Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Quản lý bùn thải ở Việt Nam: Những thách thức và đề xuất các giải pháp

15/09/2015

     Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái xử dụng chất thải đặc biệt bùn thải từ hệ thống thoát nước (HTTN) và các công trình vệ sinh trong đô thị đã, đang trở thành bài toán khó đối với các nhà quản lý hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước có nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bài viết khái quát những thách thức và đề xuất các giải pháp góp phần giảm thiểu những khó khăn vướng mắc trong quản lý chất thải nói chung và chất thải từ HTTN.      Những thách thức quản lý bùn thải ở Việt Nam      Tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển nhanh chóng của các đô thị đang là sức ép đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị đặc biệt HTTN và vệ sinh môi trường.      Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hệ thống đô thị Việt Nam hiện có 774 đô thị, tăng 4 đô thị so với cuối năm 2013, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 21 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 65 đô thị loại IV và 629 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước dự kiến đạt khoảng 34,5 %.      Với sự phát triển nhanh chóng của khu vực đô thị khiến HTTN nhưng không đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tình trạng ngập úng đô thị, nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra nguồn tiếp nhận gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước cấp sinh hoạt. Hầu hết các đô thị đã có mạng lưới thu gom nước chung (nước mưa và nước thải) nhưng mạng lưới này đang bị xuống cấp, khả năng thu gom và tiêu thoát còn nhiều hạn chế và đến nay cũng chỉ có khoảng trên 20 đô thị có trạm/nhà máy xử lý nước thải (XLNT)tập trung và sử dụng công nghệ XLNT khác nhau đã và đang đưa vào vận hành khai thác.      Tại các đô thị Việt Nam hiện nay, phần lớn các hộ gia đình sử dụng hệ thống vệ sinh tại chỗ và chủ yếu là các bể tự hoại, một số khu vực và đường phố có bố trí các nhà vệ sinh công cộng. Phần lớn nước thải được xả vào HTTN công cộng, còn bùn thải từ các công trình vệ sinh này được thông hút, thu gom và vận chuyển chưa qua xử lý đổ thẳng ra mương, hồ hoặc bãi chôn lấp cùng với các loại rác thải đô thị. Bên cạnh đó việc quản lý bùn thải từ các công trình này chưa được quan tâm đúng mức và hiện nay chưa có đô thị nào có biện pháp quản lý và xử lý phù hợp.      Quy hoạch đô thị, quy hoạch thoát nước và quy hoạch xử lý chất thải chưa thực sự quan tâm đến việc thu gom, vận chuyển cũng như việc xác định các vị trí, địa điểm xử lý bùn thải từ HTTN và các công trình vệ sinh.      Cho đến nay 60/63 tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; 100% đô thị có quy hoạch chung được duyệt; gần 95% số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Các thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang lập quy hoạch xây dựng chuyên ngành về thoát nước và xử lý chất thải rắn (CTR); quy hoạch thoát nước và xử lý CTR của 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc bộ, Trung bộ, Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long) và 3 vùng lưu vực sông (sông Cầu; sông Nhuệ - Đáy và sông Đồng Nai) cũng đã lập và được phê duyệt. Tuy nhiên, việc tổng hợp, phân tích và đánh giá hiện trạng về khối lượng bùn thải, công tác thu gom, vận chuyển; dự báo khối lượng bùn thải phát sinh từ HTTN và công trình vệ sinh còn thiếu... Việc xác định vị trí, quy mô và địa điểm xử lý bùn thải hầu như chưa có và nếu có cũng chưa kết hợp với việc xử lý CTR; Công nghệ xử lý chưa được khuyến cáo trong các quy hoạch. Đồng thời, thiếu quy hoạch các khu vực đổ, xả và xử lý đang là những khó khăn trong thực tế triển khai.      Đầu tư xây dựng, triển khai các dự án thí điểm      Trong những năm gần đây nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy XLNT tại nhiều đô thị đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Đến nay đã có 30 nhà máy xử lý nước tập trung với công suất đạt khoảng 800.000 m3/ngày/đêm đi vào hoạt động (trong đó có nhà máy với công suất rất lớn đã đi vào hoạt động như nhà máy XLNT Bình Hưng - TP.HCM công suất 141.000 m3/ngày/đêm hoặc nhà máy XLNT tại Yên Sở - Hà Nội, công suất 200.000 m3/ngày/đêm). Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng hơn 30 nhà máy XLNT tập trung được đầu tư xây dựng hoặc đưa vào sử dụng. Việc quan tâm đầu tư nhà máy XLNT cùng với mạng lưới thu gom nước thải tại các đô thị đã góp phần giảm ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường...Tuy nhiên, việc đầu tư chủ yếu tập trung vào công trình đầu mối (trạm/nhà máy XLNT), trong khi xây dựng mạng thu gom còn chậm. Phần lớn các dự án thiếu phần đầu tư cho việc thu gom, xử lý bùn. Ví dụ, Nhà máy XLNT công suất 141.000 m3/ngày/đêm tại Bình Hưng, TP. Hồ Chí Minh với lượng bùn cạn phát sinh khoảng 34 tấn/ngày chủ yếu thực hiện ủ lên men, trộn trấu và đem đi chôn lấp. Từ năm 2012 đến nay Nhà máy đã có nhiều nỗ lực để khắc phục mùi hôi, kết quả quan trắc nồng độ mùi hôi phát tán đạt tiêu chuẩn cho phép nhưng người dân phản ảnh vẫn còn mùi hôi...      Ngoài ra, nhiều dự án ODA, đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng thí điểm về xử lý bùn thải từ các công trình vệ sinh (bể tự hoại...) ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, TP. Hồ Chí Minh thu được kết quả bước đầu, tuy nhiên việc nhân rộng hoặc duy trì kết quả còn nhiều hạn chế.      Về thu gom, vận chuyển bùn thải từ HTTN và công trình vệ sinh      Bùn thải từ HTTN và công trình vệ sinh bao gồm: Bùn thải mạng lưới thoát nước thải sinh hoạt; nước thải công nghiệp; nạo vét kênh, mương, rạch hoặc sông theo định kỳ; các bể tự hoại; nhà máy XLNT... Thành phần của các loại bùn thải rất khác nhau, ví dụ bùn thải từ mạng lưới thoát nước và bùn nạo vét kênh rạch chứa chủ yếu là cát và đất trong khi bùn thải từ các trạm/nhà máy XLNT và từ bể tự hoại chứa chủ yếu là các chất hữu cơ. Hiện nay, bùn thải từ hoạt động nạo vét cống rãnh, kênh rạch và bùn bể tự hoại được vận chuyển bằng xe chuyên dụng và xà lan (bùn nạo vét kênh rạch). Bùn thải từ các trạm/nhà máy XLNT sinh hoạt/đô thị tập trung sau khi tách nước (làm khô) được vận chuyển đến các bãi chôn lấp.   Cần có các chính sách huy động nguồn lực tham gia đầu tư, quản lý vận hành việc thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải        Công tác nạo vét bùn từ mạng lưới thoát nước nhiều đô thị vừa và nhỏ vẫn còn sử dụng phương pháp thủ công, nhiều đô thị lớn bước đầu sử dụng cơ giới hóa. Phương pháp thủ công có năng suất thấp, không an toàn và gây nguy hại đến sức khỏe công nhân thoát nước.      Do đặc điểm các đô thị Việt Nam là đô thị cũ, đô thị cải tạo và mở rộng; cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế trong khi mật độ dân số cao. Việc thông hút, vận tải bùn từ bể tự hoại của các hộ dân cực kỳ khó khăn (khó tiếp cận) mặt khác phương tiện hút và vận chuyển cũ, thiếu thốn không đảm bảo vệ sinh môi trường và không phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật.      Về công nghệ xử lý bùn thải Việc xử lý kết hợp bùn thải từ bể tự hoại với bùn thải từ HTTN được thực hiện ở một số nước châu Á, châu Phi hoặc tại một số nước phát triển toàn bộ chất thải từ HTTN và các công trình vệ sinh được tập trung về nhà máy XLNT để xử lý. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành HTXL này tốn kém và yêu cầu trình độ quản lý cao. Ở Việt Nam bước đầu đã áp dụng một số công nghệ xử lý bùn thải chi phí thấp. Nhiều sản phẩm được sản xuất ra từ bùn thải được sử dụng làm vật liệu xây dựng, sử dụng trong nông nghiệp, ngoài ra việc tái sử dụng bùn thải nhằm tiết kiệm năng lượng... Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ cho phù hợp, đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện đang còn để ngỏ.      Quản lý nhà nước về bùn thải từ HTTN và các công trình vệ sinh      Trong thời gian qua, một số văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Luật BVMT 2014 có hiệu lực từ 1/1/2015; các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường và quy chuẩn xây dựng có liên quan đến việc phân loại và quản lý bùn thải bao gồm: QCVN 07: 2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) về ngưỡng chất thải nguy hại, trong đó có những quy định được áp dụng với bùn thải; QCVN 25: 2009/BTNMT - QCKTQG về nước thải bãi chôn lấp CTR; QCVN 50:2013/BTNMT - QCKTQG về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước; QCVN 07:2011/BXD - QCKTQG về hạ tầng kỹ thuật đô thị; TCVN 5298 - 1995: Các yêu cầu chung đối với việc sử dụng nước thải và bùn lắng của chúng để tưới và làm phân bón...       Đặc biệt, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về Thoát nước và XLNT đã có một số điều quy định chi tiết về quản lý bùn thải từ HTTN; quản lý bùn thải từ bể tự hoại cũng như các quy định về tái sử dụng bùn thải. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để quản lý lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhiều vấn đề còn thiếu cần phải được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện là: Cụ thể hóa các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý bùn thải; Các quy chuẩn kỹ thuật liên quan trực tiếp đến bùn thải (kể cả sản phẩm được sản xuất, tái sử dụng bùn thải…); Các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ...; Các chỉ tiêu và các định mức kinh tế, kỹ thuật cho thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải; Đầu tư, tài chính (giá xử lý, chi phí quản lý, khai thác, vận hành…)      Đề xuất các giải pháp      Thứ nhất, rà soát, cập nhật và ban hành mới các quy định có liên quan đến quản lý chất thải đặc biệt bùn thải từ hệ thống thoát nước và công trình vệ sinh bao gồm các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính; quản lý xây dựng; ứng dụng công nghệ mới; chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật; định mức đơn giá; các chi phí... đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; sổ tay hướng dẫn thực hiện.      Thứ hai, bổ sung nội dung quản lý bùn thải trong các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vùng và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đặc biệt, trong quy hoạch thoát nước; quy hoạch xử lý CTR.      Thứ ba, nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong xử lý bùn thải hướng tới giảm tối đa việc chôn lấp kết hợp yếu tố môi trường và kinh tế để đưa ra các công nghệ thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao  và BVMT.      Thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu về bùn thải: Điều tra, thu thập số liệu về bùn thải phát sinh trong đó làm rõ loại bùn thải cần phải xử lý; bùn thải có khả năng tái chế, tái sử dụng...      Thứ năm, xây dựng các chính sách huy động các nguồn lực tham gia đầu tư, quản lý vận hành việc thu gom, vận chuyển và xử lý bùn thải. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở xử lý chất thải theo quy hoạch phê duyệt.      Thứ sáu, sắp xếp lại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đảm bảo tổ chức bộ máy gọn nhẹ, trang thiết bị hiện đại, cơ động linh hoạt, hoạt động có hiệu quả với chí phí thấp.      Thứ bảy, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong ý thức chấp hành các quy định về BVMT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.      Thứ tám, mở rộng công tác hợp tác quốc tế trong đầu tư, xây dựng, ứng dụng công nghệ và trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý bùn thải; Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp trong quản lý bùn thải.   PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015    
Ý kiến của bạn