Banner trang chủ

Các công cụ phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường và thiên tai: Từ chính sách đến áp dụng thực tế

06/02/2017

   Thời gian qua, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều sự cố môi trường (SCMT) và thiên tai do hoạt động con người và do biến đổi bất thường của tự nhiên. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, ứng phó SCMT và thiên tai còn bị động, lúng túng; việc khắc phục hậu quả còn chậm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), sức khỏe và đời sống nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục SCMT và thiên tai, Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác này.

   Các công cụ phòng ngừa, ứng phó với SCMT và thiên tai

   Hiện có 4 nhóm công cụ quản lý môi trường nói chung và phòng ngừa, ứng phó SCMT nói riêng (chính sách và luật pháp; kinh tế; kỹ thuật; giáo dục và truyền thông).

   Công cụ chính sách và luật pháp: Các văn bản về luật quốc tế, luật quốc gia, các văn bản khác dưới luật, các kế hoạch liên quan đến phòng ngừa, ứng phó SCMT, trong đó có cả kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại cấp quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.Hiện nay, trên thế giới có khoảng 300 công ước quốc tế liên quan đến các vấn đề về BVMT.

   Theo Khoản 10, Điều 3 của Luật BVMT năm 2014, “SCMT là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng”. Cụm từ “SCMT” còn được đề cập 37 lần trong đạo luật này. Công tác phòng ngừa SCMT gồm: Lập kế hoạch; Lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện; Đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ; Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn; Có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra SCMT (Khoản 1, Điều 108). Công tác ứng phó SCMT gồm: Thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; Tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về BVMT nơi xảy ra sự cố; Huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố; Phối hợp ứng phó với các cơ sở, địa phương; Báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để huy động lực lượng ứng phó (Khoản 1, Điều 109).

   Sự cố hóa chất là tình trạng cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho người, tài sản và môi trường (Khoản 8, Điều 4, Luật Hóa chất 2007). Sự cố hóa chất nghiêm trọng là sự cố hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại lớn, trên diện rộng cho người, tài sản, môi trường và vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của cơ sở hóa chất (Khoản 8, Điều 4, Luật Hóa chất 2007).

   Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động KT-XH, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác… (Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng chống, chống thiên tai). Như vậy, thiên tai được coi là SCMT gây ra do biến đổi của tự nhiên. Phòng ngừa, ứng phó sự cố thiên tai cũng được coi là những giải pháp phòng ngừa và ứng phó SCMT.

   Các công cụ kinh tế: Các loại thuế, phí liên quan đến phòng ngừa, ứng phó SCMT. Ngoài ra, một số công cụ kinh tế khác có thể được áp dụng như giấy phép xả thải, ký quỹ môi trường, trợ cấp môi trường, đặt cọc hoàn trả. Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một số công cụ kinh tế liên quan đến phòng ngừa và ứng phó SCMT như Luật Thuế BVMT năm 2010, gồm 8 nhóm đối tượng: Xăng, dầu, mỡ nhờn; Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC); Túi ni lông thuộc diện chịu thuế; Thuốc diệt cỏ; Thuốc trừ mối; Thuốc bảo quản lâm sản; Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về nộp phí BVMT đối với nước thải (Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016); Quyết định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg). Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công cụ trợ cấp môi trường thông qua Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002, thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ BVMT Việt Nam; Quyết định 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014, hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ làm cơ sở triển khai công cụ đặt cọc - hoàn trả.

Công tác diễn tập phòng ngừa, ứng phó sự cố về an toàn môi trường được doanh nghiệp tích cực triển khai

   Các công cụ kỹ thuật: Quy hoạch môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giám sát môi trường, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải. Trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành một số Nghị định liên quan đến các công cụ kỹ thuật trong lĩnh vực BVMT nói chung, phòng ngừa, ứng phó SCMT nói riêng, bao gồm các Nghị định 18/2015/NĐ-CP, 19/2015/NĐ-CP và 38/2015/NĐ-CP. Bộ TN&MT cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai các công cụ kỹ thuật như các Thông tư 26/2015/TT-BTNMT, 27/2015/BTNMT, 36/2015/TT-BTNMT, 19/2016/TT-BTNMT.

   Công cụ giáo dục và truyền thông môi trường: Các hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy; các quá trình tương tác xã hội hai chiều nhằm giúp cho những người có liên quan hiểu được các yếu tố môi trường then chốt, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng và cách tác động vào các vấn đề có liên quan một cách thích hợp để giải quyết các vấn đề về môi trường. Nghị định 19/2015/TT-BTNMT quy định về việc cộng đồng tham gia vào công tác BVMT nói chung, phòng ngừa, ứng phó sự cố và thiên tai nói riêng.

   Thực hiện các công cụ phòng ngừa, ứng phó SCMT và thiên tai tại Việt Nam

   Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó SCMT và thiên tai, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống lụt bão, cháy nổ, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với thực tế; Đồng thời, tổ chức huấn luyện, diễn tập và làm công tác bảo đảm (con người, phương tiện kỹ thuật) chu đáo để sẵn sàng ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống sự cố, thiên tai xảy ra. Khi xảy ra sự cố, các địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, hệ thống trạm tìm kiếm cứu nạn được đầu tư xây dựng, cải tạo, bố trí hợp lý trên các vùng, miền, nhất là trên hướng biển và các địa bàn trọng điểm về thiên tai…góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, BVMT, ổn định đời sống nhân dân.

Phòng ngừa, ứng phó sự cố thiên tai cũng là giải pháp phòng ngừa và ứng phó SCMT

   Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, ứng phó SCMT và thiên tai còn bị động, lúng túng; gây nhiều thiệt hại về người và tài sản; việc khắc phục hậu quả do sự cố và thiên tai còn chậm; gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển KT-XH, sức khỏe và đời sống nhân dân.

   Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp còn chưa đầy đủ và thống nhất. Ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ và người dân chưa cao, coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt, mà coi nhẹ công tác BVMT. Các chính sách của Đảng và Nhà nước chưa được các cấp chính quyền quán triệt đầy đủ và cụ thể hóa kịp thời bằng các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp luật đã ban hành còn thiếu đồng bộ, chồng chéo và mâu thuẫn nhau gây khó khăn cho công tác triển khai. Chất lượng lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa xác định được các vấn đề cấp bách cần thực hiện kèm theo mục tiêu cần đạt, nguồn lực cần đáp ứng; còn thiếu sự phân công, phân cấp, thiếu cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát, thanh tra nhằm đạt các mục tiêu đề ra.

   Một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả các công cụ phòng ngừa, ứng phó sự cố

   Thứ nhất, tăng cường áp dụng các công cụ chính sách và luật pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố và thiên tai; rà soát điều chỉnh những nội dung thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn và chưa sát với thực tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển; ban hành cơ chế phối hợp, phân công, phân cấp rõ ràng trên cơ sở các chức năng, nhiệm vụ được giao.

   Thứ hai, đẩy mạnh triển khai các công cụ kinh tế nhằm kiểm tra, giám sát, thanh tra các hoạt động phát triển KT-XH có nguy cơ gây ra SCMT; huy động đủ nguồn lực tài chính đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động quản lý rủi ro sự cố và thiên tai; xử phạt nghiêm minh các tổ chức, cá nhân coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt, mà coi nhẹ công tác BVMT; yêu cầu các tổ chức, cá nhân để xẩy ra SCMT phải đền bù thỏa đáng đối với thiệt hại gây ra và chịu trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường.

   Thứ ba, tăng cường triển khai các công cụ kỹ thuật bao gồm quy hoạch môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, phòng ngừa ứng phó sự cố và thiên tai; giám sát môi trường, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải. Nâng cao chất lượng lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai; xác định rõ các vấn đề cấp bách cần thực hiện kèm theo mục tiêu cần đạt, nguồn lực cần đáp ứng, phân công và giám sát thực hiện.

   Thứ tư, đẩy mạnh triển khai các công cụ giáo dục và truyền thông môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ và người dân về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố và thiên tai; biến nhận thức thành các hành động cụ thể góp phần chủ động ứng phó với các sự cố và thiên tai khi xảy ra.

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn