Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Thực trạng và giải pháp đối với công tác thực thi pháp luật, quản lý môi trường tại khu dân cư

15/09/2015

     Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã làm nảy sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường (ÔNMT), đặc biệt là ô nhiễm có nguồn gốc từ các khu dân cư (KDC), sản xuất công nghiệp, làng nghề. Trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), Điều 133 đã quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong BVMT. Khẳng định vai trò quan trọng của các KDC trong công tác BVMT.      Thực trạng thực thi pháp luật trong KDC      Điều 122, Luật BVMT năm 2005 quy định: UBND cấp xã có 8 trách nhiệm: Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ BVMT, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn, KDC; Tổ chức vận động nhân dân xây dựng nội dung BVMT trong hương ước của cộng đồng dân cư; Hướng dẫn việc đưa tiêu chí về BVMT vào việc đánh giá thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và gia đình văn hóa; Tổ chức đăng ký và kiểm tra việc thực hiện cam kết BVMT (khi có ủy quyền của UBND cấp huyện); Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của hộ gia đình, cá nhân; Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về BVMT hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về BVMT; Hòa giải các tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải; Quản lý hoạt động của thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và tổ chức tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, BVMT trên địa bàn.      Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cấp xã, phường mới chỉ thực thi được các nội dung: Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ BVMT, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn, KDC; Tổ chức vận động nhân dân xây dựng nội dung BVMT trong hương ước của cộng đồng dân cư; Hướng dẫn việc đưa tiêu chí về BVMT vào việc đánh giá thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và gia đình văn hóa; Hòa giải các tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật; Quản lý hoạt động của thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và tổ chức tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, BVMT trên địa bàn. Còn các nội dung khác không thực hiện được do các điểm này chưa có công chức tham mưu, giúp UBND cấp xã, phường làm công tác quản lý BVMT. Hiện Luật Công chức mới chỉ quy định cán bộ địa chính xã, phường là công chức ở cơ sở, không có cán bộ môi trường ở cấp xã - nghĩa là có chức năng quản lý nhưng không có con người để làm công tác quản lý.      Đối với các nhà máy công nghiệp sản xuất đơn lẻ, các làng nghề tái chế chất thải, dệt nhuộm, các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực (như giao thông, xây dựng...) nằm xen kẽ trong KDC, hiện còn rất thiếu cán bộ chuyên trách về môi trường, chủ yếu là những cán bộ kiêm nghiệm công tác BVMT của nhà máy, doanh nghiệp, chưa được đào tạo, cập nhật kỹ năng, kiến thức thường xuyên, liên tục, dẫn đến lúng túng trong xử lý các tình huống cụ thể.      Bên cạnh đó, phần lớn các hộ gia đình, cá nhân vi phạm các quy định về vệ sinh, môi trường nơi công cộng, KDC rất phổ biến nhưng không có biện pháp và chế tài xử lý. Việc đầu tư trang bị vệ sinh môi trường (thùng chứa rác) tại các điểm công cộng, KDC còn rất hạn chế đặc biệt là các vùng nông thôn, nên hiện tượng xả rác bừa bãi, mất vệ sinh công cộng khá phổ biến và làm tăng chi phí công lao động để thu gom, phân loại, xử lý rác…   Chính quyền địa phương cần lồng ghép những tiêu chí BVMT vào xét danh hiệu các gia đình văn hóa        Ngoài ra, công tác tuyên truyền về các văn bản, chính sách liên quan đến môi trường, hình thức đơn điệu, không hấp dẫn, thu hút người dân quan tâm. Chế tài xử lý đối với các vi phạm về vệ sinh môi trường ở cơ sở còn thiếu hoặc có nhưng chưa đủ mạnh và không khả thi.      Khuyến nghị các giải pháp      Các vấn đề môi trường chỉ có thể được giải quyết tốt khi có sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng KDC. Sự tham gia này thể hiện từ các biện pháp, cách thức giải quyết các vấn đề môi trường, cũng như xây dựng chính sách, pháp luật về BVMT. Khi cộng đồng đã có nhận thức tốt, cần nâng cao năng lực trong việc phát hiện, khai thác và sử dụng các nguồn lực.      Rà soát các chính sách về BVMT và kiện toàn bộ máy quản lý      Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT theo hướng tăng cường phân cấp quản lý nhà nước cho cơ sở. Chính phủ cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, bổ sung biên chế cán bộ môi trường cấp xã vào ngạch công chức cơ sở như cán bộ địa chính xã hiện nay và trao thẩm quyền kiểm tra, xử lý hoặc tham mưu xử lý các vi phạm về BVMT ở KDC.      Phát huy sức mạnh truyền thông      Các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò quan trọng, nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động BVMT. Các văn bản pháp luật như Luật BVMT; Luật Đa dạng sinh học; Luật bảo vệ và phát triển rừng…; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường... cần được phổ biến rộng rãi để người dân nhận thức được việc giữ cho môi trường trong sạch là vấn đề sống còn của chính mình, của đất nước. Thông qua các phương tiện truyền thông, biểu dương, khen thưởng những gương điển hình làm tốt công tác BVMT, nhắc nhở, phê phán, lên án những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Việc đưa nội dung giám sát, thực thi pháp luật BVMT vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và vào tiêu chuẩn xét khen thưởng hàng năm là rất cần thiết.       Khuyến khích xây dựng các hương ước làng bản      Ở những KDC nông thôn miền núi, đặc biệt nơi có những đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì Già làng, Trưởng bản, các chức sắc tôn giáo là những người giàu kinh nghiệm, có uy tín trong xã hội nắm vững những phong tục tập quán của cộng đồng mình, đồng thời cũng là trung tâm của các hoạt động, của các cuộc hòa giải, những tranh chấp, xung đột, họ được cộng đồng tôn sùng và hoàn toàn có thể đại diện cho cộng đồng. Cần coi trọng vai trò của họ - những người làm chỗ dựa, làm hạt nhân trong việc tổ chức thực thi pháp luật về BVMT và hoạt động tự quản trong cộng đồng dân cư…      Trong quá khứ, nhiều địa phương đã hình thành những hương ước. Đó là những “bộ Luật” do cộng đồng xây dựng và tự nguyện tuân thủ. Các hương ước này rất đa dạng, phong phú, gắn với truyền thống sử dụng khôn ngoan và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn với nếp sống giản dị, sạch sẽ, thân thiện với môi trường. Do đó, cần duy trì và tiến hành xây dựng các hương ước làng bản mới theo pháp luật hiện hành, nhằm khơi dậy lòng tự hào của cộng đồng và duy trì ý thức tự nguyện trong giám sát, thực thi pháp luật BVMT.      Điều quan trọng là hương ước, quy ước đều do cộng đồng xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận, không áp đặt từ bên ngoài bởi các cơ quan Nhà nước. Nhà nước giám sát các nội dung quy định trong hương ước, quy ước  bằng hình thức phê duyệt chấp thuận của UBND cấp huyện, nên có tính thực thi rất cao. Một số luật tục mang tính chất tâm linh, nhưng có lợi cho môi trường và sinh kế người dân như hình thành và bảo tồn các khu “rừng thiêng, rừng ma” thì trong quản lý môi trường cần quan tâm ủng hộ. Một làng bản có những khu rừng thiêng, rừng ma thì nguồn nước luôn dồi dào, tính đa dạng sinh học sẽ được bảo tồn và ít bị sâu hại phá hoại mùa màng.      Ngoài ra, các cấp chính quyền ở các KDC nông thôn cần lồng ghép việc thực thi pháp luật về BVMT với các tiêu chí về môi trường của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức và hình thành các mô hình làng bản, KDC văn hóa, trong đó nòng cốt là các vấn đề về BVMT và thực thi pháp luật BVMT. Phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lồng ghép và đưa những tiêu chí về BVMT nói chung và thực thi pháp luật BVMT nói riêng vào các tiêu chí xét danh hiệu các gia đình văn hóa, các xóm thôn văn hóa, các cá nhân điển hình tiên tiến...      Xã hội hóa (XHH) công tác BVMT       Mục đích của XHH công tác BVMT, nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội thực hiện các hoạt động BVMT. Phát triển các phong trào quần chúng tham gia BVMT. Đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động BVMT. Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động BVMT để khen thưởng, phổ biến, nhân rộng; duy trì và phát triển Giải thưởng môi trường hàng năm. Đưa nội dung BVMT vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và vào tiêu chuẩn xét khen thưởng...      Như vậy, công tác XHH có ý nghĩa rất quan trọng trong việc truyền bá rộng rãi những chủ tr­ương, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước liên quan đến BVMT cũng như­ các kiến thức khoa học thưởng thức và động viên khuyến khích quần chúng tham gia BVMT, làm cho mọi đối tượng trong xã hội thấy được vai trò, trách nhiệm trong gìn giữ, BVMT. Từ  nhận thức đó tạo nên những chuyển biến trong thói quen, nếp sống, trong công việc hàng ngày theo hướng thân thiện hơn với môi trường, góp phần phát triển xã hội bền vững.      Kiểm tra và xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT      Trên cơ sở kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến cấp xã, phường, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện việc đảm bảo VSMT ở các KDC thông qua việc trao cho các lực lượng (cán bộ môi trường xã, dân phòng/công an phường, cảnh sát khu vực, có sự tham gia phối hợp của tổ dân phố, các tổ chức chính trị - xã hội…) thẩm quyền kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về BVMT và VSMT.      Trong một số trường hợp, cá nhân hoặc các doanh nghiệp trong có những vi phạm hành chính và luật pháp BVMT thì việc áp dụng công cụ kinh tế như xử phạt để răn đe là điều cần thiết. Việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực BVMT phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.   GS.TS.Lê Văn Khoa - ThS.Phạm Quang Tú Viện tư vấn phát triển (CODE) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013        
Ý kiến của bạn