Banner trang chủ

Tăng cường bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam

05/10/2017

     Trong hai ngày (2 - 3/10/2007), tại Ninh Bình, Viện Địa lí nhân văn phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Namkết hợp khảo sát thực tế về đặc điểm ĐDSH tại Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương.

     Việt Nam được thế giới công nhận là 1/16 quốc gia trên thế giới có tính ĐDSH cao. ĐDSH có vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực, cân bằng sinh thái và hơn hết là sự tồn vong của loài người. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho nguồn tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đã và đang bị suy giảm. Do tác động của con người đã làm cho môi trường sống của nhiều loài động thực, vật bị thu hẹp diện tích, dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng trong một tương lai gần. Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp, cùng với các chính sách kèm theo nhằm bảo vệ tốt hơn tài nguyên ĐDSH. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến bảo tồn ĐDSH cần phải giải quyết, trong đó có công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn ĐDSHvà bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Nội dung của Hội thảo tập trung vào các chủ đề như: Những vấn đề cơ bản về ĐDSH và bảo vệ động thực vật nguy cấp, quý, hiếm; Thể chế, chính sách về bảo tồn ĐDSH và bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam; Thực trạng vấn đề bảo tồn ĐDSH và bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam; Giới thiệu một số mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn ĐDSH theo các vùng địa lý sinh thái...

     Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện số loài và cá thể các loài động vật hoang dã Việt Nam bị giảm mạnh, nhiều loài đã bị tuyệt chủng. Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), năm 1996 có 25 loài ở mức nguy cấp, đến tháng 5/2017 lên tới 114 loài. Để bảo vệ các loài động vật hoang dã, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ các loài động vật hoang dã, cần tăng cường thực hiện các mô hình cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn. Cộng đồng sẽ được tham gia vào những quyết sách có tính chiến lược của khu bảo tồn và được chia sẻ lợi ích từ chính những hoạt động này. Ngoài ra, cần thực hiện những giải pháp như: Đẩy mạnh điều tra, giám sát ĐDSH; phục hồi môi trường sống tự nhiên cho các loài hoang dã; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn; đầu tư nâng cấp các trung tâm lưu giữu nguồn gen các loài đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng...

     Trong khuân khổ Hội thảo, các đại biểu tham quan động người xưa, trung tâm bảo tồn linh trưởng, bảo tồn rùa tại VQG Cúc Phương. Qua các kiến thức thực tế về công tác bảo tồn của các cán bộ VQG Cúc Phương, các đại biểu đã hiểu rõ hơn về giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử VQG Cúc Phương, từ đó hướng tới việc khai thác, sử dụng bền vững ĐDSH, góp phần vào công tác bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm ở Việt Nam.

 

Châu Loan

 

Ý kiến của bạn