Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tiếp cận Quỹ Khí hậu Xanh: Phương thức quan trọng để huy động nguồn lực thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh ở Việt Nam

03/09/2015

   Theo kết quả nghiên cứu xây dựng đường cong chi phí biên giảm phát thải khí nhà kính - GHG (MACC), Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để đạt được mục tiêu giảm phát thải GHG tới năm 2020. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), dành tới 64% chi ngân sách quốc gia cho các hoạt động liên quan đến BĐKH trong giai đoạn 2010-2013. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về nguồn lực cho các hoạt động xanh và ứng phó BĐKH là khá lớn.Hơn nữa, là một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi, Việt Nam cần chuẩn bị hiệu quả để tiếp cận các nguồn lực bên ngoài nhằm thực hiện trách nhiệm trong cuộc chiến chống lại BĐKH toàn cầu.Quỹ Khí hậu Xanh - GCF là hy vọng cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhưng luôn nỗ lực như Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác hướng tới một tương lai xanh hơn và có sức chống chịu tốt hơn với BĐKH. Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các quốc gia về tính sẵn sàng và khả năng để có thể đạt đủ điều kiện yêu cầu của Quỹ GCF là khá cao. Bài viết sẽ cung cấp cho người đọc những lợi ích và thách thức của GCF cũng như phân tích tính sẵn sàng của Việt Nam trong việc chuẩn bị tiếp cận Quỹ.

   1. Nguồn lực tài chính Việt Nam cần để thực thiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) (VGGS)

   Theo ước tính của Ngân hàng châu Á (ADB), Việt Nam cần khoảng 2-6% GDP để phục hồi thiệt hại từ BĐKH. Ngoài ra, để thực hiện VGGS, đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD , trong đó 70% mục tiêu là từ khu vực tư nhân.

   Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam đã huy động các nguồn lực, bao gồm việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và thể chế: Thành lập tổ công tác khí hậu tài chính (CFTF- quyết định 505/QĐ-BKHDT, 25/4/2013); Phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho BĐKH (CPEIR - công bố vào tháng 5/2015); Phối hợp với UNDP và GGGI xây dựng chủ trương đầu tư xanh; Ban hành Khung ưu tiên thích ứng BĐKH cho SEDP (hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới). Đồng thời, đã ban hành các Chiến lược và chương trình liên quan đến BĐKH và TTX; Một số tiến triển đã đạt được trong việc lồng ghép ứng phó BĐKH giữa ngành và địa phương, tuy nhiên vẫn còn nhiều khoảng trống.

   Danh sách các lựa chọn phát thải khí nhà kính và kết quả của nghiên cứu MACC, năm 2020 (tỷ lệ chiết khấu = 12%)

Ngành

Số lượng tuỳ chọn

Tổng vốn đầu tư (triệu USD)

Tổng số phát thải CO2 tồn hàng năm (MtCO2)

MAC trung bình (USD/tấn CO2)

Tòa nhà

3

3.33

0.17

-69.46

Vật liệu xây dựng

1

17.54

0.49

-14.39

Xi măng

3

725.00

 2.61

-45.27

Dệt may

2

0.00

0.08

-60.28

Hộ gia đình

10

 2,279.19

16.54

-32.32

Bột giấy và giấy

2

0.00

0.19

-93.46

Phát điện

10

27,625.00

61.37

16.11

Sắt thép

3

79.50

0.22

-44.60

Giao thông đường bộ

1

0.00

3.45

0.00

Tổng

35

30,729.56

85.12

 

 

 

   Về nguồn tài chính, chính phủ Việt Nam đã khai thác nhiều kênh/hình thức tài trợ cho các hoạt động. Những hình thức tài chính khí hậu ở Việt Nam bao gồm: Từ nguồn công: Đầu tư cho các dự án BĐKH và TTX (khoảng 1 tỷ USD mỗi năm); Chi thường xuyên cho các nghiên cứu, các dự án xây dựng năng lực và nguồn ODA: Từ năm 1993, khoảng 11 tỷ USD dưới hình thức liên quan đến các dự án & chương trình về BĐKH và ngân sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng có nguồn hỗ trợ từ REDD+, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, CDM, FDI, chứng khoán, đầu tư tại chỗ…

Các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ hỗ trợ của GCF như năng lượng phát thải thấp, sử dụng tài nguyên rừng và đất…

   Theo báo cáo của CPEIR, ngân sách Chính phủ đã đóng góp nhiều cho tổng nguồn lực để ứng phó với BĐKH tại Việt Nam với tỷ lệ lên đến 64%. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa nhu cầu và nguồn cung cấp khi so sánh 66 hoạt động trong Kế hoạch hành động Quốc gia về TTX (VGGAP) với các dự án và chương trình đang thực hiện được tài trợ bởi đối tác phát triển hoạt động tại Việt Nam, hiện nay có 177 chương trình, dự án liên quan đến 36 hành động của VGGS; 129 chương trình, dự án liên quan đến 26 hành động VGGS; Các chương trình/dự án khác liên quan đến VGGS. Như vậy, vẫn còn 30 hành động của VGGAP chưa nhận được hỗ trợ ODA. Do đó, cần thiết phải có nhiều nỗ lực để tiếp cận nguồn tài chính khí hậu song phương và đa phương để Việt Nam có thể thực hiện mục tiêu của mình.

   Trên toàn cầu, hàng năm, có gần 200-364 tỷ USD từ các quỹ công và tư nhân dành cho tài chính khí hậu. Tuy nhiên, số tiền này chỉ chiếm 20-30% của mức 1 nghìn tỷ USD cần để thực hiện việc chuyển đổi sang nền kinh tế TTX trong thập kỷ tới. Đến nay, các nước tài trợ đã cam kết 35 nghìn tỷ USD cho các hoạt động liên quan đến khí hậu trên toàn cầu và tổng cộng 26 tỷ USD đã được dành cho 25 quỹ khí hậu khu vực công. Thực tế cho thấy, nguồn tài chính khí hậu từ khu vực tư nhân chiếm ¾ trong tổng nguồn tài chính từ nguồn công và tư nhân trên toàn cầu trong năm 2011 và 2012.

   Hội nghị Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) năm 2009 và 2010 đã chiếm ưu thế thỏa thuận để dành 100 tỷ USD hàng năm nhưng thực tế cho thấy, thỏa thuận này đã không đạt được. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến cơ chế huy động các khoản tiền đó không rõ ràng, (từ cộng đồng các nhà tài trợ hay thị trường các bon, hay các quỹ từ khu vực công và khu vực tư nhân). Quỹ GCF đang nỗ lực thực hiện thỏa thuận này. Tuy nhiên, phải mất thời gian để Quỹ thực sự đi vào hoạt động. Do đó, các nước đang phát triển phải đối mặt với các thủ tục và điều kiện phức tạp, chưa minh bạch trong tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu đa dạng.

   Như vậy, trong dài hạn, Việt Nam cần phải sắp xếp cơ cấu tổ chức phù hợp trong quản lý tài chính khí hậu và sự điều phối để đảm bảo cơ chế hiệu quả cũng như xây dựng lòng tin và sự minh bạch trong các kênh tài chính khí hậu. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần xác định cơ chế/nguồn nào triển vọng để phát triển. Quỹ GCF là một hy vọng cho quốc gia dễ bị tổn thương do BĐKH nhưng luôn nỗ lực như Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác để hướng tới một tương lai xanh và có sức bật hơn.

   2. Quỹ Khí hậu xanh - công cụ để thúc đẩy giải ngân vốn cho quỹ khí hậu quốc tế

   Quá trình hình thành GCF: CCF là một tổ chức điều hành chính theo cơ chế tài chính của Công UNFCCC. Quỹ được ủy thác đạt được các mục tiêu mà cộng đồng quốc tế nhằm chống BĐKH. Hội nghị các Bên tham gia và UNFCCC thành lập GCF để tạo ra sự thay đổi đáng kể theo hướng phát triển ít phát thải cácbon và bền vững ở các nước đang phát triển cũng như giúp đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2oC. GCF là thể chế tài chính đa phương độc lập có nhiệm vụ duy nhất là cung cấp một lượng nguồn tài trợ cho thích ứng và giảm nhẹ BĐKH.

   Không giống như cơ chế tài chính quốc tế khác, Quỹ có một bước đột phá trong cơ cấu quản trị. Ban chỉ đạo Quỹ GCF được thành lập bình đẳng với 24 thành viên là đại diện của cả nước đang phát triển và phát triển. Đây là lần đầu tiên mà các nước đang phát triển có tiếng nói trong quá trình ra quyết định trong bất kỳ cơ chế tài chính lớn trong vấn đề BĐKH. Quỹ cũng cam kết dành 50% của các nguồn lực của mình vào dự án thích ứng, đặc biệt tập trung vào việc hỗ trợ những nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất trước do những tác động nặng nề của BĐKH, như các quốc gia nhỏ, nước kém phát triển nhất và châu Phi.

