Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến tài nguyên nước tại Việt Nam

05/07/2023

    Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của Việt Nam,  sự gia tăng dân số, vấn đề di cư, quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, xây dựng, hoạt động phát triển năng lượng, hoạt động giao thông vận tải, hoạt động nông - lâm nghiệp và thủy sản và hoạt động du lịch, dịch vụ đòi hỏi nhu cầu nước  ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước (TNN) ở Việt Nam.

    Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa

    Dân số của cả nước năm 2020 đã tăng lến đến 10% so với dân số năm 2011. Sự gia tăng dân số và phân bố không đồng đều, dân cư có xu hướng tập trung tại các đô thị lớn dẫn đến nhu cầu sử dụng nước và các dịch vụ vệ sinh cho các đô thị ngày càng gia tăng; kéo theo nguy cơ ô nhiễm, suy thoái, khan hiếm, cạn kiệt nguồn nước tại khu vực đô thị.

    Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa diễn ra càng nhanh, chất lượng cuộc sống nâng cao khiến cho nhu cầu tiêu dùng nước tăng cao, tạo nên nhiều thách thức đối với TNN, cụ thể:

    Khai thác quá mức nguồn nước: Gia tăng dân số kéo theo nhu cầu nướccho sinh hoạt cũng gia tăng, trong khi đó tiềm năng nguồn nước chưa đáp ứngđượchếtyêucầupháttriển.Tốcđộđôthịhóatăngcaođikèmvớinhucầuvềdịch vụ vệ sinh, gây ra tình trạng khai thác quá mức - thậm chí cạn kiệt - các nguồn nước tại chỗ cũng như các vùng liền kề;

    Ô nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh: Cùng với sự gia tăng nhu cầu nước và vệ sinh, các đô thị cũng sản sinh những lượng lớn nước thải, chất thải mỗi ngày. Ở một số thành phố lớn, việc thiếu các hệ thống xử lý chất thải,nước thải và thoát nước đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh liên quan;

    Khan hiếm, rò rỉ và thất thoát nước: tại một số đô thị của nước ta, hệthống hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu và hệ thống quản lý thiếu hiệu quả dẫn đến tỷ lệ rò rỉvà thất thoát nước khá lớn. Theo thống kê, tỷ lệ dân đô thị trên cả nước chưa đượccung cấp nước sạch còn cao, khoảng 24%; tỷ lệ thất thoát thất, thu nước sạch vẫnđang ở mức cao, trung bình khoảng 30%, nhiều đô thị có mức thất thoát lên tớigần40%.

    Cùng với quá trình đô thị hóa, việc phát triển và xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường phải đi trước một bước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường. Phần lớn các đô thị đều thiếu hệ thống thu gom nước thải riêng biệt cũng như các trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung, lượng nước thải sinh hoạt vẫn đổ thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường nước. Những năm qua, hệ thống thoát nước đô thị đã được đầu tư và cải thiện đáng kể, tuy nhiên tình trạng ngập úng vẫn đang là vấn đề bức xúc ở nhiều đô thị lớn trên toàn quốc. Nguyên nhân một phần là do nhiều ao hồ, khu đất trũng trong nội đô bị san lấp, cống hóa nhiều dòng sông, kênh mương, rạch thoát nước để xây dựng đô thị, thêm vào đó là tác động của BĐKH (triều cường) cũng góp phần làm tình trạng ngập úng càng trở nên trầm trọng.

Quá trình đô thị hóa và các hoạt động KT - XH đã và đang tác động trực tiếp đến chất lượng môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Các đoạn sông chảy qua các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các khu vực sản xuất kinh doanh vùng ngoại thành thường có chất lượng giảm sút; các bức xúc, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng TNN cũng thường xuyên xảy ra.

Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy sản

Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong vòng 20 năm qua và là ngành sử dụng nước lớn nhất với tổng lượng nước sử dụng khoảng 93 tỷ m3 chiếm 81% tổng lượng nước sử dụng của cả nước. Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, môi trường nước ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các sản phẩm hóa học, cụ thể:

Trồng trọt: Ô nhiễm nước do sản xuất nông nghiệp đã tăng lên đáng kể ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua cùng với việc mở rộng và thâm canh cây trồng. Việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp tại Việt Nam được ước tính tăng khoảng 3-5 lần trong khoảng 25 năm. Vấn đề sử dụng quá mức phân bón đặc biệt nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long và trong sản xuất cà phê ở Tây Nguyên với tỷ lệ sử dụng phân bón hóa học vượt quá mức quy định nhiều lần để tối đa hóa năng suất và lợi nhuận đã và đang là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Chăn nuôi: Ước tính 80 triệu tấn chất thải gia súc phát sinh mỗi năm là các chất dinh dưỡng, chất gây bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Khoảng 70 - 90% lượng nito, khoáng chất (phốt pho, kali, magie và các loại khác), và các kim loại nặng chứa trong thức ăn thải ra môi trường. Theo một số tài liệu, rủi ro về thuốc trừ sâu đã ảnh hưởng xấu đến thủy sản trên sông, nước ngầm tiếp cận qua giếng có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn nước sạch an toàn.

