Banner trang chủ

Bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang

12/06/2020

    Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (Khu DTSQ Kiên Giang) được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới tại kỳ họp thứ 19 của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra vào ngày 27/10/2006 ở Pari, với tổng diện tích hơn 1.118.105 ha (vùng lõi: 36.935 ha; vùng đệm: 172.578 ha; vùng chuyển tiếp: 978.591 ha). Với những giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) độc đáo và tiêu biểu, Khu DTSQ Kiên Giang có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn ĐDSH không chỉ mang tầm quốc gia, mà còn ở tầm khu vực và quốc tế.

HST độc đáo, tiêu biểu

    Khu  DTSQ Kiên Giang bao gồm 10 huyện, thị, thành phố (U Minh Thượng,  An  Minh, An  Biên,  Rạch  Giá,  Hòn  Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Hà Tiên, Phú Quốc và Kiên Hải) với không gian rộng, kết nối các vùng là Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng; VQG  Phú  Quốc, khu bảo tồn biển Phú Quốc; khu rừng bảo vệ cảnh quan Hòn Chông - Kiên Lương và đai rừng ngập mặn ven biển Tây. Trong đó có ba vùng lõi là VQG U Minh Thượng, VQG Phú Quốc và Khu rừng bảo vệ cảnh quan Hòn Chông - Kiên Lương. Nơi đây chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái (HST) từ rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá - núi đá vôi đến HST biển, mà trong đó tiêu biểu là thảm cỏ biển gắn liền với loài động vật quý hiếm là bò biển...

   Khu DTSQ Kiên Giang là nơi bảo vệ đa dạng cảnh quan thiên nhiên, trong có có một số mẫu tiêu biểu bao gồm: Mẫu cảnh quan tiêu biểu và độc đáo rừng tràm trên đất than bùn của HST úng phèn khu vực U Minh Thượng, vùng đất ngập nước quan trọng của vùng hạ lưu sông Mê Công; mẫu cảnh quan đảo Phú Quốc, nơi có nhiều sông suối, đặc biệt là các bãi biển như bãi Khem, bãi Sao, bãi Vòng, bãi Vũng Bầu, bãi Cửa Cạn, bãi Dài…; mẫu cảnh quan đồi núi, rừng ngập mặn ven biển Kiên Lương - Kiên Hải, rừng tràm ngập nước theo mùa vùng Tứ giác Long Xuyên và cảnh quan biển đảo tại Khu Bảo tồn biển Phú Quốc.

    Khu DTSQ Kiên Giang có 6 HST đặc thù với 22 dạng sinh cảnh khác nhau: HST rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh với ưu thế cây họ dầu; hệ sinh  thái  rừng  trên núi đá với ưu thế của ổi rừng và hoàng  đàn; HST rừng ngập chua phèn (tràm); HST rừng ngập mặn (đước, sú, vẹt, mắm..., đặc biệt là loài cóc đỏ còn xuất hiện duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long); HST rú bụi ven biển; HST rạn san hô, cỏ biển. Trong đó, rừng tràm ngập chua phèn là HST điển hình, trong vùng lõi ở khu vực U Minh Thượng có gần 4.000 ha “Rừng úng phèn” được xếp hạng độc đáo, quý hiếm trên thế giới, mang những  đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh với các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn.

Hệ động thực vật có khoảng 2.340 loài, trong đó 1.480 loài thực vật với 116 loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ và 57 loài đặc hữu như cù đèn Phú Quốc, trèn Phú Quốc, huỳnh đàn Phú Quốc… Ngoài ra, còn có loài có nguy cơ tuyệt chủng như trai, thông lông gà, hoàng đàn, trầm hương…

    Hệ động vật có 860 loài với 78 loài quý hiếm, trong đó có 36 loài đặc hữu. Trong loài thú lớn, có 7 loài thú bị đe dọa trên toàn cầu, điển hình như khỉ đuôi dài,rái cá vuốt bé hay rái cùi, rái cá lông mũi. Trong các loài chim, có 8 loài chim bị đe dọa trên toàn cầu, điển hình như đại bàng đen, quắm trắng đầu đen, già sói. Đặc biệt có sân chim quan trọng trên thế giới với sự hiện diện của các loài quắm đen, giang sen, dô nách nâu, còng cọc, diệc lửa, chiếm tỷ lệ từ 0,98 - 5,47% tổng quần thể mỗi loài trên thế giới.

