Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội

23/01/2014

     Trong suốt hai thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ ấn tượng hơn 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 và suy thoái kinh tế thế giới 2009). Năm 2012, với 6,8 triệu lượt khách quốc tế; 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch đạt 160 nghìn tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2013, số khách quốc tế đạt 6,12 triệu lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

     Phát triển du lịch đem lại tiềm năng tạo việc làm và thu nhập cho rất nhiều người, cả trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết lẫn trong quá trình vận hành các dịch vụ du lịch. Du lịch cũng đóng góp vào ngân sách quốc gia nói chung và địa phương nói riêng thông qua nghĩa vụ thuế, qua đó góp phần giúp chính quyền địa phương cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ người dân và du khách.

     Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều nơi, sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của du lịch lại gây ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên, môi trường và các cộng đồng địa phương. Những tác động tiêu cực này có khi là việc chiếm dụng một diện tích đất rộng lớn để làm du lịch, việc gây biến dạng sinh cảnh tự nhiên, hoặc sự xâm phạm của khách du lịch vào hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Tác động tiêu cực về môi trường bao gồm sự can thiệp của cơ sở hạ tầng vào cảnh quan thiên nhiên, mức tiêu thụ nước và năng lượng cao, ô nhiễm nguồn nước, lượng rác thải tăng lên đột biến và nhiều ảnh hưởng bất lợi khác. Đối với cộng đồng địa phương, du lịch cũng có thể làm méo mó nền văn hóa bản địa và cấu trúc xã hội của cộng đồng, gây phân hóa xã hội.

     Theo Tuyên bố Cape Town 2002, "Du lịch có trách nhiệm" được hiểu thống nhất là những hoạt động và quá trình du lịch trực tiếp, hoặc gián tiếp giảm thiểu những tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, môi trường, mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho cư dân địa phương và nâng cao sự phồn thịnh cho cộng đồng điểm đến du lịch. Du lịch có trách nhiệm giải quyết vấn đề vướng mắc giữa phát triển và bảo tồn; là phương thức phát triển bền vững với tính nhân văn sâu sắc, phát triển vì con người đảm bảo cân đối giữa các yếu tố: bên trong (cư dân địa phương), bên ngoài (du khách), trung gian (doanh nghiệp). Đây cũng chính là 3 thành phần trọng tâm tham gia và cùng hưởng lợi khi thực hiện quá trình du lịch có trách nhiệm. Những yêu cầu đặt ra khi doanh nghiệp phát triển du lịch bền vững là không ảnh hưởng đến môi trường, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến những khu vực rộng lớn. Đồng thời tập trung phát triển những khu vực nhỏ như các buôn làng, cộng đồng dân cư mà ít bị ảnh hưởng về văn hóa và xã hội. Lợi nhuận thu được sẽ chia sẻ với người dân địa phương và cộng đồng. Du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững cùng chung một mục tiêu là hướng tới phát triển bền vững. Do đó, những tôn chỉ của du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững là: toàn vẹn môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội, phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa.

 

Cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về du lịch có trách nhiệm với môi trường

 

     Nhận thức được rõ được tầm quan trọng của công tác BVMT trong phát triển du lịch, Chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố Du lịch có trách nhiệm là mục tiêu lớn nhất trong chiến lược phát triển của ngành trong tương lai. Trong bối cảnh đó, du lịch có trách nhiệm không đơn thuần mang ý nghĩa là một loại hình du lịch như du lịch bãi biển, du lịch di sản hay du lịch cộng đồng. Ngược lại, du lịch có trách nhiệm mang ý nghĩa về những hệ quả và tác động của du lịch đối với môi trường, cộng đồng và nền kinh tế địa phương. Du lịch có trách nhiệm không chỉ là vấn đề riêng của các khu vực môi trường tự nhiên được bảo vệ, mà bất kỳ doanh nghiệp du lịch nào, dù là ở một đô thị sầm uất, trung tâm tỉnh lỵ, hay trên vùng bình nguyên xa xôi, trong các làng mạc, trên hải đảo, đều có thể phát triển du lịch có trách nhiệm. Du lịch có trách nhiệm liên quan tới cách thức mọi người, doanh nghiệp và thể chế, tổ chức và vận hành hoạt động du lịch như thế nào.

     Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) do Liên minh Châu Âu tài trợ đang cung cấp những hỗ trợ về chính sách, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm, dạy nghề và đào tạo nhằm lồng ghép các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm vào hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Chương trình này hướng đến việc tìm kiếm và nhân rộng các hình mẫu hoạt động hiệu quả về du lịch có trách nhiệm với mục tiêu truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức cho toàn ngành du lịch về việc áp dụng các chính sách du lịch có trách nhiệm và quản lý điểm đến có trách nhiệm; quản lý du lịch biển tại các khu nghỉ dưỡng ven biển nhằm đảm bảo cộng đồng địa phương được hưởng lợi và ngăn chặn những tác động có hại đối với môi trường; nâng cao nhận thức cho thị trường du khách nội địa về du lịch có trách nhiệm, tôn trọng môi trường và bảo vệ các giá trị văn hóa bản địa trong bối cảnh phát triển du lịch. Việt Nam hiện đang phải ứng phó với một số vấn đề lớn nổi lên liên quan tới du lịch có trách nhiệm. Nếu không được xử lý phù hợp, những vấn đề này sẽ làm giảm khả năng mở rộng thị trường và tính bền vững của các điểm du lịch.

 

            Nguyên Hằng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

Ý kiến của bạn