Banner trang chủ

Thành lập Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén

16/01/2018

     Ngày 11/1/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định thành lập Vườn quốc gia (VQG) Phia Oắc - Phia Đén huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

     VQG Phia Oắc - Phia Đén có tổng diện tích tự nhiên 10.593,5 ha thuộc địa bàn 5 xã, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng: xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc.

 

 

      Nhiệm vụ của VQG Phia Oắc - Phia Đén là bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đồng thời khoanh nuôi phục hồi, làm giàu rừng tự nhiên, gây ươm các loài cây bản địa, đặc hữu quý hiếm để trồng rừng mới, nâng cao độ che phủ và đảm bảo an ninh môi trường; nâng cao khả năng phòng hộ của rừng về giữ nước, hạn chế xói mòn, lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân vùng hạ lưu.

     Bên cạnh đó, thực hiện chính sách về dịch vụ môi trường, tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo tồn, tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển các nguồn gien quý, hiếm; cứu hộ động vật hoang dã; nghiên cứu khoa học; đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, khai thác các tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, cảnh quan, dịch vụ môi trường và các giá trị đa dạng sinh học để tăng nguồn thu cho VQG, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong vùng.

     VQG Phia Oắc - Phia Đén có 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ hành chính. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 4.035,5 ha, tại Tiểu khu 338, 352 xã Thành Công; Tiểu khu 333, 334 xã Quang Thành; Tiểu khu 327, 337 xã Phan Thanh; Tiểu khu 321, 322 thị trấn Tĩnh Túc. Vùng đệm Vườn quốc gia có diện tích 8.276,1 ha, trên địa bàn 42 thôn thuộc 6 xã và 1 thị trấn (xã Phan Thanh, Thành Công, Quang Thành, Hưng Đạo, Vũ Nông, Thể Dục và thị trấn Tĩnh Túc), huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

     Các chương trình hoạt động chủ yếu của VQG gồm: bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phục hồi sinh thái rừng; nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ bảo tồn; phát triển du lịch và giáo dục môi trường; chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm.

 

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn