Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

07/03/2023

    Ngày 28/2/2023, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận cho ý kiến trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tổ chức xin ý kiến nhân dân về dự thảo luật này. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thảo luận về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Quang cảnh Hội nghị

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai nói chung và tài chính đất đai nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, chặt chẽ cho việc huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Trong đó, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Số thu từ đất đai giai đoạn từ năm 2013 - 2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm trung bình khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Chính sách đất đai về nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường.

    Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau thời gian gần 10 năm thi hành, các quy định tại Luật Đất đai năm 2013, trong đó có các quy định về tài chính đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra một số hạn chế. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính và các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của ngành tham gia, đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; đồng thời, tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước cũng như của ngành tài chính.

    Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của các địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học. Về cơ bản, các ý kiến thể hiện sự đồng tình cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số một số nội dung liên quan đến tài chính đất đai quy định tại dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ đưa ra nhiều góp ý tập trung vào những vấn đề như: Các khoản thu tài chính từ đất đai; căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; bảng giá đất, việc xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; căn cứ, điều kiện, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một số trường hợp giao đất, cho thuê đất…

    Phát biểu từ điểm cầu địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước về đất năm 2022 đạt 689 tỷ đồng, chiếm 20% tổng thu ngân sách của tỉnh, nhưng qua thực hiện xuất hiện nhiều vướng mắc, như xác định giá đất, bảng giá đất. Việc xác định giá đất khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết khó thực hiện trên thực thực tế, vì khó đánh giá tính tăng giảm của điều chỉnh quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đề xuất cần xây dựng bảng giá đất theo vùng, theo vị trí, tùy thuộc từng tuyến đường đến từng thửa đất. Ngoài ra, giá đất tính tiền sử dụng đất cũng cần phân định rõ ràng trong hạn mức và ngoài hạn mức.

    Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ngô Phước Thành cho rằng, hiện nay, giao tiền sử dụng đất cho một loạt các đơn vị, cả đơn vị tự chủ tài chính và chưa tự chủ tài chính. Tuy nhiên, trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định thành 4 nhóm chứ không phải 2 nhóm, do đó cần quy định thống nhất giữa dự thảo Luật và Nghị định hiện hành…

    Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi bày tỏ sự trân trọng ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các Sở, ngành địa phương, đồng thời khẳng định Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ghi nhận các góp ý và tổng hợp để sớm báo cáo Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm đóng góp một cách thiết thực vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, dự kiến tiếp tục được Quốc hội đưa ra thảo luận và thông qua vào kỳ họp cuối năm 2023.

Chí Viễn

Ý kiến của bạn