Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 05/12/2024

Phát triển mô hình cây xanh đô thị bằng kỹ thuật trồng cây trên mái nhà tại TP. Ðà Nẵng

12/09/2014

     TP. Đà Nẵng là nơi tập trung các cụm thương mại và khu công nghiệp có sức hút lớn đối với nhà đầu tư và người lao động. Tốc độ gia tăng dân số trong giai đoạn 2005 - 2010 tăng 3,15%/năm, chủ yếu tập trung ở thành thị với tỷ lệ dân số chiếm gần 87%. Việc thu hồi đất để phục vụ cho xây dựng đô thị và phát triển công nghiệp đã và đang chiếm không gian xanh của TP, theo kết quả thống kê trong năm 2009, trong giai đoạn 2005 - 2009 để phục vụ cho quá trình công nghiệp và đô thị TP trung bình mỗi năm đã thu hồi khoảng 800 ha đất. Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống giao thông đã làm gia tăng lượng khí thải CO2 vào môi trường, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.

     Mật độ dân số tại TP ngày càng tăng cao dẫn đến mật độ cây xanh trên đầu người ngày càng thấp. Theo thống kê của Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng, cuối năm 2009, TP đạt mật độ cây xanh công cộng 1,57 m2/người. Bên cạnh đó, cây xanh tại TP. Đà Nẵng thường chịu tác động lớn của bão. Theo ước tính, mỗi năm có từ 3 - 4 cơn bão vào khu vực miền Trung dẫn đến lượng lớn cây xanh bị tác động nặng nề.

     Để giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã hoàn thành Đề án "Phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2011 - 2015". Mục tiêu của đề án là đến năm 2015, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người tại TP sẽ đạt từ 6 - 7m2, cây xanh công cộng đạt từ 2,5 - 3,5m2/người. Trong đó, mô hình trồng cây xanh trên mái nhà là một trong những giải pháp hiệu quả tại TP. Đà Nẵng. Giải pháp này nhằm gia tăng diện tích cây xanh, góp phần tạo nên những nét chấm phá độc đáo trong kiến trúc đô thị với những nét đặc thù sinh thái riêng, xứng đáng với danh hiệu "Thành phố Môi trường" và là điểm đến du lịch cuốn hút. Đồng thời, tăng khả năng hấp thụ CO2, bụi, nhiệt, quay vòng nước thải sinh hoạt. Mặt khác, giải pháp này sẽ kêu gọi được sự tham gia của các thành phần trong xã hội, từ cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp đến cá nhân, nhờ vậy sẽ giúp phát triển nhanh và duy trì bền vững các mái nhà xanh.

      Thực tế, việc trồng cây trên các mái nhà đã có từ rất lâu tại Bắc và Tây Âu. Theo dòng lịch sử 500 năm trước công nguyên, Vườn treo Babylon, một trong những kỳ quan của thế giới có thể được xem là công trình quan trọng đánh dấu sự ra đời của kỹ thuật trồng cây trong không gian. Đến cuối thế kỷ 20, thiết kế chi tiết và hiện đại kỹ thuật trồng cây trên mái nhà mới được công bố chính thức tại Đức vào thập niên 60. Quốc gia này hiện nay cũng đang dẫn đầu các nước trên thế giới trong việc phát triển mô hình này với khoảng 10% mái nhà đã được phủ xanh.

 

Trồng cây xanh trên mái nhà là một trong những giải pháp hiệu quả tại các đô thị

 

       Như vậy, có thể thấy rằng, kỹ thuật trồng cây trên mái nhà mới chỉ được nghiên cứu và triển khai trong vòng hơn nửa thế kỷ nhưng đã bắt đầu có mặt ở hầu hết các châu lục trên thế giới. Ở nước ta hiện nay, cũng đã xuất hiện một số công ty kinh doanh loại hình này, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ và chưa có nghiên cứu cụ thể nào được công bố. Do vậy, trong tương lai gần, chắc chắn sẽ cần nhiều hơn những thử nghiệm và nghiên cứu nghiêm túc về khả năng phát triển kỹ thuật trồng cây trên mái nhà trong điều kiện Việt Nam.

     Có thể chia giải pháp này thành 2 loại chính đó là kỹ thuật trồng sâu và trồng rộng.

      Kỹ thuật trồng sâu

      Công nghệ này còn được biết với các tên gọi khác nhau như khu trồng cây trên cao hoặc khu vườn sân thượng. Đặc điểm của loại này là có một lớp đất khá sâu, hơn 20 cm, để các loại cây bụi, thậm chí cây lớn có thể phát triển được. Để có thể tăng sự gia cố của công trình, người ta thường bố trí các hồ nước nhỏ xen lẫn.

     Công nghệ này đã triển khai thành công tại một số công trình lớn và công viên nổi tiếng trên thế giới như: công viên Trung tâm, Oakland, Califocnia hay công viên Canary Wharf Estate nằm tại quãng trường Canada… Ưu điểm của loại này là có thể trồng được nhiều loại cây có kích thước lớn, tuy nhiên yêu cầu phải tưới thường xuyên và khả năng chịu tải của mái nhà phải từ 290 - 970 kg/m2.

