27/11/2024
Ngày 27/11/2024 tại TP.Hồ Chí Minh, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) tổ chức “Diễn đàn đối thoại Tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ”. Diễn đàn là nơi các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp, khuyến nghị nhằm góp phần tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) ở Việt Nam nói chung và Khu DTSQ thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ nói riêng.
TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT cho biết, đến thời điểm hiện nay Việt Nam có một hệ thống gồm 11 khu DTSQ thế giới được UNESCO công nhận. Vấn đề quản lý khu DTSQ đã được quan tâm hơn, cụ thể là hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy cho quản lý phụ thuộc chính quyền cũng dần dần được hình thành. Khu DTSQ thế giới Cần Giờ rất đặc biệt, đây là một khu rừng phòng hộ, vùng rừng rộng ven biển. Việc quản lý Khu DTSQ thế giới Cần Giờ không chỉ là bảo vệ chức năng rừng phòng hộ mà còn đóng góp về bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng. Đây chính là lá phổi xanh của TP.Hồ Chí Minh.
Chia sẻ những khó khăn, thách thức của Khu DTSQ thế giới Cần Giờ, ông Cao Huy Bình, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, cho biết: Sau 24 năm kể từ khi được UNESCO công nhận, Khu DTSQ thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ đã trải qua 02 lần đánh giá định kỳ (10 năm/lần). Chúng tôi đã nỗ lực để tuân thủ nghiêm túc các quy định rất khắt khe, chặt chẽ của UNESCO và được công nhận đáp ứng đầy đủ 07 tiêu chí và 03 chức năng cơ bản của một Khu sinh quyển. Việc gìn giữ và phát triển tài nguyên Khu sinh quyển trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ, áp lực phát triển kinh tế ngày càng gia tăng, nhu cầu của con người ngày càng cao, đặc biệt là việc lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 là “thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường”. Đây một quá trình rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, chính xác và sự vào cuộc một cách có trách nhiệm của toàn lực lượng trong xã hội. Quan trọng hơn hết là làm thế nào để danh hiệu Khu DTSQ đem lại lợi ích cho người dân, cộng đồng, hỗ trợ tốt cho chiến lược phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng. Điều này yêu cầu sự nhận thức đúng đắn của hệ thống chính quyền, sự tham gia có trách nhiệm của người dân, sự ủng hộ của toàn xã hội, hợp tác trong nước và quốc tế về phát triển bền vững đối với các Khu DTSQ.
Ông Cao Huy Bình, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ chia sẻ tại Diễn đàn
“Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu DTSQ thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ” là dịp nhìn lại những thành tựu, hạn chế trong quá trình vận hành hoạt động của Khu DTSQ, rút ra những bài học kinh nghiệm và xây dựng phương hướng nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển Khu DTSQ thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ một cách bền vững, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo các đại biểu, Khu DTSQ thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ được vận hành theo mô hình bảo tồn đa mục đích, mô hình phát triển bền vững nhằm tạo ra sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa và phong tục tập quán của người dân nơi đây. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mô hình chỉ có thể được thực hiện tốt khi các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học được kết hợp chặt chẽ với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa địa phương với các kiến thức bản địa theo hướng phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, đây là một mô hình mới đối với Việt Nam nói chung, cũng như đối với Khu DTSQ thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ nói riêng cần có cơ chế đặc thù để quản lý hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ, áp lực phát triển kinh tế ngày càng gia tăng, nhu cầu của con người ngày càng cao…
Toàn cảnh Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ
Để phát triển Khu DTSQ thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì và phát huy các văn hoá truyền thống, phát triển kinh tế xanh và bền vững, theo các đại biểu đề xuất một số giải pháp sau: (1) Xem xét đề xuất, thống nhất mô hình tổ chức bộ máy điều hành hoạt động của Khu DTSQ trên toàn quốc; (2) Giải pháp bảo tồn có hiệu quả các hệ sinh thái, đa dạng sinh học trong Khu DTSQ; (3) Sự tham gia của cộng đồng và giải pháp sinh kế cho cộng đồng dân cư ở vùng đệm và vùng chuyển tiếp; (4) Quản lý bền vững Khu DTSQ thông qua các hoạt động về du lịch, dịch vụ và chi trả dịch vụ môi trường; (5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học; (6) Quản lý và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; (7) Xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa kết hợp với phát triển du lịch trong khu sinh quyển theo hướng bền vững và tăng chuỗi giá trị…
Khu DTSQ thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu DTSQ thế giới đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vào ngày 21/1/2000. Với tổng diện tích 75.740 ha (Vùng lõi 4.721 ha, vùng đệm 37.339 ha, vùng chuyển tiếp 29.310 ha, vùng mặt nước 4.370 ha), Khu DTSQ thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh điển hình của vùng ngập mặn, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và Sông Vàm Cỏ. |
Phạm Tuyên