Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Một số vấn đề cơ bản về quản lý ô nhiễm dioxin hiện nay ở Việt Nam

06/10/2015

   Từ hơn một nửa thể kỷ nay, dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam luôn là vấn đề được quan tâm, bàn luận, nghiên cứu, xử lý vì tính chất phức tạp và hậu quả nặng nề của nó đối với môi trường và con người ở Việt Nam.

   Bên cạnh đó, dioxin có nguồn gốc từ công nghiệp, từ xử lý rác thải và các nguồn khác đang ngày càng được quan tâm vì việc phát thải dioxin thuộc nhóm này và phơi nhiễm ở con người đang có xu hướng tăng. Vì vậy, ở Việt Nam, dioxin đã trở thành một gánh nặng “kép” đối với việc quản lý ô nhiễm dioxin.

   1. Dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ

   Từ năm 1961 - 1972, quân đội Mỹ đã thực hiện chiến dịch phun rải chất diệt cỏ ở miền Nam Việt Nam với 3 mục đích: Phát quang để tấn công (offensive), phá hủy môi trường và những khu rừng là căn cứ của đối phương; Phát quang để phòng vệ (defensive), tạo vành đai an toàn xung quanh nơi đồn trú, tránh sự xâm nhập của đối phương và phá hoại mùa màng (crop destruction).

   Chất diệt cỏ được ký hiệu bằng các màu ở thùng phi đựng các chất diệt cỏ, bao gồm các loại: Orange (chất da cam), Orange 2, Purple (tím), Pink (hồng), Green (xanh mạ), Blue (xanh), White (trắng) và Dinoxol, trong đó chủ yếu là chất da cam, một hỗn hợp của 50% n-butylic este 2,4,5-T và 50% n-butylic este 2,4-D.

   Trong các chất diệt cỏ nêu trên, trừ loại Blue và White, tất cả các chất còn lại đều chứa 2,3,7,8 tetraclodibenzo-p-dioxin (2,3,7,8 TCDD), một chất độc nhất trong các chất độc do con người tìm ra và tạo ra. TCDD được hình thành như là một tạp chất trong quá trình sản xuất 2,4,5-T (hình 1).

Hình 1. Quá trình hình thành dioxin trong sản xuất 2,4,5-T

   Có một số dữ liệu khác nhau về số lượng chất diệt cỏ đã được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và lượng dioxin chứa trong các chất diệt cỏ. Theo Westing (1976), có 72.354.000 lít chất diệt cỏ đã được sử dụng và phun rải trên 2.578.502 ha, chứa 170 kg dioxin. Theo Stellman (2005), đã có 73.772.262 lít chất diệt cỏ đã được sử dụng, chứa 366 kg dioxin. Còn theo Young (2009), có 79.488.240 lít chất diệt cỏ đã được sử dụng, trong đó có 46.276.880 lít chất diệt cỏ chứa dioxin, chiếm 62,4%, chứa 130-144 kg dioxin.

   1.1. Sự tồn lưu của dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ trong môi trường

   Sau hàng chục năm, dưới tác động của nhiều yếu tố trong môi trường, lượng dioxin tại các vùng phun rải đã giảm nhiều. Tại A Lưới, Thừa Thiên - Huế, trong 140 mẫu môi trường, chỉ có 2 mẫu đất có hàm lượng dioxin là 877 ppt, các mẫu đất, trầm tích khác chỉ từ 0 đến 246 ppt (Uỷ ban 10-80, Hatfield, 2000). Tại Sa Thầy, Kon Tum, nồng độ dioxin trong đất từ 333 đến 845 ppt (3 mẫu), trong trầm tích từ 107 đến 430 ppt (5 mẫu) (Lê Xuân Cảnh, 2010). Tại các vùng đã bị phun rải khác, nồng độ dioxin hoặc thấp hơn nhiều, hoặc không còn tìm thấy.

