Banner trang chủ

Cơ chế tự nguyện, linh hoạt về quản lý môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do

08/08/2017

   Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cách tiếp cận quản lý môi trường truyền thống như “mệnh lệnh - kiểm soát” hay các công cụ kinh tế thể hiện sự cứng nhắc và thiếu hiệu quả. Do đó, các nhà xây dựng chính sách đã khuyến khích các đối tượng tham gia BVMT một cách tình nguyện và linh hoạt. Các cơ chế tự nguyện, linh hoạt trong quản lý môi trường được xem là giải pháp hiệu quả và mất ít chi phí.

   Cơ chế tự nguyện, linh hoạt trong quản lý môi trường

   Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Bên cạnh việc mang lại các lợi ích kinh tế - xã hội cho nhiều khu vực trên thế giới, FDI cũng đang đe dọa chất lượng môi trường ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) FDI lớn sẽ thúc đẩy việc thiết lập các tiêu chuẩn môi trường cao hơn thông qua chuyển giao công nghệ và các hoạt động BVMT. Xu hướng FDI đang tiếp tục mở rộng với các tập đoàn đa quốc gia ở nước đang phát triển. Những tác động lớn đến môi trường thường liên quan đến các dự án phạm vi rộng, trong lĩnh vực công nghiệp nhạy cảm với TN&MT như khai thác mỏ và lâm nghiệp.

Các DN FDI lớn sẽ thúc đẩy việc thiết lập các tiêu chuẩn môi trường

   Ngoài các công cụ quản lý môi trường truyền thống, Chính phủ các nước cần có chính sách tạo ra sự chủ động, tích cực đối với các nhà đầu tư FDI để họ trở thành nhân tố chủ đạo trong BVMT. Giải pháp phổ biến là sử dụng cơ chế tự nguyện, linh hoạt để bổ sung hoặc thay thế các quy định cưỡng chế của Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm BVMT đối với DN tư nhân.

   Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tiếp cận tự nguyện là các chương trình cải thiện việc thực thi môi trường theo quy định pháp luật và được chia thành 4 loại: Chương trình tự nguyện cộng đồng liên quan đến các cam kết được thiết lập bởi một tổ chức cộng đồng (có thể là chính quyền địa phương hoặc tổ chức phi chính phủ), trong đó các DN, cá nhân được mời tham gia; Thỏa thuận đàm phán liên quan đến các cam kết về BVMT, được thông qua giữa cơ quan công quyền và DN; Cam kết đơn phương được thiết lập bởi các ngành công nghiệp độc lập mà không liên quan đến cơ quan công quyền; Thỏa thuận cá nhân đạt được thông qua thương lượng trực tiếp giữa các bên liên quan.

   Các cơ chế linh hoạt hay cơ chế Kyoto bao gồm thị trường phát thải (ET), cơ chế phát triển sạch (CDM), thực hiện cổ phần (JI). Đây là các cơ chế được định nghĩa theo Nghị định thư Kyoto nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải với chi phí thấp. Những cơ chế này được các bên tham gia ký kết để giảm phát thải hoặc loại bỏ cácbon ra khỏi bầu khí quyển ở các quốc gia khác nhau. Trong đó, chi phí hạn chế phát thải là khác nhau giữa các vùng nhưng lợi ích đối với bầu khí quyển là như nhau. Đây chính là cơ chế áp dụng hiệu quả cho các DN trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

   Cơ chế tự nguyện, linh hoạt trong các Hiệp định thương mại tự do

   Trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng do các tác động của con người, vấn đề thương mại và chính sách về môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Những chính sách thương mại phù hợp có thể hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu môi trường, tuy nhiên cũng có những ảnh hưởng tiềm tàng tới môi trường. Vì vậy, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) gần đây đã được phát triển hơn khi đề cập nhiều hơn tới các vấn đề môi trường. Đây là một xu hướng tất yếu và cấp thiết hiện nay.

   Các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có quy định về cơ chế tự nguyện, linh hoạt. Trong đó, các hình thức áp dụng như chứng nhận, dán nhãn sản phẩm, nhãn sinh thái, kiểm toán và báo cáo tự nguyện, ưu đãi dựa trên thị trường, chia sẻ tự nguyện thông tin và chuyên môn, quan hệ đối tác công - tư, các hình thức khác nhằm tăng cường trách nhiệm BVMT. Theo cam kết, các bên cần có cơ chế để tối đa hóa lợi ích môi trường và tránh việc tạo ra các rào cản không cần thiết đối với thương mại.

   Các cơ quan liên quan, DN, tổ chức kinh doanh, phi chính phủ và cá nhân tham gia vào sự phát triển, nâng cao các tiêu chí đánh giá công tác BVMT, liên quan đến các cơ chế tự nguyện được áp dụng nhằm BVMT và tài nguyên thiên nhiên. Hơn nữa, các cơ chế tự nguyện được các cá nhân hoặc tổ chức phi chính phủ áp dụng để quảng bá sản phẩm, dựa trên chất lượng môi trường. Đặc biệt, các cơ chế này cần đảm bảo trung thực, không gây hiểu lầm và có đầy đủ các thông tin khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn…

   Một số FTA ký kết giữa Mỹ và các quốc gia khác (Chilê, Singapo) quy định, các bên liên quan “nên tăng cường vai trò của DN trên phạm vi hoạt động của họ hoặc ban hành các nguyên tắc hợp tác tự nguyện trong quản lý đối với các chính sách nội bộ…”. FTA ký kết giữa Mỹ - Moroco, Mỹ - các nước thuộc địa Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua (CAFTA - DRR) và FTA Mỹ - Bahrain đều có danh sách chi tiết hoặc các cơ chế tự nguyện nhằm tăng cường trách nhiệm môi trường.

   Như vậy, qua các nghiên cứu trên thế giới có thể thấy, thuật ngữ cơ chế tự nguyện, linh hoạt đã được áp dụng nhằm tăng phạm vi áp dụng và cân bằng giữa lợi ích kinh tế, môi trường trong chính sách quản lý của nhà nước. Các cơ chế này thiết lập dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận giữa các bên liên quan. Nhằm tăng tính nghiêm khắc trong thực thi, các cơ chế tự nguyện, linh hoạt được thiết lập trong khuôn khổ luật pháp quốc gia.

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương, TS. Nguyễn Hải Yến

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2017

Ý kiến của bạn