Banner trang chủ

Cần xem xét vấn đề phục hồi và cải thiện đa dạng sinh học khi chuyển mục đích sử dụng rừng

05/10/2017

   Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái (HST) tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. ĐDSH ở Việt Nam mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng… nhất là tạo nên các cảnh quan thiên nhiên đẹp cho ngành du lịch phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt tình trạng suy thoái về môi trường, suy giảm HST ảnh hưởng sức thu hút của ngành du lịch.Thực tế hiện nay có nhiều hoạt động phát triển tiềm ẩn nguy cơ làm ô nhiễm, suy thoái môi trường, phá hủy HST tự nhiên và tổn hại nghiêm trọng đến ĐDSH. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được sử dụng phổ biến như một công cụ hữu hiệu nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động bất lợi này ngay từ giai đoạn đề xuất và thiết kế dự án phát triển. Nội dung giảm thiểu đề xuất trong ÐTM là các biện pháp vừa nhằm đạt được các mục tiêu dự án, vừa đảm bảo phòng tránh hoặc giảm nhẹ các tác động tiêu cực đến mức chấp nhận được, tăng cường những lợi ích về môi trường. Mục đích của giảm thiểu trong đánh giá tác động đến ĐDSH là xác định các biện pháp, phương án bảo vệ ĐDSH và các dịch vụ HST kèm theo, trong đó phòng tránh được ưu tiên và bồi thường (bằng tiền) được sử dụng như một biện pháp cuối cùng.

Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng phải nộp tiền vào Quỹ BV&PTR để thực hiện hoàn trả và bồi hoàn ĐDSH

   Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bao gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, cho các hoạt động phát triển trong nhiều trường hợp là bất khả kháng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án triển khai tại vị trí đất rừng được chuyển đổi phải thực hiện quy định về ĐTM, trong đó có nội dung đề xuất các biện pháp giảm thiểu, trước tiên làtránh các tác động đến ĐDSH bằng cách lựa chọn và điều chỉnh thiết kế và tăng cơ hội bảo tồn ĐDSH khi có thể. Nếu không thể tránh được tác động thì cần xác định phương án khả thi tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại về ĐDSH, hồi phục và cải thiện ĐDSH tại các vị trí bị ảnh hưởng.

   Tuân thủ quy định của Luật BVMT năm 2014 về việc thực hiện ĐTM đối với các dự án phát triển, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) năm 2004 đã có quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp như sau: “Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác” (Khoản 5, Điều 29). Đây là quy định về việc phải áp dụng biện pháp giảm thiểu tác động đến ĐDSH thông qua hoàn trả diện tích đất có rừng bị chuyển đổi, tuy nhiên chỉ mới chú ý đến số lượng (diện tích rừng) mà chưa chú ý đến chất lượng, tức là giá trị ĐDSH của rừng bị mất, do đó không đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ nguyên tắc bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là không đảm bảo nguyên tắc "không mất giá trị thực” về thành phần loài, cấu trúc sinh cảnh, chức năng HST và giá trị sử dụng, giá trị văn hóa liên quan đến ĐDSH.

   Trên thế giới bồi hoàn ĐDSH đã được áp dụng ở nhiều nước nhằm đền bù cho các tác động tiêu cực đến ĐDSH sau khi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu phù hợp. Bồi hoàn ĐDSH là một hình thức đặc biệt của đền bù mất mát của HST, loài và môi trường sống ở một vị trí bằng cách gia tăng ĐDSH ở vị trí khác có đặc tính sinh thái tương tự, đem lại cơ hội đạt được các kết quả bảo tồn tốt hơn và không gây tổn thất tới giá trị thực của ĐDSH.

   Luật BVMT năm 2014, Điều 35 đã quy định bồi hoàn ĐDSH là một trong các biện pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường khi khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH. Theo dự kiến, bồi hoàn ĐDSH sẽ được quy định cụ thể hơn khi sửa đổi Luật ĐDSH năm 2008.

   Vì vậy, Luật BV&PTR (sửa đổi) cần cân nhắc bổ sung và điều chỉnh một số điều liên quan để phù hợp với quy định của Luật BVMT năm 2014, đồng thời đáp ứng thực tế BV&PTR hiện nay ở Việt Nam.

   Một số đề xuất bổ sung và điều chỉnh trong Luật BV&PTR (sửa đổi)

   Bổ sung giải thích khái niệm về bồi hoàn ĐDSH. Có thể cân nhắc định nghĩa sau đây: Bồi hoàn ĐDSH là biện pháp được thiết kế để đền bù cho các tác động tiêu cực đến ĐDSH do thực hiện các dự án phát triển sau khi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu phù hợp, nhằm mục đích đạt được các kết quả bảo tồn tốt hơn và không gây tổn thất tới giá trị thực của ĐDSH.

   Chỉnh sửa, bổ sung quy định về điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó điều kiện “Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” chỉnh sửa thành “Có phương án hoàn trả và bồi hoàn ĐDSH rừng theo quy định của pháp luật về BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và pháp luật về ĐDSH liên quan”.

   Bổ sung điều khoản về “Hoàn trả và bồi hoàn ĐDSH khi chuyển mục đích sử dụng rừng”với quy định các tổ chức, cá nhân, chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng phải nộp tiền vào Quỹ BV&PTR cấp tỉnh tương đương để thực hiện hoàn trả và bồi hoàn ĐDSH.UBND cấp tỉnh quyết định phương án hoàn trả và bồi hoàn ĐDSH trên địa bàn tỉnh.Trong trường hợp tỉnh không bố trí thực hiện được phương án hoàn trả và bồi hoàn ĐDSH phù hợp trên địa bàn tỉnh thì phải chuyển tiền vào Quỹ BV&PTR quốc gia để tổ chức thực hiện ở địa phương khác.

TS. Lê Hoàng Lan

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017

Ý kiến của bạn