Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Giảm thiểu nguy cơ sức khỏe từ môi trường làng nghề

23/12/2014

      Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Đa số các làng nghề hoạt động với quy mô nhỏ, chủ yếu là quy mô hộ gia đình (chiếm 72%); Quy trình sản xuất lạc hậu, sử dụng nguyên, nhiên liệu giá rẻ; Vốn đầu tư hạn hẹp, chưa chú trọng đến công tác xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân. Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề trong cả nước cho thấy, có 46% số làng nghề bị ô nhiễm nặng và 27% bị ô nhiễm vừa. Kết quả quan trắc môi trường không khí tại 46 làng nghề thuộc các lĩnh vực dệt nhuộm, sản xuất hàng mỹ nghệ, chế biến lương thực - thực phẩm, luyện kim - cơ khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) mới đây cũng cho thấy, 45/46 làng nghề (chiếm 97,8%) có chỉ tiêu quan trắc chất lượng không khí vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1 - 4,3 lần.

     Nhằm khắc phục ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường, ngày 2/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1206/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015. Sau khi Quyết định được ban hành, các Bộ, ngành đã hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều mô hình xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt tại làng nghề được xây dựng; Nhận thức của người dân cũng như ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương về BVMT làng nghề nói riêng và BVMT nói chung đã có những bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác BVMT làng nghề cũng còn tồn tại một số khó khăn và thách thức như: Công nghệ xử lý chất thải, giải pháp sản xuất sạch hơn áp dụng cho làng nghề chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế; Các cơ quan quản lý luôn ưu tiên cho các hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn; Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước còn “e ngại” đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình BVMT tại các làng nghề; Quy định về phí BVMT chưa được triển khai tại các làng nghề… Do đó, rất cần có sự tham gia của các nhà khoa học, sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước về nghiên cứu và ứng dụng các mô hình, công nghệ phù hợp cho các cơ sở sản xuất tại làng nghề Việt Nam, đó là ý kiến của bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường).

 

Hội thảo Giảm thiểu nguy cơ sức khỏe từ môi trường làng nghề

do Trung tâm Môi trường & Phát triển cộng đồng tổ chức

 

     Năm 2013, Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng (CECoD) đã đề xuất Dự án “Khắc phục ô nhiễm chì tại làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên” với sự tài trợ của Viện Blacksmith (Mỹ), nhằm hỗ trợ xã Chỉ Đạo về kỹ thuật xử lý đất ô nhiễm chì; Tăng cường năng lực phòng chống và giảm thiểu tác động ô nhiễm, cải thiện môi trường. Trung tâm đã tổ chức 3 đợt khảo sát đo hàm lượng chì trong đất tại các đường làng, khu vực công cộng và 539 hộ gia đình của thôn Đông Mai bằng máy phân tích XRF Model α-4000. Kết quả, hàm hàm lượng chì trong đất tại các hộ gia đình dao động từ 12 đến hơn 50.000 ppm (trong khi tiêu chuẩn cho phép của Hoa Kỳ về hàm lượng chì trong đất đối với các khu vực dân cư là 400 ppm).

     Trên cơ sở các kết quả đo được, Trung tâm phối hợp với các chuyên gia của Viện Blacksmith lựa chọn 38 hộ gia đình có hàm lượng chì trong đất ở mức cao và hiện không có các hoạt động phá dỡ bình hoặc nấu luyện chì tại nhà để xử lý đất nhiễm chì theo phương pháp che phủ bằng đất sạch, cát sạch, đổ bê tông hoặc lát gạch. Kết quả thu được là 100% các khu vực được xử lý đều có hàm lượng chì ở mức rất thấp (dưới 50ppm). Ngoài ra,Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ảnh hưởng và tác hại của chì đến sức khỏe.

      Tại Hội thảo Giảm thiểu nguy cơ sức khỏe từ môi trường làng nghề do CECoD tổ chức ngày 19 - 20/11/2014, các đại biểu đã thảo luận về các bước tiếp theo nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án và nhân rộng sang các làng nghề khác. Các ý kiến cho rằng, để mở rộng sang các làng nghề khác, trước hết cần khảo sát tình trạng ô nhiêm môi trường của các làng nghề trước khi thực hiện; Làm thế nào để thu hút được sự tham gia, ủng hộ của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của cộng đồng, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức, cơ quan chuyên môn…

     Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, để đạt được mục tiêu đề ra, Sở TN&MT các tỉnh cần khẩn trương đưa các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào các cụm công nghiệp làng nghề đã được quy hoạch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong phát triển kinh tế gắn với BVMT. Đồng thời, học hỏi, tận dụng sự đầu tư, giúp đỡ cũng như kinh nghiệm xử lý ô nhiễm môi trường của các nước trên thế giới…

     Ông Bret Ericson - Viện Blacksmith cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách, kế hoạch cụ thể, nhằm đánh giá chính xác ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường làng nghề đến sức khỏe cộng đồng; Thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về sản xuất sạch hơn, công nghệ xử lý chất thải phù hợp với đặc thù từng làng nghề; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (đối tượng dễ bị nhiễm độc) về tác hại của ô nhiễm môi trường cũng như cách phòng chống phơi nhiễm các chất độc hại.

 

            Gia Linh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

Ý kiến của bạn