Banner trang chủ

Bàn giải pháp về phát triển vật liệu thông minh, vật liệu mới, thân thiện môi trường

11/11/2019

     Những năm qua, ngành vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, Việt Nam có hơn 80 dây chuyền sản xuất xi măng áp dụng công nghệ tiên tiến từ các nước châu Âu và khu vực, với tổng công suất thiết kế hơn 100 triệu tấn/năm. Gạch ốp lát cũng được quan tâm đầu tư với hàng trăm dây chuyền thiết bị, nâng tổng công suất lên 750 triệu m2 sản phẩm/năm, đưa Việt Nam trở thành một trong 5 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới.

     Bên cạnh đó, kính xây dựng, vật liệu xây không nung cũng có bước phát triển đột phá, không những đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành xây dựng sử dụng khoảng 1/3 năng lượng, hơn 1/3 nguồn nguyên liệu và phát thải khoảng 35 - 40% tổng lượng khí nhà kính trên toàn thế giới. Những thách thức này ngày càng rõ nét hơn ở các nước đang phát triển - nơi có mức độ xây dựng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Phần lớn lượng khí thải phát sinh là do sản xuất xi măng và sắt thép, tiếp đó là nhôm, kính/thủy tinh và vật liệu cách nhiệt.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Tại Hội thảo Quốc tế “Khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng cho phát triển bền vững” diễn ra ngày 31/10/2019 tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận những nội dung thiết thực, cụ thể để cung cấp các ý tưởng, chương trình, giải pháp về phát triển vật liệu thông minh, vật liệu mới, thân thiện môi trường với công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành xây dựng Việt Nam.

     Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện VLXD Việt Nam cho biết, việc phát triển VLXD chắc chắn đòi hỏi phải áp dụng khoa học và công nghệ để giảm thiểu sử dụng tài nguyên khoáng sản, tối đa hóa sử dụng phụ phẩm công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, BVMT và tạo ra các sản phẩm VLXD bền vững hơn.

     Theo bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, hợp tác quốc tế về VLXD là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm giúp trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đồng thời truyền cảm hứng cho ngành sản xuất VLXD phát triển với công nghệ và mô hình sản xuất hiện đại trên thế giới hiện nay. Những năm qua, UNDP đã phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành Trung ương, địa phương của Việt Nam, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều chương trình, dự án hướng đến sự phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

     Bà Caitlin Wiesen đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, Bộ Xây dựng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành VLXD thông qua việc nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển VLXD không nung, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các phế thải công nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần có hành động để tạo ra các khung chính sách cho phép hình thành thị trường. Từ đó, các doanh nghiệp có thể sản xuất các loại vật liệu bền vững cho ngành xây dựng; đồng thời khuyến khích việc thiết kế, kích cầu người tiêu dùng trực tiếp sử dụng các sản phẩm bền vững.

 

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn