Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/07/2024

Việt Nam tích cực thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ

20/07/2022

    Ngày 14/7/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26, chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Cùng tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng chủ trì phiên họp lần thứ ba Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 (Ảnh: VOV)

    Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) được tổ chức tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh). Tại Hội nghị, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu…

    Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

    Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo cách đây 5 tháng, các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các công việc được phân công, hoàn thành nhiều công việc, tập trung xây dựng dự thảo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP 26; dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methan đến năm 2030…

    Theo báo cáo của Bộ TN&MT và các ý kiến tại phiên họp, Việt Nam đã và đang cam kết rất mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngay sau Hội nghị COP 26, Việt Nam đã rất tích cực, trách nhiệm, khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Về phía Bộ TN&MT, Bộ đã chủ động khâu nối, đôn đốc triển khai nhiệm vụ hết sức tích cực; đã xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam để các ngành, địa phương, doanh nghiệp tham khảo; đã tổ chức triển khai cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022; xây dựng Báo cáo kế hoạch thích ứng của Việt Nam phù hợp lộ trình phát thải ròng bằng “0” và các cam kết của Việt Nam tại COP26 để gửi Ban thư ký Công ước trước Hội nghị COP 27. Bộ cũng đã thành lập Nhóm làm việc đàm phán Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu và một số đối tác phát triển; Nhóm cũng đã kết nối làm việc với Đại sứ Nguyễn Hoàng Long tại Vương quốc Anh (đầu mối cấp kỹ thuật) để trao đổi, đàm phán.

    Một số Bộ, ngành đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết tại COP 26, như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao; các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng cũng đang triển khai tích cực. Nhiều Bộ, ngành đã ký kết các thỏa thuận, Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện cam kết với nhiều tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động làm việc với một số ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế tiềm năng để trao đổi huy động nguồn lực.

    Để tiếp tục thực hiện các cam kết tại COP 26, Thủ tướng giao các Bộ: TN&MT, Công Thương, Giao thông vận tải, NN&PTNT, Xây dựng ban hành các hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc - báo cáo - thẩm định đảm bảo nội dung, tiến độ theo đúng quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật BVMT, Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn.

    Về phía Bộ TN&MT, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành cập nhật NDC của Việt Nam; trên cơ sở NDC đã gửi Liên hợp quốc năm 2020, bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP 26, hoàn thành trong tháng 9/2022; sớm hoàn thiện, trình lãnh đạo Chính phủ ký ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP 26, phấn đấu hoàn thành trong tháng 7/2022. Trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ TN&MT chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methan đến năm 2030…

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn