Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Vinh danh Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học

14/07/2020

    Nhân ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (ĐDSH), Quỹ đối tác Hệ sinh thái trọng điểm (CEPF) - Chương trình toàn cầu do IUCN điều phối thực hiện đã vinh danh Lê Trang - Phó Giám đốc của GreenViet là “Anh hùng điểm nóng ĐDSH”. Lê Trang đã góp phần đem lại thành công cho một trong những câu chuyện đáng khích lệ về bảo tồn tại Việt Nam, đó là chiến dịch bảo vệ bán đảo Sơn Trà, trong đó có loài voọc chà vá chân nâu trước sức ép của phát triển du lịch.

 

Bà Lê Trang - Phó Giám đốc GreenViet

 

   Từ năm 2009, bước chân vào hoạt động bảo vệ các loài động vật hoang dã (ĐVHD) với việc điều tra thực trạng buôn bán trái phép các loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm ở 6 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trong một dự án của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), Trang nhận thấy chỉ có hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng mới có thể thay đổi được thực trạng buôn bán trái phép các loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm.

    Năm 2013, ngay sau khi Trung tâm GreenViet ra đời, Trang đã về GreenViet để thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục, nhằm đưa những kiến thức nghiên cứu khoa học về ĐVHD và giá trị của các hệ sinh thái Việt Nam đến với người dân, góp phần thay đổi thái độ, nhận thức của họ. Ngay sau khi về công tác ở GreenViet, Trang và đồng nghiệp đã đối mặt với thách thức đầu tiên đó là phần lớn người dân, doanh nghiệp, cán bộ đều cho rằng Sơn Trà không có gì quý, ngoài khỉ và cỏ, nên mong muốn có dự án quy hoạch Sơn Trà để làm du lịch, nhằm thu hút thêm đầu tư cho thành phố và người dân cũng có lợi ích về kinh tế. Đối với quốc tế, bán đảo Sơn Trà vốn không được ưu tiên vì diện tích rừng đặc dụng ở đây khá bé (3,871 ha). Trang và các đồng nghiệp ở GreenViet đã rất vất vả trong việc tìm các nguồn tài trợ để bảo vệ ĐDSH ở bán đảo Sơn Trà.

    Tuy nhiên, với những nghiên cứu về thành phần ĐDSH nơi đây và quần thể voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, Trang đã ngạc nhiên về độ đa dạng của bán đảo này. Đồng thời, nhận thức được đây là ngôi nhà quan trọng của voọc chà vá chân nâu nên đã quyết tâm bảo vệ ngôi nhà được xem là an toàn nhất cho loài này. Bên cạnh đó, vị trí độc đáo của Sơn Trà, một khu rừng ngay trong thành phố, mang lại giá trị có một không hai trong giáo dục nhận thức bảo vệ thiên nhiên cho các thế hệ sau. Từ những điểm này, Trang và đồng nghiệp đã sớm nghiên cứu các chương trình giáo dục cộng đồng nhằm thay đổi thái độ của người dân Đà Nẵng về giá trị của bán đảo Sơn Trà và huy động cộng đồng cùng lên tiếng bảo vệ thiên nhiên nơi đây.

    Trong những năm thực hiện hoạt động nghiên cứu về ĐDSH và chính sách áp dụng cho Sơn Trà, Trang đã cùng với các cơ quan chức năng, thành viên tiên phong trong cộng đồng cùng thảo luận, tọa đàm, hội thảo để bàn về các vấn đề này nhằm tìm ra giải pháp. Lần đầu tiên trên cả nước, có một khu bảo tồn nhận được nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân như vậy, đến mức Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định tạm hoãn lại Quy hoạch Sơn Trà để điều tra và tìm hướng điều chỉnh vào năm 2018. Diện tích rừng đặc dụng Sơn Trà được giữ nguyên vẹn cho đến giờ sau gần 3 năm. Trang cùng với GreenViet và các nhà lãnh đạo, cộng đồng tiếp tục cam kết cùng nhau phối hợp để bảo tồn toàn vẹn hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà cho quần thể voọc chà vá chân nâu và các thế hệ mai sau của Đà Nẵng. Đây có thể là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong sự nghiệp bảo tồn của Trang, đó là khi thông tin về tài nguyên thiên nhiên được minh bạch đưa đến cho cộng đồng, kể cả chính sách và thông tin khoa học, cộng đồng quan tâm, tham gia tìm hiểu, lên tiếng, đồng thời đưa ra các quyết định của chính họ cho số phận tài nguyên thiên nhiên của họ.

    Hiện nay, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng tăng nhanh, số lượng công trình xây dựng và đặc biệt là nhà hàng, khách sạn mọc lên không kiểm soát, tạo ra áp lực đối với môi trường như ô nhiễm nước thải, rác thải nhựa, không khí… Trong khi các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, giá trị của ĐDSH, các loài động, thực vật hoang dã còn quá mờ nhạt, người dân ngày càng xa rời với những khu rừng, hoặc không nhận thức được giá trị của tài nguyên thiên nhiên mà mình đang hưởng lợi, dẫn đến việc vô tình tiếp tay cho các hoạt động làm suy giảm ĐDSH của đất nước.

    Trong 6 năm qua, Trang và các đồng nghiệp ở GreenViet đã thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân Đà Nẵng về giá trị của tài nguyên thiên nhiên ở bán đảo Sơn Trà, nhằm thu hút sự chú ý của họ về thiên nhiên, tạo điều kiện cho họ tham gia sâu hơn trong các hoạt động bảo tồn. Để tăng sự chú ý của cộng đồng, GreenViet dùng hình ảnh và các câu chuyện về gia đình voọc chà vá chân nâu làm điểm nhấn thu hút, làm loài biểu tượng, vì loài này có tập tính khá giống với loài người. Nhiều chương trình giáo dục sáng tạo và đa dạng cho các lứa tuổi được thực hiện, như hành trình Tôi yêu Sơn Trà đưa người dân lên nhìn tận mắt vẻ đẹp của Sơn Trà và sự quý hiếm của tài nguyên ĐDSH nơi đây. Tuy nhiên, việc đưa nhiều người lên Sơn Trà là không thể vì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thiên nhiên, nên từ cuối năm 2018, GreenViet đã huy động đóng góp của cộng đồng để xây dựng một trung tâm thông tin về thiên nhiên Sơn Trà ở dưới chân núi, góp phần lan tỏa thông tin đến với gần 5.000 người dân và du khách mỗi năm. Đây là Trung tâm Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà đầu tiên của Đà Nẵng.

 

Bà Lê Trang trong một buổi thuyết trình trước học sinh về giá trị ĐDSH của bán đảo Sơn Trà

 

    Với rất nhiều dự định trong thời gian tới nhưng điều mà Trang mong muốn nhất vẫn là tập trung vào hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm thay đổi thái độ của người dân về vai trò của ĐDSH ở Đà Nẵng. Trang kỳ vọng là sẽ bảo tồn toàn vẹn tài nguyên ĐDSH của bán đảo Sơn Trà, dựa vào đó để có các kế hoạch phát triển khác của thành phố theo hướng bền vững và lâu dài, hướng đến hình ảnh của một thành phố sinh thái. Thành công của cộng đồng Đà Nẵng lên tiếng bảo vệ thiên nhiên bán đảo Sơn Trà đã trở thành câu chuyện đầy cảm hứng để thúc đẩy các cộng đồng khác trên thế giới cùng lên tiếng và chung tay bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng trên toàn cầu.

 

    Quỹ CEPF là một sáng kiến của Cơ quan Phát triển Pháp, Tổ chức Bảo tồn quốc tế, Liên minh châu Âu, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng thế giới. Từ năm 2001, CEPF đã thúc đẩy các chương trình bảo tồn ĐDSH tại địa phương thông qua 250 triệu đô la tài trợ cho hơn 2.400 tổ chức ở 98 quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Quỹ CEPF đã lựa chọn và vinh danh 10 “Anh hùng điểm nóng ĐDSH” cho những nỗ lực của họ trong việc bảo vệ các điểm nóng ĐDSH của thế giới. Tổ chức và cá nhân được vinh danh là các đơn vị đã nhận hỗ trợ tài chính của CEPF như các tổ chức phi lợi nhuận, những nhóm người thiểu số, trường đại học và doanh nghiệp. Những anh hùng được chọn từ hàng trăm các tổ chức xã hội đã nhận hỗ trợ tài chính từ CEPF tại 10 vùng điểm nóng ĐDSH toàn cầu.

 

Nguyễn Hằng

(Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

Ý kiến của bạn