Banner trang chủ

Bất cập trong công tác quản lý mẫu động, thực vật hoang dã tịch thu từ các vụ buôn bán trái pháp luật

03/04/2017

   Những năm gần đây, buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) nguy cấp, quý, hiếm trên thế giới đang diễn ra phức tạp. Việt Nam nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ thông thương giữa ASEAN, Nam Mỹ, châu Phi với các thị trường tiêu thụ tại châu Á và các khu vực khác trên thế giới, vì vậy, Việt Nam nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn của các hoạt động buôn bán ĐTVHD. Mẫu vật loài ĐTVHD được buôn bán trái phép chủ yếu gồm các loài bò sát (rắn, rùa các loài); mẫu vật các loài thú như ngà voi, xương hổ, sừng tê giác, tê tê...; các loài gỗ quý, hiếm.

Mẫu vật ngà voi chuẩn bị đem đi tiêu hủy

   Thống kê từ các lực lượng chức năng cho thấy, từ năm 2003 đến nay, các cơ quan thực thi luật pháp đã bắt giữ hàng chục vụ nhập khẩu, quá cảnh trái phép ngà voi có nguồn gốc châu Phi; hàng chục vụ vận chuyển sừng tê giác trái pháp luật. Chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng liên ngành đã bắt giữ trên 6 tấn ngà voi, hàng tấn vẩy tê tê và một số mẫu vật sừng tê giác được vận chuyển trái phép từ châu Phi. Bên cạnh đó, nhiều vụ buôn bán trái pháp luật mẫu vật các loài ĐVHD khác cũng được các cơ quan chức năng điều tra, bắt giữ. Điển hình như vụ bắt giữ trên 2 tấn ngà voi giấu trong lô gỗ nhập khẩu trái phép vào Việt Nam tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh, ngày 7/10/2016.

   Để quản lý các mẫu ĐTVHD tịch thu, nhiều văn bản, chính sách trong nước và quốc tế đã được ban hành như Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28/8/2008 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu, trong đó có quy định về mẫu vật động vật thuộc Phụ lục CITES có nguồn gốc nước ngoài: Mẫu vật các loài ĐTVHD thuộc Phụ lục CITES tịch thu từ các vụ án buôn bán trái phép, theo quy định của Nghị định 82/2006/NĐ-CP thì do Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam quyết định việc trả lại quốc gia xuất xứ; Trả lại nước xuất khẩu, hoặc nước tái xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES; Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản; Tiêu hủy trong trường hợp tang vật mang bệnh, hoặc không xử lý được bằng các biện pháp trên.

   Ngoài ra, tại Hội nghị các nước thành viên CITES lần thứ 16 (gọi tắt là CoP 16) đã ban hành Nghị quyết 10.10 về “Buôn bán mẫu vật voi” quy định, các nước thành viên cần duy trì danh sách thống kê kho dự trữ của Chính phủ về các sản phẩm ngà voi (có thể bao gồm lượng ngà voi thuộc sở hữu tư nhân) và gửi báo cáo cho Ban Thư ký trước ngày 28/2 hàng năm. Cũng tại Hội nghị trên, Nghị quyết 16.38 (thuộc CoP 16) được thông qua đã chỉ rõ các nước thành viên CITES nên thu thập các mẫu ĐTVHD từ các vụ bắt giữ khối lượng lớn (ví dụ từ 500 kg trở lên) diễn ra trong lãnh thổ quốc gia và cung cấp các mẫu này cho các viện nghiên cứu và giám định liên quan để hỗ trợ công tác thực thi luật và truy tố…

   Căn cứ vào các quy định trên, các mẫu vật ĐTVHD tịch thu hiện được lưu giữ bởi các cơ quan khác nhau như Kiểm lâm, Hải quan, Công an, Cơ quan nghiên cứu khoa học Trung ương và địa phương. Các mẫu vật sống được giao cho các cơ sở cứu hộ nuôi dưỡng, quản lý, tái thả trong tự nhiên. Các mẫu ĐVHD đã chết được Bộ NN&PTNT thực hiện tiêu hủy. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý các mẫu vật ĐVHD đang gặp một số khó khăn, thách thức:

   Một lượng lớn mẫu vật ĐTVHD đã được các cơ quan chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học như Bảo tàng tự nhiên Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật…, nhưng trong những năm gần đây, số lượng các mẫu vật tịch thu lớn, vượt quá nhu cầu và sức chứa của các cơ sở nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, một số loại mẫu vật như ngà voi, sừng tê giác là các mẫu vật có giá trị, việc tiếp nhận, lưu giữ bảo vệ là một thách thức lớn đối với các cơ sở nghiên cứu khoa học.

   Mặt khác, nhiều mẫu vật hiện là tang vật của các vụ án đang trong quá trình điều tra, xử lý nên không thể bàn giao đã gây nên tình trạng thất thoát. Thực tế, những năm gần đây ghi nhận một số vụ thất thoát ngà voi, sừng tê giác như vụ mất trên 200 kg ngà voi tại Phòng Thi hành án TP. Vinh, tỉnh Nghệ An vào năm 2013.

   Ngoài ra, việc bảo quản mẫu vật ĐTVHD đòi hỏi có các kho chuyên dùng (thực tế đa phần các mẫu vật động vật được bảo quản chung với các loại hàng hóa khác), thiếu các trang thiết bị bảo đảm an ninh, duy trì độ ẩm, ánh sáng, thiếu phương tiện thống kê, cập nhật số liệu. Hiện nay, việc quản lý, tiêu hủy mẫu vật ĐTVHD đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi Nhà nước chưa bố trí nguồn cho hoạt động này mà phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ của quốc tế… Để quản lý các mẫu vật ĐTVHD quý hiếm, cần thực hiện các giải pháp:

   Thứ nhất, cần xem xét, sửa đổi quy định pháp luật, trong đó giao cho một cơ quan thống nhất quản lý, giám sát mẫu vật ĐTVHD tịch thu; Đối với các mẫu vật sống, cần sửa đổi Luật Tố tụng hình sự, trong đó cho phép tái thả tang vật là động vật sống ngay sau cứu hộ.

   Thứ hai, xây dựng Kho lưu trữ quốc gia bảo quản mẫu ĐTVHD quý, hiếm tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép. Đồng thời, thực hiện kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý mẫu vật ĐTVHD quý, hiếm, thực hiện theo quy định của Công ước CITES.

   Thứ ba, tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực, nâng cao nghiệp vụ trong công tác quản lý mẫu vật; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế trong việc quản lý các mẫu vật ĐTVHD tịch thu.

   Thứ tư, Nhà nước cần bố trí kinh phí cơ bản cho quản lý, tiêu hủy mẫu vật ĐTVHD nguy cấp, quý, hiếm tịch thu và được quy định mức cụ thể.

   Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo quản mẫu vật. Một phần mẫu vật cần được chuyển giao, thực hiện nghiên cứu khoa học, giám định ADN phục vụ giáo dục, bảo tồn và hợp tác quốc tế trong điều tra tội phạm thế giới.

Vương Tiến Mạnh

Phó Giám đốc, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn