Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/07/2024

Thực trạng và giải pháp phát triển tài nguyên rừng ngập mặn ở Sóc Trăng

15/01/2016

   Rừng ngập mặn (RNM) có vai trò quan trọng như BVMT, duy trì tính ổn định và độ màu mỡ của đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, ngăn chặn xói mòn đất, làm giảm nhẹ sức tàn phá khốc liệt của các thiên tai, bảo tồn nguồn nước và làm giảm mức ô nhiễm không khí... RNM ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng đang chịu nhiều tác động do con người cũng như thiên tai gây ra. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, một diện tích lớn rừng bị hủy diệt và sự tàn phá này lại tiếp tục gia tăng. Diện tích RNM của tỉnh Sóc Trăng đã giảm đáng kể, từ 1.791,9 ha năm 1965 xuống chỉ còn 719,3 ha năm 1995. Trong những năm gần đây, diện tích và chất lượng của RNM tỉnh Sóc Trăng bị suy giảm nhanh chóng. Trước vai trò to lớn của RNM và tác động ngày càng mạnh mẽ của con người, báo cáo này đề cập đến một số nguyên nhân làm suy giảm diện tích RNM do con người gây ra và đề xuất giải pháp nhằm phát triển RNM ở tỉnh Sóc Trăng.

RNM Sóc Trăng có tác dụng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ vùng ven biển, tạo ra nơi cư trú cho nhiều loài động vật hoang dã

   1. Hiện trạng và diễn biến tài nguyên RNM ở Sóc Trăng

   Diện tích đất rừng vùng ven biển hiện có khoảng là 5.684 ha, chiếm 4,8% diện tích tự nhiên của vùng ven biển và khả năng có thể lên đến 12.312 ha, chiếm 9,8% diện tích tự nhiên của vùng ven biển và bằng 88,0% đất rừng của tỉnh Sóc Trăng, điều này cho thấy vị trí quan trọng của rừng vùng ven biển đối với cả tỉnh Sóc Trăng trong cân bằng sinh thái đặc thù rừng ven biển.

   RNM ở Sóc Trăng chủ yếu là rừng phòng hộ BVMT có diện tích rừng là 280,9 ha; Rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển có tổng diện tích RNM phòng hộ là 5.300 ha trong đó Cù Lao Dung: 1.000 ha; Long Phú: 800 ha; Vĩnh Châu: 3.500 ha. Tuy nhiên, qua đo đạc bằng công cụ viễn thám, diện tích rừng ven biển của Sóc Trăng đạt 9.338 ha, trong đó, diện tích rừng trong phạm vi đường bờ (ranh giới triều trung bình) là 3.209 ha, ngoài ranh giới đường bờ là 6.129 ha. Trong đất RNM, rừng phòng hộ chủ yếu là rừng tràm (4.300 ha) tập trung nhiều ở Cù Lao Dung và Trần Đề; rừng đước, rừng mắm ở thị xã Vĩnh Châu. Với sự phân bố cây rừng như vậy, có thể thấy hệ sinh thái (HST) RNM trong vùng ven biển rất phong phú về chủng loại thực vật và động vật. Đây là nơi có sản lượng sinh khối động thực vật lớn, nơi sinh đẻ, nuôi dưỡng và cung cấp thức ăn quan trọng cho các loài cua, cá, tôm biển và nhiều loại khác có giá trị kinh tế lớn; bồi đắp đất đai, bảo vệ vùng ven biển; tạo ra nơi cư trú cho nhiều loại động vật hoang dã.

   RNM ven biển Sóc Trăng có 2 loài thuộc sách đỏ Việt Nam, đó là: Đối với loài đước: đước và mắm là hai loài chiếm ưu thế trong RNM Sóc Trăng. Trong RNM, mắm và bần đắng là hai loài cây tiên phong lấn biển, tiếp đến là đước chúng tạo thành quần thể hỗn giao với mắm và thay thế dần mắm để tạo nên quần thể đước đơn loài. Đước cũng là loài có giá trị kinh tế cao của rừng ngập mặn, nên thường được chọn là cây để trồng rừng. Do đó, loài cây này hiện trong tình trạng phát triển tốt; Đối với loài quao nước, đây là loài cây sống trong môi trường nước lợ. Do cây không có giá trị kinh tế nên ít bị chặt phá.

   Hàng năm, lượng phù sa lớn do sông Hậu mang lại được bồi lắng ở cửa sông và trong các dải RNM ven biển, bãi biển nên diện tích vùng này ngày càng được mở rộng ra biển. Những năm gần đây, dưới nhiều tác động của tự nhiên và con người, HST vùng ngập mặn đang bị suy giảm nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê năm 2003 của Phân Viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam bộ, toàn tỉnh chỉ còn 2.990,79 ha đất có RNM, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 884,07 ha, gồm rừng bần 721,91 ha và rừng mắm 162,16 ha. Diện tích rừng trồng là 2.106,72 ha, gồm 1.354,87 ha rừng bần, 199,6 ha rừng đước, và 440,14 ha rừng đước trồng xen trong rừng Mắm. Từ năm 2000 đến 2007 tỉnh Sóc Trăng thực hiện dự án khôi phục RNM (CWPD) tại phía Nam tại vùng ven biển của bốn tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau với hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Thế giới và tài trợ bởi Chính phủ Đan Mạch. Dự án nhằm mục đích khôi phục RNM ven biển để cải thiện chức năng dinh dưỡng của RNM và bảo vệ bờ biển. Dự án đã trồng được 1.085 ha rừng ở vùng phòng hộ xung yếu ven biển tỉnh Sóc Trăng, góp phần làm tăng độ phủ xanh của vùng ven biển.

   Tuy có nhiều dự án phát triển và trồng rừng RNM tại Sóc Trăng nhưng tình trạng HST rừng tại Sóc Trăng đang dần bị suy giảm như nhiều cây, con bị mất dần, chẳng hạn như cây mắm, cây đước bị thoái hóa, riêng cây chà là- nơi trú ngụ của con đuôn không còn tồn tại. Tại khu vực đuôi cồn Cù Lao Dung, theo thống kê mới nhất, quần thể dơi ngựa lớn chỉ còn không tới 1.000 con. Loài rái cá lông mượt trước đây sinh sống rất nhiều, hiện nay đã biến mất, các loài cá ngát, nghêu rất hiếm, chim trời trước đây thường về đậu và làm tổ, hiện nay không còn thấy về nữa. Một số khu vực RNM ven biển bị thu hẹp diện tích do xói mòn dưới tác động của sóng biển, do cây cối trong rừng đã bị già cỗi….

   2. Nguyên nhân gây suy giảm tài nguyên RNM ở Sóc Trăng

   Khai phá RNM để nuôi tôm

   Phong trào nuôi tôm trong RNM ở tỉnh Sóc Trăng bắt đầu năm 1997 khi ngành thủy sản mới bắt đầu xuất khẩu tôm khô và tôm đông lạnh ra thị trường của các nước. Điển hình vào thập kỷ 90, Vĩnh Châu là một trong những huyện sử dụng nhiều diện tích đất RNM để nuôi tôm tại các xã ven biển. Một diện tích đáng kể của rừng ngập mặn bị phá, sau này trở thành đất hoang hóa với toàn bộ cây bụi thấp như lức, ô rô, cóc kèn, chà là. Những lợi ích của nghề nuôi tôm làm những người giàu bỏ tiền ra thuê nhân công và mua cơ giới để lập các trại nuôi tôm trong RNM. Nhiều cơ quan chính phủ và các cá nhân được giao đất trong RNM và cũng đã cố gắng để chuyển đổi những vùng đất này thành các trang trại nuôi tôm hay cho thuê đất để nuôi tôm. Việc giao đất để nuôi tôm thì tùy ý không theo bất kỳ phương pháp lập kế hoạch nào. Cấp huyện và thậm chí chính quyền cấp xã có thể giao đất lâm nghiệp cho nông dân mà không có bất kỳ xem xét hay đánh giá quy hoạch sử dụng đất, điều này cũng đã góp phần làm suy thoái RNM.

   Khai phá RNM để sản xuất nông nghiệp

   Đất thuộc RNM có độ mặn cao và không phù hợp cho hầu hết bất kỳ cây trồng nào, nhưng đất bồi thì rất mầu mỡ. Trong mùa mưa và ở những nơi có nước ngọt, người dân khai phá rừng để trồng rẫy khô. RNM ở các vùng cửa sông ven biển thường bị chặt phá để trồng cây nông nghiệp như: hành, thuốc lá, dưa hấu, bí, ớt, đậu xanh... Những nơi nào có địa hình thuận lợi, chủ động nguồn nước tưới thì hiệu quả cao hơn. Những người dân di cư dần dần phá rừng ngập mặn để canh tác nông nghiệp trong khu vực Hồ Lạng gần cửa sông Mỹ Thanh.

   Một số nơi khác phá rừng để lấy đất trồng dừa nhưng không thành công và gây hậu quả sinh thái xấu, do không nắm vững quá trình diễn biến của đất. Điển hình nhất là việc trồng dừa tại ấp Giồng Chùa, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Theo kế hoạch của tỉnh sẽ khai phá diện tích 550 ha RNM tại cửa sông Mỹ Thanh để trồng dừa. Sau 5 năm trồng dừa thì đất cũng thoái hóa, tất cả dừa đều chết. Tương tự, hai hợp tác xã muối tại Vĩnh Phước, Vĩnh Tiến đã phá RNM và đầu tư hàng chục triệu đồng để lên líp trồng dừa và để lại hậu quả là mặt đất cứng, nứt nẻ, muối kéo lên mặt đất trắng xóa, đất lại tiếp tục bốc hơi nước mạnh vào mùa khô, do đó nồng độ muối tăng lên, làm cho đất không phù hợp cho việc canh tác.

   Chính sách, thể chế quản lý rừng chưa hiệu quả

   Chính sách kinh tế - xã hội chưa khuyến khích người dân bảo vệ rừng vì giá trị và lợi ích của rừng, trong khi là vô giá, đã bị bỏ qua trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội. Việc đầu tư tái tạo rừng trong những năm qua chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương. Những khoản đầu tư cho các khu rừng chỉ nhằm mục đích trồng, bỏ qua việc bảo vệ và cải thiện môi trường rừng.

   Bên cạnh đó, mức đầu tư cho quản lý bảo vệ rừng còn quá thấp. Các hoạt động trồng rừng, khôi phục rừng cũng chưa mang lại đủ thu nhập trực tiếp đáp ứng nhu cầu cơ bản của nông dân. Các kỹ thuật tiên tiến cho canh tác bền vững đã không được hướng dẫn cho nông dân hay đưa đến kết quả cải thiện sinh kế của họ. Công tác tuyên truyền, tập huấn, giáo dục BVMT rừng chưa được quan tâm.

   3. Một số giải pháp phát triển RNM ở Sóc Trăng

   Nhận thức được vai trò quan trọng của lâm nghiệp đối với việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Sóc Trăng cần xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, trong đó chú trọng vào việc bảo tồn và phát triển bền vững hệ thống rừng tự nhiên; thiết lập và quản lý bền vững hệ thống rừng phòng hộ ven biển, bao gồm cả RNM; xây dựng và triển khai thí điểm các dự án về cơ chế phát triển sạch trong lâm nghiệp; tăng cường các sáng kiến quản lý đất lâm nghiệp bền vững gắn với giảm nghèo.

   Giải pháp về đầu tư: Trong công tác trồng RNM thường được đầu tư thấp, mang tính hỗ trợ người trồng rừng là chính. Do đó, hiệu quả trồng RNM không cao, tỷ lệ cây sống và tỷ lệ thành rừng thấp. Để tăng hiệu quả trồng và khôi phục RNM thì tăng kinh phí đầu tư trồng rừng là một trong những giải pháp quan trọng.

   Giải pháp về cơ chế, chính sách: Để đảm bảo hiệu quả của công tác khôi phục và phát triển RNM thì chính sách quản lý của nhà nước đóng vai trò then chốt. Cần quy hoạch hiện trạng sử dụng đất khu vực phía sau rừng ngập RNM, vì đây là khu vực nuôi tôm và khu vực sinh sống của một bộ phận dân cư, khu vực gắn liền với sinh kế của người dân. Trong đó, cần chú trọng quy hoạch phát triển các vùng đệm phía ngoài đê, vùng này hiện đang bị dân khai thác nuôi trồng thủy sản như phía ngoài đê sông Mỹ Thanh, Nhu Gia, Phú Hữu, Tả - Hữu Cù Lao Dung…

   Giao, cho thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp: Tiếp tục giao đất, giao RNM cho nhóm hộ gia dình, cộng đồng dân cư thôn bản đối với diện tích rừng và đất RNM chưa có chủ quản lý cụ thể. Áp dụng phương pháp đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên vào việc quản lý và bảo vệ RNM ven biển tỉnh Sóc Trăng. Trong đó cần nhân rộng mô hình đồng quản lý RNM tại khu vực ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đầu tư xây dựng lồng ghép các dự án chuyển đổi nghề, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho ngư dân vùng ven biển nhằm giảm bớt áp lực về chặt phá rừng, khai thác quá mức làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân làm nghề rừng sống được và làm giàu bằng chính nghề rừng.

   Hoàn thiện tổ chức quản lý RNM: Củng cố hệ thống quản lý nhà nước về RNM ở các cấp tỉnh, huyện, xã, thực hiện chức năng quản lý rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định 25/1998/QĐ- TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường phối hợp liên ngành trong việc quản lý, sử dụng, khôi phục phát triển RNM.

   Giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội trong vùng RNM: Phát triển các nguồn sinh kế thay thế cho các cộng đồng vốn sống dựa vào RNM nhằm giảm thiểu phá RNM. Nên khuyến khích cộng đồng địa phương chuyển sang các sinh kế ít gây hại cho RNM hơn, đồng thời bảo vệ các loài thủy, hải sản quan trọng như cá hoặc tôm, nghêu, sò huyết và các sinh vật sinh sống tại các vùng bãi bồi, dưới tán rừng ngập mặn. Tạo sinh kế ổn định định cho các hộ dân cư (trong đó chú trọng đến các hộ dân cư nghèo, đồng bào dân tộc thuộc các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề, Vĩnh Châu) thu nhập thay thế quan trọng thay cho việc phá RNM.

   Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức và bảo vệ rừng. Tăng cường đội bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra để hạn chế nạn phá rừng.

TS. Nguyễn Song Tùng, TS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt

Viện Địa lí nhân văn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12 - 2015)

Ý kiến của bạn