Banner trang chủ

Kinh nghiệm thế giới về cây trồng biến đổi gen và đề xuất giải pháp tại Việt Nam

08/08/2017

   Cây trồng biến đổi gen (GMO) được tạo ra lần đầu tiên vào năm 1982. Hiện nay, công nghệ GMO trên cây trồng đang được thực hiện ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ôxtrâylia, trên nhiều loại cây (đậu nành, ngô, khoai tây, cà chua, bông vải…), với các loại gen khác nhau. Các nước đang phát triển chú trọng công nghệ này là Trung Quốc và Ấn Độ. Bài viết đánh giá hiện trạng, xu hướng phát triển và sử dụng GMO trên thế giới và Việt Nam hiện nay, cũng như nguy cơ về cây trồng GMO để giúp các nhà hoạch định chính sách định hướng phát triển an toàn sinh học đối với cây trồng GMO.

   Tình hình phát triển cây GMO trên thế giới và Việt Nam

   Theo số liệu báo cáo của Trung tâm dịch vụ quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) năm 2015, sau 20 năm phát triển (từ năm 1996), các loại cây trồng GMO được thương mại hóa ngày càng tăng qua các năm. Tính riêng năm 2014, cây GMO được trồng tại 28 nước với tổng diện tích khoảng 181,5 triệu ha (số nước trồng cây GMO tăng 4 lần, diện tích tăng hơn 100 lần so với năm 1996), tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 3 - 4%. Trong đó Mỹ là quốc gia đứng đầu về diện tích cây trồng GMO trên thế giới (73,1 triệu ha, chiếm 40%), tiếp đến là Brazil (42,2 triệu ha), Ác-hen-ti-na (24,3 triệu ha), Ấn Độ (11,6 triệu ha), Canađa (11,6 triệu ha). Mặc dù có nhiều gen được ứng dụng chuyển vào trong cây nhưng đến nay mới chỉ có 7 nhóm cây trồng GMO được phép thương mại hóa (khả năng chống chịu các stress phi sinh học, năng suất hạt, kháng côn trùng, kháng thuốc diệt cỏ, nâng cao chất lượng, kiểm soát sự thụ phấn...). Trong đó, các cây trồng GMO như đậu tương, bông, ngô và cây cải dầu được canh tác rộng rãi.

Giống ngô NK 4300 Bt/GT GMO kháng sâu đục thân, thuốc trừ cỏ đã được đưa vào trồng tại Việt Nam làm thức ăn chăn nuôi 

   Điều đáng chú ý, số quốc gia đang phát triển đưa cây trồng GMO vào canh tác ngày càng tăng, trong khi các nước phát triển (đặc biệt là các nước châu Âu) còn hạn chế mở rộng diện tích trồng cây GMO và các sản phẩm GMO được quản lý chặt chẽ. Trong khi Mỹ coi thực phẩm GMO như sản phẩm truyền thống, không cần ghi nhãn thì các quốc gia châu Âu bắt buộc ghi nhãn thực phẩm có nguyên liệu GMO (chiếm từ 0,9% trở lên). Đặc biệt ở Đức, việc dán nhãn này được thực hiện nghiêm ngặt, nhằm tăng tính minh bạch cho người tiêu dùng. Ở đây còn cấm sử dụng các chất enzim hoặc các phụ gia như vitamin, axit amin hay hương liệu được sản xuất theo kỹ thuật GMO. Đối với các sản phẩm động vật như thịt, sữa hoặc trứng, trong quá trình chăn nuôi không được phép dùng thức ăn có GMO. Luật pháp quy định, tùy thuộc vào loại gia súc phải đảm bảo một thời hạn nhất định không được nuôi bằng ăn thức ăn có GMO. Song cho phép các phụ gia trong thức ăn chăn nuôi được sản xuất từ sản phẩm GMO. Ngoài ra, cũng cho phép gia súc được điều trị bằng dược phẩm hay vắc xin được sản xuất nhờ GMO.

   Tại Việt Nam, năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nêu rõ: “Làm chủ được công nghệ gen nhằm tạo ra các GMO thực vật, động vật theo hướng có lợi”. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW và giao Bộ NN&PTNT triển khai "Chương trình trọng điểm phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020". Mục tiêu đến năm 2015, phát triển công nghệ sinh học hiện đại, tập trung vào công nghệ gen, đưa một số giống cây trồng GMO vào sản xuất và đến năm 2020 diện tích trồng trọt các giống cây trồng GMO chiếm 30 - 50%.

   Triển khai chương trình trên, các Viện (Công nghệ sinh học, Nghiên cứu hệ gen thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Di truyền nông nghiệp, lúa đồng bằng sông Cửu Long, Nghiên cứu Ngô thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt nam, Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), và trường (Đại học Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã tiếp cận và làm chủ được công nghệ GMO. Bước đầu tạo được một số dòng ngô, đậu tương, xoan ta, thông, khoai lang GMO có khả năng kháng sâu, chống chịu thuốc trừ cỏ, tăng trưởng nhanh hoặc chịu hạn. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã cấp 20 giấy xác nhận thực vật GMO đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi cho cây ngô và đậu tương GMO thuộc các công ty tại Việt Nam (Dekalb; Syngenta; Bayer; Pioneer Hi-bred) như: NK66Bt, NK66Bt/GT, NK66GT, K4300Bt/GT, NK67Bt/GT, NK7328Bt/GT…

    Một số nguy cơ về cây trồng GMO

   Đối với môi trường

   Nguy cơ đầu tiên là việc GMO mang các yếu tố chọn lọc (chịu lạnh, hạn, mặn hay kháng sâu bệnh…) phát triển tràn lan trong quần thể thực vật. Điều này làm mất cân bằng hệ sinh thái và giảm tính đa dạng sinh học (ĐDSH) của loài cây được chuyển gen. Bên cạnh đó, việc chuyển gen từ cây trồng vào các vi khuẩn trong đất sẽ làm đất nhanh bạc màu. Hiện nay, các chuyên gia công nghệ sinh học đang nỗ lực giảm thiểu các rủi ro nêu trên và theo dõi các thử nghiệm GMO trong phòng thí nghiệm, cũng như ngoài đồng ruộng trước khi đưa ra thị trường thương mại. Nói tóm lại, nếu được thiết kế và sử dụng đúng phương pháp, có thể quản lý đựợc các nguy cơ của GMO đối với môi trường hiệu quả, tuy nhiên nếu để xảy ra các sai sót thì môi trường đất sẽ bị ảnh hưởng.

   Đem chất độc hại cho đồng ruộng

   Hầu hết cây trồng GMO đang được canh tác, do gen bị làm thay đổi nên miễn dịch với một số thuốc trừ cỏ. Qua canh tác trên đồng ruộng trồng cây GMO, những loại cỏ dại lại kháng thuốc diệt cỏ. Hầu hết những trường hợp kháng thuốc đều diễn ra ở Mỹ, nơi canh tác đến 90% đậu tương, ngô và bông GMO. Để khắc phục vấn đề này, các nhà khoa học Mỹ đã đưa ra giải pháp với việc kết hợp các gen di truyền với nhau. Điều này tạo ra một cuộc chạy đua chất độc hại trên cánh đồng nông nghiệp.

   Với công nghệ bắn gen và chuyển gen gián tiếp thông qua vi khuẩn vào nhiều cây trồng đã tạo ra những chất độc hại cho côn trùng chuyên diệt sâu bọ. Ví dụ cải dầu với thành phần dầu chuyển đổi, ngô bắp có vi khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt), bông kháng thuốc diệt cỏ bromoxynil, bông kháng côn trùng, đậu nành kháng thuốc diệt cỏ glyphosate, bí kháng vi rút và cà chua chín chậm. Do vậy, người nông dân phải sử dụng bổ sung thêm thuốc diệt cỏ. Việc sử dụng rộng rãi thuốc diệt cỏ roundup (có chứa hoạt chất Glyphosat) cho cây GMO gây độc hại đối với tế bào người. Từ năm 2015, loại hóa chất này được Tổ chức nghiên cứu ung thư của WHO (IARC) xếp vào "chất nguy cơ gây ung thư".

   Hạn chế quyền của người nông dân

   Sau năm 2000, Tòa án tư pháp tối cao ở châu Âu, Viện khiếu kiện của Tổ chức cấp bằng sáng chế châu Âu ở Munich (EPA) đã quyết định, cây trồng GMO về nguyên tắc có thể cấp bằng sáng chế. Những giống cây được cấp bằng sáng chế không được phép nhân rộng nếu không được phép của chính đơn vị cấp bằng sáng chế. Do đó, người trồng trọt bị hạn chế tiếp cận nguồn nguyên liệu gen. Những người nông dân muốn phát triển cây trồng GMO, hàng năm phải chi trả lệ phí sáng chế cho hạt giống. Như vậy, các bằng sáng chế đã gây ra những giới hạn đối người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Các đại biểu tham quan mô hình khảo nghiệm cây trồng GMO
tại Viện Di truyền nông nghiệp

   Đề xuất giải pháp phát triển an toàn sinh học cây trồng GMO tại Việt Nam

   Sau khi trở thành thành viên chính thức của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, Việt Nam đã xây dựng các văn bản quản lý an toàn sinh học đối với GMO, trong đó có nội dung đánh giá, quản lý an toàn sinh học các GMO và sản phẩm của GMO đối với ĐDSH, sức khỏe con người, động vật. Theo đó phải xác định các tác động bất lợi có thể xảy ra đối với ĐDSH và sức khỏe con người, động vật, điều kiện xuất hiện, mức độ ảnh hưởng, từ đó đề ra các giải pháp quản lý. Cụ thể, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp như:

   Nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của cây trồng GMO đến môi trường và ĐDSH loài; tiến hành trồng thí nghiệm giống cây GMO trong vòng 3 năm, với nhiều địa điểm đại diện cho những vùng trồng nhiều giống cây này; Cây trồng GMO phải được đánh giá về mặt kiểu hình (độ nảy mầm, chiều cao cây…), hàm lượng của các chất khoáng, chất xơ, chất béo, protein, axit amin.

   Xây dựng hệ thống và các phương pháp phát hiện sản phẩm GMO, có phòng xét nghiệm phân tích nguy cơ tiềm tàng của loại sản phẩm này. Đồng thời, đánh giá khả năng gây dị ứng, độc tính và khả năng tiêu hóa các protein.

   Xây dựng cơ sở dữ liệu, cơ chế chia sẻ thông tin về GMO và hệ thống truy nguyên nguồn gốc GMO; thực hiện dán nhãn các sản phẩm GMO.

   Thanh tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng GMO. Đặc biệt là biện pháp giám sát các sản phẩm GMO sau khi đưa ra thị trường cần được tiếp tục theo dõi về độ an toàn của sản phẩm.

   Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng các cấp về thông tin và sự hiểu biết về GMO…

PGS. TS. Nguyễn Trung Dũng

Đại học Thủy lợi

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2017

 

Ý kiến của bạn