Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Nhân rộng và phát triển mô hình Reuse-Refill nhằm góp phần thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam

02/06/2022

    Mô hình tái sử dụng-tái nạp đầy (Reuse-Refill) đang trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, giúp hạn chế lượng rác thải nhựa phát sinh thông qua việc thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Ở Việt Nam, trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng, tái sử dụng hàng hóa và nguyên liệu rất quan trọng đối với một nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) bền vững, nơi các sản phẩm và nguyên liệu vẫn được lưu thông, giảm áp lực lên tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Tái sử dụng, tái nạp là một dạng của mô hình kinh doanh tuần hoàn và đang ngày càng được đón nhận phổ biến trong lĩnh vực về bao bì, đóng gói thực phẩm… Bài viết là kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường trong Chương trình hợp tác với Tổ chức Môi trường Thái Bình dương và Liên minh không rác Việt Nam nhằm chia sẻ các kinh nghiệm trên thế giới và đề xuất giải pháp thực hiện mô hình Reuse - Refill, góp phần thúc đẩy áp dụng KTTH trong sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.

1. Cách tiếp cận thực hiện KTTH của các cơ sở sản xuất kinh doanh

Cách tiếp cận thực hiện KTTH

    Cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận thực hiện KTTH thông qua thiết kế sản phẩm, chuỗi cung ứng, mô hình sản xuất - kinh doanh để loại bỏ chất thải ngay từ giai đoạn thiết kế hoặc tiếp cận thông qua thực hiện việc thu hồi, xử lý để chuyển chất thải thành tài nguyên. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh căn cứ vào đặc trưng ngành, lĩnh vực hoặc sản phẩm lựa chọn một hoặc nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện KTTH với 3 nhóm theo thứ tự ưu tiên: (1) Hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường; tối ưu hoá sử dụng thiết bị, sản phẩm; tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; (2) kéo dài vòng đời sản phẩm và các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm, bao gồm: tái sử dụng (sản phẩm được người tiêu dùng khác tái sử dụng); tu sửa (sửa chữa hoặc bảo trì các sản phẩm bị lỗi để kéo dài thời gian sử dụng); tân trang (phục hồi và nâng cấp sản phẩm cũ); tái sản xuất (sử dụng các thành phần, linh kiện, cấu kiện của các sản phẩm thải bỏ vào các chức năng tương tự); thay đổi mục đích sử dụng (sử dụng các sản phẩm hoặc các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm thải bỏ cho sản phẩm mới có chức năng khác); (3) giảm chất thải phát sinh, bao gồm: tái chế chất thải (xử lý, chế biến chất thải để chuyển hóa thành nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có ích); thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải.

Hình 1. Cách tiếp cận và các biện pháp thực hiện KTTH

Nguồn: Okechukwo Okorie, 2018

Các yếu tố hình thành mô hình kinh doanh tuần hoàn

    Mô hình kinh doanh tuần hoàn là những mô hình sản xuất, kinh doanh được hình thành khi doanh nghiệp áp dụng các biện pháp, nguyên tắc của KTTH vào trong quá trình khai thác tài nguyên, chế biến, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thu hồi chất thải để tái sản xuất. Các yếu tố hình thành mô hình kinh doanh tuần hoàn được thể hiện ở  Bảng 1 dưới đây:

Các biện pháp của kinh tế tuần hoàn (9Rs)

+

Đổi mới sáng tạo

+

Thành tựu của khoa học & công nghệ; hạ tầng

+

Thể chế, chính sách, pháp luật

=

Mô hình kinh doanh tuần hoàn

 

