Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam

30/09/2014

     Cây trồng biến đổi gen được khẳng định là một trong những thành tựu khoa học nổi bật của nhân loại. Hiện tại, cây trồng biến đổi gen đang là lựa chọn canh tác của khoảng 18 triệu nông dân trên thế giới. Trong 17 năm qua, diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen đã tăng hơn 100 lần, từ  1,7 triệu ha vào năm 1996  lên trên  175 triệu ha vào năm 2013. 

      Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam xác định việc phát triển và ứng dụng cây trồng biến đổi gen là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia. Theo chủ trương của Chính phủ về “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, Việt Nam hướng tới sẽ đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất đến năm 2015 và đến năm 2020 sẽ phát triển trong đó diện tích trồng trọt các giống cây trồng biến đổi gen chiếm 30 - 50%.

 

 

     Mới đây, sự kiện Bộ NN&PT cấp giấy Chứng nhận An toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi biến đổi gen và Bộ TN&MT cấp Giấy Chứng nhận An toàn sinh học cho một số giống cây biến đổi gen đầu tiên được xem là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển hành lang pháp lý, hiện thực hóa chủ trương đưa cây trồng biến đổi gen vào canh tác trong năm 2015.

     Tuy nhiên khái niệm về cây trồng biến đổi gen, những giá trị mà loại cây trồng này mang lại cũng như những đóng góp và tác động của nó vẫn là một đề tài khá mới mẻ đối với đại đa số công chúng trong nước. Ngoài ra, việc đưa ra những nguồn tin chưa cập nhật và cách thức tuyên truyền không rõ định hướng đã dẫn đến những hiểu lầm và nhận thức chưa đầy đủ về cây trồng biến đổi gen cho nhiều người.  

     Hội thảo “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến tình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” do Bộ NN&PTNT; Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng tổ chức ngày 26/9/2014, là một diễn đàn mở để đại diện các cơ quan quản lý; các chuyên gia, nhà khoa học và báo chí, truyền thông cập nhật thông tin, trao đổi và thảo luận về các nội dung liên quan đến việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, cụ thể hơn là ứng dụng cây trồng biến đổi gen trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua hội thảo, các bên tham gia có thể chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất về cách tiếp cận thông tin một cách phù hợp, làm rõ định hướng truyền thông và đề xuất, gợi mở phương thức truyền thông phù hợp đối với vấn đề cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam.

 

P.Tuyên

 

Ý kiến của bạn