    Đặc biệt có 108 loài san hô (89 loài san hô cứng và 19 loài san hô mềm), 9 loài cỏ biển, trong HST này có 166 loài rong biển; 258 loài động vật gồm 154 loài cá, 47 loài thân mềm, 25 loài da gai, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, đặc biệt có 2 loài cá cơm là Spratelloides gracilis và Stolephorus indicus là nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm đặc trưng của Phú Quốc. Ngoài ra, các thảm cỏ biển ở Phú Quốc còn gắn liền với sự tồn tại của các loài động vật quý hiếm đang cần được bảo vệ ở Việt Nam và thế giới như bò biển (hay còn được gọi là dugong, cá cúi, mỹ nhân ngư), vích cỏ, đồi mồi rùa da, ốc nhảy đỏ lợi, trai ngọc môi đen...

    Như vậy có thể thấy ý nghĩa quan trọng đặc biệt của bảo tồn ĐDSH ở Khu DTSQ Kiên Giang không chỉ mang tầm quốc gia mà còn ở tầm khu vực và quốc tế.

Một số tác động của phát triển kinh tế - xã hội tới khu DTSQ Kiên Giang

 

Quần thể chim được bảo vệ tại Khu DTSQ Kiên Giang

 

    ĐDSH là nguồn tài nguyên quý giá nhất, đóng vai trò rất lớn đối với tự nhiên và đời sống con người. ĐDSH là một dạng tài nguyên đã và đang được khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ngành du lịch đang là một trong những ngành khai thác và có những tác động tới những giá trị ĐDSH. Nhìn một cách tổng thể, phát triển du lịch luôn có những tác động tích cực và tiêu cực đến ĐDSH. Theo đó, nếu phát triển du lịch đúng với các nguyên tắc phát triển bền vững sẽ góp phần tích cực, tạo nguồn thu cho hoạt động bảo tồn, nâng cao nhận thức của du khách đối với sự cần thiết phải bảo vệ sinh thái...; song bên cạnh cạnh đó sự tập trung khách quá giới hạn “sức chứa” về sinh thái ở điểm đến du lịch, hoạt động săn bắt, khai thác các loài sinh vật quý hiếm phục vụ nhu cầu du lịch… sẽ có tác động tiêu cực đến bảo tồn ĐDSH.

    Trong những năm gần đây, sự phát triển của các hoạt động du lịch ở Kiên Giang đã tạo các sức ép lên tài nguyên, môi trường tự nhiên và ĐDSH. Nếu như vào những năm 2000, lượng khách du lịch đến địa bàn Phú Quốc - Hà Tiên - U Minh Thượng mới chỉ là trên 30 nghìn lượt khách thì đến năm 2014, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn này đã tăng lên gần 1,5 triệu lượt khách. Cùng với lượng khách tăng là sự thay đổi về cảnh quan thiên nhiên, sự suy giảm về tài nguyên rừng do nhu cầu xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; sự gia tăng về nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải từ du lịch…

    Sự gia tăng về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch luôn đi liền với tình trạng đầu cơ đất và khi quỹ đất dành cho xây dựng không đủ đáp ứng nhu cầu thì việc xâm hại đất rừng là tất yếu. Điều này đã và đang xảy ra trên đảo Phú Quốc. Những yếu tố trên sẽ có ảnh hưởng lớn đến môi trường cư trú của nhiều loài sinh vật. Bên cạnh đó, nhu cầu lớn về nước sinh hoạt (đối với khách du lịch nội địa, nhu cầu này thường lớn hơn nhu cầu của người dân bình thường từ 2,0-2,5 lần; đối với khách du lịch quốc tế là từ 4,5-5,0 lần) và nhu cầu năng lượng cũng tăng nhanh nhanh chóng đã và đang tác động đến tài nguyên nước, gia tăng tình trạng ô nhiễm mặn đặc biệt trong bối cảnh tác động ngày một tăng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

    Bên cạnh tác động của hoạt động du lịch, tác động của sự gia tăng dân số và tình trạng đói nghèo, đặc biệt của cộng đồng sống ở vùng đệm VQG Phú Quốc, VQG U Minh Thượng và Khu rừng bảo vệ cảnh quan Hòn Chông - Kiên Lương - nơi sinh kế của họ chủ yếu dựa vào hoạt động khai thác sản vật rừng và biển cũng tạo nên những “sức ép” rất lớn đến hoạt động bảo tồn ĐDSH ở Khu DTSQ này. Thực tế cho thấy, ở Phú Quốc đã từng xảy ra nhiều trường hợp người dân đánh bắt dugong, xẻ thịt bán như những loài hải sản thông thường. Ở VQG U Minh Thượng, tình trạng người dân vào rừng săn bắt thú, các loài bò sát, lấy mật ong… vì mưu sinh cuộc sống cũng diễn ra ngày một phức tạp, ảnh hưởng đến nỗ lực bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm ở khu vực này. Vụ cháy rừng U Minh vào tháng 2/2002 làm mất đi trên 3.000 ha rừng nguyên sinh mà thiệt hại về sinh thái và ĐDSH là không thể kể hết, cũng có nguyên nhân từ việc xâm hại rừng trái phép vì mưu sinh của người dân sống trong vùng đệm và đặc biệt là những áp lực tác động môi trường rất lớn của hoạt động khai thác đá vôi để sản xuất xi măng đối với bảo vệ cảnh quan và ĐDSH vùng núi đá vôi ở Kiên Lương - Hòn Chông.

    Như vậy có thể thấy, việc bảo tồn các giá trị ĐDSH ở Khu DTSQ Kiên Giang đã và đang chịu những tác động không nhỏ từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, tác động từ chính cộng đồng dân cư bởi cuộc sống mưu sinh khi sinh kế của người dân sống trong vùng đệm chủ yếu hiện vẫn dựa vào khai thác các giá trị sinh thái ở khu vực này.

    Ngoài ra, Kiên Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã được xác định là khu vực sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của BĐKH và nước biển dâng, theo đó môi trường sống của nhiều loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu trong Khu DTSQ Kiên Giang cũng sẽ có những thay đổi. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững cần bảo tồn các giá trị ĐDSH ở Khu DTSQ Kiên Giang.

Đề xuất một số giải pháp đảm bảo sự phát triển bền vững

    Giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển:Đây là một bài toán khó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư trong khu DTSQ phải cùng tham gia. Theo đó, trước hết cần có quy hoạch, kếhoạch và những biện pháp cụ thể phù hợp để phát triển kinhtế - xã hội bền vững, trong đó chú trọng bảo tồn để phát huy các giá trị của khu DTSQ, phát triển kinh tế cải thiện đời sống dân cư, nhằm phục vụ cho phát triển và phát triển sẽ tạo điều kiện để bảo tồn được tốt hơn. Bên cạnh đó, các quy hoạch, kế  hoạch và biện pháp của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cũng phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Việc xây dựng các kết cấu hạ tầng đường xá, các cơ sở lưu trú khách sạn cũng phải được cân nhắc và thực hiện tốt các báo cáo đánh giá tác động môi trường, sinh thái và tác động về mặt xãhội.

    Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và quảng bá hình ảnh về khu DTSQ: Rà soát, giám sát (ĐDSH), các di tích di sản, làng nghề và các văn hóa truyền thống, để cập nhật xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất chung của Khu DTSQ và cụ thể cho từng khu vực, trên cơ sở đó biên tập tóm tắt ngắn gọn, làm tài liệu cho tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và quảng bá.Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các pano, tờ bướm, các hội nghị, hội thảo giới thiệu về Khu DTSQ Kiên Giang và nhất là các hoạt động về bảo tồn và phát huy các giá trị ĐDSH của khu DTSQ.

        Đào tạo nguồn nhân lực nhằm bảo tồn và phát huy được các giá trị khu DTSQ: Trước hết là đòi hỏi đội ngũ cán bộphải có sự hiểu biết về công tác quản lý ĐDSH, phát triển bền vững, bên cạnh đó các cơ sở sản xuất kinh doanh, các người lao động địa phương sẽ tham gia vào quá trình đào tạo. Tùy theo từng đối tượng mà có hình thức và nội dung đào tạo, tập huấn phù hợp. Các nội dung đào tạo, tập huấn là hiểu biết về ĐDSH, HST, BĐKH, về sản xuất - kinh doanh xanh, và nhất là đào tạo đội ngũ lao động tại địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái, văn hóa giao tiếp ứng xử của cộng đồng dân cư trong khu DTSQ.

    Xây dựng các chương trình dự án đề tài nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, các chương trình sự nghiệp và lập các dự án kêu gọi tài trợ: Rà soát chọn lọc các kết quả nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học về ĐDSH, công tác bảo tồn để có kế hoạch áp dụng và nhân rộng. Trên cơ sở đó lập các dự án để kêu gọi đầu tư từ các nguồn, nhất là từ các nguồn tài trợ trong và ngoài nước về bảo vệ ĐDSH, HST, môi trường và BĐKH, nhằm phục vụ tốt việc bảo tồn, BVMT và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 

 

Lý Minh Tài

Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang

Phạm Thị Nhâm

Hội Sinh thái học Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)

    

Ý kiến của bạn