Banner trang chủ

Một số vấn đề về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm bảo vệ môi trường nơi công cộng

04/04/2017

   Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực BVMT (Nghị định số 155/2016/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 1/2/2017, thay thế cho Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2013. Việc ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP là đòi hỏi cấp thiết, góp phần thực hiện công tác thanh, kiểm tra và xử lý VPHC trong lĩnh vực môi trường được thống nhất, hiệu quả có tính răn đe cao. Với các chế tài xử phạt nghiêm khắc, Nghị định sẽ là công cụ hữu hiệu, đáp ứng yêu cầu của công tác BVMT trong tình hình mới, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

   Tại Điều 20 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt về hành vi gây mất vệ sinh nơi công cộng tăng từ 10 - 25 lần so với Nghị định số 179/2013/NĐ-CP. Việc tăng mức phạt được kỳ vọng sẽ là “liều thuốc” hữu hiệu trị “bệnh” xả rác bừa bãi, tạo chuyển biến mạnh về ý thức nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống.

   Theo đó, đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

   Để triển khai có hiệu quả các quy định mới về xử phạt VPHC trong BVMT nơi công cộng, cần bảo đảm các yếu tố tác động tới việc thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và việc thực hiện pháp luật của công dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có thói quen vứt rác đúng nơi quy định

   Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân

   Trước hết, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân phụ thuộc vào sự hiểu biết của cá nhân, cộng đồng về các quy định BVMT nơi công cộng. Sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật là cơ sở để mỗi cá nhân hình thành ý thức tuân theo pháp luật. Do đó, các cơ quan nhà nước cần thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức tôn trọng các quy định về BVMT nơi công cộng để từ đó nâng cao ý thức của người dân.

   Ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật BVMT nơi công cộng còn phụ thuộc vào niềm tin của người dân vào pháp luật. Niềm tin vào pháp luật của người dân phụ thuộc vào thực tiễn thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nếu việc áp dụng, xử lý vi phạm không nghiêm minh, không kịp thời và đúng đắn sẽ làm cho người dân mất niềm tin vào pháp luật. Như vậy, khi triển khai các quy định về BVMT nơi công cộng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện thường xuyên, liên tục và cương quyết thì mới có thể tác động vào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Trong trường hợp việc thực thi pháp luật BVMT nơi công cộng chỉ được thực hiện theo “phong trào”, “làm điểm” hoặc theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” thì sẽ không thể tác động vào ý thức của người dân.

   Trên thực tế, việc xử lý vi phạm pháp luật BVMT nơi công cộng trong thời gian qua cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương chưa thực thi pháp luật một cách thường xuyên, liên tục và cương quyết. Ngay sau khi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 1/2/2017, thì tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai rất tích cực nhưng cũng có một số địa phương còn chưa quan tâm đến vấn đề này.

   Để pháp luật về BVMT nơi công cộng được thực thi có hiệu quả thì vấn đề quan trọng là phải làm cho người dân hiểu được ý nghĩa xã hội, giá trị xã hội của các quy định BVMT nói chung, BVMT nơi công cộng nói riêng để từ đó họ tuân thủ các quy định này một cách tự nguyện. Bên cạnh đó, cần tạo dư luận xã hội thông qua việc các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp lên tiếng, phản đối những hành vi vi phạm pháp luật như hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá; vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt; hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định. Sự bất bình của dư luận xã hội đối với các hành vi trên sẽ có tác động mạnh mẽ đến việc thay đổi hành vi của các cá nhân.

   Điều kiện để cơ quan nhà nước thực thi và người dân tuân thủ các quy định về BVMT nơi công cộng

   Một trong những điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể thực thi pháp luật xử lý VPHC trong lĩnh vực BVMT nói chung và xử lý VPHC trong BVMT nơi công cộng nói riêng là các điều kiện về cơ sở vật chất và các yếu tố khác như nhân lực, trình độ chuyên môn…Theo nguyên tắc về xử lý VPHC, cơ quan nhà nước thi hành pháp luật phải có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của công dân. Do đó, để có thể xử phạt VPHC đối với công dân vi phạm pháp luật BVMT nơi công cộng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chứng minh được hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân. Việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật phải được thực hiện một cách hợp pháp, với các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại như máy ghi âm, ghi hình…

   Bên cạnh ý thức tuân thủ pháp luật của người dân thì cơ quan nhà nước, các chủ thể quản lý khu chung cư, thương mại, dịch vụ phải đảm bảo các điều kiện cần thiết như thùng rác, địa điểm tập kết rác thải sinh hoạt, nhà vệ sinh công cộng (VSCC) để người dân có thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu của quy định về BVMT nơi công cộng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để trang bị cơ sở vật chất còn hạn chế. Hiện TP. Hà Nội chỉ có khoảng 170 nhà VSCC trên địa bàn, trong khi phần lớn các nhà VSCC này được xây dựng trên 20 năm nên đã xuống cấp. Sắp tới, TP sẽ lắp đặt thêm các nhà VSCC và quy hoạch thống nhất vị trí lắp đặt nhà vệ sinh, có biển chỉ dẫn rõ ràng để đảm bảo mỹ quan đô thị.

   Các quy định xử lý VPHC về BVMT nơi công cộng cần được thực thi công bằng, nghiêm minh

   Có thể thấy rằng, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định mới và mức phạt của những hành vi vi phạm đã được nâng lên. Hành vi vi phạm pháp luật BVMT nơi công cộng chỉ là một nhóm hành vi vi phạm pháp luật BVMT bị xử lý theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Do vậy, khi triển khai thực thi các quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần triển khai một cách đồng bộ, nghiêm minh và công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng vi phạm và giữa các hành vi vi phạm. Nếu việc áp dụng, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước không nghiêm minh, không kịp thời, đúng đắn và công bằng thì sẽ làm mất niềm tin vào pháp luật và dẫn tới tình trạng các tổ chức, cá nhân vi phạm “không phục” với quyết định xử phạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các tổ chức, cá nhân sẽ có những so sánh và từ đó có thể cho rằng những hành vi vi phạm các quy định BVMT nơi công cộng thì bị xử lý, còn những hành vi vi phạm nghiêm trọng xả nước thải, chất thải ra môi trường lại không bị xử lý hoặc mức xử phạt chưa thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật.

   Như vậy, để thực thi các quy định xử lý VPHC trong BVMT nơi công cộng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý thường xuyên, khi xử phạt cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch để người dân nghiêm túc chấp hành. Bên cạnh đó, xử phạt phải mang tính văn hóa (ra văn bản khiển trách về khu dân cư hoặc cơ quan nơi công tác, viết cam kết không vi phạm, công khai danh tính cá nhân của người vi phạm…). Đồng thời, vận động, tuyên truyền để người dân cùng vào cuộc, nâng cao ý thức BVMT.

TS. Nguyễn Văn Phương

Trường Đại học Luật Hà Nội

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn