bằng hơn ½ so với mục tiêu trên.

    Từ các phân tích, đánh giá các bất cập của Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) nêu trên so với định hướng PTBV, Chiến lược TTX và ứng phó với BĐKH, thấy rằng, nước ta cần phải tiến hành ngay việc nghiên cứu xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII để thay thế cho Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh). Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII từ nay đến năm 2030 và có tầm nhìn đến năm 2050 cần phải đáp ứng các yêu cầu sửa đổi như:Đẩy mạnh thực thi các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để giảm dần cường độ tiêu thụ năng lượng của nước ta sao cho tiệm cận với mức CĐTTNL trung bình của các nước trong khu vực; Định giá đúng giá thành nhiệt điện than theo cơ chế thị trường có xét đến đền bù thiệt hại sức khỏe và các hệ sinh thái do ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện than gây ra. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi phù hợp đối với các dự án đầu tư phát triển các nguồn NLTT, đặc biệt là đối với điện gió và điện bức xạ mặt trời; Thực hiện đúng định hướng nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Trung ương số 24 -NQ/TW, ngày 3/6/2013, về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT.   

 

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)

 

Ý kiến của bạn