Các lĩnh vực tài trợ chính:

Giảm nhẹ

Giảm phát thải

Thích ứng

Tăng mức độ chống chịu

Năng lượng tái tạo - tái sinh

Nông nghiệp

Mức độ chống chịu của các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS)

Các tòa nhà, thành phố, ngành công nghiệp và thiết bị

 

Sinh kế của người dân và cộng đồng

Giao thông vận tải

Các TP

Cơ sở hạ tầng + môi trường xây dựng

Lâm nghiệp

Y tế, An ninh lương thực và bảo vệ nguồn nước

 

Hệ sinh thái và các Dịch vụ hệ sinh thái

Sử dụng tài nguyên rừng và đất

 

 

 

   Đặc điểm chính: GCF nhận được sự chú ý của cả bên nước phát triển và nước đang phát triển, cũng như khu vực tư nhân. Nguồn vốn của GCF dự kiến sẽ đến từ các nước phát triển và các khu vực tư nhân. Theo các cuộc đàm phán tại Hội nghị về BĐKH của Liên hợp quốc (COP) và buổi họp ban chỉ đạo Quỹ , các nước cần chỉ định một đầu mối để tiếp cận GCF. Các nước có thể tiếp cận Quỹ cả trực tiếp và gián tiếp (như cách Việt Nam đang sử dụng các nguồn lực từ Quỹ Môi trường toàn cầu, Quỹ thích ứng, song song với gián tiếp tiếp cận với GCF). Các quốc gia cũng có thể tăng cường năng lực và tiếp cận với hỗ trợ kỹ thuật cho cơ quan thẩm quyền quốc gia để đáp ứng các nhu cầu của GCF để đủ điều kiện tiếp cận trực tiếp.

   Các đặc điểm chính của GCF bao gồm: Cân bằng cơ cấu quản trị để đảm bảo các quyết định dựa trên đồng thuận giữa 12 đang phát triển và 12 nước phát triển; Khả năng tham gia trực tiếp cho cả khu vực công và tư nhân đối với các khoản đầu tư nhạy cảm với khí hậu có tính chuyển đổi; Mục tiêu ít nhất 50% trong kinh phí thích ứng của Quỹ cho các nước dễ bị tổn thương.               

   Mục tiêu của GCF: Quỹ được thành lập để tài trợ cho các dự án về lĩnh vực TTX, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với BĐKH.

   Điều kiện để tiếp cận GCF: Cuộc họp Ban chỉ đạo Quỹ lần thứ 7 đã đề xuất các tiêu chuẩn tín dụng cơ bản quan trọng, bao gồm những yêu cầu ủy thác tối thiểu để đảm bảo các tiêu chuẩn và năng lực trong: Chức năng tài chính và hành chính cốt lõi; Quản trị tốt; Các quy trình và hệ thống đấu thầu; Tính minh bạch và nhất quán; Chu kỳ quản lý dự án.

   Tất cả những đơn vị được Quỹ chứng nhận phải đáp ứng và tuân thủ những tiêu chuẩn và tiêu chí tín dụng cơ bản. Sự công nhận đối với những tiêu chuẩn tín dụng này sẽ cho phép thực hiện Khung hướng dẫn, thủ tục cho các cơ quan thực hiện quốc gia và cơ quan thực hiện đa phương, khu vực, quốc tế, bao gồm những nguyên tắc và tiêu chuẩn tài chính và trách nhiệm BVMT và xã hội.

   Việt Nam cần nắm bắt những hỗ trợ tài chính và kỹ thuật quốc tế để giải quyết vấn đề BĐKH và phát triển bền vững.Điều quan trọng đối với Việt Nam là xây dựng cấu trúc và cơ chế phù hợp để tiếp nhận, phân bổ các nguồn tài chính BĐKH.Điều này đòi hỏi phải đặt ưu tiên cho công tác xây dựng năng lực, thiết lập danh mục ưu tiên và đảm bảo quá trình điều tiết minh bạch vì đây là những yêu cầu nghiêm ngặt của GCF cũng như những cơ chế tài chính quốc tế khác. Đặc biệt, cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chủ chốt như Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính để đảm bảo Quỹ BĐKH được sử dụng cho những lĩnh vực cần thiết.