Nguồn: Tác giả, 2022

Bảng 1. Các biện pháp của KTTH

    Khi áp dụng KTTH vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh doanh phù hợp với đặc trưng về ngành nghề, sản phẩm, thị trường và thể chế, pháp luật doanh nghiệp sẽ hình thành ra các mô hình kinh doanh tuần hoàn, tạo ra việc làm và thu nhập từ sự chuyển đổi này. Có một số nhóm mô hình kinh doanh tuần hoàn tiêu biểu sau (Hình 2): (i) Mô hình phục hồi tài nguyên là mô hình mà chất thải từ các hệ thống sản xuất và tiêu thụ được “tái sinh” và sử dụng cho các mục đích khác; (ii) Mô hình kéo dài vòng đời sản phẩm là các mô hình kinh doanh được hình thành thông qua áp dụng bảo dưỡng, cải thiện sản phẩm thông qua việc sửa chữa, nâng cấp, tân trang, hay tiếp thị lại thị trường sẽ duy trì những lợi ích về kinh tế của các sản phẩm này trong một thời gian dài; (iii) Mô hình trên nền tảng chia sẻ thông qua việc cho thuê, chia sẻ, trao đổi hay cho mượn những đồ dùng được  sở hữu nhưng ít được sử dụng; (iv) Mô hình xem sản phẩm là dịch vụ hình thành khi các doanh nghiệp chuyển từ việc bán sản phẩm sang dịch vụ cho thuê sản phẩm; và (v) Các mô hình kinh doanh khác như cung cấp dịch vụ tư vấn, đánh giá tuần hoàn; cung cấp dịch vụ thiết kế sinh thái, cung cấp các công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ cho áp dụng KTTH…

               Hình 2. Các mô hình kinh doanh tuần hoàn

                                                         Nguồn: EC, 2020

2. Mô hình Reuse-Refill trong thực hiện KTTH

Đặc trưng của mô hình tái sử dụng (Reuse) - tái nạp đầy (Refill)”

    Đối với thuật ngữ tái sử dụng (Reuse) là việc sử dụng lần thứ hai hoặc lần tiếp theo cùng một sản phẩm (bởi người dùng khác hoặc chủ sở hữu khác) mà vẫn ở trong trạng thái điều kiện và quản lý đủ tốt để đáp ứng chức năng ban đầu của sản phẩm đó (Morseletto, 2020). Sản phẩm được tái sử dụng vẫn giữ được chức năng và đặc điểm của chúng (Jayaraman, 2006). Tại Việt Nam, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 hướng dẫn Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra khái niệm tái sử dụng chất thải là việc sử dụng lại chất thải một cách trực tiếp hoặc sử dụng sau khi đã sơ chế. Sơ chế chất thải là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật cơ - lý đơn giản nhằm thay đổi tính chất vật lý như kích thước, độ ẩm, nhiệt độ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý nhằm phối trộn hoặc tách riêng các thành phần của chất thải cho phù hợp với các quy trình quản lý khác nhau.

    Tái nạp đầy (Refill), hiện nay tại Việt Nam, vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể nào đối với “refill”. Do đó, đểm đưa vào các chính sách, nhóm tác giả quyết định chọn thuật ngữ tiếng Việt “tái nạp đầy” đối với từ “refill”. Theo đó, tái nạp đầy (refill) được hiểu là khi người dùng làm đầy lại sản phẩm đóng gói, bao bì có thể tái sử dụng của họ ở nhà hoặc tại các nơi cung cấp dịch vụ làm đầy (Ví dụ: Các cửa hàng café cung cấp dịch vụ làm đầy nước lọc đối với những ai có nhu cầu và có mang theo bình riêng của họ). Refill đã được áp dụng từ xa xưa trong các lĩnh vực về bao bì, đóng gói thực phẩm và có thể được thực hiện ở các cấp độ như trong hộ gia đình hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh (trong các chuỗi sản xuất kinh doanh, phân phối, tiêu dùng). Cụ thể như đối với hộ gia đình, người tiêu dùng sử dụng giỏ đi chợ dùng nhiều lần, sử dụng chai thủy tinh để mua rượu, nước mắm. Ở cấp độ cở sở sản xuất kinh doanh, refill có thể áp dụng phổ biến trong lĩnh vực về bao bì, đóng gói thực phẩm… thông qua thiết lập các mô hình kinh doanh tuần hoàn (lĩnh vực bia, nước uống, nước giải khát…).

    Về bản chất Refill “tái nạp đầy” là một phần của Reuse “tái sử dụng”. Đối với mô hình Reuse-Refill thì hai thuật ngữ này luôn đi cùng với nhau để tạo thành mô hình kinh doanh, biện pháp của KTTH nhằm hướng đến giảm khai thác nguyên, nhiên vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh; giảm tác động xấu đến môi trường. Theo Ellen MacArthur (2019), mô hình về tái sử dụng có thể chia ra làm 2 kiểu, trong đó bao gồm việc tái nạp đầy (các sản phẩm đóng gói/bao bì được tái nạp đầy bởi người tiêu dùng) và trả lại (return – các sản phẩm đóng gói/bao bì được gửi trả lại cho đơn vị kinh doanh. Nhìn chung, reuse-refill là một mô hình kinh doanh, biện pháp để thực hiện KTTH, góp phần giảm khai thác nguyên, nhiên vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh; giảm tác động xấu đến môi trường.

Mối quan hệ giữa mô hình Reuse-Refill với thực hiện KTTH

    Bối cảnh KTTH, nếu như xem xét khía cạnh của một sản phẩm, thì “tái nạp đầy” là hành động tái nạp đầy lại phần “lõi” trong khi vẫn sử dụng lại phần “vỏ” của sản phẩm đó. Ngoài ra hệ thống tái sử dụng-tái nạp đầy trên thế giới hầu như chỉ liên quan đến ngành đóng gói và bao bì (packaging) (Coelho et al., 2020; Greenwood et al., 2021). Có rất nhiều hệ thống bao bì và đóng gói có thể tái sử dụng và được phân nhóm theo: (i) hoàn trả, trong đó thùng chứa được sở hữu và làm sạch bởi một doanh nghiệp (hoặc một nhóm doanh nghiệp) và (ii) tái nạp đầy lại, trong đó thùng chứa thuộc sở hữu của người tiêu dùng sau lần mua đầu tiên và sau đó đổ đầy các sản phẩm phụ trợ (tại nhà) hoặc được đưa đến một trạm để tái nạp đầy khi đang di chuyển (Ellen MacArthur Foundation, 2019; Greenwood et al., 2020).

    Mối liên hệ giữa tái sử dụng và KTTH có thể nhìn rõ nhất ở góc độ chuỗi sản phẩm hoặc sản xuất trong nền kinh tế. Mức độ tuần hoàn cao hơn của các nguyên vật liệu trong chuỗi sản xuất có nghĩa là về nguyên tắc, cần lượng tài nguyên thiên nhiên nhỏ hơn để sản xuất các nguyên vật liệu mới có tính chất nguyên sinh. Điều này đem lại nhiều lợi ích cho môi trường (Potting et al., 2017).

    Rà soát lợi ích và vai trò của mô hình Reuse - Refill với các tiêu chí cụ thể và biện pháp để thực hiện KTTH quy định tại Điều 138 Nghị định số 08/NĐ-CP cho thấy, mặc dù mô hình Reuse-Refill chỉ thực hiện một số biện pháp của KTTH như mô tả tại Bảng 1, góp phần thực hiện các tiêu chí về KTTH như: (i) giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; (ii) kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; (iii) hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.

3. Một số mô hình “Reuse-Refill” trong thực tiễn

 Kinh nghiệm trên thế giới

    Hệ thống tái nạp đầy đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây (Fuentes et al., 2019). Nếu được thiết kế tốt, hệ thống tái sử dụng/tái nạp đầy có thể đem đến nhiều kết quả thành công trong việc tiết kiệm sử dụng nguyên vật liệu điển hình như: Các túi tái nạp đầy cho chất tẩy rửa ở Nhật Bản đại diện cho 80% đến thậm chí 98% thị trường cho một số thương hiệu (Tập đoàn Kao, Nhật Bản).

    Tại Châu Âu, Liên minh Châu Âu đã ban hành Chỉ thị về nhựa sử dụng một lần để hạn chế việc sử dụng nhựa một lần bao gồm cả bao bì, với trọng tâm ban đầu là sản phẩm một lần như dao kéo, cốc cà phê, que khuấy và ống hút nhựa (EC, 2019) và Kế hoạch Hành động về KTTH năm 2020 đã đặt ra mục tiêu chuyển đổi tất cả các bao bì đóng gói nhựa sang nguyên liệu tái sử dụng hoặc tái chế vào năm 2030. Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm bao bì đóng gói nhựa tại nhiều quốc gia Châu Âu đã tích cực chuyển đổi hướng tiếp cận theo mô hình refill-reuse. Tiêu biểu là tập đoàn Uniliver đặt ra mục tiêu giảm thiểu hơn 100.000 tấn nhựa tiêu thụ vào năm 2025 thông qua hướng tiếp cận chuyển đổi (rethink) và mở đường cho các giải pháp mới theo mô hình tái sử dụng và tái nạp đầy. Bên cạnh việc thiết lập các khu vực tái nạp đầy tại các siêu thị và các địa điểm công cộng để kích thích nhận thức tái sử dụng của người tiêu dùng, Uniliver còn thay đổi thiết kế nhựa bằng nguyên liệu thép không gỉ mà người tiêu dùng có thể tái sử dụng nhằm giảm chất thải nhựa (Hình 3).

Hình 3. Khu vực tiếp nhận các sản phẩm tái nạp đầy (refill) của Uniliver

Nguồn: www.unilever.com

    Loop, một nền tảng vận chuyển (shipping) tuần hoàn, ra mắt vào tháng 5 năm 2019, hoạt động như thương mại điện tử dựa trên đăng ký cho các thương hiệu lớn như Unilever, Nestlé, Proctor và Gamble, cùng nhiều thương hiệu khác. Quyền sở hữu của bao bì được giữ bởi thương hiệu, do đó, thương hiệu quan tâm đến việc làm cho bao bì có khả năng chống chịu và bền nhất có thể. Sau khi người tiêu dùng giao hàng và sử dụng tại nhà, bao bì sẽ được Loop thu gom, làm sạch và tái nạp đầy trước khi bán lại. Cho đến nay, Loop cung cấp bao bì cho các sản phẩm dễ hỏng và có tỷ suất lợi nhuận cao như các sản phẩm làm sạch và chăm sóc cá nhân. Gần đây nhất, hệ thống siêu thị lớn nhất nước Anh – Tesco đã hợp tác với Loop - nền tàng bao bì tái sử dụng toàn cầu để phát động chiến dịch loại bỏ các bao bì không cần thiết và cho phép người tiêu dùng lựa chọn các thương hiệu sử dụng bao bí có thể tái chế, sau đó hoàn trả tại các khu vực tiếp nhận (container) để tái nạp đầy và tái sử dụng. Tại Ý, Casa Quick, một dịch vụ hoạt động từ năm 2001 của nhà sản xuất chất tẩy rửa và mỹ phẩm Allegrini S.p.A., cung cấp dịch vụ giao chất tẩy rửa tận nhà bằng cách sử dụng một thùng chứa có thể đổ đầy lại tại máy phân phối di động.

    Với sự gia tăng nhu cầu đối với thực phẩm mang đi trong 10 năm qua, số lượng các công ty cung cấp các lựa chọn thay thế cho cốc dùng một lần cho văn phòng, nhà hàng, quán cà phê, sự kiện và lễ hội ngày càng tăng. Điển hình như trường hợp của CupClub (Anh), Meu Copo Eco (Brazil), Globelet (Australia), ReCup (Đức) và Revolv (Inđônêxia). Để thay thế cho các bình chứa đồ mang đi sử dụng một lần, GoBox (Mỹ), reCIRCLE (Thụy Sĩ), Returnr (Áo), Ozarka và Sharepack (Hà Lan) cho thuê các bình/thùng chứa có thể tái sử dụng cho các nhà hàng, quán cà phê, quán bar và xe tải thực phẩm. Ozzi (Hoa Kỳ) cung cấp các bình/thùng chứa mang đi được người tiêu dùng hoàn trả thông qua hệ thống máy đặt cọc, được đặt trong các khu vực dịch vụ ăn uống như khuôn viên trường đại học. Fresh Bowl (Hoa Kỳ) bán các sản phẩm tươi sống (ví dụ: salad) đựng trong hộp thủy tinh có thể hoàn trả thông qua các máy bán hàng tự động.

    Tại Singapore, mô hình Refill-Reuse đã được áp dụng thông minh thông qua nền tảng số Muuse. Người tiêu dùng sẽ cài một ứng dụng trên điện thoại di động cá nhân, khi mua một cốc café tại các địa điểm có liên kết với hệ thống Muuse, người tiêu dùng sẽ scan mã QR code được gắn trên cốc đựng café để xác nhận sở hữu của mình đối với cốc café đó và có thể mang đi. Sau khi sử dụng xong, người tiêu dùng sẽ hoàn trả cốc đựng café đó tại hệ thống các địa điểm tiếp nhận của Muuse. Doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm làm sạch cốc đựng café và tái nạp đầy cốc café đó trong những lần tái sử dụng tiếp theo của người tiêu dùng.

Tại Việt Nam

    Trong thực tiễn kinh doanh đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng nguyên lý của Reuse-Refill trong một số ngành tiêu biểu như kinh doanh bia, rượu khi người dùng có thể tái nạp đầy bia, rượu tại các điểm bán công cộng hoặc thu hồi một phần tiền từ việc hoàn trả vỏ chai. Đối với lĩnh vực chất thải nhựa, ở cấp độ hộ gia đình, trong cộng đồng dân cư đã xuất hiện một số mô hình tiêu biểu liên quan đến Reuse-Refill như mô hình sử dụng làn đi chợ, giỏ đi chợ, cặp lồng cơm; sử dụng lại các thiết bị chứa đựng bằng nhựa. Đặc biệt, gần đây một số các tổ chức cá nhân đã phát triển nguyên lý của Reuse-Refill thành mô hình kinh doanh tuần hoàn. Ví dụ, mô hình tái sử dụng - tái nạp đầy đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện năm 2018 tại cửa hàng “Lại Đây Refill Station” với đầy đủ các giải pháp sản phẩm thân thiện với môi trường theo mô hình 5R (Reduce, Re-use, Recycle, Repair, Refuse). Hiện nay đã có hệ thống 3 cửa hàng trên toàn quốc với nhiều sản phẩm được tái sử dụng như sơ mướp làm thành bông tắm; xoài chín cây mà thương lái không mua được tạo xà bông thơm ngát; bàn chải làm từ tre; ống hút cỏ… Khách hàng đến sử dụng dịch vụ và mua sản phẩm sẽ phải tự mang chai lọ hoặc túi đựng đồ hướng tới mục tiêu tiết kiệm chi phí bao bì và giảm lượng rác thải không cần thiết.

4. Nhận diện một số khó khăn và đề xuất giải pháp nhân rộng và phát triển mô hình Reuse-Refill ở Việt Nam

Một số khó khăn thách thức

    Tại Việt Nam, mô hình Reuse-Refill phần lớn mới chỉ đề cập đến khía cạnh tái sử dụng chất thải. Quá trình thúc đẩy triển khai mô hình Reuse-Refill tại Việt Nam vẫn còn đang phải đối mặt với những thách thức như:

    Thứ nhất, nhận thức của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế. Tại Việt Nam, người tiêu dùng mới chỉ nhận thức về việc tái sử dụng sản phẩm, đối với tái nạp đầy, người tiêu dùng mới chỉ áp dụng trong hành vi tiết kiệm chi phí phát sinh. Quá trình phổ biến kiến thức về lợi ích và tác hại của hành vi thải bỏ bao bì sản phẩm sau khi sử dụng mới chỉ được triển khai ở quy mô hạn chế, chưa mang tính phổ cập, toàn diện và rộng rãi.

    Thứ hai, chưa có quy định thống nhất, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, bao bì đóng gói. Các bao bì, đóng gói sản phẩm tại Việt Nam được sản xuất chủ yếu nhằm hướng đến mục đích thu hút thị hiếu tiêu dùng của người tiêu dùng, trong khi mô hình reuse - refill đòi hỏi bao bì đóng gói được sản xuất, thiết kế đủ tiêu chuẩn để có thể tái sử dụng – tái nạp đầy.

    Thứ ba, tâm lý lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm tái chế và tái nạp đầy đối với sức khỏe và thói quen sử dụng các sản phẩm sản xuất mới thay vì sản phẩm tái chế sẽ tạo áp lực lên doanh nghiệp áp dụng mô hình reuse – refill.

    Thứ tư, nguồn lực hạn chế của các doanh nghiệp khối tư nhân và khả năng tiếp cận  các nguồn hỗ trợ tài chính còn đối mặt với nhiều trở ngại. Quá trình áp dụng và triển khai một mô hình kinh doanh mới như reuse – refill đòi hỏi sự chuyển đổi nguyên liệu sản xuất, thiết kế bao bì cũng như chất lượng sản phẩm sẽ khó có thể đạt được trong khoảng thời gian ngắn và đòi hỏi gia tăng nguồn vốn đầu tư.

    Thứ năm, thiếu các chính sách, cơ chế khuyến khích đảm bảo quyền lợi nhà sản xuất khi áp dụng, triển khai, nhân rộng và phát triển mô hình reuse - refill. Cùng với đó, hệ thống công nghệ, thiết bị và sản phẩm để hỗ trợ cho việc tái sử dụng. Việt Nam đã có một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, chính sách, chương trình còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Gia tăng chi phí đầu tư và suy giảm lợi nhuận sẽ là những rào cản khiến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn chưa có chính sách và hướng dẫn cụ thể đối với nhà sản xuất trong việc áp dụng triển khai mô hình Reuse - Refill.

Đề xuất các giải pháp để nhân rộng và phát triển mô hình

    Để có thể nhân rộng và phát triển mô hình này một cách hiệu quả, các giải pháp cần thực hiện:

    Một là, thay đổi nhận thức, hành vi người tiêu dùng thông qua các biện pháp như triển khai công cụ đặt cọc - hoàn trả, tăng cường các hoạt động truyền thông về áp dụng kinh tế tuần hoàn nói chung, Reuse-Refill nói riêng.

    Hai là, thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn, mẫu mã bao bì sản phẩm, thay đổi thiết kế hướng đến mục tiêu tái sử dụng, tái nạp đầy. Việc thống nhất quy chuẩn bao bì sản phẩm sẽ tạo thuận lợi cho các bên liên quan như khách hàng hoặc nhà đầu tư, đối tác kinh doanh đôi trong việc tìm kiếm đối tác.

    Ba là, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình triển khai mô hình “Reuse - Refill” như cam kết chất lượng của sản phẩm tái sử dụng; không làm mất thị hiếu sử dụng của người tiêu dùng; đảm bảo vệ sinh an toàn sức khỏe đối với người tiêu dùng.

    Bốn là, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất thông qua quá trình hoàn thiện các cơ chế chính sách theo cách tiếp cận dựa vào thị trường. Áp dụng các công cụ tài chính, công cụ kinh tế (thuế, phí môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, tín dụng xanh, trái phiếu xanh) nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thúc đẩy áp dụng các mô hình liên kết, đổi mới mô hình kinh doanh, chuỗi cung ứng từng sản phẩm để thu hồi các sản phẩm thải bỏ (bao bì, sản phẩm nhựa dùng 1 lần…).

    Năm là, lồng ghép hoạt động áp dụng mô hình Refill – Reuse trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH. Hiện nay Bộ TN&MT đang trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện KTTH, đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể ban hành những hướng dẫn mang tính pháp lý nhằm thúc đẩy quá trình triển khai mô hình đầy tiềm năng như Refill - Reuse.

    Sáu là, thúc đẩy đầu tư xã hội, đặc biệt là khu vực tư nhân, vào phát triển hệ thống hạ tầng thu gom, tái sử dụng chất thải; phát triển các công nghệ, thiết bị và sản phẩm hỗ trợ thực hiện các biện pháp KTTH và đồng thời tăng cường hoạt động tư vấn chính sách, tập huấn, đào tạo về KTTH nói chung và mô hình “Reuse-Refill” nói riêng để nhân rộng và phát triển các mô hình kinh doanh này trong thời gian tới.

Kết luận  và  khuyến nghị

    Có thể thấy, Reuse-Refill là một mô hình kinh doanh tuần hoàn, góp phần giảm khai thác tài nguyên, nhiên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Việc thúc đẩy áp dụng mô hình Reuse-Refill sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trên thực tiễn các mô hình kinh doanh Reuse-Refill đã và đang được thử nghiệm, nhân rộng trên thế giới, các quốc gia trong khu vực và một số địa phương ở Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động này ở nước ta mới mang tính chất thử nghiệm ở quy mô nhỏ và chưa được hệ thống hóa cần có các giải pháp nhằm nhân rộng và phát triển mô hình này. Bài viết đã chỉ ra những khó khăn gặp phải về nhận thức, quy định pháp lý, tâm lý của người tiêu dùng và nguồn lực. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng tài liệu hướng dẫn, xác định các chỉ tiêu cụ thể để nhận diện, đánh giá đối với mô hình này và đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong việc áp dụng KTTH vào trong sản xuất, kinh doanh nói chung và thực hiện mô hình Reuse-Refill nói riêng.

Lại Văn Mạnh, Nguyễn Trọng Hạnh, Nguyễn Thế Thông

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Quách Thị Xuân

Liên minh không rác Việt Nam

ThS. Nguyễn Phương Mai

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022)

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật BVMT năm 2020, Luật số 72/2020/QH15.

2. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

3. Coelho, P. M., Corona, B., ten Klooster, R., & Worrell, E. (2020). Sustainability of reusable packaging–Current situation and trends. Resources, Conservation & Recycling: X, 6, 100037.

4. EC. (2019). EU 2019/904, Directive on the Reduction of the Impact of Certain Plastic Products on the Environment, Brussels, Belgium (2019)

Ecover. (2021). Ecover [WWW Document]. https://www.ecoverdirect.com/products/non-bio-concentrated-laundry-liquid-15l-refill-up-to-420-washes/econnonbioliq15l.aspx?productid=econnonbioliq15l

Ý kiến của bạn