Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Du lịch xanh - đáp ứng yêu cầu phát triển mới

13/03/2015

     Cùng với hiệu ứng chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, hội nhập, cạnh tranh, đang xuất hiện những yếu tố đi ngược lại với phát triển bền vững: Cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường, suy thoái, tha hóa yếu tố truyền thống... Bên cạnh sự phát triển nhanh và mạnh về số lượng và chất lượng, hoạt động kinh doanh du lịch cũng bộc lộ những tác động xấu đến môi trường, kể cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn. Vấn đề sử dụng quá mức tài nguyên, năng lượng, tạo ra nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, những tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại lai và những hạn chế trong nhận thức về BVMT đã làm giảm hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại, làm môi trường xuống cấp, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Đây là nguy cơ chính cho ngành du lịch trong giai đoạn tới.

    Để góp phần giải quyết nguy cơ này, những nhà quản lý kinh doanh du lịch đã đưa ra khái niệm du lịch có trách nhiệm, tức là hoạt động du lịch tập trung vào trách nhiệm của những bên tham gia trong lĩnh vực du lịch và các địa điểm, để có hành động đạt đến sự phát triển du lịch bền vững. Theo Tuyên bố Cape Town (2002), du lịch trách nhiệm sẽ đem lại những nơi tốt hơn để sống, những nơi tốt hơn để tới, trải nghiệm của khách du lịch sẽ đem lại công bằng xã hội, cơ hội kinh doanh tốt hơn cho người dân, cộng đồng địa phương thông qua các lợi ích kinh tế, xã hội và BVMT, sử dụng hợp lý các tài nguyên tự nhiên. Du lịch có trách nhiệm giải quyết vấn đề vướng mắc giữa phát triển và bảo tồn, là phương thức phát triển bền vững với tính nhân văn sâu sắc, phát triển vì con người đảm bảo cân đối giữa các yếu tố: bên trong (cư dân địa phương), bên ngoài (du khách), trung gian (doanh nghiệp). Đây cũng chính là 3 thành phần trọng tâm tham gia và cùng hưởng lợi khi thực hiện quá trình du lịch có trách nhiệm. Đồng thời cũng chính là mục tiêu hướng tới của du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020, hướng đến sự gia tăng về chất trong các hoạt động phát triển.

 

Không gian bên trong khuôn viên Khách sạn Xanh, TP. Huế

 

     Xuất phát từ thực tế đó, đòi hỏi trong nhận thức tới hành động của các bên tham gia vào hoạt động du lịch phải cân nhắc tới những yếu tố xã hội và môi trường. Yêu cầu tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường hay còn gọi là sản phẩm xanh đến từ chính khách du lịch, khiến các chủ đầu tư, kinh doanh du lịch phải thay đổi tư duy và sản phẩm của mình cho phù hợp. Trong bối cảnh đó, khách du lịch có trách nhiệm với những nhu cầu, hành vi, sở thích, tâm lý, thái độ của họ cần được nghiên cứu.

     Việt Nam xác định phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển quốc gia hiện tại và tương lai nên đã và đang triển khai Chương trình Nghị sự 21 của quốc gia và các chiến lược phát triển đất nước. Trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam hiện nay, khách sạn là khối có sự cạnh tranh tương đối khốc liệt vì rất nhiều bảo hộ cho việc đầu tư khách sạn đã dần dần bị loại bỏ. Theo cam kết giữa Việt Nam và các nước thành viên khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 100% vốn trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các loại cơ sở lưu trú du lịch khác. Sự hiện diện của các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới trong đầu tư đi kèm với tác phong hoạt động chuyên nghiệp, quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện và đặc biệt với những thương hiệu quản lý khách sạn như Accord, Hilton, Starwood… đã góp phần đưa ngành khách sạn Việt Nam phát triển ngang tầm với các nước du lịch phát triển trong khu vực. Sự thâm nhập thị trường mạnh mẽ thông qua nhiều hình thức của các nhà đầu tư và quản lý khách sạn nước ngoài sẽ làm xói mòn dần những lợi thế vốn được coi là thế mạnh của các khách sạn đầu tư trong nước như am hiểu tâm lý, quan hệ truyền thống. Mặt khác cũng khiến các nhà đầu tư trong nước phải tự thay đổi phương thức đầu tư, kinh doanh, là động lực buộc các khách sạn hoàn thiện, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, đưa ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, phù hợp với thị trường để có thể đứng vững trong cạnh tranh, đem lại lợi ích cho nền kinh tế và khách du lịch.

     Ngành du lịch Việt Nam từ năm 2000 đến nay đã chứng kiến giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về lượng, chủ yếu mở rộng đầu tư. Về cơ sở lưu trú du lịch, nếu năm 2000 mới có 3.000 cơ sở, với 67.000 phòng thì đến nay, đã có hơn 15.300 cơ sở, với hơn 320.000 phòng. Số lượng khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa tăng trưởng đáng kể.

     Hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch có tác động trực tiếp và gián tiếp đến suy thoái môi trường tự nhiên và xã hội do tiêu thụ một lượng lớn năng lượng, nước, vật tư hàng hóa, tạo ra nhiều chất thải (rác thải, nước thải, khí thải và tiếng ồn), gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có nhiều hoạt động tương tác giữa đơn vị với khách lưu trú và cộng đồng địa phương.

     Khách sạn Xanh (KSX) được hiểu là khách sạn làm tốt công tác BVMT, phát triển bền vững, cung ứng các dịch vụ và sản phẩm theo hướng tác động tích cực đến môi trường, góp phần BVMT.

     Phát triển bền vững trong khách sạn được hiểu là sự phát triển trong đó có sự kết hợp cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố số lượng và loại khách du lịch mà các hoạt động của họ tại khách sạn, cùng với khách sạn có tác động tổng hợp tới điểm du lịch để có thể duy trì sự phát triển trong tương lai mà không làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Loại hình này đã phổ biến ở nhiều quốc gia như Ôxtrâylia, Mỹ, Pháp, Thái Lan nhưng vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Tại Việt Nam hiện có trên 15000 cơ sở lưu trú du lịch, nhưng mới chỉ có 29 khách sạn được trao chứng nhận Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh (Danh hiệu cho “KSX” tại Việt Nam). Các tiêu chí để đánh giá KSX có sự khác nhau giữa các quốc gia nhưng vẫn có những điểm chung trong khung đánh giá, trong đó nhấn mạnh những tiêu chí về các khía cạnh môi trường. Việc được trao tặng danh hiệu KSX giúp khách sạn thêm một công cụ và lợi thế để xây dựng chiến lược marketing và triển khai các hoạt động marketing tổng hợp cho nhãn hiệu. Như vậy, KSX là một loại sản phẩm/dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch có trách nhiệm, mua sản phẩm dịch vụ này tại Việt Nam cần được những người làm marketing nghiên cứu.

 

Lối kiến trúc sinh thái thông minh - tận dụng nguồn
năng lượng mặt trời của Khách sạn Rex, TP. Hồ Chí Minh

 

     Theo một số nghiên cứu tại châu Âu, nhiều đối tượng khách đã có nhu cầu và xu hướng chọn KSX trong chuyến đi của mình dù giá dịch vụ có thể cao hơn so với khách sạn cùng hạng. Thực hiện tốt việc BVMT ở bên trong và xung quanh cơ sở lưu trú du lịch sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định của doanh nghiệp.

     Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, khách du lịch đến Việt Nam đang có xu hướng chọn các khách sạn, khu du lịch và các dịch vụ, hàng hóa bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Đó là xu hướng của khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Thái Lan. Họ có ý thức và nhu cầu cao về an toàn và sức khỏe, ngày càng nhiều người muốn quay về với thiên nhiên. Tổ chức Trip Advisor nghiên cứu cho thấy, 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và cho các lựa chọn du lịch bền vững (WEF), 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn (CESD và TIES). Theo nghiên cứu của Tổ chức SNV của Hà Lan, 52% du khách có xu hướng thích đặt tour qua các hãng lữ hành được chứng nhận có điều kiện làm việc tốt, tham gia BVMT và hỗ trợ hoạt động từ thiện ở địa phương. Vì vậy, các cơ sở lưu trú du lịch cần triển khai thực hiện và tập trung tuyên truyền cho những chương trình, dịch vụ thân thiện với môi trường để thu hút khách.

     Trong giai đoạn hiện nay và tương lai, cạnh tranh giữa các cơ sở lưu trú không chỉ ở chất lượng dịch vụ, thương hiệu và còn là loại sản phẩm dịch vụ có đáp ứng nhu cầu của du khách hay không. Vì vậy, các nhà quản lý cần quan tâm đến nhu cầu, hành vi của du khách. Việc nghiên cứu hành vi mua của khách lưu trú tại KSX sẽ góp phần xác định nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ xanh tại Việt Nam. Các chiến lược marketing phù hợp sẽ góp phần thu hút khách và giúp định hướng phát triển hoạt động du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam, trong đó có các KSX.

 

ThS. Lê Thanh Bình

Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

Ý kiến của bạn