Bao bì, vỏ chai thuốc trừ sâu được vứt ngay tại ruộng sau khi sử dụng cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước

Thủy sản: Hầu hết các hoạt động nuôi là các loại thâm canh và bán thâm canh, vấn đề ô nhiễm chúng gây ra là do sử dụng quá nhiều và không đúng đầu vào bao gồm thức ăn, hóa chất xử lý nước, thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản và nuôi tôm nói riêng đã đóng góp vào việc lấy đi nước ngầm ở mức không bền vững, dẫn đến sụt lún đất và xâm nhập mặn, đặc biệt là ở vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển công nghiệp và xây dựng

    Hiện nay, cả nước có 395 khu công nghiệp (KCN) với diện tích khoảng 122 nghìn ha, trong giai đoạn 2016 - 2020 hệ thống các KCN trên toàn quốc phát triển nhanh, hình thành hai vùng công nghiệp lớn của cả nước tập trung ở hạ lưu LVS Đồng Nai, Nhóm các sông Đông Nam Bộ và LVS Hồng - Thái Bình. Tốc độ phát triển các KCN, cụm công nghiệp (CNN) trên toàn quốc gia tăng nhanh chóng với tỷ lệ lấp đầy các KCN bình quân khoảng 53%, cùng với đó là hình thành thêm các KCN, CNN tập trung, cũng như loại hình công nghiệp tập trung chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là ở LVS Cửu Long.

    Gia tăng các KCN, CCN kéo theo gia tăng nhu cầu sử dụng nước, cùng với đó là gia tăng lượng nước thải, trong khi đó hệ thống XLNT chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, môi trường nước ở nhiều đô thị, KCN, CCN và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. Ở các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất CN phân tán đã và đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Tốc độ CN hóa ngày một tăng nhanh là một trong những nguyên nhân chính gây áp lực với TNN.

    Phát triển năng lượng

    Thủy điện đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng điện cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời cũng góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo cho các hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống. Việc hình thành các hồ chứa thủy điện đã phục vụ tốt việc nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu nông nghiệp và phục vụ du lịch. Nhưng bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực của các công trình thủy điện cũng đã và đang tác động đến môi trường tự nhiên, nhất là đối với môi trường nước.

    Mặc dù cơ cấu ngành điện đang dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng từ thuỷ điện, nhưng thuỷ điện vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành điện ở nước ta. Hiện nay thủy điện đã và đang là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy và khả năng cung cấp nước cho các con sông, nhất là ở khu vực hạ lưu. Việc chuyển dòng của một số công trình thủy điện sang lưu vực khác, thiếu sự xem xét đầy đủ tác động môi trường lên lưu vực, làm thay đổi chế độ thủy văn, gây ra những tác động lớn đến hệ sinh thái và hoạt động KT - XH trên các LVS. Điển hình như công trình chuyển nước từ LVS Đồng Nai sang nhóm sông Đông Nam bộ, sông Ba sang sông Kôn, sông Vu Gia sang sông Thu Bồn đã gây ra tình trạng thiếu nước cho hoạt động phát triển công nghiệp và các nhu cầu cấp nước đô thị ở khu vực hạ lưu, đặc biệt là vào mùa khô hàng năm. Quy hoạch các thủy điện vừa và nhỏ cần được xem xét, đánh giá một cách thận trọng, xem xét loại bỏ những dự án thủy điện vừa và nhỏ không hiệu quả, gây tác động lớn đến môi trường.

    Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có 23 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành. Tất cả các hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ và tiêu hủy sau vòng đời của các nhà máy nhiệt điện than đều có liên quan đến sử dụng nguồn nước hoặc có tác động đến nguồn nước.

    Hoạt động giao thông vận tải thủy

    Các hoạt động giao thông ngày càng gia tăng áp lực đối với TNN. Đối với giao thông đường thủy, việc khơi thông luồng lạch đã có những tác động làm thay đổi dòng chảy tự nhiên ban đầu.

