Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khu vực phía Nam

14/03/2023

    Ngày 14/3/2023, tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. 

    Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, quá trình quản lý đất đai ở khu vực miền Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm khác biệt so với các vùng miền trên cả nước, do đó, một trong những yêu cầu đặt ra với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là làm sao có được những quy định bảo đảm yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên, văn hóa cho các vùng, miền cũng như tính đa dạng, sự giao thoa trong vấn đề chính sách. Đặc biệt, chính sách đất đai cần bảo đảm để mọi người dân trên cả nước được tiếp cận công bằng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra của Luật Đất đai (sửa đổi) là phải phù hợp với điều kiện lịch sử, tự nhiên, văn hoá của các vùng, miền; vừa bảo đảm tính đa dạng, sự giao thoa trong chính sách quản lý, phân bổ đất đai, vừa bảo đảm quyền tiếp cận đất đai công bằng của mọi người dân. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mong muốn ý kiến của các tỉnh phía Nam đóng góp trực tiếp vào từng điều, khoản, mục trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để giúp cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo tốt hơn.

    Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, tiếp tục cụ thể hoá nội dung về trường hợp giao đất, cho thuê đất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm; cơ chế giao đất, cho thuê đất sản xuất nông nghiệp…

    Từ kinh nghiệm quản lý đất đai tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, theo Luật Đất đai hiện hành quy định đối với khu kinh tế, UBND tỉnh giao đất cho Ban quản lý khu kinh tế để thực hiện việc giao lại đất/cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trong khu kinh tế. Dự thảo Luật sửa đổi bỏ thẩm quyền giao lại đất/cho thuê đất của Ban Quản lý khu kinh tế mà tất cả đều do UBND các cấp quyết định; đồng thời có quy định xử lý chuyển tiếp đối với đất khu kinh tế tại Khoản 14 Điều 234 của dự thảo Luật. Theo ông Nhàn, nội dung dự thảo trên là phù hợp, tuy nhiên đối với một số đặc thù của địa phương như Khu kinh tế Phú Quốc hiện nay đã có Ban Quản lý khu kinh tế đang hoạt động hiệu quả tại chỗ, nếu bỏ thẩm quyền nêu trên sẽ gây rất nhiều khó khăn trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp do khoảng cách địa lý đến trung tâm hành chính tỉnh xa, khó di chuyển. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị giữ lại đất khu kinh tế cho một số trường hợp đặc thù như: Khu kinh tế Phú Quốc, Khu kinh tế cửa khẩu...

Quang cảnh Hội nghị

    Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận nêu vấn đề, tại Điều 80 dự thảo Luật Đất đai, cụ thể là điểm b khoản 1 về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, có nội dung: “Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm...”. Thực tế cho thấy, việc xác định “cố ý” hay “không cố ý” là rất khó khăn. Do đó, đề nghị nên sửa lại nội dung này, như sau: “Người sử dụng đất có hành vi hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm...”. Về đất tôn giáo, tín ngưỡng, tại Điều 203, dự thảo Luật quy định: “Tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở) thì chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của Luật này”. Thực tế hiện nay, đất do các cơ sở tôn giáo quản lý, sử dụng chủ yếu là đất nông nghiệp; theo khoản 2 Điều 120 quy định nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần đối với sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Như vậy, trường hợp cơ sở tôn giáo sử dụng đất nông nghiệp sẽ cho thuê trả tiền thuê đất một lần theo Điều 120, nhưng tại Điều 203 thì lại quy định cho thuê đất trả tiền hàng năm. Đây là nội dung cần rà soát để bảo đảm sự thống nhất của dự luật.

    Theo PGS.TS. Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ, khi Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai 2013 phục vụ các mục đích như quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thì giá đất tính bồi thường chưa phản ánh đúng giá trị trên thị trường. Thực tế cho thấy, trường hợp bên thu hồi đất (nhà nước hoặc doanh nghiệp) và bên có đất bị thu hồi (người dân) không có cùng quan điểm với nhau về mức giá đến bù thì “bên yếu thế” vẫn thường là người dân. Theo đó, liên quan đến vấn đề xác định giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để đầu tư hạ tầng đấu giá đất, PGS.TS. Phan Trung Hiền cho rằng cần xây dựng cơ chế để người dân tham gia vào quy trình xây dựng bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể, bởi họ không thể đứng ngoài cuộc khi người khác định giá tài sản do mình là chủ sử dụng…

    Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và nêu rõ, thời gian qua, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương đã triển khai việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đóng góp với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách bài bản, khoa học, xác thực, cụ thể, khả thi và tập trung đúng đối tượng. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khẳng định vai trò quan trọng của đất đai trong mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân. Qua đó, phát huy trí tuệ của nhân dân để đưa thực tiễn cuộc sống vào luật.

Nam Việt

Ý kiến của bạn