Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Nghệ An nỗ lực xử lý ô nhiễm môi trường từ hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu

19/02/2016

   Giải quyết ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vấn đề được quan tâm của các cấp chính quyền và người dân Nghệ An. Trong những năm qua, Nghệ An đã tập trung quyết liệt, chủ động triển khai các biện pháp cải thiện ô nhiễm môi trường.

   Một số kết quả trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu tại Nghệ An

   Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước (Quyết định số 1946/QĐ-TTg) và Quyết định 1206/QĐ-TTg ngày 2/9/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 (Quyết định số 1206/QĐ-TTg). Nghệ An là tỉnh có số lượng kho thuốc BVTV tồn lưu lớn nhất trên cả nước với 268/335 điểm tồn lưu thuốc BVTV thuộc Quyết định số 1946/QĐ-TTg chiếm 80% và 55/100 điểm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường (CTMTQG) chiếm 55%.

   Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã thực hiện 22 đề án điều tra, khảo sát xác định phạm vi mức độ ô nhiễm đối với 178 điểm tồn lưu hóa chất BVTV với tổng kinh phí là 54 tỷ đồng, trong đó đã điều tra 102 điểm. Kết quả điều tra, khảo sát, xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm là cơ sở để triển khai các dự án xử lý.

   Hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai 18 dự án (19 điểm ô nhiễm), trong đó, 7 dự án (8 điểm) thuộc CTMTQG, xử lý ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc BVTV với tổng kinh phí là 163 tỷ đồng. Đến nay, 5 dự án đã hoàn thành nghiệm thu và hoàn trả mặt bằng cho địa phương, 6 dự án đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý, 7 dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, Sở TN&MT đã phối hợp triển khai thực hiện 2 dự án trong Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV POP tồn lưu tại Việt Nam” hỗ trợ bốc xúc phần đất ô nhiễm nặng và xử lý bằng phương pháp đốt nhiệt độ cao.

   Về cơ bản, các dự án đã đạt mục tiêu đề ra, xử lý ô nhiễm môi trường theo mục đích sử dụng đất tại địa phương, đem lại môi trường sống trong lành và nâng cao ý thức của nhân dân trong việc phòng chống ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV.

   Tuy vậy, so với khối lượng công việc cần phải thực hiện thì tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu chung đề ra, chủ yếu là do số lượng điểm ô nhiễm trên địa bàn tỉnh nhiều. Để thực hiện phải có kinh phí, nhân lực và thời gian hợp lý. Bên cạnh đó, hầu hết các điểm ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV cho đến nay chưa có kết quả đánh giá phạm vi, mức độ ô nhiễm nên cũng cần phải có thời gian, kinh phí để lập các đề án điều tra xử lý. Ngoài ra, tỉnh chưa có phương án xử lý tập trung mà mới chỉ xử lý từng điểm nên chưa xử lý đồng thời được nhiều điểm. Trong khi đó, kinh phí xử lý toàn bộ các điểm ô nhiễm rất lớn, ngân sách địa phương lại hạn hẹp và hiện nay, chưa có công nghệ hữu hiệu để xử lý tồn lưu thuốc BVTV (đạt yêu cầu cả về kinh phí, hiệu quả và thời gian xử lý), dẫn đến chậm tiến độ và hiệu quả xử lý hạn chế. Mặt khác, chưa có hướng dẫn cụ thể về định hướng áp dụng công nghệ xử lý phù hợp đối với từng nồng độ ô nhiễm, từng loại đất. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài làm chậm tiến độ triển khai các dự án.

Xử lý kho thuốc BVTV tồn lưu tại Nghệ An

   Đề xuất các giải pháp để xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu

   Để thực hiện hiệu quả Quyết định số 1946/QĐ-TTg và Quyết định 1206/QĐ-TTg về xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV là vấn đề lâu dài, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Để giải quyết vấn đề này, xin đề xuất một số giải pháp:

   Thứ nhất, có chế độ ưu đãi, hỗ trợ cho các chương trình sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hữu cơ, vi sinh vào công tác phòng trừ sinh vật gây hại. Chọn lọc các loại thuốc, dạng thuốc BVTV an toàn, phân giải nhanh trong môi trường; Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, ưu tiên sử dụng, gieo trồng các giống kháng sâu bệnh, bảo vệ thiên địch khi dùng thuốc; Tăng cường giáo dục tuyên truyền, phổ biến những lợi ích cũng như tác hại do thuốc BVTV gây ra, nâng cao nhận thức của nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV hợp lý, đúng cách, an toàn và có hiệu quả, từ đó giảm lượng thuốc BVTV và khuyến cáo nông dân sử dụng các thuốc sinh học không gây ô nhiễm môi trường, ít ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, chú trọng việc thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

   Thứ hai, tại các vùng ô nhiễm thuốc BVTV nặng, có kế hoạch, quy hoạch vùng tái định cư cho nhân dân; Bao vây, che chắn các kho hóa chất BVTV đã bị xuống cấp; Khuyến cáo nhân dân không trồng rau, cây ăn quả trên vùng đất có dư lượng thuốc BVTV.

   Thứ ba, xây dựng lộ trình, phương án xử lý phù hợp; Cần rà soát, điều tra, đánh giá bổ sung để cập nhật danh mục các điểm ô nhiễm do tồn lưu thuốc BVTV, đưa ra chương trình, lộ trình cụ thể, hợp lý nhằm xử lý từng bước, từng điểm.

   Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành; Sớm ban hành hướng dẫn công nghệ cơ bản về quản lý, xử lý tồn lưu thuốc BVTV, quy trình, định mức trong quản lý, triển khai các dự án...; Có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho một số tỉnh có số điểm ô nhiễm nhiều, chưa chủ động về ngân sách như: Nghệ An, Hà Tĩnh...

   Thứ năm, xã hội hóa các nguồn lực, thu hút tài trợ quốc tế, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiệu quả để hỗ trợ xử lý ô nhiễm thuốc BVTV.

Nguyễn Ngọc Võ

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn