Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Giải pháp nâng cao năng lực đào tạo về môi trường cho các trường đại học phân ngành công nghệ và kỹ thuật môi trường

15/09/2015

     Một số bất cập trong công tác đào tạo cán bộ, kỹ sư công nghệ - kỹ thuật về môi trường      Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 80 cơ sở mở ngành đào tạo về lĩnh vực Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), trong đó có 20 cơ sở đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.      Trong số các trường Đại học (ĐH) và Viện đào tạo về lĩnh vực TN&MT, có 2 trường ĐH đào tạo các chuyên ngành liên quan đến kỹ thuật môi trường từ trước năm 1976 (ĐH Xây dựng và trường ĐH Kiến trúc Hà Nội). Từ năm 1976 đến 1995 có thêm 5 trường đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và kỹ sư về môi trường là Viện TN&MT ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (trước đó là1 bộ môn thuộc trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh), trường ĐH Thủy lợi, Công đoàn, Bách khoa Hà Nội, Khoa học Tự nhiên ĐHQG Hà Nội (trước đó thuộc trường ĐH Tổng hợp Hà Nội). Sau năm 1995 có thêm 24 trường ĐH và 10 trường cao đẳng đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật về môi trường. Bảng. Số sinh viên công nghệ - kỹ thuật môi trường đào tạo chính quy ở một số trường, Viện ĐH ở Việt Nam TT Trường, viện đại học Số SV đào tạo hàng năm Chuyên ngành đào tạo 1 Khoa MT (ĐHQG Hà Nội) 120-150 Khoa học môi trường 2 Viện MT&TN (ĐHQG TP. HCM) 150-180 Kỹ thuật MT, Quản lý MT 3 Viện KHCNMT (ĐH Bách Khoa HN) 120-160 Công nghệ MT 5 ĐH Xây dựng 150-160 Cấp thoát nước, MT khí, KTMT, CNMT 6 ĐH DL Văn Lang 70-80 Công nghệ và QL MT 7 8 ĐH Cần Thơ ĐH BK Đà Nẵng 80-100 40-50 Công nghệ và QL MT Cấp thoát nước, KTMT   Cộng 730-880                  Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm các trường ĐH về lĩnh vực TN&MT đào tạo được khoảng 800 - 1.000 thạc sĩ và tiến sĩ, hàng ngàn kỹ sư về lĩnh vực công nghệ kỹ thuật môi trường.      Đội ngũ sinh viên sau khi ra trường đã hỗ trợ tích cực cho việc BVMT. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo công nghệ - kỹ thuật môi trường vẫn còn một số bất cập như các trường khối xây dựng cơ bản: ĐH Thủy lợi, Kiến trúc, Xây dựng, bán công Tôn Đức Thắng, Kỹ thuật Đà Nẵng... chủ yếu đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật môi trường theo hướng công trình. Chương trình đào tạo thường nặng với thời gian đào tạo dài (từ 4,5- 5 năm). Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chương trình đào tạo công nghệ môi trường, chủ yếu đi sâu vào các hướng công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường và công nghệ sạch. Các trường ĐH khoa học, Nông, lâm nghiệp, Thủy sản chủ yếu đào tạo cử nhân quản lý môi trường với thời gian 4 năm. Phần lớn các sinh viên phải học rất nhiều môn phụ, trong khi yêu cầu về các môn học chuyên môn cao nên chương trình không thể đào tạo được chuyên gia có trình độ sâu trong chuyên môn về môi trường.      Hiện nay, ngoài các môn học chính theo quy định của Bộ GD&ĐT và các môn cơ sở chuyên ngành, thời lượng các môn học chuyên ngành của các trường thường dao động từ 45 - 75 đơn vị học trình. Chương trình đào tạo bao gồm các môn học lý thuyết và môn học thực hành. Phần bài tập và thí nghiệm có thể lồng ghép trong các môn học. Đối với các trường ĐH khối công trình, chương trình giảng dạy ngoài lý thuyết còn có đồ án môn học (các học phần riêng), bài tập lớn, thí nghiệm các môn học cơ sở và môn học chuyên ngành và đồ án tốt nghiệp. Các trường ĐH Xây dựng, Kiến trúc Hà Nội, Thủy lợi... sinh viên khoa môi trường được đánh giá tốt nghiệp thông qua các đồ án thiết kế. Các trường ĐH thường giao cho sinh viên thực hiện các tiểu luận, luận văn theo hướng chuyên sâu trong lĩnh vực môi trường. Một số trường ĐH đánh giá sinh viên tốt nghiệp bằng hình thức chấm tiểu luận hoặc thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các trường ĐH công lập sinh viên có điều kiện thực tập tốt nghiệp tại các cơ sở nghiên cứu, công ty tư vấn, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ... Đối với các trường ĐH ngoài công lập, điều kiện gửi sinh viên thực tập tại các cơ sở sản xuất bên ngoài bị hạn chế do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.      Mặc dù hiện nay các chương trình giảng dạy về kỹ thuật môi trường đã được thường xuyên cải tiến để dần phù hợp với yêu cầu xã hội và cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ nhưng chương trình đào tạo giữa các trường không thống nhất, phần lớn được xây dựng trên quan điểm chủ quan, ít có sự thăm dò xã hội.      Khung chương trình đào tạo kỹ sư môi trường ở nhiều trường ĐH kỹ thuật của nước ta còn cứng nhắc, chưa phù hợp với quá trình hội nhập. Nhiều trường mới thành lập đã mở ngành công nghệ, kỹ thuật môi trường trên cơ sở chương trình đào tạo của các ngành khác nên các nội dung kiến thức về môi trường giảng dạy cho sinh viên còn hạn chế. Một số trường dân lập mở ngành môi trường với quan điểm “mềm và linh động” nhưng thực chất khung chương trình còn chắp vá, mang nặng tính chủ quan. Vì vậy, chủ trương xây dựng khung chương trình thống nhất cho các khối ngành đào tạo ĐH, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp là cần thiết. Từ năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các tiểu ban soạn thảo các khung chương trình đào tạo ĐH cho các khối ngành.      Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ giảng dạy của các trường ĐH còn thiếu và chưa đồng bộ về năng lực, chuyên môn. Tỷ lệ số cán bộ giáo viên chuyên môn về môi trường trung bình hiện nay là 40 - 50 sinh viên/cán bộ giáo viên. Các trường có tỷ lệ thấp chủ yếu là các trường có quá trình đào tạo lâu như trường ĐH Xây dựng, ĐH Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhiều trường ĐH khối dân lập không có cán bộ giáo viên chuyên môn về kỹ thuật môi trường. Đây là một trong những thách thức lớn đối với việc đào tạo kỹ sư môi trường hiện nay.      Đề xuất các giải pháp      Để khắc phục các bất cập trên, công tác giáo dục đào tạo cán bộ môi trường ở các trường ĐH và Viện cần thực hiện các giải pháp:      Nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo về môi trường      Nhà nước cần ban hành chính sách thực hiện chương trình nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo về môi trường; Xây dựng kế hoạch dự án nâng cao năng lực đào tạo về xử lý nước thải và chất thải rắn cho trường ĐH, cao đẳng, dạy nghề.      Tham gia xây dựng và thực hiện dự án án nâng cao năng lực đào tạo về lĩnh vực quản lý nước thải và chất thải rắn cho các trường ĐH, đặc biệt là các trường cao đẳng của Bộ Xây dựng.      Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nâng cao năng lực giảng viên      Để đảm bảo được lực lượng cán bộ có trình độ để giảng dạy về kỹ thuật môi trường, cần thiết phải xây dựng kế hoạch dài hạn và ngắn hạn về phát triển đội ngũ.     Ngoài ra, cần thu hút giảng viên đã được tu nghiệp nước ngoài tham gia hoạt động này để nội dung chương trình tiếp cận được với kiến thức quốc tế trong lĩnh vực chuyên ngành.      Chương trình cần chú trọng đào tạo các kiến thức thực tiễn, hạn chế môn học lý thuyết không áp dụng được trong công việc. Bổ sung các chương trình ngoại khóa, tăng thời gian thực tập tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; thực tế, học tập kinh nghiệm tại các đô thị điển hình trong nước.   Sinh viên chuyên ngành về môi trường được tiếp cận với trang thiết bị hiện đại nhằm phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu xã hội        Cần lập kế hoạch đào tạo phát triển năng lực giảng viên, tăng tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị. Khuyến khích giảng viên học ngoại ngữ, phấn đấu đạt các yêu cầu của các học bổng học cao học, nghiên cứu sinh để du học ở nước ngoài. Đưa tiêu chí nghiên cứu khoa học vào đánh giá kết quả công tác của giảng viên. Phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho giảng viên về chuyên ngành, về phương pháp giảng dạy hiện đại. Liên kết với các trường nước ngoài tổ chức các khóa đào tạo trình độ ĐH, cao học tại các trường về lĩnh vực BVMT.      Phát triển đội ngũ cộng tác viên: Mời các chuyên gia, cán bộ quản lý có kỹ năng, giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy các môn học phù hợp, tham gia các buổi nói chuyện, hội thảo mang tính chuyên đề để sinh viên có cơ hội hiểu biết hơn.      Phát triển mạng lưới quan hệ: Nhà trường cần phát triển và tạo lập mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến chương trình đào tạo, nhằm cập nhật kiến thức thực tế vào giáo trình đào tạo, tổ chức thực tập, mời thỉnh giảng và tạo cơ hội việc làm cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp.      Nâng cấp cơ sở vật chất: Đầu tư, nâng cấp lớp học, trang thiết bị phòng thí nghiệm, thư viện. Xây dựng đề án đầu tư nâng cấp lớp học đủ điều kiện để giảng dạy theo phương pháp hiện đại, trang thiết bị phòng thí nghiệm hiện đại và có đủ vật tư phục vụ thí nghiệm cho sinh viên thực tập và hệ thống thư viện trực tuyến, tiếp cận được với các cơ sở dữ liệu khoa học chuyên ngành, sách, tạp chí, luận văn... mới nhất trong nước và quốc tế.      Hoàn thiện khung chương trình đào tạo      Từ năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các tiểu ban soạn thảo các khung chương trình đào tạo ĐH cho các khối ngành. Trong lĩnh vực môi trường hiện đã soạn thảo được hai bộ Khung chương trình về Kỹ thuật môi trường và Khoa học môi trường. Song việc thống nhất chương trình đào tạo trong một khung cũng sẽ có sự hạn chế tính mềm dẻo của chương trình đào tạo. Qua việc khảo sát tại các trường ĐH đào tạo chuyên ngành kỹ thuật môi trường hoặc công nghệ môi trường cho thấy, chương trình Khung đào tạo chuyên ngành kỹ thuật môi trường vẫn chưa phù hợp. Chương trình khung đào tạo kỹ thuật môi trường có thiên hướng về công nghệ hoá học và ít chú đến nội dung công trình sinh thái BVMT. Đối với khung chương trình đào tạo về khoa học môi trường, nội dung đào tạo sâu về các quy luật cơ bản của môi trường, hệ sinh thái, nguyên tắc quản lý môi trường chủ yếu về lý thuyết ít có thực hành.Vì vậy, việc hoàn thiện khung chương trình đào tạo khối kỹ thuật công nghệ môi trường là cần thiết. Khung chương trình đào tạo cần thiết lập mềm và linh động hơn theo sơ đồ (hình 1).   Hình 1. Cơ sở thiết lập Khung chương trình đào tạo ĐH về môi trường        Thời lượng các nhóm kiến thức trong khung chương trình phải được thể hiện theo cơ cấu thống nhất với các nội dung:      Khối kiến thức giáo dục đại cương: Kiến thức bắt buộc quy định cho tất cả các trường đại học khối kỹ thuật; Kiến thức tự chọn phụ thuộc vào chuyên ngành đào tạo theo yêu cầu quản lý môi trường khu vực và khả năng của trường.      Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: Kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành thống nhất chung theo các khối chuyên ngành: Kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường; Kiến thức tự chọn phụ thuộc vào chuyên ngành đào tạo theo yêu cầu quản lý môi trường khu vực và khả năng của trường.      Liên kết các chương trình đào tạo về môi trường      Để nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư môi trường ở Việt Nam và hòa nhập với giáo dục, đào tạo chuyên gia môi trường của thế giới, cần phải đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. Sự đổi mới đó chủ yếu tập trung vào sự thay đổi từ quan điểm kỹ thuật môi trường truyền thống, được hiểu đơn thuần chỉ là một lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật nhằm loại bỏ chất thải, xử lý ô nhiễm và xây dựng, vận hành các công trình để thực hiện các công nghệ này, chuyển sang quan điểm nghiên cứu và giải quyết các vấn đề môi trường hiện đại, có tính tổng hợp liên ngành nhằm BVMT và phát triển bền vững. Cần thực hiện các giải pháp liên kết trong chương trình đào tạo kỹ sư môi trường (hình 2).   Hình 2. Giải pháp liên kết trong chương trình đào tạo ĐH về môi trường        Đồng thời, cần phải cải tiến chương trình đào tạo và hoàn thiện nội dung từng môn học để đào tạo được kỹ sư môi trường vừa đạt trình độ kiến thức và có năng lực giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ và kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường.      Ngoài việc nâng cấp, cập nhật thông tin khoa học kỹ thuật vào nội dung giảng dạy, giáo trình, tài liệu... các trường ĐH cũng cần thiết phải cải tiến phương pháp đào tạo: từ đào tạo thụ động chuyển sang đào tạo chủ động, đào tạo theo module, tăng cường công tác thực hành, tham quan thực tế.   GS. TS.Trần Hiếu Nhuệ Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường (IWEET) Phạm Thị Thu Hường Trung tâm Quan trắc - Phân tích Môi trường biển Hải quân Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015  
Ý kiến của bạn