Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tam Ðảo

08/07/2014

     Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Đề án Phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo với tổng mức đầu tư 13.808 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2014-2015) và giai đoạn 2 (2016-2020). Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại VQG Tam Đảo; Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết lập các tuyến du lịch, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn làm cơ sở đưa VQG Tam Đảo là một trong những Vườn tiêu biểu của Việt Nam và quốc tế...

     Những giá trị đa dạng sinh học

     VQG Tam Đảo nằm trên dãy núi Tam Đảo, dài trên 80 km, rộng 10 km - 15 km chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Vườn trải rộng trên ba tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Tam Đảo), Thái Nguyên (huyện Đại Từ) và Tuyên Quang (huyện Sơn Dương), cách Hà Nội khoảng 75km về phía Tây Bắc, là nơi có tính đa dạng sinh học cao, là kho dự trữ các nguồn gen động thực vật quý hiếm.

     VQG Tam Đảo rộng 34.995 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 17.295 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 15.398 ha, phân khu hành chính, dịch vụ: 2.302 ha. Tam Đảo có hai kiểu rừng chính là rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi thấp, bao gồm 5 tầng: tầng vượt tán với các loài dẻ, chò chỉ, giổi, re... cao 28 m; tầng ưu thế sinh thái với các loài long não, kháo, gội... cao trung bình 20 m; tầng dưới tầng rừng chính cao trung bình khoảng 15 m; tầng chuyển tiếp cao trung bình 7 m và tầng thảm tươi, cây bụi gồm các loài thực vật với độ cao trung bình 2,5 m.

 

Cá cóc Tam Đảo

 

     Theo điều tra VQG Tam Đảo có 1.247 loài, 645 chi thuộc 169 họ thực vật, trong đó ngành hạt kín có số loài lớn nhất với 1.152 loài. Trong các loài thực vật này có 42 loài đặc hữu và 85 loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như hoàng thảo Tam Đảo, trà hoa dài, trà hoa vàng Tam Đảo, hoa tiên, chùy hoa leo, trọng lâu kim tiền. Bên cạnh đó, khu hệ động vật cũng rất đa dạng với 1.299 loài trong đó có 93 loài thú, 332 loài chim, 136 loài bò sát và 62 loài lưỡng cư. Vườn cũng đã ghi nhận được 651 loài côn trùng và 25 loài cá. Trong số các loài trên có 11 loài đặc hữu hẹp của VQG Tam Đảo gồm 2 loài bò sát, 1 loài lưỡng cư và 8 loài côn trùng. Loài lưỡng cư đặc hữu của Tam Đảo là cá cóc Tam Đảo. Động vật quý hiếm và đặc hữu của VQG Tam Đảo có giá trị rất lớn và đặc trưng như sóc bay, báo gấm, hổ, gấu ngựa, cầy mực, vượn, voọc đen, rắn sãi angen, rắn ráo thái dương. Hiện có 63 loài động vật quý hiếm với 4 loài được Công ước CITES bảo vệ, 17 loài thuộc nhóm IB và 33 loài thuộc nhóm IIB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.

     VQG Tam Đảo là tài sản quý của quốc gia, đem lại giá trị to lớn trong BVMT, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, dược liệu...

     Đề án phát triển du lịch sinh thái

     Đề án Phát triển du lịch sinh thái VQG Tam Đảo tập trung vào bốn nội dung chính: Quản lý, bảo vệ diện tích rừng; diện tích sử dụng để phát triển du lịch sinh thái; các tuyến du lịch sinh thái kết hợp tuần tra bảo vệ rừng; quy hoạch các công trình phục vụ Đề án.

     Theo đó để quản lý, bảo vệ diện tích rừng cần xác định rõ ranh giới, diện tích khu vực cho thuê môi trường rừng ngoài thực địa và trên bản đồ; Xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật thông tin diễn biến tài nguyên rừng cho từng lô trạng thái, xây dựng bản đồ hiện trạng rừng và đất rừng; Tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; hoàn thiện các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm phát hiện sớm cháy rừng, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời; Tổ chức bảo vệ, thường xuyên tuần tra, phát hiện sâu bệnh hại rừng; ngăn chặn kịp thời các hành động chặt phá cây rừng, chăn thả gia súc, săn bắn bẫy bắt động vật hoang dã và các hành vi xâm hại đến rừng; hướng dẫn khách du lịch thực hiện các nội quy của VQG, khu du lịch sinh thái.

     Diện tích sử dụng để phát triển du lịch sinh thái gồm có diện tích cho thuê môi trường rừng đến năm 2020 là 1.703,90 ha và phân khu Phục hồi sinh thái: 670,0 ha. Mức độ tác động của hoạt động du lịch sinh thái tối đa là 20% tổng diện tích được thuê môi trường rừng đặc dụng, trong đó cho phép sử dụng là 5% tổng diện tích được thuê để làm đường mòn, điểm dừng chân, xây dựng văn phòng, nhà làm việc, cơ sở hạ tầng, vui chơi giải trí và khu công năng phục vụ dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... Phần diện tích được thuê phải được xác định rõ trên bản đồ và phân định rõ ngoài thực địa thông qua hệ thống biển báo.

     Tuy nhiên phát triển du lịch cũng ẩn chứa những thách thức đối với công tác bảo tồn trong thời gian tới, do vậy Đề án đã đề ra một số giải pháp thực hiện:           

     Quản lý bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học: Tổ chức thực hiện các biện pháp tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản và các động vật hoang dã, tăng cường kiểm soát lửa rừng; Đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng phù hợp với điều kiện sinh thái; giao khoán bảo vệ rừng đối với các hộ gia đình ở vùng đệm. Phục hồi, phát triển vốn rừng và không ngừng nâng cao chất lượng, độ che phủ của rừng; Nâng cao năng lực bảo tồn thiên nhiên, xây dựng các cơ sở dữ liệu, lập các chương trình, kế hoạch bảo tồn các loại động vật đặc hữu, quý, hiếm; Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn, hỗ trợ cộng đồng tại khu vực.

     BVMT và phát triển du lịch sinh thái: Xây dựng các tuyến, điểm du lịch sinh thái nhằm khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên theo nguyên tắc: không làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động xấu đến tài nguyên động thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của VQG Tam Đảo. Bên cạnh đó tổ chức tuyên truyền giáo dục, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về BVMT trong cộng đồng dân cư, khách du lịch, các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn; kết hợp hài hòa giữa giáo dục, động viên khen thưởng đi đôi với các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, nhằm bảo vệ có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái.

     Cơ chế, chính sách: Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông đường trên cao (cáp treo), đường bộ và nâng cấp các tuyến đường đến các điểm du lịch của VQG Tam Đảo để tạo thuận lợi phát triển du lịch sinh thái; Khuyến khích đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút được các nhà đầu tư tham gia hoạt động du lịch sinh thái dưới các hình thức như: góp vốn cổ phần với doanh nghiệp nhà nước, hình thành công ty du lịch dựa trên sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với tư nhân; Khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư; bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.

     Giảm thiểu tác động môi trường: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về đánh giá tác động môi trường; bố trí xây dựng các công trình đảm bảo yêu cầu về bảo vệ rừng, BVMT; Phải có phương án giám sát chặt chẽ về bảo vệ rừng hiện có và trồng rừng bổ sung; Tuân thủ thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng; Có các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường khi Đề án hoạt động.

 

            Nam Việt

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014

Ý kiến của bạn