Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Tiến tới thập kỷ hành động về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (2021 - 2030)

16/07/2020

    Đa dạng sinh học (ĐDSH) cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ sự sống trên Trái đất và phát triển của loài người. Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2020 là “Hành động vì thiên nhiên” (Time for Nature) kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ sự ĐDSH. Đây cũng là thời điểm quan trọng đối với các quốc gia cam kết bảo tồn và khôi phục ĐDSH để bắt đầu thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (HST) của Liên hợp quốc (2021 - 2030).

Vì sao lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2020 là về ĐDSH?

    Năm 2019, sau các cuộc họp với thành viên Công ước Liên hợp quốc về ĐDSH, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và các đối tác thành viên đã đề xuất Chương trình hành động “Thập kỷ phục hồi HST của Liên hợp quốc (2021 - 2030)”. Đây là sáng kiến toàn cầu nhằm khôi phục mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. UNEP cũng đang tiến hành làm việc với các nhà lãnh đạo thế giới để phát triển Khung ĐDSH toàn cầu sau năm 2020, nhằm hiện thực hóa tham vọng Tầm nhìn 2050 về sống hòa hợp với thiên nhiên của con người.

    Theo UNEP, năm 2020 là năm dành cho sự cấp thiết, tham vọng và hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng mà con người phải đối mặt với thiên nhiên, là cơ hội để kết hợp đầy đủ hơn các giải pháp dựa vào thiên nhiên và hành động khí hậu toàn cầu. Đây cũng là năm quan trọng đối với các quốc gia cam kết bảo tồn và khôi phục ĐDSH, nhằm tăng cường đồng loạt việc phục hồi các HST bị suy thoái, phá hủy để chống khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và ĐDSH.

    Hiện nay, hàng triệu loài thực vật và động vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đây là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết để các quốc gia trên thế giới tập trung vào vấn đề ĐDSH, phát triển chính sách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật. Ngày Môi trường thế giới năm 2020 nhấn mạnh đến việc cộng đồng liên kết các hành động để bảo vệ ĐDSH và hệ thống tự nhiên trên toàn cầu.

 

Sếu đầu đỏ - Biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)

 

Nguyên nhân suy thoái ĐDSH toàn cầu

    Theo Báo cáo của UNEP (cập nhật 2020), có 5 nguyên nhân chính gây mất ĐDSH do hoạt động của con người gây ra: Thay đổi sử dụng đất; khai thác quá mức động, thực vật hoang dã; BĐKH; ô nhiễm môi trường và sinh vật ngoại lai xâm hại.  Trong đó, ô nhiễm môi trường đang gia tăng là nguyên nhân chính gây mất ĐDSH, tàn phá môi trường sống cả ở HST nước ngọt và đại dương. Hiện nay, có khoảng 5 nghìn tỷ mảnh vi hạt nhựa, chiếm tới 60 - 90% các mảnh vụn trong đại dương, làm ảnh hưởng đến động, thực vật dưới đại dương, trong khi đó, phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại khác cũng làm ảnh hưởng đến các loài thụ phấn như ong và dơi, những sinh vật thiên địch tự nhiên. Bên cạnh đó, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đe dọa ĐDSH bằng cách ký sinh hoặc cạnh tranh về nơi ở, thay đổi môi trường sống, lai tạo và gây bệnh cho loài bản địa. Toàn cầu hóa làm gia tăng sự dịch chuyển các loài vượt ra ngoài phạm vi tự nhiên vốn có thông qua các hoạt động du lịch, thương mại... làm phá vỡ HST bản địa và môi trường sống của sinh vật.

    Ngày Môi trường thế giới năm 2020 diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tiến hành cách ly xã hội. Đây cũng là cơ hội để chúng ta suy nghĩ về những gì mà con người đã gây ra với môi trường. Đại dịch COVID-19 nhắc nhở rằng, sức khỏe của con người có liên quan đến sức khỏe của Trái đất. Virus corona là hợp tử, có nghĩa là chúng lây truyền giữa động vật và con người. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những loại virus tương tự đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 60% các bệnh truyền nhiễm được biết đến ở người có nguồn gốc từ động vật, trong đó 75% trong số đó là những bệnh truyền nhiễm khẩn cấp.

    Nhiều nhà khoa học cũng dự đoán rằng, nếu chúng ta không thay đổi hành vi để BVMT sống của các loài ĐVHD, thì trong tương lai con người sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bùng phát các loại virus mới. Do vậy, để ngăn chặn sự gia tăng của các đại dịch mới, chúng ta cần có những biện pháp bảo vệ HST và ĐVHD, bằng cách ngăn chặn việc mất môi trường sống, buôn bán bất hợp pháp, ô nhiễm môi trường và BĐKH.

Ý nghĩa của chủ đề ĐDSH đối với Việt Nam

   Tổ chức Bảo tồn Động, Thực vật quốc tế ghi nhận, Việt Nam là một trong 16 nước có tính ĐDSH cao trên thế giới, với nhiều kiểu HST, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người, đóng góp to lớn cho nền kinh tế, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo Báo cáo quốc gia về ĐDSH, Việt Nam có khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; 7.000 loài động vật không xương sống dưới biển; khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn, rùa, thú biển. Trong đó, nguồn tài nguyên ĐVHD là nguồn gen di truyền quý giá với hàng triệu năm hình thành, tích lũy. Số lượng các loài sinh vật nhiều, sinh khối lớn. Tính bình quân trên 1 km2, lãnh thổ Việt Nam có 4,5 loài thực vật, gần 7 loài động vật, với mật độ hàng chục nghìn cá thể. Do vậy, có thể nói, Việt Nam là một trong những nơi có mật độ đậm đặc các loài sinh vật sinh sống so với thế giới.

    Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ suy thoái ĐDSH và mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ, có xu hướng gia tăng theo sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính là do khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, không bảo đảm cho việc tái tạo lại. Ngoài ra, công tác quản lý bảo tồn ĐDSH thời gian qua còn nhiều bất cập về quy định pháp luật, chính sách, thể chế và tổ chức bộ máy quản lý. Hệ thống các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa đồng bộ.

    Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc suy giảm ĐDSH chính là nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép. Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn bán ĐVHD bất hợp pháp toàn cầu. Những năm gần đây, khi mức sống của người dân được cải thiện, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêu thụ ĐVHD. Nhiều loài ĐVHD nguy cấp như hổ, gấu, tê tê, rùa nước ngọt, rắn và kì đà bị săn bắt ráo riết do nhiều người tin rằng, chúng có công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực và chữa các bệnh nan y. Chính vì vậy, hành động khẩn cấp và mang tính quyết định là cần thiết để bảo vệ, bảo tồn, duy trì các nguồn gen, loài, HST, quản lý, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh học của Việt Nam.

   Việc chung tay góp sức của cộng đồng cùng bảo tồn tài nguyên và ĐDSH bằng những hành động đơn giản như sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về ĐDSH, không khai thác, buôn bán, lưu giữ, tiêu thụ ĐVHD nguy cấp; không nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại; gìn giữ các tri thức truyền thống về bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, giống cây trồng, vật nuôi bản địa, bảo vệ nguồn nước, tích cực tham gia BVMT, bảo vệ rừng, cảnh quan thiên nhiên… góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với BĐKH.

 

 

TS. Nguyễn Đình Đáp

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

 

Ý kiến của bạn