   Sân bay Biên Hòa, Đồng Nai được coi là khu vực ô nhiễm dioxin rộng và nặng nhất. Tại đây, trong chiến dịch Ranch Hand (chiến dịch phun rải chất diệt cỏ) và chiến dịch Pacer Ivy (chiến dịch thu gom và tiêu hủy chất diệt cỏ năm 1972), quân đội Mỹ đã lưu giữ 170.300 thùng phi loại 208 lít chứa các chất diệt cỏ, trong đó có 109.000 thùng phi chứa chất da cam. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/1969 đến tháng 3/1970 đã xảy ra sự cố chảy tràn làm rò rỉ 25.000 lít chất da cam và 2.500 lít chất trắng. Vì vậy, tính chất ô nhiễm dioxin tại đây trở nên phức tạp hơn. Theo các nghiên cứu của Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga (1996), Văn phòng Ban chỉ đạo 33 (2011) và một số nghiên cứu khác, nồng độ dioxin tại sân bay Biên Hòa từ 01 đến 962.559 ppt, trung bình là 2.984 ppt với khoảng 1.020 đến 9.685 ppt TEQ (độ độc tương đương). Ước tính có khoảng 247.000 m2 đất với 236.000 m3 đất và trầm tích tại đây phải xử lý dioxin. Năm 2009, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chôn lấp 94.000 m3 đất ô nhiễm dioxin trong một khuôn viên 4,7 ha, trong đó có 3.384 m3 được chôn lấp tích cực (kết hợp với công nghệ vi sinh). Hiệu quả của phương pháp chôn lấp tích cực cần tiếp tục được nghiên cứu để đánh giá chính xác hiệu quả.

   Sân bay Đà Nẵng được coi là khu vực ô nhiễm dioxin lớn thứ 2 ở Việt Nam. Trong thời gian chiến tranh, quân đội Mỹ đã lưu giữ tại đây 94.900 thùng phi chứa chất diệt cỏ, trong đó có 52.700 thùng phi chứa chất da cam. Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan viện trợ quốc tế Mỹ (USAID, 2011), nồng độ dioxin tại các khu vực ô nhiễm dioxin trong sân bay Đà Nẵng từ 6.820 ppt đến 365.000 ppt. Dự kiến ban đầu của USAID có 72.900 m3 đất và bùn cần xử lý dioxin. Từ năm 2012, USAID kết hợp với Bộ Quốc phòng Việt Nam tiến hành xử lý dioxin tại đây bằng phương pháp hấp giải nhiệt. Trong quá trình thực hiện, lượng đất bùn có nồng độ dioxin cần được xử lý tăng gần gấp 2 lần so với dự kiến ban đầu. Điều này nói lên tính phức tạp của việc lan truyền của dioxin tại vùng bị ô nhiễm.

   Sân bay Phù Cát, Bình Định được coi là khu vực ô nhiễm ở mức độ thứ 3 ở Việt Nam với khoảng 7.500 m3 đất bị nhiễm dioxin với nồng độ cao nhất là 238.000 ppt. Năm 2012, với trợ giúp của Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua điều phối của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo 33 đã tiến hành chôn lấp an toàn toàn bộ số đất nhiễm dioxin tại đây.

   Ngoài các vùng nóng nêu trên, một số sân bay quân sự trước đây của quân đội Sài Gòn có lưu giữ chất diệt cỏ cũng bị ô nhiễm dioxin nhưng với quy mô rất nhỏ và nồng độ thấp, không hoặc ít tác động đến môi trường và con người sống trong các khu vực lân cận.

   Xử lý dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ là vấn đề rất phức tạp vì nồng độ dioxin quá cao, tỷ lệ TCDD (loại độc nhất và có độ bền vững nhất) rất cao. Phương pháp chôn lấp chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Phương pháp xử lý bằng công nghệ sinh học còn có một số vấn đề cần được làm rõ. Theo các nghiên cứu của USEPA (Cục BVMT Mỹ, 2013), công nghệ sinh học xử lý dioxin chỉ mới thành công trong phòng thí nghiệm, chưa thể triển khai ngoài hiện trường. Phương pháp hấp giải nhiệt đang thực hiện tại Đà Nẵng cũng có những hạn chế khi lượng dioxin thải qua không khí và nước thải còn cao hơn nồng độ cho phép, buộc phải sử dụng một khối lượng lớn than hoạt tính để hấp phụ dioxin. Hiện nay, trong Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về dioxin, Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu tích hợp các công nghệ khác nhau để xử lý dioxin.

   1.2. Hậu quả của dioxin đối với con người

   Những nghiên cứu chủ yếu về hậu quả của dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ đối với con người đã được Ủy ban quốc gia điều tra về hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10-80) và Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) tổ chức thực hiện có sự tham gia của một số tổ chức và nhà khoa học nước ngoài. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, cơ cấu bệnh tật và tỷ lệ bệnh tật giữa nhóm có tiền sử phơi nhiễm dioxin (sống ở vùng bị phun rải, vùng ô nhiễm nặng) khác biệt so với các vùng chứng (vùng không bị phun rải), đặc biệt là tỷ lệ dị tật bẩm sinh thế hệ con, cháu của những người phơi nhiễm, tai biến sinh sản (Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Lê Bách Quang, Nguyễn Văn Tường…).

   Ngoài ra, các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu những biến đổi về máu, cơ quan tạo máu, miễn dịch…đặc biệt, nghiên cứu về biến đổi nhiễm sắc thể và gene. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có những biến đổi gene ở những phả hệ có phơi nhiễm dioxin có liên quan đến ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Cơ chế tác hại của dioxin được môt tả tại (hình 2). 

Hình 2. Cơ chế tác hại của dioxin đối với gene

   Tuy nhiên, đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy những dấu hiệu đặc trưng để chẩn đoán xác định các bệnh lý có tính nhân quả rõ ràng do tác động của dioxin.

   2. Dioxin có nguồn gốc khác

   Trong khuôn khổ Dự án “Xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng”, các chuyên gia đã tiến hành lấy các mẫu khí thải của một số lò đốt rác thải tại Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa và TP. Hồ Chí Minh. Hàm lượng TEQ của các mẫu không khí nằm trong khoảng tương đối rộng từ 14,1 đến 46.800 pg WHO-TEQ/Nm3 (mét khối khí đo ở điều kiện chuẩn). Có 7/18 mẫu khí thải của lò đốt rác thải công nghiệp có hàm lượng TEQ cao vượt ngưỡng 0,6 ng TEQ/Nm3, trong đó có những mẫu cao hơn giới hạn cho phép hàng nghìn lần.

   Dioxin có hàm lượng cao nhất trong hầu hết các mẫu là OCDD, trong khi TCDD có hàm lượng nhỏ với tỷ lệ TCDD/TEQ chỉ trong khoảng 4,1 đến 25,3%. Đây là một trong một số khác biệt cơ bản giữa dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ và dioxin có nguồn gốc khác.

   Nước thải từ các cơ sở xử lý rác thải nói trên cũng đã được phân tích dioxin. Kết quả cho thấy, hàm lượng TEQ của các mẫu nước thải được phân bổ từ 0,84 đến 50.080 pg WHO-TEQ/L. Các dioxin có hàm lượng cao nhất trong hầu hết các mẫu là 1,2,3,4,6,7,8-HpCDD và OCDD, trong khí đó, 2,3,7,8 -TCDD có hàm lượng rất nhỏ. So với ngưỡng cho phép đối với dioxin và các chất tương tự dioxin (DRCs - Dioxin and related compounds) của Nhật Bản là 10 pg TEQ/L thì có đến 9/15 mẫu có hàm lượng vượt ngưỡng, thậm chí có mẫu có hàm lượng DRCs lên đến 50.075 pg TEQ/L.

   Một số mẫu chất thải từ một số nhà máy sản xuất xi măng, luyện kim, nhiệt điện có hàm lượng dioxin vượt ngưỡng cho phép.

   Một số mẫu đất và trầm tích tại Hà Nội, Thái Nguyên và Thanh Hóa đã được phân tích dioxin và kết quả cho thấy, đều thấp hơn hàm lượng cho phép theo QCVN 45:2012/BTNMT về giới hạn cho phép của dioxin trong các loại đất.

   Ở Việt Nam chưa có quy chuẩn về nồng độ dioxin trong nước. Hàm lượng dioxin trong các mẫu nước lấy ở Hà Nội, Nam Định và Thanh Hóa không vượt quá 1,0 pg/L, trung bình là 0,76 pg/L.

   Phân tích DRCs trong các mẫu không khí lấy từ Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh và Thanh Hóa cho thấy, 16/17 mẫu có hàm lượng TEQ thấp hơn 01 pg/Nm3.

   3. Một số nhận xét chung

   Hậu quả của dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề. Việc xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng dự kiến cuối năm 2016 mới kết thúc nhưng kế hoạch này rất khó thực hiện vì nảy sinh một số vấn đề phức tạp trong quá trình xử lý; Công việc xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa chỉ mới ở giai đoạn đánh giá môi trường và cho đến nay vẫn chưa xác định được nguồn vốn và công nghệ được lựa chọn.

   Cần có những nghiên cứu bổ sung để đánh giá chính xác và đầy đủ các điểm ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ tại một số sân bay quân sư khác và lựa chọn phương án xử lý tập trung số đất bùn bị nhiễm dioxin có nồng độ vượt quá ngưỡng cho phép.

   Cần có kế hoạch quan trắc định kỳ và lâu dài tại các vùng ô nhiễm nặng đã và chưa được xử lý, lưu ý quan trắc dioxin và asen trong nước ngầm, vì trong một số chất diệt cỏ đã được sử dụng có chứa asen.

   Phải có chương trình kiểm soát toàn diện dioxin có nguồn gốc khác, đặc biệt tại các lò đốt rác công nghiệp và rác thải sinh hoạt; Loại bỏ các lò đốt rác có công nghệ lạc hậu; Xem xét bổ sung và điều chỉnh ngưỡng dioxin cho phép tại các nguồn phát thải khác nhau.

   Tiếp tục nghiên cứu và lựa chọn công nghệ xử lý dioxin phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Từ năm 2012, USAID kết hợp với Bộ Quốc phòng Việt Nam tiến hành xử lý dioxin tại Mố khử hấp thu nhiệt tại Đà Nẵng

   Đối với con người, việc chăm sóc sức khỏe và điều trị cho những người phơi nhiễm dioxin luôn luôn được coi trọng; tiếp tục theo dõi diễn biến nồng độ dioxin và tình hình bệnh tật của những người bị phơi nhiễm; Bổ sung các nghiên cứu về biến đổi gene, miễn dịch, hormone để có những biện pháp phù hợp; Tổ chức điều trị giải độc không đặc hiệu cho những người bị phơi nhiễm ở quy mô lớn hơn.

   Luật BVMT năm 2014 đã có quy định về quản lý ô nhiễm dioxin. Cần có những văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện quy định này.

Tài liệu tham khảo

Báo cáo tổng thể về tình hình ô nhiễm dioxin tại 3 điểm nóng, sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát. Văn phòng Ban chỉ đạo 33 và UNDP. Hà Nội, 2011.

Báo cáo hiện trang ô nhiễm dioxin trong môi trường Việt Nam. Văn phòng Ban chỉ đạo 33 và UNDP. Hà Nội, 2014.

Tổng quan các nghiên cứu về ảnh hưởng của chất da cam/dioxin đối với môi trường. Văn phòng chương trình KHCN - 33/11-15. Hà Nội, 2012.

     The History, Use, Disposition and Environmental Fate of Agent Orange. Alvin L.Young. Springer, 2009.

PGS.TS.BS. Lê Kế Sơn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 - 2015)

Ý kiến của bạn