     Kỹ thuật trồng rộng

     Công nghệ trồng rộng chỉ cần một lớp đất mỏng để thực vật phát triển, do vậy cần phải thường xuyên duy trì lớp đất này. So với phương pháp trồng sâu, phương pháp này nhìn chung ít tốn kém hơn nhưng ngược lại, phải định kỳ kiểm tra và chỉ trồng được một số loại cây nhất định.

     Loại này thường được sử dụng đối với các mái nhà bằng phẳng hoặc có độ dốc xuôi. Chiều dày tối thiểu của lớp vật liệu tạo môi trường là từ 2 - 20 cm và tải trọng có thể đạt từ 49kg/m2 đến 98kg/m2. Do dễ lắp đặt hơn nên trong thực tế, kỹ thuật trồng rộng khá phổ biến và thực vật được trồng thường là các loại cỏ, rau có kích thước và khối lượng nhỏ.

 

Đà Nẵng - Thành phố Môi trường

 

      Qua kiểm chứng tại một số nơi đã triển khai lắp đặt, mô hình trồng cây trên mái nhà cho thấy, có rất nhiều lợi ích cả trực tiếp và gián tiếp. Lợi ích trực tiếp là giúp tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, theo nghiên cứu của Sonne và Jeffrey, so với mái nhà truyền thống, các mái nhà xanh có thể làm giảm nhiệt độ trung bình tối đa từ 54oC xuống còn 33oC tại Florida. Một nghiên cứu được tiến hành tại Chicago cũng chỉ ra rằng, tính trung bình nếu các tòa nhà tại đây đều lắp đặt mô hình mái nhà xanh thì hàng năm sẽ tiết kiệm chi phí điện cho điều hòa là 100 triệu USD. Vào mùa đông thì các mái nhà xanh sẽ giúp giảm lượng nhiệt thoát ra môi trường bên ngoài nhờ lớp màng cách nhiệt được tạo thành do hệ sinh vật trên mái nhà.

     Với những đô thị thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập úng sau những trận mưa lớn, mái nhà xanh có thể là một giải pháp thú vị. Thảm thực vật nếu được bố trí khoa học có thể giữ lại đến 75% lượng nước mưa rơi xuống mái nhà, sau đó dần dần trả lại khí quyển thông qua quá trình ngưng tụ và bay hơi tự nhiên. Đồng thời, các chất gây ô nhiễm trong nước mưa sẽ được giữ lại ở lớp đất, điều này đặc biệt có ý nghĩa, góp phần giảm áp lực đối với các đô thị có hệ thống thoát nước chung như nước ta hiện nay.

     Mô hình này còn là giải pháp giúp hấp thụ các chất bụi, làm trong lành môi trường không khí và quan trọng là khả năng hấp thụ khí CO2, một trong những khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo nghiên cứu các nhà khoa học trường Đại học Michigan, nếu thay thế các chất liệu mái nhà truyền thống ở một vùng đô thị có diện tích bằng thành phố Detroit (Mỹ) với dân số khoảng 1 triệu người bằng cây xanh thì kết quả đạt được sẽ tương đương với việc cắt giảm lượng cácbon đioxit do 10.000 chiếc xe tải hạng trung thải ra mỗi năm, điều này đã được chứng minh trong hàng loạt công bố của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Các mái nhà xanh chính là những bể hấp thụ khí CO2 cỡ nhỏ giúp con người "chống chọi" với biến đổi khí hậu.

     Ngoài ra, với các cư dân thành thị, những khu vườn trên mái nhà là cơ hội để họ tự tay trồng và thưởng thức rau quả hữu cơ, tăng cường phát triển hệ sinh thái và nông nghiệp đô thị, đảm bảo an ninh lương thực và sống gần gũi hơn với thiên nhiên. Các nghiên cứu cho thấy, hệ sinh thái ở những khu vườn trên nóc các tòa nhà cao đến 19 tầng vẫn có rất nhiều loài chim và côn trùng có ích.

     Như vậy, giải pháp kỹ thuật trồng cây trên mái nhà và tường phải đảm bảo các tiêu chí: Không thấm, không ảnh hưởng đến tường nhà, không ảnh hưởng mái nhà, vững chắc kể cả gió bão.

     Để triển khai ý tưởng này, TP. Đà Nẵng cần có quy định các tổ chức và cá nhân sở hữu các nhà cao tầng phải thực hiện giải pháp này như một phần cam kết BVMT, trong tiêu chí đánh giá bình chọn danh hiệu "Bông sen xanh", khuyến khích xây dựng logo, biển quảng cáo xanh.

     Giải pháp phát triển hệ thống không gian xanh cho đô thị Đà Nẵng theo theo mô hình mái nhà xanh qua phương thức xã hội hóa góp phần gia tăng diện tích cây xanh và tạo nên những nét ấn tượng xanh độc đáo trong kiến trúc đô thị hiện đại, xứng đáng với danh hiệu "Thành phố Môi trường". Đồng thời tăng khả năng hấp thụ CO2, bụi, nhiệt cho TP, xử lý được nước mưa và nước thải sinh hoạt. Đây được xem là giải pháp có tính khả thi cao và mang tính đột phá cho TP. Đà Nẵng.

 

            Hồng Cẩm

Nguồn: Tạp chí môi trường, số 8/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn