Banner trang chủ

Phát triển các hướng nghiên cứu mới, tiệm cận trình độ quốc tế

21/10/2016

   Đó là chia sẻ của GS.TS.Nguyễn Văn Phước - Viện trưởng, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) với phóng viên Tạp chí Môi trường nhân dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập Viện.

GS.TS.Nguyễn Văn Phước - Viện trưởng Viện MT&TN

   Xin GS cho biết đôi nét về quá trình hình thành và phát triển của Viện Môi trường và Tài nguyên (MT&TN) trong 20 năm qua?

   GS.TS. Nguyễn Văn Phước: Viện MT&TN (Institute for Environment and Resources - IER) tiền thân là bộ môn “Kỹ thuật môi sinh” thuộc khoa Kỹ thuật Xây dựng - Trường Đại học Bách Khoa TP. HCM được thành lập năm 1980. Khóa kỹ sư Xây dựng - kỹ thuật môi trường đầu tiên do bộ môn đào tạo được tuyển sinh vào năm 1981. Tiếp theo, Trung tâm Nước và Công nghệ môi trường (CEFINEA) được thành lập theo quyết định của Bộ GD&ĐT trên cơ sở bộ môn Kỹ thuật môi sinh, tách ra khỏi khoa Xây dựng. Thời gian này, Trung tâm đã có hành loạt dự án nghiên cứu ứng dụng với các đối tác trong và ngoài nước, tiêu biểu là dự án hợp tác Việt Nam - Hà Lan (VH - 17) về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ UASB vào thực tiễn Việt Nam với Đại học Wageningen của Hà Lan. Kể từ đó, CEFINEA không ngừng phát triển có uy tín cao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nhất là tại các tỉnh khu vực phía Nam. Năm 1993, CEFINEA có trụ sở riêng tại TP.HCM do Bộ GD&ĐT đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ KHCN&MT và Bộ KH&ĐT tài trợ cơ sở vật chất phòng thí nghiệm.

   Đến năm 1996, Viện MT&TN ra đời theo Quyết định số 4641/GD-ĐT, ngày 24/10/1996 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành và thuộc quản lý của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP. HCM trên cơ sở sát nhập Trung tâm CEFINEA với hai Trung tâm của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Nông lâm do GS.TS.Lâm Minh Triết làm Viện trưởng. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động việc sát nhập về mặt danh nghĩa của hai Trung tâm trong khi vị trí địa lý cách xa nên hai Trung tâm này đã tách ra khỏi Viện. Vì vậy kể từ đó, Viện MT&TN xây dựng và phát triển trên nền tảng của Trung Tâm CEFINEA. Phòng thí nghiệm của Viện tiếp tục được đầu tư hiện đại từ Dự án Việt Nam - Thụy Sỹ (SDC) trong hai giai đoạn 1996 - 2000 và 2001 - 2004, tổng kinh phí là 1.800.000 USD. Thời gian này, Viện tiếp tục đào tạo bậc Đại học chuyên ngành Môi trường cho đến năm 1999 mới chuyển cho Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Sau đó, Viện chỉ tập trung đào tạo sau đại học (ThS và TS) theo quy định mới.

   Năm 2001, Viện MT&TN là đơn vị thành viên của ĐHQG TP.HCM theo quyết định số 15/2001/QĐ-TTg ngày 12/2/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Với vị trí là Viện nghiên cứu thuộc ĐHQG - TP. HCM, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - Đào tạo sau đại học - Triển khai chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực MT&TN. Bên cạnh đó, Viện còn được Bộ TN&MT giao phụ trách Trạm Quan trắc Môi trường Quốc gia (Trạm đất liền Quốc gia vùng 3, phụ trách vùng các tỉnh phía Nam).

   Hiện nay, Viện có hơn 100 cán bộ công nhân viên (CBCNV), trong đó có 5 GS, PGS, 12 TS, hơn 35 ThS và nhiều cán bộ là nghiên cứu sinh (NCS) đã và đang học tập tại ở nhiều nơi trên thế giới: CHLB Đức, CHLB Nga, Thụy Sỹ, Áo, Hà Lan, Nhật Bản, Anh, Thái Lan, Cộng hòa Séc và Việt Nam.

    Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) - chuyển giao công nghệ (CGCN) gắn liền với tổng kết thực tiễn nhằm tạo luận cứ khoa học, cho việc xây dựng các chính sách giúp cho các cơ quan quản lý về TN&MT được Viện triển khai như thế nào thưa GS?

   GS.TS. Nguyễn Văn Phước: Với lợi thế về thương hiệu, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại, đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và tâm huyết, thời gian qua hoạt động NCKH-CGCN của Viện đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Về nghiên cứu khoa học, Viện đã có nhiều đề tài/dự án các cấp, đóng góp tích cực vào công tác BVMT trải rộng từ TP. HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chính:

   Nghiên cứu cơ bản: Viện tập trung nghiên cứu bản chất các quá trình phản ứng, phân hủy các chất ô nhiễm trong môi trường đất, nước, không khí bằng các quá trình hóa lý, sinh học, hóa học… Đặc điểm, tính chất của chất thải phát sinh để phát triển các công nghệ xử lý các loại nước thải đặc thù như xi mạ, thuộc da, dệt nhuộm, tinh bột khoai mì… xử lý mùi hôi bằng phương pháp sinh học, công nghệ tạo sương để xử lý khí độc, xử lý mùi hôi bột cá, xử lý Amôni trong các loại nước thải nhất là nước rỉ rác, xử lý nước ngầm nhiễm Arsenic, Flo… Nghiên cứu độc tính của chất thải công nghiệp và dân dụng - ảnh hưởng của chúng lên hệ sinh thái; nghiên cứu sản xuất thử nghiệm các chế phẩm sinh học phục vụ xử lý chất thải (XLCT)…

   Nghiên cứu chiến lược và chính sách về BVMT: Đánh giá hiện trạng dự báo diễn biến môi trường, xác định nguồn gây ô nhiễm, xây dựng quy hoạch môi trường, xây dựng chiến lược BVMT, chiến lược phát triển ngành công nghiệp môi trường, đánh giá ảnh hưởng và xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH, quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước… các nghiên cứu của Viện đã hỗ trợ tích cực để xây dựng và điều chỉnh quy hoạch phát triển KT - XH của các vùng và tỉnh/thành khu vực phía Nam…

   Dịch vụ công ích nhà nước về BVMT: Một trong những nhiệm vụ của Viện là công tác quan trắc môi trường quốc gia của Trạm Vùng III được thực hiện liên tục từ năm 1995 đến nay, bao gồm quan trắc diễn biến môi trường nước, không khí và chất thải rắn tại TP. HCM và các tỉnh ĐBSCL. Việc giao trách nhiệm phụ trách trạm vùng III của Bộ KHCN&MT trước đây và Bộ TN&MT ngày nay đã gắn kết hoạt động của Viện, là đầu mối triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về BVMT. Viện còn thực hiện Chương trình quan trắc ô nhiễm không khí do giao thông tại TP. HCM từ năm 1997 đến nay; đồng thời thực hiện quan trắc ô nhiễm cho các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…

   Viện thường xuyên phối hợp với Cảnh sát môi trường thực hiện công tác thanh tra phát hiện hành vi vi phạm luật BVMT của các đơn vị sản xuất kinh doanh tại các tỉnh/thành phía Nam và được Tổng cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), Bộ TN&MT đánh giá cao trong việc phối hợp triển khai thực hiện.

   Bên cạnh đó, Viện đã làm tốt công tác chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực BVMT, đưa nhiều tiến bộ khoa học vào thực tiễn, góp phần BVMT ở các khu công nghiệp và đô thị. Nhiều công trình NCKH và CGCN của Viện như: công trình xử lý nước thải (XLNT), xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn và chất thải công nghiệp nguy hại, các dự án quy hoạch BVMT và tài nguyên, các công trình hạ tầng môi trường đô thị, khu công nghiệp và nông thôn… đã được chuyển giao và ứng dụng thực tiễn tốt.

   Các đề tài, nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng chiến lược, chính sách BVMT tại các địa phương: Luôn gắn liền với các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT trên quy mô cả nước (hình thành chính sách) và các vùng kinh tế quan trọng.

Hội thảo Khoa học quốc tế do Viện tổ chức

   Xin GS cho biết một số công trình NCKH - CGCN của Viện được chuyển giao và ứng dụng thực tiễn đóng góp đáng kể cho công tác BVMT trong khu vực?

   GS.TS. Nguyễn Văn Phước: Viện đã hoàn thành rất nhiều công trình và đã chuyển giao, ứng dụng trong thực tiễn và được đánh giá cao, góp phần đáng kể trong công tác BVMT trong nhiều lĩnh vực khác nhau, một số công trình tiêu biểu như:

   Đề tài cấp nhà nước, Viện đã triển khai nghiên cứu phát triển công nghệ và giải pháp quản lý môi trường, ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề vùng ĐBSCL; Mô hình XLNT thạch dừa ở Bến Tre: Gồm giải pháp tách dòng, tái sử dụng nước thải trong quy trình sản xuất, đảm bảo nước thải có nồng độ chất ô nhiễm thấp, xử lý được bằng công nghệ đơn giản có chi phí đầu tư và vận hành thấp; Giảm thiểu và xử lý ô nhiễm nhuộm chiếu: Triển khai giải pháp chuyển đổi năng lượng, XLCT theo hướng sinh thái (nước thải và chất thải rắn sản xuất). Công suất hệ thống XLNT đạt <5 m3/ngày, giảm thiểu ô nhiễm 70% cho các chỉ tiêu COD, độ màu; Mô hình sinh thái bền vững VACBNXT cho hộ làm nghề sản xuất tinh bột kết hợp chăn nuôi (kèm hệ thống XLNT dưới 20m3/ngày): Triển khai đồng thời các giải pháp thu hồi khí gas, tách chất thải để giảm tải lượng chất ô nhiễm, ứng dụng kỹ thuật sinh thái để XLCT có chi phí đầu tư, vận hành thấp và có thể thu lại lợi nhuận. Phục vụ chủ yếu cho các cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề truyền thống về thạch dừa, dệt nhuộm chiếu, sản xuất tinh bột tại các tỉnh vùng ĐBSCL như Bến Tre, Đồng Tháp.

   Đồng thời, Viện đã triển khai nghiên cứu công nghệ BVMT nước và xây dựng các mô hình quản lý tích hợp môi trường vùng ven biển đã chuyển giao cho các địa phương có liên quan như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghiên cứu phương án tái sử dụng bùn thải từ hệ thống xử lý nước, nước thải và xỉ thải chuyển giao cho Sở TN&MT tỉnh Bình Dương.

   Xây dựng công cụ tin học quản lý môi trường công nghiệp áp dụng cho doanh nghiệp trong, ngoài khu/cụm công nghiệp tỉnh Tiền Giang chuyển giao cho Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang. Các công trình công nghệ môi trường đã chuyển giao thành công như: Hệ thống XLNT chế biến mủ cao su đã chuyển giao cho Công ty TNHH SX-TM-DV Nam Cường, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương; Hệ thống XLNT sản xuất kẹo dừa đã chuyển giao cho Công ty TNHH Đông Á, tỉnh Bến Tre; Mô hình cấp nước sạch nông thôn từ nguồn nước nhiễm mặn đã chuyển giao sản phẩm cho xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; Mô hình xử lý CTR đô thị quy mô nhỏ theo hướng không phát thải đã chuyển giao huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; Mô hình XLNT sinh hoạt theo hướng sinh thái đã chuyển giao cho xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp…

   Các nghiên cứu hỗ trợ quản lý nhà nước về BVMT như chính sách khuyến khích đầu tư về ứng dụng khoa học công nghệ vào cải thiện môi trường, thu gom, xử lý, tái chế chất thải cho Sở KH&CN tỉnh Đắc Nông; Sổ tay hướng dẫn thu thập, tính toán, lưu trữ, kết xuất đồ thị, nhận xét đánh giá từng chỉ thị 1 bộ cơ sở dữ liệu điện tử lưu trữ các thông tin về bộ chỉ thị môi trường của tỉnh phần mềm đã chuyển giao cho Sở TN&MT tỉnh Bình Dương; Các đề tài, nhiệm vụ đánh giá ảnh hưởng và xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH cho các tỉnh Tây Ninh, Đắc Nông, Long An, Lâm Đồng; Xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường và sự cố hóa chất cho các tỉnh Bình Dương, Long An...

   Ngoài ra, Trung tâm Công nghệ môi trường thuộc Viện đã chuyển giao thành công các công trình XLNT cho sản xuất mía đường, chế biến thủy sản, dệt nhuộm trong cả nước.

Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

   Nhằm thúc đẩy việc đào tạo gắn với thực tiễn, những năm qua Viện đã triển khai công tác này như thế nào, thưa GS?

   GS.TS. Nguyễn Văn Phước: Với phương châm đào tạo phải gắn liền với thực tiễn, trong suốt quá trình phát triển các chương trình đào tạo, nội dung các môn học của Viện luôn được chỉnh sửa cập nhật theo yêu cầu thực tiễn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và giảng viên trong quá trình giảng dạy thường kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn (thông qua các kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án… đã thực hiện) để giúp học viên có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức cũng như áp dụng vào công việc chuyên môn của mình.

   Đề tài tốt nghiệp Thạc sỹ thường gắn với thực tế thông qua các hình thức như: giải quyết vấn đề môi trường bức xúc về quản lý môi trường cũng như về công nghệ xử lý chất thải tại địa phương, tại Công ty nơi học viên đang công tác; hoặc gắn với các đề tài do Viện, giảng viên hướng dẫn đang thực hiện.

   Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, GS có đề xuất, kiến nghị gì để Viện phát triển vượt bậc trong thời gian tới?

   GS.TS. Nguyễn Văn Phước: Để xây dựng Viện xứng tầm là một đơn vị thành viên của ĐHQG và xứng đáng là đơn vị nghiên cứu về MT&TN hàng đầu khu vực phía Nam, mục tiêu hàng đầu của Viện là phát triển các hướng nghiên cứu mới, tiệm cận trình độ quốc tế để gia tăng công bố khoa học trên các tạp chí có uy tín. Định hướng chuyên môn của Viện là kết hợp các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực MT&TN, tập trung vào là các đô thị và khu công nghiệp, các hệ sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong đó, các hướng tiếp cận như:

   Phát triển ý tưởng, phát hiện những vấn đề mới, tiên tiến trong công tác BVMT. Chiến lược này nhằm mục tiêu xây dựng các đề tài NCKH đáp ứng trào lưu thế giới và nhu cầu của các địa phương và cả nước.

   Tiếp cận các định hướng phát triển KHCN của Trung ương và nhu cầu BVMT của địa phương để tạo nguồn đề tài NCKH thường xuyên. Liên kết hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài ĐHQG TP.HCM nhằm tạo thành lực lượng mạnh để thực hiện các dự án lớn cấp Quốc gia. Kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, tăng nguồn nhân lực thực hiện các đề tài/dự án.

   Với các định hướng chiến lược này, hoạt động NCKH và CGCN của Viện được kỳ vọng sẽ đạt được những bước tiến quan trọng trong giai đoạn sắp tới, phấn đấu trở thành một trong các đơn vị hàng đầu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực MT&TN.

   Để đạt mục tiêu trên, Viện cần nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ về thiết bị phòng thí nghiệm tiên tiến. Các phòng thí nghiệm được xây dựng với các định hướng nghiên cứu mới phù hợp với nhu cầu của thời đại như công nghệ môi trường xử lý bậc cao, công nghệ sinh học, độc học môi trường...

   Mặt khác, Nhà nước cần giao nhiệm vụ nhiều hơn, nhất là trong nghiên cứu triển khai đón đầu các công nghệ BVMT tiên tiến như: công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thành điện và phân bón chất lượng cao, công nghệ xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt thích ứng biến đổi khí hậu, công nghệ xử lý khí thải giảm phát thải khí nhà kính...

   Nhân dịp này, thay mặt CBCNV Viện MT&TN xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Bộ TN&MT, lãnh đạo ĐHQG TP. HCM, lãnh đạo các Sở, ban ngành, các cơ quan, đơn vị đã đồng hành với Viện trong suốt chặng đường 20 năm qua.

   Xin trân trọng cảm ơn GS.

Đức Trí

Thực hiện

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

 

Ý kiến của bạn