Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Phát triển du lịch sinh thái gắn với lợi ích cộng đồng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

15/09/2015

     Khu bảo tồn (KBT) biển Cù Lao Chàm - TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam được thành lập vào tháng 12/2005 và được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 5/2009. KBT biển với 8 hòn đảo lớn nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai và Hòn Ông chứa đựng một kho tàng về văn hóa, lịch sử và hiện diện đầy đủ hệ sinh thái đa dạng, phong phú (bãi sậy, cồn cát, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, quần cư rong biển, rừng tự nhiên) đại diện cho vùng cửa sông, ven bờ cùng với cảnh quan trên cạn và dưới nước đã và đang mang lại cho Cù Lao Chàm - Hội An các thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, tạo các mô hình sinh kế mới gắn với bảo tồn tài nguyên và lợi ích cộng đồng.      Phát triển du lịch sinh thái tạo sinh kế tích cực cho cộng đồng      Hoạt động du lịch sinh thái vùng cửa sông và ven bờ tại KBT biển Cù Lao Chàm đang phát triển mạnh mẽ. Từ vài nghìn du khách vào năm 2004 đến hơn 195.000 du khách thăm đảo vào năm 2013, cùng với các loại hình sinh kế tích cực cho cộng đồng, đã nâng thu nhập bình quân hàng năm của người dân nơi đây từ 6 triệu đồng năm 2005 đến 24 triệu đồng vào năm 2012.   Kêu gọi khách du lịch không sử dụng túi ni lông trên đảo Cù Lao Chàm        Theo báo cáo của Ban quản lý KBT, du lịch sinh thái phát triển đã và đang tạo cơ hội cho người dân nơi đây cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến năm 2013 đã có trên 485 người dân địa phương trong tổng số 560 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch sinh thái, với các loại hình sinh kế mang lại hiệu quả cao như: Mô hình dán nhãn sinh thái cua đá, nói không với túi ni lông, phân loại rác tại nguồn, lưu trú nhà dân… Thu nhập được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện là động lực cho người dân tham gia vào hoạt động BVMT và tài nguyên vùng đảo.      Đến nay, du lịch sinh thái Cù Lao Chàm đã nâng lên một tầm mới. Nơi đây thực sự trở thành sản phẩm mục tiêu trong phát triển du lịch của Hội An và Quảng Nam. Tại điểm cuối của vùng hạ lưu, các sản vật được chuyển vào đất liền hoặc phục vụ du lịch trên đảo bao gồm các sản phẩm thủy sản, cua đá, lá rừng, võng ngô đồng...Tuy nhiên các sản vật tự nhiên này đang ngày càng bị suy giảm và bài toán cần được cần được các nhà quản lý tính đến là: Phát triển du lịch sinh thái phải đi đôi với bảo tồn nguồn lực tự nhiên.      Chú trọng bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên KBT biển Cù Lao Chàm      Phát triển du lịch sinh thái luôn gắn liền mật thiết với đời sống kinh tế của người dân địa phương. Vì vậy, phát triển du lịch sinh thái chính là sinh kế tích cực của địa phương. Như vậy, sinh kế cộng đồng phải dựa trên 5 nguồn lực bao gồm: Tự nhiên, xã hội, con người, tài chính, vật chất và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên nguồn lực tự nhiên của KBT biển đang bị suy giảm nghiêm trọng, cần phải được bảo vệ, bảo tồn.      Các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, quần cư rong biển, rừng tự nhiên, bãi cát…là nguồn lực tự nhiênquan trọng hỗ trợ cho sự phát triển du lịch sinh thái Cù Lao Chàm - Hội An. Theo số liệu thống kê, KBT biển có 736 loài thuộc 263 giống của các nhóm sinh vật chủ yếu trong hệ sinh thái rạn san hô, cụ thể: Cỏ biển có 5 loài thuộc 3 giống, rong biển kích thước lớn có 76 loài thuộc 46 giống, san hô tạo rạn có 277 loài thuộc 40 giống, cá rạn san hô có 270 loài thuộc 105 giống, thân mềm có 97 loài thuộc 61 giống và da gai có 11 loài thuộc 8 giống. Hiện nay, một số loài này bị suy giảm nghiêm trọng do hiện tượng chất lượng nước bị ô nhiễm. Tình trạng mở đường quanh đảo, xây dựng bờ kè, sửa chữa tàu, thuyền và các công trình hạ tầng hay việc xả rác thải bữa bãi cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến các vùng rạn san hô.      Bên cạnh đó, việc khai thác nguồn lợi thủy sản quá mức và sử dụng các phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt, không bền vững của các ngư dân đang làm cho nguồn lợi hải sản ở khu vực này bị suy giảm và có xu hướng cạn kiệt. Biểu hiện qua số lượng cá thể giảm dần, kích thước cá thể bé dần. Đây là thách thức lớn đối với nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển du lịch sinh thái lâu bền.      Theo Ban quản lý (BQL) KBT, sản lượng khai thác hải sản trước đây của Cù Lao Chàm khoảng hơn 1.500 tấn mỗi năm, nhưng đến nay chỉ còn 800 tấn/năm từ khi có KBT biển và du lịch sinh thái, trong đó tổng sản lượng tôm hùm khai thác tại Cù Lao Chàm còn khoảng 15 tấn/năm, ốc vú nàng con cònkhoảng 5 tấn/năm. Ba loại ốc vú khác là ốc vú nàng vú, ốc vú nàng hang và các loài cá rạn, bào ngư, điệp quạt, sao biển, trai tai tượng, cá cảnh, cua đá… hiện đang nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau.      Để khắc phục tình trạng trên, BQL KBT biển Cù Lao Chàm đã mở rộng hướng bảo tồn vào các vùng bờ, vùng cửa biển và phục hồi rừng ngập mặn, các bãi sậy, đụn cát trong vùng cửa sông và đặc biệt là phục hồi các rạn san hô. Từ năm 2013, KBT biển Cù Lao Chàm đã ứng dụng công nghệ phục hồi san hô và nuôi cấy tại vùng phục hồi 4.800 loài san hô và tại vườn ươm 750 loài. Tỷ lệ sống của san hô nuôi cấy tại vườn ươm khoảng 87% và tại vùng phục hồi là 74%.      Cùng với đó, Ban quản lý KBT phối hợp chính quyền địa phương thông qua các chương trình đào tạo xây dựng 12 mô hình sinh kế mới gắn liền với hoạt động du lịch sinh thái tại địa phương tạo cơ hội nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.   Du lịch bơi, lặn biển tại Cù Lao Chàm   Nhân giống san hô trong vườn ươm KBT biển Cù Lao Chàm        Mặt khác, các lực lượng chức năng như công an xã, biên phòng, kiểm ngư, dân quân xã và bảo tồn biển đã phối kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhau trong công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý và bảo vệ, đến nay đã thực hiện tổng cộng 660 lượt kiểm tra, phát hiện và xử lý 162 trường hợp vi phạm, trong đó có 101 trường hợp vi phạm đã bị phạt tiền với tổng số 72.400.000 đồng.      Các mô hình sinh kế du lịch mới và người tham gia tại Cù Lao Chàm TT Nhóm nghê du lich Sô hô Sô ngươi Tông 1 Nhà hàng tại các bãi biển 16 5 80 2 Xe máy vận chuyển khác 32 1 32 3 Hộ Homestay 40 2 80 4 Hộ vận chuyển bằng thuyền 18 2 36 5 Hàng lưu niệm 7 3 21 6 Hàng thủy sản khô 16 3 48 7 Bánh ít 4 2 8 8 Nước giải khát 8 3 24 9 Bán thủy sản tươi sống 12 2 24 10 Quần áo lưu niệm 6 2 12 11 Mặt hàng khác 10 2 20 12 Số lao động gián tiếp (tùy mùa vụ)   100 100   Tông công: 169   485         Ngoài ra, BQL KBT biển đã đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, nghiên cứu khoa học, phối kết hợp các bên liên quan để bảo tồn nguồn lợi tự nhiên KBT biển Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó, BQL KBT biển đã thực hiện phân vùng chức năng trong KBT nhằm sử dụng hợp lý nguồn lợi tài nguyên của đảo. Đồng thời, cộng đồng dân cư xung quanh KBT đã có các cam kết trong công tác bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái.   Cao Văn Khiên Ban quản lý Dự án Biển và Hải đảo Việt Nam Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014      
Ý kiến của bạn