Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Cần ban hành danh mục các loài động vật hoang dã được phép gây nuôi vì mục đích thương mại

06/09/2022

Thực trạng về tình trạng gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại

    Trong những năm trở lại đây, đa dạng loài ở Việt Nam đã suy giảm với tốc độ chóng mặt do nạn săn bắt và buôn bán trái phép. Nhiều loài đang ở mức báo động, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao như voọc mũi hếch khi chỉ còn khoảng 190 cá thể, voọc mông trắng chỉ còn khoảng 100 cá thể, hổ chỉ còn lại 5 cá thể trong tự nhiên (IUCN, 2015). Như vậy, nếu không kịp thời áp dụng các biện pháp nhằm phục hồi loài thì kết cục tuyệt chủng như trường hợp của loài Tê giác Java Việt Nam năm 2010 sẽ còn lặp lại với nhiều các loài ĐVHD khác.

    Một trong các biện pháp được sử dụng để phục hồi loài là biện pháp bảo tồn chuyển vị hay bảo tồn chuyển chỗ, có nghĩa là “bảo tồn loài hoang dã ngoài môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị ngoài môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền trong các cơ sở khoa học và công nghệ hoặc cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền”, theo Luật Đa dạng sinh học 2008. Nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học cũng được quy định rõ: “Bảo tồn tại chỗ là chính, kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ”. Rõ ràng, không thể chỉ áp dụng một biện pháp riêng rẽ mà mang lại hiệu quả tích cực đối với phục hồi loài mà các biện pháp cần được đưa ra thống nhất và đồng bộ một cách kịp thời.

    Hiện nay, tham gia thực hiện công tác bảo tồn ngoại vi bao gồm các vườn động vật, trạm cứu hộ động vật, ngân hàng giống, bảo quản nguồn gen động vật. Trong đó, vườn động vật hay vườn thú là ví dụ điển hình cho các cơ sở thực hiện biện pháp này. Các vườn động vật có thể đóng vai trò đi đầu trong công tác bảo tồn ngoại vi bởi đây là nơi lưu giữ số lượng lớn các loài động vật nguy cấp, đồng thời sở hữu các kinh nghiệm chuyên sâu về kỹ thuật chăm sóc, nhân nuôi động vật.

    Đơn cử, theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học năm 2011, Vườn quốc gia Cát Tiên đã phục hồi, tái thả lại tự nhiên thành công loài cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis); năm 2010, Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu bước đầu thành công sinh sản nhân tạo loài Cá Ngựa thân trắng quý hiếm (Hippocampus kellogi) với kích thước lớn nhất có thể đạt được là 35cm. Cũng nhờ gây nuôi sinh sản mà loài hươu sao Việt Nam đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam từ lâu nhưng hiện vẫn còn giữ được nguồn gen. Như vậy, nhờ có chính sách khuyến khích gây nuôi bảo tồn ĐVHD mà chúng ta vẫn còn gìn giữ, phát triển được nguồn gen, phục hồi cá thể, quần thể của một số loài.

    Hoạt động gây nuôi bảo tồn thực sự mang lại ý nghĩa khi không chỉ hướng tới một mục đích duy nhất là gìn giữ nguồn gen và phục hồi số lượng loài đang bị đe dọa mà còn nhằm phục hồi quần thể loài hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Để thực hiện được điều ấy, một chương trình gây nuôi bảo tồn cần đảm bảo duy trì được tỷ lệ đa dạng nguồn gen cao trong một quần thể loài bởi điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sống sót, thích nghi của loài trong quá trình chọn lọc tự nhiên sau này. Ở đây, có ba vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, các cá thể giống ban đầu được lựa chọn phải đại diện cho tính đa dạng về gen, phạm vi phân bố, và cần duy trì một số lượng cá thể ban đầu không quá thấp. Thứ hai, cần quản lý chặt chẽ việc giao phối trong mùa sinh sản, đặc biệt tránh tình trạng giao phối cận huyết có hại giữa các cá thể. Thứ ba, cần ước lượng được quy mô loài tối thiểu để đảm bảo tính đa dạng của nguồn gen, khung thời gian và tốc độ sinh sản, sinh trưởng của loài. Tất cả các điều kiện trên đều đòi hỏi cơ sở gây nuôi phải có hiểu biết sâu sắc về loài, kinh nghiệm chăm sóc, cơ sở vật chất kỹ thuật cao mới có thể đáp ứng.

    Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối gây nuôi bảo tồn ĐVHD đó chính là không quản lý được các cơ sở gây nuôi vì mục đích thương mại. Chính điều này đã tạo cơ hội để nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật nhằm “hợp pháp hóa” ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp. Để vận chuyển ĐVHD, các đối tượng có thể dễ dàng mua “bảng kê lâm sản” (chứng minh ĐVHD có nguồn gốc hợp pháp) từ một cơ sở đã được cấp phép nuôi ĐVHD. Trong nhiều trường hợp, các cơ sở đã nuôi nhốt ĐVHD từ rất lâu trước khi chính thức được cấp giấy phép, một số cơ sở khác thì lại nuôi các loài không phải là loài đã được cấp phép nuôi. Thêm vào đó, năng lực còn hạn chế của cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi ĐVHD cùng nhiều vấn đề liên quan khác khiến cho bức tranh toàn cảnh về hoạt động nuôi ĐVHD tại các địa phương ngày càng trở nên tiêu cực.

    Hiện có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD đã được cấp phép ở Việt Nam. Số lượng các cơ sở trên thực tế có lẽ còn nhiều hơn nếu tính cả các cơ sở không được cấp phép hoặc đang trong quá trình thực hiện các thủ tục cần thiết để được cấp phép. Theo một nghiên cứu tiến hành trong giai đoạn 2014- 2015 của ENV, toàn bộ 26 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD được khảo sát (đa phần là các trại nuôi có quy mô lớn) đều có dấu hiệu “nhập lậu” ĐVHD. Gần đây hơn, ENV đã ghi nhận một khối lượng rất lớn ĐVHD, khoảng gần 30 tấn, được vận chuyển từ các cơ sở tại miền Nam đến cửa khẩu Móng Cái chỉ trong thời gian hơn 10 ngày. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng phần lớn các cá thể ĐVHD của lô hàng này đã bị săn bắt từ tự nhiên, rồi được “phù phép” trở thành ĐVHD có nguồn gốc từ các cơ sở nuôi được cấp phép.

    Theo thông tin từ một số đối tượng hoạt động trên địa bàn thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), ĐVHD bị buôn lậu bao gồm cả nhiều loài thuộc Phụ lục II CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) mà theo quy định cần phải được Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp phép xuất khẩu. Số ĐVHD này được đưa đến biên giới rồi “tuồn lậu” sang Trung Quốc mà không có giấy tờ hợp pháp. Pháp luật đã yêu cầu hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD không được gây ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể loài trong tự nhiên. Tuy nhiên, sự thực là mức độ ảnh hưởng của hoạt động này vẫn chưa được hiểu rõ và nghiên cứu đầy đủ. Các chuyên gia quốc tế về nhiều nhóm loài khác nhau đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về tốc độ gia tăng của các hoạt động khai thác và “nhập lậu” ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm mà nhiều loài trong số đó không hề phù hợp để gây nuôi thương mại. Theo quy định hiện hành, các cơ sở nuôi có thể được cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng hợp pháp ít nhất 39 loài hiện đang bị đe dọa trên toàn cầu. Nếu hoạt động gây nuôi thực sự là mô hình khép kín (nghĩa là không tiếp tục khai thác ĐVHD từ tự nhiên) thì vấn đề này không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nhập lậu từ tự nhiên diễn ra tràn lan, ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học của Việt Nam và cả các quốc gia khác trong khu vực.

Kiểm tra cơ sở nuôi động vật hoang dã ở thị trấn Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động nuôi thương mại ĐVHD

    Tăng cường công tác quản lý và thực thi pháp luật chính là hướng đi lâu dài để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để ban hành một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại. Thay vì quy định những loài không được phép gây nuôi thương mại, danh mục này sẽ quy định những loài có thể được gây nuôi và giới hạn hoạt động gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại chỉ được thực hiện với những loài thuộc danh mục này. Quản lý theo phương pháp này sẽ góp phần bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm bằng cách chấm dứt được tình trạng săn bắt, nhập lậu các loài này vào các cơ sở đăng ký gây nuôi thương mại.

    Việc có một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại cũng sẽ đơn giản hóa quy trình quản lý và phù hợp với năng lực thực tế của các cơ quan kiểm lâm. Với danh mục các loài được phép gây nuôi, cơ quan kiểm lâm các địa phương chỉ cần đảm bảo các cơ sở không gây nuôi những loài không nằm trong danh sách được phép nuôi. Cách thức quản lý này không những triệt tiêu được tình trạng tham nhũng, nhập lậu ĐVHD, giảm thiểu các thủ tục phức tạp mà còn khiến công tác quản lý các cơ sở nuôi thương mại ĐVHD không còn phụ thuộc vào năng lực của mỗi cán bộ kiểm lâm.

    Chỉ nên đưa vào danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại những loài có đặc tính sinh sản và sinh trưởng tốt trong môi trường nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa trong tự nhiên. Một số ít loài ngoại lệ khác cũng có thể được đưa vào danh mục này nhưng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các cơ quan khoa học CITES, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Có thể thêm hoặc loại bỏ loài khỏi danh mục trên cơ sở đánh giá khoa học để đảm bảo các yếu tố về tình trạng bảo tồn của loài, khả năng sinh sản trong môi trường có kiểm soát và hiệu quả kinh tế. Các cơ sở đã được cấp phép vào thời điểm trước khi danh mục này được ban hành sẽ được phép bán số động vật còn lại tại cơ sở với điều kiện các cá thể này có nguồn gốc hợp pháp. Sau đó các cơ sở này sẽ buộc phải tuân thủ theo quy định mới và chỉ được nuôi những loài trong danh mục loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại.

    Việc ban hành một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại là một giải pháp có thể ngăn chặn tình trạng lợi dụng lỗ hổng pháp luật về quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD, loại bỏ những tác động tiêu cực của hoạt động này đối với các loài ĐVHD đang bị đe dọa và đơn giản hóa đáng kể các thủ tục cho cả người nuôi và cơ quan quản lý trên toàn quốc. Đây là giải pháp toàn diện vì lợi ích bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tương lai an toàn cho các loài ĐVHD, đồng thời cho phép người dân phát triển kinh tế và tăng lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.

Đỗ Minh Phượng

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2022)

Ý kiến của bạn