Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch bằng chế phẩm sinh học

26/12/2014

     Những năm gần đây, trước sức ép của quá trình phát triển đô thị và do tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý trên địa bàn các quận, huyện thuộc lưu vực sông Tô Lịch, đã làm cho chất lượng nước sông Tô Lịch ngày càng ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân khu vực dọc hai bên bờ sông. Một trong những biện pháp đơn giản hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch đó là sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý nước thải tại các hộ gia đình trước khi đổ ra sông Tô Lịch.

     Sông Tô Lịch có tổng chiều dài 13,346 km từ hạ lưu cống Hoàng Quốc Việt đến sông Nhuệ và đóng vai trò quan trọng trong viêc tiêu thoát nước cũng như cảnh quan cho TP. Hà Nội. Lưu vực thoát nước của sông Tô Lịch rất lớn, khoảng 20 km2 thuộc các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, và huyện Thanh Trì. Từ nhiều năm nay, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã làm cho sông Tô Lịch ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng. Chỉ trên một đoạn sông dài 13,346 km đã có hàng trăm cống nước thải ra dòng sông.

 

 

Với Chương trình sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước thải tại hộ gia đình,

môi trường nước sông Tô Lịch sẽ dần được cải thiện

 

     Theo Sở TN&MT Hà Nội, trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và công nghiệp hầu hết chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Vì vậy, mặc dù sông Tô Lịch đã được cải tạo, nạo vét và kè 2 bờ, đường hai bên bờ sông đã được thi công hoàn thiện, song tình trạng ô nhiễm của sông vẫn được đánh giá là rất nghiêm trọng với các chỉ số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần, không thể sử dụng trong hoạt động sản xuất, trồng trọt. Sự ô nhiễm của dòng sông đã ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân trên lưu vực sông, tác động xấu tới hệ động, thực vật trên sông.

     Trước tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm nay của sông Tô Lịch, UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, Ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp từng bước cải tạo, phục hồi sông Tô Lịch. Một trong những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm cho sông Tô Lịch được Sở TN&MT đề xuất là sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước bề mặt theo từng đoạn hoặc theo từng cống xả chính, hoặc xử lý trực tiếp tại nguồn nước thải của các hộ gia đình, đồng thời, tiến hành nạo vét thường xuyên. Đây là giải pháp để có thể xử lý, phục hồi, làm sạch tạm thời chất lượng nước sông trong thời gian ngắn, phạm vi nhỏ, để chuẩn bị cho việc xây dựng và triển khai các phương án cải tạo lâu dài.

     Năm 2014, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với 4 quận: Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân thực hiện tuyên truyền sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước thải tại các hộ gia đình trên địa bàn 4 phường Láng Thượng, Cống Vị, Quan Hoa và Kim Giang. Các hộ dân trong khu vực 4 phường trên được phát chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ khoáng hóa và vi sinh, là một sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo hướng dẫn của Sở TN&MT Hà Nội, người dân sử dụng chế phẩm thả xuống bồn cầu, bồn rửa bát, cống rãnh thoát nước trong gia đình và nhà vệ sinh. Các chế phẩm này khi hòa tan có tác dụng xử lý chất thải trong nước tại các hộ gia đình trước khi xả ra sông Tô Lịch. Đây là một biện pháp hết sức đơn giản nhưng lại có ý nghĩa thiết thực với môi trường sông Tô Lịch. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, các cơ quan thông tấn, báo chí. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân sống và làm việc trên lưu vực sông Tô Lịch về nhiệm vụ BVMT sông, giúp cộng đồng thấy rõ được trách nhiệm của mình để từng bước thay đổi hành vi, thói quen xấu ảnh hưởng đến môi trường. Chương trình cần được nhân rộng để người dân tự giác thực hiện, trở thành một thói quen trong cuộc sống hàng ngày.

     Thông qua Chương trình, cộng đồng dân cư cùng với các cấp chính quyền sẽ từng bước cải thiện chất lượng nước sông, trả lại cảnh quan môi trường cho con sông vốn là “dải lụa mềm trong thành phố

 

P.Linh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn