Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Áp dụng phương thức quản lý dựa vào cộng đồng để quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển tại Quảng Ngãi

15/09/2015

     Quản lý tài nguyên và BVMT biển dựa vào cộng đồng là một phương thức quản lý hiệu quả, ít tốn kém. Thông qua mô hình này, cộng đồng dân cư các địa phương ven biển là người đưa ra quyết định cuối cùng về tất cả các vấn đề liên quan đến quá trình lập kế hoạch và triển khai quản lý tài nguyên và BVMT biển. Điều này đã thúc đẩy cộng đồng dân cư chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong quản lý tài nguyên và BVMT biển.       Tình hình khai thác tài nguyên và BVMT biển      Quảng Ngãi có 4 huyện, TP ven biển và một huyện đảo; với chiều dài bờ biển khoảng 130 km. Trong hơn một thập niên qua, kinh tế biển của Quảng Ngãi tập trung phát triển kinh tế biển với tốc độ nhanh, nhưng đi kèm với đó là các phương thức khai thác tài nguyên biển thiếu bền vững.      Cùng với sự suy giảm, cạn kiệt nguồn tài nguyên biển do khai thác, sử dụng không hợp lý và thiếu bền vững, môi trường biển ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang phải chịu nhiều thách thức: Các cửa sông ven biển bị ô nhiễm do nước thải từ các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị, khu vực nuôi trồng thủy sản, cảng cá và neo đậu trú bão tàu cá thải ra cùng với nạn phá rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển để nuôi trồng thủy sản và sự gia tăng về tần suất và mức độ ảnh hưởng của thiên tai bão, lũ, nước biển dâng do biến đổi khí hậu.      Phương thức quản lý dựa vào cộng đồng      Phương thức quản lý dựa vào cộng đồng là 1 trong 3 phương thức quản lý: Nhà nước quản lý tập trung; quản lý dựa vào cộng đồng; cộng đồng tự quản lý.      Phương thức này bao gồm 5 cấp độ: Cấp độ thông báo (Nhà nước ra quyết định, thông báo và hướng dẫn cộng đồng tham gia quản lý); Cấp độ tham vấn (Cộng đồng cung cấp thông tin, Nhà nước tham khảo ý kiến của cộng đồng để đưa ra quyết định, thông báo và hướng dẫn cộng đồng tham gia quản lý); Cấp độ cùng thực hiện (Cộng đồng có cơ hội và được phép tham gia thảo luận, góp ý kiến để đưa ra quyết định và được tham gia quản lý; Cấp độ đối tác: Nhà nước và cộng đồng cùng quản lý); Cấp độ chủ trì (Cộng đồng được Nhà nước trao quyền quản lý, Nhà nước chỉ thực hiện việc kiểm soát).      Mô hình quản lý dựa vào cộng đồng để quản lý và BVMT biển      Quảng Ngãi hiện có 26 xã ven biển và hải đảo, tình hình khai thác quá mức tài nguyên biển ngày càng trầm trọng hơn, môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm, mặc dù, Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp quản lý nhưng vẫn không cải thiện được nhiều. Phương thức quản lý dựa vào cộng đồng đã được một số địa phương áp dụng để quản lý tài nguyên và BVMT biển hiệu quả.   Mô hình quản lý tài nguyên và môi trường biển dựa vào cộng đồng cần được nhân rộng để thúc đẩy hiệu quả quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên biển        Cộng đồng dân cư ven biển Quảng Ngãi sinh sống tập trung ở những vùng giàu tài nguyên, với mật độ dân cư cao; đã có nhận thức ban đầu về bảo vệ TN&MT biển. Bức xúc trước tình trạng phá hủy các rạn san hô, khai thác quá mức các thảm cỏ biển, đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ và các dụng cụ mang tính hủy diệt, một số người dân đã đề nghị Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ hình thành các tổ chức tự quản để bảo vệ TN&MT biển trong thôn, xóm; điển hình là nhân dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu. Chi cục Biển và Hải đảo Quảng Ngãi đã tìm hiểu tình hình thực tế, nắm bắt nguyện vọng của người dân và làm việc với UBND xã Bình Châu để thành lập và hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thành lập Tổ tự quản bảo vệ TN&MT biển thôn Châu Thuận Biển, đây là một tổ chức quản lý dựa vào cộng đồng. Hoạt động chủ yếu của Tổ tự quản là tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong vùng tham gia bảo vệ TN&MT biển; hỗ trợ trong khai thác; ứng cứu kịp thời khi gặp nguy hiểm, tai nạn trên biển; chia sẻ thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.      Sau một năm hoạt động, thành công lớn nhất của Tổ tự quản là giúp người dân thôn Châu Thuận Biển chuyển biến rõ rệt nhận thức; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý và BVMT biển, góp phần hạn chế tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ bằng các phương tiện mang tính hủy diệt. Ngoài ra, Tổ tự quản còn phối hợp với lực lượng biên phòng, công an xã tuần tra, giám sát, phát hiện và đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ TN&MT biển.      Nhờ vào Tổ tự quản, hệ sinh thái cỏ biển tại khu vực thôn Châu Thuận Biển đã được bảo vệ nghiêm ngặt, khoanh vùng khai thác, góp phần BVMT sống và sinh sản của các loài thủy sản quý như cá kình, cá chuồn, mực, tạo thêm nguồn thu cho ngư dân nghèo.      Qua đó, hiện tượng khai thác thủy sản (rong mơ, tôm, cá, mực) bừa bãi, gây mất an ninh trật tự tại địa phương đã được hạn chế đáng kể; tạo được sinh kế bền vững cho cư dân trong vùng; giảm bớt gánh nặng cho chính quyền địa phương trong việc quản lý tài nguyên và BVMT biển. Đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt của cư dân trong vùng thải ra. Từ mô hình này, Chi cục Biển và Hải đảo Quảng Ngãi đang xem xét để nhân rộng ra cả 5 thôn ven biển của xã Bình Châu và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.      Tóm lại, quản lý TN&MT biển dựa vào cộng đồng là một phương thức quản lý hiệu quả, ít tốn kém; đã được áp dụng thành công ở nhiều nơi. Tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển thôn Châu Thuận Biển là một minh chứng rõ rệt. Mô hình này cần được áp dụng rộng rãi tại các địa phương ven biển. Chính quyền các xã ven biển và cơ quản lý nhà nước chuyên ngành cần quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để mô hình này hoạt động hiệu quả và phát triển có tổ chức chặt chẽ. Nếu được như vậy thì tài nguyên và môi trường biển sẽ được bảo vệ tốt hơn, thúc đẩy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển biển đảo Quảng Ngãi cũng như cả nước.   ThS.Đỗ Ngọc Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Quảng Ngãi Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014    
Ý kiến của bạn