15/07/2025
Ngày 15/7/2025, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia và các bên liên quan về sự tương thích giữa Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và Dự thảo Kế hoạch hành động chiến lược về biến đổi khí hậu của ASEAN giai đoạn 2025 - 2030 (ACCSAP).
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường Nguyễn Trung Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường Nguyễn Trung Thắng cho biết, Báo cáo đánh giá lần thứ 6 (AR6) của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã chỉ ra rằng, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu (GHG) đang gia tăng liên tục trong thời gian gần đây. Trong đó, nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng và ngày càng leo thang của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái, nền kinh tế và xã hội; đặc biệt là khả năng vượt ngưỡng nhiệt độ nóng lên 1,5°C toàn cầu ngày càng tăng. Hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là nhiệt độ cao bất thường đã được ghi nhận trong thập kỷ qua. Năm 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử. Những biểu hiện này là thách thức vô cùng lớn đối với nhân loại toàn cầu trong việc ngăn chặn những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.
Theo Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng, bên cạnh việc chuẩn bị Tuyên bố chung của ASEAN về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC COP 30), ASEAN cũng đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược về biến đổi khí hậu của khu vực (ACCSAP) giai đoạn 2025 - 2030 nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, cam kết của ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng Kế hoạch cần dựa trên cơ sở các hoạt động hợp tác khu vực về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, phù hợp với Báo cáo biến đổi khí hậu ASEAN (ASCCR), Thỏa thuận Paris và các cam kết quốc gia về khí hậu như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Trong bối cảnh đó, Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES) phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược về biến đổi khí hậu của khu vực ASEAN giai đoạn 2025 - 2030 (ACCSAP), đảm bảo phản ánh đúng thực tế, phù hợp với ưu tiên và cấu trúc thể chế cụ thể của từng quốc gia thành viên. Đối với Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đầu mối quốc gia của Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu (AWGCC) và các bên liên quan thực hiện nghiên cứu, xây dựng Dự thảo báo cáo "Sự tương thích giữa các biện pháp thực hiện NDC của Việt Nam với các lĩnh vực hành động chiến lược trong Dự thảo ACCSAP". Để hoàn thiện báo cáo, Phó Viện trưởng mong muốn nhận được sự góp ý, tham vấn của các chuyên gia và nhà khoa học về nội dung: (1) Sự tương thích và khác biệt giữa các biện pháp thực hiện NDC của Việt Nam và các lĩnh vực ưu tiên trong Dự thảo Kế hoạch hành động chiến lược về biến đổi khí hậu của khu vực ASEAN; (2) Thực trạng lồng ghép mục tiêu, giải pháp thực hiện NDC của Việt Nam trong chiến lược, chính sách ngành và địa phương; (3) Các ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong thời gian tới; (4) Xác định cơ hội hợp tác, trao đổi kiến thức và huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và khu vực ASEAN; (5) Đề xuất khuyến nghị để góp phần hoàn thiện Kế hoạch hành động chiến lược về biến đổi khí hậu của khu vực ASEAN.
Quang cảnh Hội thảo
Chia sẻ thêm về nội dung này, bà Pimvadee KEAOKIRIYA, Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) cho rằng, việc xây dựng một chiến lược giảm nhẹ dài hạn cho ASEAN sẽ là chìa khóa để định hướng và hướng dẫn việc hoạch định chính sách theo ngành và liên ngành ở các quốc gia thành viên, phù hợp với lộ trình hướng tới các mục tiêu dài hạn của Thỏa thuận Paris (PA). Các cơ chế mới nổi như định giá các-bon hiệu quả và giao dịch năng lượng tái tạo thông qua lưới điện khu vực ASEAN, cũng như việc ưu tiên các chương trình REDD+ trong chính sách quốc gia, đều đóng vai trò thiết yếu. Hiện các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) đã chủ động thực hiện các biện pháp trong các lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính (GHG), giám sát, báo cáo và thẩm định (MRV) đối với kiểm kê GHG, cũng như trong hoạch định chính sách heo ngành trong quá trình xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Một số quốc gia thành viên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc củng cố khoa học khí hậu, bao gồm xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu, chi tiết hóa các dự báo khí hậu, đánh giá rủi ro và đánh giá mức độ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như tài nguyên nước và nông nghiệp. Tuy nhiên, các tiến bộ này vẫn chưa được mở rộng ra ngoài các lưu vực sông hoặc lĩnh vực cụ thể để áp dụng trên toàn khu vực.
Phân tích mối tương quan giữa các biện pháp thực hiện NDC của Việt Nam và các lĩnh vực chiến lược của ACCSAP giai đoạn 2025 - 2030, TS. Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường cho rằng, NDC và ACCSAP có sự thống nhất bởi cùng gắn liền với phát triển bền vững trong định hướng, thích ứng và giảm nhẹ phản ánh trong các chiến lược, quy hoạch. Bên cạnh đó, NDC và ACCSAP đều có kế hoạch tích hợp dài hạn giữa thích ứng và giảm nhẹ, thể hiện trong xây dựng và thực thi các công cụ chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia, hệ thống chính sách, biện pháp cụ thể cho địa phương. Ngoài ra, NDC và ACCSAP đều nhấn mạnh phương thức, biện pháp triển khai tập trung vào công cụ hỗ trợ tài chính khí hậu, xây dựng hệ thống minh bạch tài chính, triển khai khung giám sát hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, NDC và ACCSAP cũng lựa chọn ưu tiên giữa thích ứng và giảm nhẹ. Tuy nhiên, NDC còn thiếu lồng ghép cơ chế hợp tác khu vực và khuôn khổ chung của ASEAN, chưa thể hiện rõ ràng khung đối tác công - tư - nhân dân (PPPP) và thiếu tiếp cận toàn diện về chuyển dịch năng lượng công bằng, trong khi ACCSAP đã cập nhật những nội dung này. Ngược lại, ACCSAP chưa lồng ghép kinh tế tuần hoàn trong ngành chất thải và sản xuất, chưa lồng ghép giới và nhóm yếu thế… trong khi NDC đã cập nhật.
Bổ sung, điều chỉnh một số lĩnh vực ưu tiên của ACCSAP, TS. Nguyễn Sỹ Linh khuyến nghị cần bổ sung nội dung liên quan đến hợp tác quốc tế trong thực hiện ACCSAP; Điều chỉnh thành “Phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với giảm khai thác tài nguyên và phát sinh chất thải”; Xây dựng cộng đồng chống chịu thông qua áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên, dựa vào cộng đồng là lĩnh vực ưu tiên; Thực hiện các chương trình, dự án đảm bảo an ninh lương thực thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu…
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung, biện pháp trong NDC của Việt Nam phù hợp với ACCSAP; đề xuất kiến nghị đối với ACCSAP từ các ưu tiên về khí hậu trong NDC của Việt Nam…
Trung Hiếu