Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Giải bài toán xử lý chất thải nguy hại

15/09/2015

     Mỗi ngày, toàn tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu phát sinh 170 tấn chất thải nguy hại (CTNH). Tuy nhiên, các nhà máy xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. UBND tỉnh đã chỉ đạo cần phải tăng cường đầu tư các nhà máy xử lý CTNH để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và đề cao sử dụng năng lượng tái chế từ loại chất thải này.   Cặn dầu được thu gom về xử lý tại Nhà máy xử lý Công ty TNHH Hà Lộc        Theo Sở TN&MT, CTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay vào khoảng 170 tấn/ngày. Trong đó, mỗi năm có khoảng từ 5.000-6.000 tấn chất thải dầu thô từ việc làm sạch tàu chở dầu thô; 3.000 - 4.000 tấn chất thải có lẫn dầu từ hoạt động dầu khí; khoảng 2.000 tấn chất thải có lẫn dầu từ hoạt động cảng biển và vận tải đường thủy; hơn 1.000 tấn chất thải độc hại từ các nhà máy và xí nghiệp trong các khu công nghiệp… Các loại chất thải này đang đe dọa trực tiếp đến môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nếu không được thu gom và xử lý kịp thời.      Trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế đầu tư xử lý CTNH. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 3 nhà máy xử lý CTNH gồm Đại Nam, Sao Việt và Hà Lộc đã hoạt động. Tuy nhiên, khả năng xử lý CTNH của các nhà máy trên địa bàn tỉnh hiện nay mới chỉ đạt khoảng 135 tấn/ngày, số lượng CTNH còn lại được thu gom và xử lý tại các Công ty TNHH Môi trường xanh (TP. Hồ Chí Minh), Công ty cổ phần Môi trường Việt Xanh (tỉnh Bình Dương), Công ty TNHH Tân Phát Tài (tỉnh Đồng Nai), Công ty TNHH Tươi Sáng (tỉnh Tiền Giang)… Theo đánh giá của Sở TN&MT, thời gian qua, các nhà máy nói trên cơ bản cáng đáng được số lượng CTNH cần xử lý, tái chế thành công các chất thải có nguồn gốc dầu thành dầu FO và chế biến các chất thải có nhiệt lượng cao, phế phẩm nông nghiệp, chất thải sinh hoạt và công nghiệp thành năng lượng cung cấp cho các lò đốt công nghiệp, các nhà máy điện, thép, xi măng…      Nằm trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (huyện Tân Thành), Công ty CP Môi trường Sao Việt có tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng, hoạt động từ năm 2011. Nhà máy xử lý CTNHH Sao Việt có diện tích 2,6ha, công suất xử lý giai đoạn 1 là 20.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ lò đốt FSI-1000. Cùng với công nghệ này, Công ty CP Môi trường Sao Việt còn sử dụng các công nghệ chưng cất dung môi, tái chế nhựa, bao bì, dầu thải, bê tông hóa chất thải rắn thành những sản phẩm có khả năng sử dụng.      Về hoạt động tái chế chất thải, các nhà máy trên địa bàn còn ứng dụng công nghệ xử lý phù hợp với thực tế chất thải phát sinh. Cụ thể, việc thu gom và xử lý chất thải lỏng sinh hoạt của Công ty Đại Nam (khu xử lý tập trung 100 ha xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) với đầu ra là phân vi sinh phục vụ cho ngành nông nghiệp được coi là một trong 2 nhà máy đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.      Ông Nguyễn Đức Chuyên, Chủ đầu tư Công ty TNHH Hà Lộc cho biết, với lò đốt FSI-500 công suất 500kg/giờ hiện đại nhất đang được sử dụng tại nhà máy xử lý CTNH Hà Lộc. Theo đó, thông qua hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn khí thải phát sinh từ quá trình đốt CTNH thải ra ngoài và tro xỉ còn lại không còn độc hại với môi trường. Nước thải nhiễm dầu thu gom từ việc vệ sinh, làm sạch tàu và bồn bể chứa xăng dầu… được lưu chứa trong các bồn dung tích lớn, sau đó đưa đến hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu. Cặn dầu thu hồi đưa vào lò tĩnh để tái chế, thu hồi đều đạt chuẩn chất lượng tương đương với dầu thương phẩm FO.      Theo Sở TN&MT, mặc dù quy trình và công nghệ xử lý CTNH của các nhà máy xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh hoạt động tốt song công suất của các nhà máy hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu về xử lý và tái chế năng lượng từ CTNH trên địa bàn tỉnh. Mới đây, Công ty TNHH Hà Lộc đã xin phép và được UBND tỉnh chấp thuận cho đầu tư, mở rộng diện tích gấp đôi (khoảng 2ha) và đầu tư thêm một dây chuyền công nghệ mới với công suất xử lý cũng tăng gấp đôi so với hiện nay (khoảng 3.000 tấn/tháng).   Theo vanhien.vn
Ý kiến của bạn