   Một trong những bước khởi đầu quan trọng là các nước nên chính thức đề cử một Cơ quan Thẩm quyền Quốc gia (NDA) và thông báo cho Ban Thư ký GCF. GCF đòi hỏi một số cơ chế mới, bao gồm: sự tham gia của khu vực tư nhân, cần khai thác các nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân trong nước về vốn đối ứng, hoặc thông qua các quan hệ đối tác công-tư (PPP), hoặc các ngân hàng thương mại. Do vậy, để đủ điều kiện tiếp cận GCF, Việt Nam cần lồng ghép các chính sách có liên quan của GCF với chương trình nghị sự cải cách khung pháp lý quốc gia, bao gồm sự quản lý của nhà nước đối với ODA và PPP cũng như các chính sách cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs);

   Những bài học kinh nghiệm và trao đổi thông tin với các đối tác phát triển và các quốc gia đang phát triển thành công khác (như Ngân hàng Thế giới, UNDP, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Inđônêxia ..), NDA đóng vai trò như một cơ quan tổng hợp phụ trách lập kế hoạch và điều phối các nguồn lực phát triển khác nhau, bao gồm những nguồn cho vấn đề BĐKH. Những yêu cầu sẽ được xử lý bởi NDA: Có khả năng kết hợp nguồn lực từ GCF với các nguồn khác như ngân sách trong nước, ODA, FDI và các nguồn từ khu vực tư nhân nhằm phát triển, bao gồm việc giải quyết vấn đề BĐKH. Đây là một yêu cầu cần thiết để đảm bảo tính dài hạn và bền vững của các nguồn tài chính dành nhằm phát triển ở tất cả các nước. Đồng thời, đáp ứng tất cả các yêu cầu tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính cho phát triển; Tiêu chí lựa chọn các dự án đủ điều kiện và phù hợp với chiến lược cùng ưu tiên phát triển quốc gia cũng như tránh bị chồng chéo.

   Trong hệ thống và bối cảnh của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì những nhiệm vụ nêu trên, bao gồm việc quản lý của nhà nước đối với ODA, PPP, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như tham gia từ khu vực tư nhân. Ngoài ra, bằng cách nghiên cứu các tiêu chí do Ban Điều hành Quỹ GCF đề xuất (tham khảo Khung hướng dẫn để được công nhận tại cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 9 vào tháng 3/2015, đến nay vẫn chưa được chính thức ban hành), theo nghiên cứu về sự sẵn sàng của Việt Nam, các hoạt động sau đây cần được ưu tiên thực hiện: Xây dựng Danh mục các dự án ưu tiên về BĐKH và TTX được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Khung pháp lý về chủ trương đầu tư cho các dự án BĐKH và TTX; Đánh giá toàn diện về chi tiêu công cho BĐKH và TTX; Kế hoạch lồng ghép BĐKH và TTX vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng một Quỹ được quản lý bởi Chính phủ theo tiêu chuẩn quốc tế.

   Nhìn chung, để tiếp cận được Quỹ, các tổ chức cần làm việc với các Đơn vị được chứng nhận (Đơn vị Thực hiện song phương (NIE) hoặc đa phương (MIE), có thể là cơ quan nhà nước, tư nhân và phi Chính phủ).

   3. Việt Nam làm cách nào để chuẩn bị sẵn sàng tiếp cận GCF

   Khung pháp lý: Chính phủ Việt Nam (CPVN) đã xây dựng một loạt các chiến lược và chương trình ứng phó với BĐKH để giải quyết những thách thức đặt ra. Có nhiều sáng kiến, song các biện pháp có thể được đưa ra để giám sát và đánh giá tính hiệu quả của những đề xuất. Thiết lập một chương trình ứng phó với BĐKH hiệu quả yêu cầu gia tăng tập trung phát triển năng lực, huy động thêm nguồn lực và tăng cường cung cấp hỗ trợ giữa cấp quốc gia và địa phương từ Chính phủ và các đối tác khác.

   Quá trình chuẩn bị về mặt kỹ thuật cụ thể: Theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Chính phủ yêu cầu thành lập một ban điều phối liên Bộ (ICB) về Tăng trưởng xanh thuộc Ủy ban Quốc gia về BĐKH (NCCC). ICB do một Phó Thủ tướng đứng đầu và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch thường trực.

   Nhóm Công tác Tài chính Khí hậu (CFTF) do Bộ KH&ĐT cũng được thành lập để nghiên cứu cách tiếp cận các quỹ quốc tế cho TTX và BĐKH và tham mưu cho Bộ KH&ĐT, ICB và Chính phủ. CFTF đã hợp tác với các đối tác phát triển nghiên cứu lựa chọn khung thể chế và tổ chức giúp Việt Nam sẵn sàng tiếp cận các quỹ quốc tế về BĐKH và TTX, bao gồm GCF; Thực hiện Báo cáo Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho BĐKH (CPEIR); Xây dựng Hướng dẫn đầu tư xanh để trình lên Thủ tướng Chính phủ.

   Bên cạnh đó, Việt Nam đang chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.Đây là cơ hội tốt để lồng ghép BĐKH và TTX vào kế hoạch phát triển thông qua khung ưu tiên các hoạt động thích ứng (ban hành năm 2013) và nguyên tắc đầu tư xanh đưa ra trong năm 2014. Để thúc đẩy quá trình tiếp cận các nguồn tài chính, Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới và UNDP để phát triển website Cơ sở thông tin TCKH (CFO), giúp Việt Nam trở thành một trong số rất ít các quốc gia có cơ sở thông tin công cộng tiên tiến này.

   Ngoài công tác chuẩn bị chung cho các quỹ quốc tế, Việt Nam đã đi trước các bước cần thiết để đạt được sự hỗ trợ từ GCF: Tham dự Lễ ra mắt chính thức của GCF vào tháng 12/2013 và có một cuộc họp với bà Hella, Giám đốc điều hành của GCF; Chính thức giao Bộ KH&ĐT làm NDA cho GCF vào tháng 6/ 2014; Làm việc chặt chẽ với các đối tác phát triển như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Ngân hàng Thế giới, Bỉ, UNDP để tiếp tục chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và tăng cường khả năng tiếp cận GCF với sự tham gia của tất cả các cơ quan liên quan và thực hiện các dự án thí điểm; Thiết kế thành lập Quỹ Hỗ trợ TTX (GGSF) với 5 triệu Euro từ viện trợ không hoàn lại của Bỉ. GGSF dự kiến sẽ có các mục tiêu và tiêu chí hoạt động phù hợp với những yêu cầu của GCF, để có thể trở thành một đầu mối thành công nhận được hỗ trợ trực tiếp từ GCF…

   4. Kết luận

   Trong bối cảnh quốc tế, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu quốc tế. Đáng chú ý, Việt Nam đã nhận được các nguồn tài chính khí hậu đáng kể theo hình thức hỗ trợ ngân sách thông qua SP-RCC và Quỹ Công nghệ sạch của Ngân hàng Thế giới (CTF).

   Đặc biệt, đối với GCF, Việt Nam đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng mềm và năng lực để tiếp cận gián tiếp (trong ngắn hạn) và rất quan tâm đến phương thức tiếp cập trực tiếp GCF (trong dài hạn). Liên quan đến lập kế hoạch chiến lược, Việt Nam đã trình báo cáo Truyền thông Quốc gia lần thứ nhất và thứ hai cho UNFCCC và chuẩn bị văn bản toàn diện các chiến lược quốc gia như Chiến lược ứng phó với BĐKH quốc gia, Chiến lược TTX quốc gia, Chương trình hành động quốc gia về BĐKH, Kế hoạch hành động quốc gia về TTX... Các chiến lược đã được đưa vào hoạt động bởi một tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật (Luật/Nghị định /Quyết định/Thông tư).Hiện tại, một số chiến lược đang được thực hiện. Cụ thể, Kế hoạch hành động quốc gia về TTX đã xác định những lĩnh vực và hành động ưu tiên cũng như các dự án được tài trợ từ ngân sách nhà nước, vốn ODA và khu vực tư nhân. Các hình thức huy động tài chính cũng được giải quyết.

   Liên quan đến công tác theo dõi ngân sách quốc gia liên quan đến BĐKH, Việt Nam chưa có hệ thống tổng thể. Tuy nhiên, Việt Nam đã tiến hành rà soát chi tiêu và đầu tư công cho BĐKH. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của nguồn tài chính trong nước như một phần cốt lõi trong việc sử dụng nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, hỗ trợ quốc tế là nguồn lực bổ sung. Vì vậy, điều quan trọng là phát triển một cơ chế tài chính để tham gia và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp.GCF có riêng một Quỹ tư nhân giúp huy động đóng góp từ khu vực tư nhân và có cơ chế cho phép doanh nghiệp tiếp cận Quỹ.Việt Nam cần tích cực đóng góp vào việc thiết kế cách tiếp cận như vậy và xác định một phương hướng tiếp cận phù hợp trong bối cảnh riêng của mình. Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu để đưa ra danh sách các dự án BĐKH/TTX có thể được sử dụng theo cơ chế Quan hệ đối tác công - tư. Trái phiếu xanh và thị trường chứng khoán xanh cũng đang được nghiên cứu để gia tăng tiềm năng huy động thêm nguồn lực cho một Việt Nam xanh hơn.

 

ThS. Nguyễn Thị Diệu Trinh

Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8 - 2015)

Ý kiến của bạn