    Tình trạng chất thải, rác sinh hoạt từ phương tiện thủy đổ trực tiếp ra sông ngòi hiện nay diễn ra khá phổ biến. Việc phương tiện thủy xả rác ra sông không chỉ gây ảnh hưởng môi trường nước mà còn gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến vấn đề lưu thông của những phương tiện khác. Theo điều tra thực tế, thực trạng ô nhiễm nước do các hoạt động giao thông vận tải chủ yếu bắt nguồn từ chất thải rắn sinh hoạt, nước sinh hoạt, dầu mỡ hoặc khí thải từ các phương tiện tàu thuyền. Hầu hết các phương tiện thủy chưa có kế hoạch hoặc biện pháp XLNT sinh hoạt nên nguồn nước này thường xả thẳng ra sông ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước.

    Đối với nhiều khu vực có lưu lượng giao thông thủy dày đặc, tình trạng luồng lạch bị bồi lắng gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến an toàn giao thông thủy và gây áp lực bờ sông, khiến tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra liên tục.

    Tác động của hoạt động du lịch, dịch vụ

    Du lịch là ngành tiêu thụ nước nhiều hơn nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân địa phương (một khách du lịch có thể tiêu thụ lượng nước gấp đôi người dân bình thường, khoảng 200l/ngày). Bên cạnh đó, tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không có hệ thống XLNT, gây ô nhiễm, ngấm xuống nước ngầm hoặc các vùng thủy vực lân cận, lan truyền nhiều loại dịch bệnh cũng là một vấn đề nổi cộm.

    Việc xây dựng, đất đá và các chất nạo vét, chặt phá rừng ngập mặn để xây dựng các dự án du lịch làm cho chất lượng nước giảm đi rất nhiều, nước bị đục, quá trình trầm lắng tăng. Sinh vật đáy bị huỷ diệt,chất bẩn do nạo vét tạo nên. Môi trường nước và đất bị nhiễm độc bởi chất thải. Việc giải phóng mặt bằng và san ủi đất để xây dựng các công trình và làm đường có thể gây ra xói mòn và sụt lở đất, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước mặt. Việc vứt rác và đổ nước thải bừa bãi vào các nguồn nước cũng như thải ra một lượng xăng dầu nhất định trong quá trình vận hành các thiết bị xây dựng.

    Suy giảm chất lượng rừng

    Rừng có vai trò quan trọng trong điều tiết nguồn nước mưa, nước lũ và ảnh hưởng đến chế độ thủy động lực vùng hạ du. Việc xây dựng hàng loạt các hồ chứa thượng nguồn, mở rộng đất nông nghiệp, khai thác gỗ, củi, sản xuất bột giấy, cháy rừng, khai thác khoáng sản làm suy giảm diện tích rừng. Rừng có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước cho lưu vực. Những năm gần đây, tổng diện tích rừng tăng lên, nhưng phần lớn diện tích tăng thêm là rừng trồng. Tỷ  lệ che phủ rừng liên tục tăng qua các năm, từ 40,8% năm 2015 lên 41,9% năm 2019 và ước tính đạt 42% năm 2020, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng khoảng 0,2%/năm. Diện tích rừng trồng mới tập trung giai đoạn 2016 - 2020 ước tính đạt 1.381,6 nghìn ha, bình quân 276 nghìn ha/năm. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng 33,9% trong vòng 5 năm qua, từ 12,6 triệu m3 năm 2016 lên 16,9 triệu m3 năm 2020. Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ theo hướng bền vững  và đã dừng khai thác từ năm 2014.

    Tuy nhiên, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch lâm nghiệp còn hạn chế, bất cập; diện tích rừng tuy có tăng nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên còn bị giảm hoặc tăng chậm. Chất lượng rừng tự nhiên thấp, có đến 60 - 70% là rừng nghèo, gây suy giảm khả năng phòng hộ đầu nguồn, tăng trưởng chưa bền vững. Bên cạnh việc khai thác thu hoạch rừng trồng theo chu kỳ và mất rừng do cháy rừng cũng như nạn phá rừng trái phép, hàng năm. Điều này dẫn đến làm suy giảm nguồn nước ngầm.

    Có thể nói, chất lượng TNN suy giảm đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nước ta. Vì thế, TNN phải là cốt lõi trong chiến lược phát triển đất nước, xây dựng quy hoạch phát triển KT - XH, quy hoạch dân cư, các lĩnh vực. Việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN phải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Nước là tài nguyên phải đặt ra yêu cầu khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Phạm Phước An

Trường Đại học Nguyễn Huệ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2023)

Tài liệu tham khảo

        1. Bộ TN&MT, 2021, Báo cáo số 107/BC-TNMT ngày 23/11/2021 Báo cáo Đánh giá tác động chính sách Dự án Luật TNN (sửa đổi).

        2. Luật BVMT năm 2020.

        3. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

        4. Quyết định số 1622/QĐ-TTg Quy hoạch TNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ý kiến của bạn