Banner trang chủ

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Tăng cường gắn kết cộng đồng bảo vệ môi trường phát triển bền vững

06/10/2015

   Tiếp nối chặng đường hơn 20 năm phát triển theo triết lý “Môi trường với Cộng đồng”, trong 5 năm qua Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã làm tốt vai trò trung tâm gắn kết cộng đồng BVMT và phát triển bền vững (PTBV). Hội đã có trên 200 đơn vị trực thuộc và hội thành viên trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Đây chính là nguồn lực, là cơ sở để Hội tổ chức thành công các hoạt động đa dạng và có ý nghĩa thực tiễn.

   Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một trong các nhiệm vụ trọng yếu, đồng thời cũng là một trong những thế mạnh truyền thống của Hội. Ở cấp Trung ương, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Trung ương Hội và các hội viên đều tích cực tham gia công tác thẩm định các dự án về môi trường có tầm cỡ quốc gia. Điển hình là các dự án công trình năng lượng, xử lý chất thải và quy hoạch phát triển của các ngành, vùng miền, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Hội còn được tham gia phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các văn kiện quan trọng về môi trường của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các ngành và địa phương. Trong đó có Dự thảo Nghị quyết Trung ương Đảng về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH); Luật BVMT và các Dự thảo hướng dẫn, các quy định và chính sách về BVMT, PTBV ở cấp quốc gia và các địa phương... Bên cạnh đó, Hội còn được Bộ TN&MT chọn là cơ quan tư vấn chính thức cho Dự án xây dựng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước.

   Các hội thành viên ở các địa phương, chi hội ở các Bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu… cũng tích cực đóng góp và đề xuất nhiều ý kiến về công tác BVMT, PTBV với chính quyền, đoàn thể các cấp. Nhiều Hội BVTN&MT địa phương như Cao Bằng, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Đắc Lắc, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn kết với BVMT. Những đề án nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường cũng như ý kiến đề xuất xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động BVMT, PTBV; các mô hình sản xuất bền vững... do các đơn vị thành viên của Hội chủ trì hoặc tham gia tư vấn đều được đánh giá cao và cộng đồng hưởng ứng.

   Hội cũng đã chủ động tiến hành các hoạt động phản biện xã hội đối với các vấn đề “nóng” về môi trường. Các vấn đề nhập khẩu phế liệu, quy hoạch bảo tồn ĐDSH, quy hoạch BVMT của một số tỉnh/TP và các vùng miền, vườn quốc gia, khu bảo tồn... trong những năm gần đây đã được Hội quan tâm và tích cực tham gia. Hàng loạt các hoạt động trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm liên quan tới BVMT, PTBV được Hội tổ chức thường xuyên như: Hội thảo Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam, Hội thảo Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn... Đây cũng là những hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội rất có ý nghĩa.

    Đặc biệt, trong nhiều năm gần đây, Hội đã kiên trì kiến nghị xây dựng và ban hành một chiến lược về việc huy động cộng đồng chủ động và tích cực tham gia ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đây là một chiến lược mang tính liên kết và hỗ trợ các chiến lược khác trên cơ sở bảo đảm 4 lĩnh vực theo sáng kiến đã được thế giới thừa nhận và được nhiều quốc gia áp dụng là mọi người đều được cung cấp thông tin, được bảo đảm sự tham gia, bình đẳng về pháp luật và được tăng cường năng lực.

   Hội đã phát hành khá nhiều các đầu sách và tài liệu với chủ đề quan trọng, trong đó có cuốn Một số điều cần biết về biến đổi khí hậu; Phản biện xã hội trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên và môi trường; An ninh môi trường; Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn tập 1; Cây Di sản Việt Nam tập 1... Nhiều cuốn sách, tài liệu của Hội được đánh giá tốt và được Nhà nước đặt hàng, phát hành với số lượng lớn. Đây là đóng góp quan trọng của Hội.

   Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp tổ chức các sự kiện như Hội chợ - Triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường; bình chọn, vinh danh các doanh nghiệp thân thiện môi trường; chương trình đạp xe truyền thông BVMT. Các sự kiện này được các doanh nghiệp hội thành viên, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các cơ quan quản lý và cộng đồng tích cực hưởng ứng.

   Công tác nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ và môi trường cũng là lĩnh vực hoạt động truyền thống của Hội. Trung ương Hội BVTN&MT Việt Nam cũng như các đơn vị trực thuộc và các hội thành viên đã có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực hoạt động này, đã huy động được lực lượng chuyên gia có kinh nghiệm tham gia nhiều công trình nghiên cứu, triển khai, điều tra, khảo sát tại các địa phương về môi trường.

   Sáng kiến bảo tồn ĐDSH, BVMT thông qua sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” là một trong những hoạt động nổi bật và thành công của Hội trong thời gian vừa qua. Được khởi động từ tháng 3/2010 đến nay đã có gần 2.000 cây (thuộc 70 loài thực vật) ở 45 tỉnh, thành phố đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Qua đó đã phát hiện nhiều cây rất đặc sắc như cây táu ở Việt Trì (2.200 tuổi); samu dầu ở VQG Pù Mát Nghệ An (cao 73m, đường kính 5,5m) và những cây có rễ phụ lớn nhất là cây đa bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (85 m); cây Đa đền Thượng, Lào Cai (45m)... Sự kiện có ý nghĩa thiết thực về bảo vệ cây, bảo tồn ĐDSH, là một phương thức bảo tồn mang tính chất cộng đồng.

   Kết quả hoạt động trong 5 năm qua một lần nữa khẳng định những bài học kinh nghiệm của Hội đã được đúc rút qua 27 năm hoạt động. Đó là phải thường xuyên tăng cường phát triển tổ chức Hội cả về số lượng, thành phần và chất lượng hoạt động; luôn định hướng hoạt động của Hội là hướng tới và gắn với cộng đồng BVMT. Đồng thời, là chiếc cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường với cộng đồng góp phần huy động sức mạnh cộng đồng trong công tác BVMT.

TS. Nguyễn Ngọc Sinh

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 - 2015)

 

Ý kiến của bạn