Banner trang chủ

Công bố Quyết định thành lập Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén

16/05/2018

     Ngày 14/5/2018, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Lễ Công bố Quyết định thành lập Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén (huyện Nguyên Bình), tại đồn điền chè Kolia. Đây là Vườn quốc gia đầu tiên của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng núi cao, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

     Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén nằm trải dài trên địa phận các xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Tổng diện tích tự nhiên là 10.593,5 ha, trong đó có 8.146,6 ha rừng tự nhiên, chiếm khoảng 77% diện tích. Ngày 11/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định chính thức thành lập Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén trên cơ sở chuyển hạng từ cấp Khu bảo tồn.

 

Vẻ đẹp của Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén

 

     Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, mang đậm nét hoang sơ. Nơi đây lưu giữ 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý, hiếm, có giá trị về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và giáo dục môi trường. Khu rừng ở nóc nhà phía Tây của tỉnh Cao Bằng còn được coi như "lá phổi xanh", có tác dụng lớn trong việc điều hòa khí hậu, hấp thụ các-bon, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất đai, chống xói mòi, rửa trôi, sạt lở đất, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững trong khu vực.

     Với danh hiệu này, Cao Bằng kỳ vọng sẽ bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh việc bảo tồn hệ sinh thái rừng núi cao, các loài đặc hữu quý hiếm và cảnh quan môi trường cần thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và bảo đảm an toàn trật tự xã hội tại địa phương.

     Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén sẽ thực hiện các mục tiêu cụ thể như bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, khoanh nuôi phục hồi, làm giàu rừng tự nhiên; Nâng cao khả năng phòng hộ của rừng về giữ nước, hạn chế xói mòn, lũ lụt, BVMT sinh thái. Đồng thời, khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, cảnh quan, dịch vụ môi trường và các giá trị đa dạng sinh học để tăng nguồn thu cho Vườn quốc gia.

 

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn