Banner trang chủ

Hãy giữ lấy Sơn Trà

04/05/2017

   Trong thời gian qua, dư luận trong cả nước đã và đang rất quan tâm đến việc quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP. Đà Nẵng nói chung và việc xây dựng trái phép 40 móng biệt thự của Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa ở bán đảo Sơn Trà nói riêng. Các hoạt động này đã gián tiếp hoặc trực tiếp làm phá vỡ môi trường cảnh quan, chia cắt môi trường sống của các loài động vật, đặc biệt là loài chà vá chân nâu, hay còn gọi là nữ hoàng linh trưởng. Trước những diễn biến của sự việc, các chuyên gia môi trường và người dân mong muốn chính quyền địa phương cần có những quyết định mạnh mẽ và nhân văn để bảo vệ những giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) của Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà.

   Giá trị ĐDSH KBTTN Sơn Trà

   KBTTN Sơn Trà là một phần của vùng sinh thái Trường Sơn, đồng thời cũng là một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu trên toàn cầu. KBTTN còn lưu giữ nguyên vẹn kiểu rừng mưa mùa nhiệt đới ẩm kéo dài đến tận bờ biển rất độc đáo và hiếm có.

   Với diện tích khá nhỏ (gần 4.439 ha) nhưng khu hệ thực vật ở bán đảo Sơn Trà rất đa dạng với 985 loài thực vật bậc cao, trong khi hệ sinh thái đất liền như Vườn quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh (Gia Lai) cũng chỉ có 1.020 loài thực vật trên diện tích 41.780 ha; VQG Núi Chúa (Ninh Thuận) có 1.504 loài thực vật trên tổng diện tích là 29.865ha; và gần hơn là KBTTN Bà Nà - Núi Chúa (TP. Đà Nẵng) có 759 loài thực vật trên diện tích 28.900 ha. Đặc biệt, tại bán đảo Sơn Trà còn có 22 loài thực vật quý, hiếm cần được ưu tiên bảo tồn, trong đó có loài chò đen được xếp hạng cực kỳ nguy cấp (CR) trong Danh lục đỏ IUCN.

Voọc chà vá chân nâu - loài động vật nguy cấp, quý hiếm tại bán đảo Sơn Trà

   Hệ thực vật trên KBTTN Sơn Trà cấu thành nên 4 kiểu hệ sinh thái rừng chính gồm: rừng thường xanh mưa mùa nhiệt đới ven biển; rừng phục hồi; trảng cỏ, cây bụi; rừng trồng. Trong đó, sinh cảnh rừng thường xanh mưa mùa nhiệt đới ven biển; rừng phục hồi; trảng cỏ, cây bụi là nơi trú ngụ vô cùng quan trọng của các loài động vật. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có hơn 150 loài thực vật nơi đây được ghi nhận là thức ăn của loài voọc chà vá chân nâu. Điều này cho thấy, hệ thực vật ở bán đảo Sơn Trà đóng vai trò quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của quần thể voọc chà vá chân nâu. Ngoài ra, giá trị thực vật của KBTTN còn được biết đến với nguồn tài nguyên cây dược liệu khá đa dạng với 134 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như bách bộ, mãn kinh tử, thiên môn, cây lá khôi, ngũ gia bì, dền, kim ngân…

   Khu hệ động vật trên cạn ở bán đảo Sơn Trà được ghi nhận hơn 300 loài, trong đó có 36 loài thú; 104 loài chim; 70 loài lưỡng cư - bò sát; 113 loài côn trùng. Đặc biệt, khu hệ thú của bán đảo Sơn Trà có sự phân bố của 3 loài linh trưởng là cu li nhỏ, khỉ vàng và voọc chà vá chân nâu. Trong đó, voọc chà vá chân nâu là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, được xếp ở mức nguy cấp trong Danh lục đỏ IUCN (2016), Sách đỏ Việt Nam (2007) và nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Hiện nay, trên thế giới, loài voọc chà vá chân nâu chỉ phân bố hạn hữu ở Việt Nam và Lào, với khoảng 1.300 gia đình sinh sống, trong đó có khoảng 300 cá thể đang sinh sống ở KBTTN Sơn Trà.

   Trong 104 loài chim được ghi nhận thì có 30 loài chim di cư và 4 loài quý, hiếm, nguy cấp cần được ưu tiên bảo tồn trong Sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN. Như vậy, Sơn Trà không chỉ là nơi cư ngụ quan trọng của các loài động vật bản địa mà còn là điểm trung chuyển hoặc điểm dừng chân quan trọng của các loài chim di cư từ khắp nơi trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Malaixia…

   Khu hệ lưỡng cư - bò sát đã được thống kê và cập nhật mới nhất là 70 loài (18 loài lưỡng cư, 52 loài bò sát), trong đó có 15 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 9 loài trong Danh lục đỏ IUCN. Ngoài ra, trong tổng số các loài lưỡng cư - bò sát đã ghi nhận 5 loài đặc hữu chỉ có duy nhất ở Việt Nam là nhái cây ba na, nhông cát cọc, thạch sùng ngón giả bốn vạch, thằn lằn giun và rùa Trung bộ. Theo đánh giá của các chuyên gia, với kiểu hệ sinh thái bán đảo, bị chia tách qua hàng triệu năm với các hệ sinh thái đất liền, nên có thể phát hiện thêm nhiều loài mới cho khoa học nếu tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu.

   Sơn Trà còn là nơi có nhiều vị trí cảnh quan đẹp và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: Đỉnh Bàn Cờ cao 696 m, đồi Vọng Cảnh cao 600 m, hòn Nghê, bãi Bụt, bãi Tiên Sa, cây đa cổ thụ nghìn năm tuổi, ngọn Hải Đăng. Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, lượng khách đến bán đảo Sơn Trà và bãi biển cận kề tăng nhanh từ năm 2012 và đến năm 2015 đạt hơn 1,1 triệu lượt khách du lịch. Trong thời gian qua, UBND TP đã cấp phép cho 5 tuyến tham quan (3 tuyến trên núi, 2 tuyến dưới nước) và 8 điểm tham quan (4 điểm trên núi, 2 điểm san hô, 2 điểm giao doanh nghiệp khai thác). Các tuyến tham quan được kết nối với các điểm dừng chân hình thành các tour đặc trưng - sinh thái rừng, biển của Sơn Trà được du khách đánh giá cao. Vì vậy, tổ chức hoạt động tham quan loài voọc chà vá chân nâu là khả thi và tiềm năng, tạo dấu ấn đặc trưng cho du lịch sinh thái ở bán đảo Sơn Trà.

   Cùng với những giá trị về ĐDSH và cảnh quan thiên nhiên đẹp, KBTTN Sơn Trà còn có giá trị lớn về mặt an ninh quốc phòng, nghiên cứu khoa học, kinh tế, xã hội và môi trường. Đối với người dân Đà Nẵng, KBTTN Sơn Trà được ví như “lá phổi xanh”, “hệ thống máy lọc không khí”, “máy điều hòa tự nhiên”… cung cấp không khí trong lành và nguồn nước ngọt tinh khiết cho thành phố và các khu vực lân cận.

   Các tác động tới KBTTN Sơn Trà

   Hiện nay, KBTTN Sơn Trà đang chịu tác động nghiêm trọng của một số hoạt động như du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, săn bắt động vật hoang dã, khai thác tài nguyên rừng hoặc lâm sản ngoài gỗ… Cùng với đó, vùng biển bao quanh bán đảo Sơn Trà cũng đang phải đối mặt với những tác động bất lợi làm suy giảm nguồn gen thủy sinh vật và nguồn lợi thủy hải sản. Tình trạng san lấp làm đường giao thông, kéo theo hiện tượng sụt lở gia tăng ở nhiều điểm bao quanh bán đảo đã dẫn đến sự bồi lấp, vẩn đục nguồn nước, làm suy thoái rạn san hô và quần xã thủy sinh vật. Thêm vào đó, việc khai thác thủy hải sản không được kiểm soát tốt và ô nhiễm nguồn nước từ nhiều nguồn thải ra đã ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển nguồn lợi thủy sản.

   Đặc biệt, với những điều kiện ưu đãi của thiên nhiên, hoạt động thương mại, dịch vụ trên bán đảo Sơn Trà ngày càng phát triển theo hướng khai thác lợi thế du lịch sinh thái rừng và biển. Theo số liệu của Sở NN&PTNT TP Ðà Nẵng hiện có 17 dự án, với diện tích 1.029,61 ha đã được phê duyệt trên bán đảo Sơn Trà và trong “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Sơn Trà - TP Đà Nẵng” thì có tới khoảng 30 dự án phát triển được đưa vào kế hoạch.

   Dưới sức ép của phát triển, diện tích bảo vệ của KBTTN bán đảo Sơn Trà cũng bị thu hẹp dần qua thời gian. Ban đầu, KBTTN Sơn Trà được UBND Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) thành lập vào năm 1989 với tổng diện tích là 4.439 ha trên cơ sở chuyển đổi khu rừng cấm quốc gia bán đảo Sơn Trà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 41/1997/QĐ-TTg ngày 20/1/1977. Tuy nhiên, đến năm 2008, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 6758/QĐ-UBND ngày 20/9/2008 về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn thành phố, thì KBTTN Sơn Trà chỉ còn 2.591 ha và giao cho Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn trực thuộc Chi cục Kiểm lâm quản lý và bảo vệ rừng. Như vậy là hơn 1.848 ha được quy hoạch ra khỏi diện tích KBTTN để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế. Có thể thấy, diện tích liên tục bị thu hẹp, sinh cảnh sống của các loài động vật bị chia cắt bởi các khu du lịch và đường giao thông, cùng với lượng khách du lịch ngày càng đông thiếu kiểm soát và ý thức BVMT còn hạn chế là những mối đe dọa chính đối với ĐDSH, đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà.

   Hãy giữ lấy Sơn Trà

   Việt Nam được xếp là một trong 20 quốc gia có ĐDSH cao trên toàn cầu và là một trong 12 quốc gia có sự đa dạng về các loài linh trưởng cao nhất trên thế giới. Trong số 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới thì có 3 loài chỉ được tìm thấy ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trong top 3 quốc gia có nhiều loài linh trưởng bị de dọa tuyệt chủng nhất thế giới, chỉ sau Madagascar và cùng ở vị trí thứ hai với Inđônêxia.

   Nếu như nước Mỹ gắn liền với hình ảnh đại bàng đầu trắng, nước Nga gắn với loài gấu nâu Siberia, nước Ôxtrâylia với loài chuột túi Kangaroo, Trung Quốc với loài gấu trúc… thì những loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam hoàn toàn xứng đáng trở thành một phần không thể thiếu của bản sắc và tiềm năng thiên nhiên quốc gia. Là loài có nhiều màu sắc nhất trong các loài, voọc chà vá chân nâu được coi là loài đẹp nhất trong các loài linh trưởng trên thế giới. Vì được mệnh danh là “Nữ hoàng linh trưởng”, chính quyền TP. Ðà Nẵng đã chọn loài voọc này làm hình ảnh dại diện cho Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017.

   Để bảo vệ những giá trị ĐDSH trong KBTTN Sơn Trà, trước hết cần lắp đặt ngay các trạm gác chắn ở 3 cổng đi vào bán đảo Sơn Trà để tăng cường sự giám sát hoạt động của du khách; Kiểm soát thời gian lưu trú của du khách và các khu vực được phép lưu trú đảm bảo không có các trường hợp lợi dụng du lịch để săn bắn động vật. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho du khách trước khi bắt đầu các tour tham quan và trải nghiệm Sơn Trà để tránh các hành vi vi phạm như cho động vật ăn, xả rác dọc đường, đốt lửa, nấu nướng, chạy xe quá nhanh trong các khu vực có động vật qua đường gây tai nạn..; Xây dựng các biển hiệu, biển báo, biển chỉ dẫn chi tiết cho du khách tham quan.

   Về chiến lược phát triển bền vững và lâu dài, cần mở rộng diện tích KBTTN Sơn Trà theo Quyết định số 41/1997/QĐ-TTg ngày 20/1/1977. Trong đó quy hoạch rõ các phân khu chức năng và các khu vực vùng lõi, vùng đệm. Tiếp đến là thành lập lại BQL KBTTN Sơn Trà để đảm bảo công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; Nâng tầm KBTTN Sơn Trà lên thành Công viên quốc gia để vừa phát triển du lịch, vừa đảm bảo mục tiêu bảo tồn ĐDSH; Nghiên cứu, phát triển các mô hình du lịch sinh thái thân thiện với thiên nhiên như đi bộ dưới tán rừng, tour ngắm voọc, xem chim, tour du lịch kết hợp giáo dục trải nghiệm; Phát triển KBTTN Sơn Trà thành trung tâm nghiên cứu khoa học và giáo dục trải nghiệm thực tiễn cho các trường học tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Bùi Văn Tuấn

Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn