Banner trang chủ

Hải Dương: Cần hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung trong cụm công nghiệp

04/10/2018

     Sự hình thành và phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong những năm gần đây đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trườngkênh, mương thủy lợi ở các điểm tiếp nhận nước thải từ những CCN vẫn diễn ra, gây bức xúc trong nhân dân.

     Theo phản ánh của người dân địa phương, nước thải từ các doanh nghiệp (DN) trong CCN Tân Hồng (huyện Bình Giang), hàng ngày xả ra hệ thống kênh tưới, tiêu thủy lợi, gây ô nhiễm môi trường, người dân không thể lấy nước lên tưới cho lúa. Đầu năm 2017, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Hải Dương tiến hành quan trắc, phân tích môi trường nước ở 17 tuyến kênh trên địa bàn do Chi cục quản lý (trong đó có các tuyến kênh ở Bình Giang) cho thấy, hầu hết đã bị ô nhiễm, nhiều thông số vượt quy chuẩncho phép (QCVN08-MT:2015/BTNMT, áp dụng mức B1) từ 1,1 - 8,7 lần.

     CCN Tân Hồng có gần 20 DN hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh như: Tái chế nhựa, may mặc, sản xuất máy nông nghiệp, sản xuất nhôm định hình, bao bì, chế biến gỗ…Từ đầu năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số DN tái chế nhựa xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường (Công ty cổ phần Tiến Long, CTCP xuất nhập khẩu nhựa Lâm Phúc, Công ty TNHH một thành viên thương mại Quốc Pháp…). Tháng 3/2017, Sở TN&MT Hải Dương đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT của các DN này và yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục các vi phạm. Các lỗi vi phạm của các DN chủ yếu là chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải (XLNT) riêng biệt, chưa có giấy phép xả nước thải ra hệ thống thủy lợi… Sở đã lập biên bản và xử phạt mỗi DN khoảng 60 triệu đồng. Mặc dù đã có yêu cầu dừng hoạt động và bị xử phạt hành chính nhưng những  DN này vẫn lén lút hoạt động.

     Không chỉ có CCN Tân Hồng, nhiều CCN khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường do chưa xây dựng hệ thống XLNT tập trung. Kết quả quan trắc hiện trạng môi trường Hải Dương đợt 2/2017 cho thấy, nguồn tiếp nhận nước thải của CCN là các kênh mương nội đồng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các thông số gây ô nhiễm chủ yếu là DO (lượng ô xy hòa tan trong nước), COD (nhu cầu ô xy hóa học), TSS (tổng chất rắn lơ lửng trong nước), tổng dầu mỡ... Nguyên nhân không chỉ do các DN trong CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải triệt để trước khi thải ra môi trường, mà còn do lượng nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt, nước thải sản xuất của các cơ sở nằm ngoài CCN cũng chưa được xử lý gây nên tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng.  

     Theo Quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025,tiếp tục duy trì hoạt động của 32 CCN, trong đó ở TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, huyện Bình Giang, Kinh Môn, Tứ Kỳ, mỗi nơi có 4 CCN, các địa phương còn lại có từ 1 đến 3 CCN. Hải Dương sẽ tiếp tục bổ sung thêm 10 CCN nằm ở huyện Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Bình Giang, Ninh Giang và thị xã Chí Linh với tổng diện tích là 470ha, nâng tổng số CCN đến năm 2020 là 42 CCN.

 

Nước thải từ CCN Tân Hồngxả vào hệ thống kênh, mương thủy lợi gây ô nhiễm môi trường

 

     Đến nay, toàn tỉnh đã có 33/42 CCN đi vào hoạt động, với tổng diện tích 1.416 ha, thu hút được trên 300 dự án đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đạt trên 62% . Trong các CCN, chỉ có 5 CCN có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (Ba Hàng, Lương Điền, Hồng Phúc, Hưng Long, Long Xuyên). Còn các CCN khác do chưa giải phóng mặt bằng và vướng mắc cơ chế chính sách nên chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Về thực hiện các quy định môi trường, hiện mới có 3 CCN được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (Lương Điền, Văn Tố, Nhân quyền); 11 CCN được phê duyệt Đề án BVMT chi tiết (Cẩm Thượng, Nghĩa An, Ngũ Hùng, Kỳ Sơn, Tân Dân, Hoàng Tân, Văn An 1, Văn An 2, Quỳnh Phúc, Cộng Hòa, Cao An). Còn một số CCN như Tân Hồng (huyện Bình Giang) và Thạch  Khôi (huyện Gia Lộc) hiện chưa có chủ đầu tư và chưa hoàn thiện các quy định về môi trường.

     Trong các CCN, chỉ có CCN Lương Điền, diện tích là 35,75 ha, với tỷ lệ lấp đầy đạt 85% là CCN đầu tiên của tỉnh đã được đầu tư hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom nước thải. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại CCN vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung.Trong số các DN đang hoạt động trong  CCN Lương Điền hiện chỉ có Công ty TNHH Giày Ngọc Hưng có hệ thống XLNT theo đúng quy hoạch đã phê duyệt còn lại các DN chỉ XLNT sơ bộ rồi thải ra mương thoát nước chung của CCN. 

     Do tất cả các CCN trên địa bàn tỉnh đều chưa xây dựng hệ thống XLNT tập trung nên nước thải được xả trực tiếp ra nguồn tiếp nhận chung của địa phương. Để tránh kiểm soát của cơ quan chức năng, một số cơ sở hoạt động trong các CCN thường xả trộm vào ban đêm nên rất khó phát hiện, xử lý. Đối với các cơ sở có nguồn xả thải lớn, mặc dù đã đầu tư các công trình, biện pháp xử lý môi trường nhưng công tác kiểm tra giám sát, duy tu bảo dưỡng dây chuyền sản xuất, thiết bị xử lý môi trường chưa thực hiện thường xuyên, nên quá trình vận hành không ổn định dẫn đến hiệu quả xử lý môi trường chưa đảm bảo, vẫn để xảy ra những vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

     Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn yêu cầu Sở TN&MT kiểm tra việc thực hiện các quy định về môi trường của DN tại các CCN trên địa bàn tỉnh. DN nào chưa có hệ thống XLNT thì chưa được hoạt động. Những DN đã hoạt động nhưng hệ thống XLNT chưa đáp ứng được yêu cầu cần nhanh chóng hoàn thiện. Thực hiện đình chỉ hoạt động sản xuất đối với các DN xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị các địa phương cũng như các sở, ban, ngành trong tỉnh huy động người dân vào cuộc cùng giám sát, phát hiện những DN, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng của tỉnh có thể phát hiện và xử lý kịp thời những doanh nghiệp vi phạm. 

     Để tăng cường công tác BVMT trong các CCNthời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác BVMT các cấp (huyện, xã); Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạmpháp luật BVMT; kiên quyết đình chỉ các cơ sở gây ô nghiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài; Chỉ đạo cơ quan quản lý các địa phương tăng cường phối hợp trong quản lý, thẩm định, thu hút đầu tư, xử lý thông tin, chia sẻ dữ liệu thông tin về môi trường. Ngoài ra, tỉnh cũngđề nghị chủ đầu tư CCN, sớm nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung; đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hạ tầng các CCN;  Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN.

 

Nguyễn Thanh Tuấn (TTXVN)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn