Banner trang chủ

Một số đề xuất mới về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

31/05/2019

     Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải được ban hành ngày 16/11/2016 (Nghị định số 154/2016/NĐ-CP) và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2017. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, các địa phương đều nghiêm túc thực hiện và thu được kết quả nhất định, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu khi xây dựng Nghị định. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng phát sinh những bất cập và đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sungmột số quy định cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.

     Một số kết quả đạt được và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện

     Phí BVMT đối với nước thải được coi là một trong những công cụ kinh tế nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT), đồng thời tạo nguồn thu để phục vụ cho công tác BVMT. Nghị định số 154/2016/NĐ-CP được ban hành (thay thế Nghị định số 25/2013/NĐ-CP)nhằm nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân về BVMT; ràng buộc đối tượng xả thải nước thải gây ô nhiễm trong việc đóng góp kinh phí phục vụ cho việc cải tạo ÔNMT đối với nước thải. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra môi trường, từ đó góp phần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu ÔNMT.

     Căn cứ quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP, UBND các tỉnh đã xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức kinh phí để lại cho tổ chức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt. Một số địa phương quy định mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt cao hơn so với mức 10% giá bán nước sạch quy định tại Nghị định. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện thu phí, tuyên truyền hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện khai nộp phí theo quy định.

     Hầu hết, các địa phương đều đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, chế biến và đối tượng khác có nước thải thuộc đối tượng nộp phí theo đúng quy định. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cơ bản chấp hành về công tác quan trắc và khai báo chất ô nhiễm có trong nước thải theo Nghị định số 154/2016/NĐ-CP. Một số doanh nghiệp có khối lượng nước thải lớn từ trên 1.000 m3 nước thải/ngày, đêm đã thực hiện quan trắc tự động có kết nối với cơ quan quản lý môi trường, do vậy, việc theo dõi hàm lượng chất ô nhiễm và khối lượng nước thải là cơ sở xác định số phí phải nộp được giám sát chặt chẽ. Việc tính phí BVMT theo chất ô nhiễm có trong nước thải và khối lượng nước thải ra là phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thông tin, kết nối mạng và kiểm soát trực tuyến hiện nay.

     Nhìn chung, việc triển khai thu phí BVMT đối với nước thải được các địa phương ghi nhận là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giám sát, theo dõi các đối tượng xả nước thải trên địa bàn, nhất là các nguồn thải lưu lượng lớn, có tác động nhiều đến môi trường. Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 154/2016/NĐ-CPcòn một số tồn tại, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế và quy định pháp luật, đặc biệt liên quan đến mức thu phí.

     Về mức phí cố định, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP quy định: “Cơ sở sản xuất, chế biến có khối lượng nước xả thải dưới 20 m3/ngày phải nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm”. Qua thực hiện, một số địa phương (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình) kiến nghị, mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm áp dụng chung cho tất cả các cơ sở xả thải dưới 20 m3/ngày, đêm là không phù hợp. Thực tế, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến có quy mô và tính chất hoạt động khác nhau, khối lượng nước thải cũng rất khác nhau, nhất là các cơ sở cơ khí, may mặc... có lượng nước thải ít (5 m3, 10 m3 hoặc 15 m3/ngày, đêm) cũng phải nộp mức 1,5 triệu đồng/năm là chưa công bằng. Do đó, các địa phương này đề nghị sửa đổi theo hướng quy định nhiều mức phí khác nhau áp dụng cho các cơ sở xả thải dưới 20 m3/ngày, đêm.

 

Quy định cụ thể về mức phí đối với từng đối tượng đảm bảo nguyên tắc người gây ÔNMT từ nước thải phải có trách nhiệm nộp phí BVMT

 

     Về mức phí biến đổi, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP quy định công thức tính phí biến đổi căn cứ vào 6 thông số ô nhiễm có trong nước thải bao gồm: Nhu cầu ô xy hóa học, chất rắn lơ lửng, thủy ngân, chì, arsenic và cadmium.  Do vậy, trong thời gian qua, một số địa phương khi triển khai thực hiện đã yêu cầu các doanh nghiệp phải lấy mẫu phân tích đủ 6 thông số ô nhiễm để xác định số phí phải nộp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh yêu cầu phải lấy mẫu phân tích đủ 6 thông số ô nhiễm là không phù hợp, vì trên thực tế và theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của Bộ TN&MT thì không phải ngành nghề, lĩnh vực nào cũng xả nước thải có chứa kim loại nặng (thủy ngân, chì, arsenic và cadmium), vì vậy, việc kê khai và nộp phí đầy đủ đối với các chất gây ô nhiễm nêu trên gây tốn kém và tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan thu phí.

     Hiện nay, mức thu phí BVMT hiện thấp không đủ bù đắp chi phí xây dựng, duy tu, bảo trì hệ thống đường cống thu gom thoát nước. Theo thống kê, số tiền phí thu được năm 2016 là 1.287 tỷ đồng, năm 2017 là 2.102 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu này mới đáp ứng một phần yêu cầu BVMT từ nước thải gây ra (phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ÔNMT; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải), mà chưa có nguồn để xử lý nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường.

     Một bất cập khác là Nghị định số 154/2016/NĐ-CP quy định, UBND xã, phường, thị trấn thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng. Tuy nhiên, do phạm vi đối tượng chịu phí nhỏ (chỉ trường hợp tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các phường tự khoan nước để sử dụng thuộc diện nộp phí); chính quyền cấp xã không có bộ máy chuyên môn về môi trường và không có cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này; do đó, việc thu phí không khả thi, hiệu quả kém, thực tế cơ bản các địa phương không triển khai thu phí được đối với trường hợp này. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh phù hợp.

     Ngoài ra, một số nội dung quy định về miễn phí tại Điều 5 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP còn chung chung, khó xác định như: Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội; Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch... Vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết hơn về tính phí đối với các trường hợp này.

     Quy định cụ thể mức phí đối với từng đối tượng, đảm bảo nguyên tắc công bằng

     Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp, đồng thời khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế của chính sách về phí BVMT đối với nước thải cho phù hợp với thực tiễn mà nhiệm vụ BVMT đặt ra, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã soạn thảo Dự thảo sửa đổi, bổ sungNghị địnhsố 154/2016/NĐ-CP.

     Theo đó, Dự thảo quy định rõ về đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; quy định cụ thể về mức phí đối với từng đối tượng, đảm bảo nguyên tắc người gây ÔNMT từ nước thải thì có trách nhiệm nộp phí BVMT; cách tính phí được điều chỉnh theo hướng đơn giản dễ tính, dễ khai nộp. Việc quản lý và sử dụng phí thu được đảm bảo đồng bộ và phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật về quản lý thuế hiện hành.

     Dự thảo quy định mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Riêng mức phí áp dụng đối với đối tượng chịu phí là nước thải ra từ các cơ sở rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác là 15% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

     Dự thảo Nghị định quy định không thu phí đối với nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng. Quy định này mang tính nhân văn, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của hộ gia đình, cá nhân còn khó khăn phải sử dụng nguồn nước tự khai thác. Đồng thời, không tạo thêm gánh nặng về tài chính khi các đối tượng này có điều kiện thu nhập thấp và đây là trách nhiệm chia sẻ của xã hội.

     Dự thảo Nghị định bỏ quy định miễn phí đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội. Việc bỏ quy định miễn phí đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá sẽ đem lại tác động tích cực cho các công ty nước sạch hoạt động tại địa phương.

     Để đảm bảo công bằng trong việc nộp phí, Dự thảo đã chia nhỏ hơn mức phí cố định áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20 m3/ngày đêm. Cụ thể: Từ 10 m3/ngày đêm đến dưới 20 m3/ngày đêm là 2 triệu đồng/năm (tăng 500.000 đồng); từ 5 m3/ngày đêm đến dưới 10 m3/ngày đêm là 1,5 triệu đồng/năm (bằng mức hiện hành); dưới 5 m3/ngày đêm là 1 triệu đồng/năm (giảm 500.000 đồng). Căn cứ xác định số lượng nước thải/ngày đêm là thực tế xả thải từ hoạt động sản xuất, chế biến; hồ sơ về môi trường của cơ sở; kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Việc quy định chia nhỏ hơn mức phí cố định áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 20 m3/ngày đêm sẽ đảm bảo công bằng giữa các đối tượng xả thải và phù hợp với nguyên tắc gây ÔNMT ít thì nộp phí ít và ngược lại.

     Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản (thuộc nước thải công nghiệp), cơ sở nuôi trồng thủy sản có quy mô rất khác nhau; khó xác định khối lượng nước thải của hoạt động này, hàm lượng chất ô nhiễm (thủy canh, thủy cư, nuôi cá, tôm… lồng, bè), Dự thảo quy định: Nước thải của cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng mức thu cố định, không thu phí biến đổi, đối với tổ chức là 2 triệu đồng/năm, đối với cá nhân, hộ gia đình là 1 triệu đồng/năm.

     Như vậy, chính sách phí BVMT đối với nước thải là công cụ quan trọng của Nhà nước góp thêm nguồn kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải, hạn chế tình trạng ÔNMT. Phí BVMT đối với nước thải tác động hầu hết đối với mọi người dân và doanh nghiệp, vì mọi tổ chức, cá nhân đều có sử dụng nước cho các hoạt động sản xuất, chế biến và sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày. Vì vậy, đây là trách nhiệm xã hội và việc thu khoản phí này phải đảm bảo một phần nâng cao ý thức BVMT. Hiện Dự thảo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ.

 

Nguyễn Thị Liên

Bộ Tài chính

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn